Làm ăn với Trung Quốc – Lợi bất cập hại? (Bài 2)

0:00 / 0:00

Bài 2: Xuất khẩu chính ngạch – Mở cánh cửa hẹp

Khi hàng loạt hộ nông dân kêu cứu vì hàng nông, hải sản tồn kho vì thương lái Trung Quốc “bỏ chạy”, các địa phương, Hiệp hội mới lên tiếng kêu gọi các doanh nghiệp trong nước và các hội, đoàn thể vào cuộc giải cứu. Tuy nhiên, số lượng hàng nông sản tồn kho ngày một nhiều vì không chỉ đường biên mậu bị ứ đọng sản phẩm do Hải quan TQ đưa ra nhiều yêu cầu mới mà ngay cả đường chính ngạch cũng gặp khó khăn.

TQ siết nhập khẩu do…đâu?

Đứng ở góc độ kinh tế phân tích, chuyên gia Kinh tế-Tài chính Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm lý do tại sao TQ gia tăng hàng rào kỹ thuật với hàng nhập khẩu từ đường biên mậu của Việt Nam. Theo ông, ngoài thương chiến Mỹ-Trung đang leo thang nên TQ đưa ra nhiều chế tài để kiểm tra khó khăn hơn hàng hóa theo đường biên mậu, tạo hàng rào thuế quan, kiểm soát chặt hơn để chặn những lô hàng từ VN sang TQ tại các cửa khẩu thì việc đồng nhân dân tệ mất giá cũng có thể là lý do của phía TQ.

Thêm vào đó, giá hàng xuất khẩu (XK) từ VN sang TQ trở nên đắt đỏ hơn vì đồng nhân dân tệ ( NDT ) mất giá rất mạnh lên đến 7,14NDT/ 1 USD tăng hơn 3% từ đầu năm đến giờ trong khi đồng VN giữ giá ổn định với USD nghĩa là VND tăng giá so với NDT hay ngược lại NDT giảm giá trị so với VND nên hàng XK của VN tính ra đồng NDT trở nên đắt đỏ hơn do đó hàng VN XK sang TQ không những gặp rào cản kỹ thuật mà đặc biệt còn là do đồng NDT mất giá so với VND nên hàng hóa VN sang TQ trở nên đắt đỏ hơn nên đẩy người nông dân thường xuyên bán hàng sang TQ theo đường biên mậu gặp rất nhiều khó khăn. Đó là thực tế hiện tại.

Trong khi đó, trong một Hội thảo tìm giải pháp tháo gỡ xuất khẩu hàng sang TQ, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh nhận định, Trung Quốc đã thay đổi trở thành thị trường khó tính. Nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao cấp, trong đó có hàng nông thủy sản đòi hỏi chất lượng cao, an toàn, mẫu mã đẹp. Tuy nhiên, các DN xuất khẩu Việt Nam vẫn coi Trung Quốc như chợ biên giới, dẫn đến việc hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này vẫn đi bằng con đường tiểu ngạch và tùy tiện trong đóng gói bao bì, đệm lót, nhãn mác.

Tuy nhiên, với lập luận trên của Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á, châu Phi, cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết lại phân tích theo cách khác. Ông cho rằng nguyên tắc từ cổ chí kim về xuất khẩu là phải đi theo đường chính ngạch còn vấn đề nhập biên mậu chỉ là để thực hiện chính sách đối với người dân tộc ở miền biên giới, không phải cách nhập khẩu chính thức giữa các quốc gia. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã mở rộng biên giới và Nhà nước không quản lý nổi nên mới xuất hiện cách thức tuồn hàng qua lại tại các cửa khẩu để kiếm chác lẫn nhau và đó hoàn toàn không phải là phương thức buôn bán chính thức.

Việt Nam có thời gian dài mở cửa khẩu biên giới thành cửa khẩu quốc tế, để các tỉnh kiểm soát xuất, nhập khẩu, rồi dần dần biến tiểu ngạch thành “chính ngạch”, đó là sai lầm hết sức lớn trong vấn đề quản lý của đất nước.

Mực VN xuất khẩu
Mực VN xuất khẩu (AFP)

Đứng ở góc độ chuyên môn, ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại khẳng định lại rằng, phương thức xuất tiểu ngạch, biên mậu giữa Việt Nam và TQ đã có hàng chục năm qua nhưng đó không phải là cách phù hợp hiện nay.

Đó là ngụy biện của TQ, nói một đường làm một nẻo, đưa giá lên cao để họ thu hút mang hàng tới, tất cả nông sản khác kể cả cao su và dùng nhiều mánh khóe khác (như không có nhu cầu, hải quan không cho hoặc trốn…). VN từ nhiều chục nay đều bị tình trạng đó nhưng do người VN bế tắc không có thương trường và không có nơi tiêu thụ, sản xuất vô tổ chức, nông dân tự phát thấy được giá nuôi, trồng cao nên theo, sẽ gặp nhiều trở ngại của TQ. Nhà nước từ nhiều chục năm nay nên chủ động khắc phục, thị trường thế giới rộng lớn chứ đâu phải chỉ có 1 tỷ 4 người tiêu dùng của TQ.

“Mất bò mới lo làm chuồng”

Với phân tích của mình, ông Triết cho rằng Việt Nam không nên dựa vào thị trường TQ:

Để cho nông dân tự phát thì càng ngày càng thiệt, lệ thuộc thị trường TQ, khó rút ra bãi lầy đó là bảo thủ, thủ cựu không dám nhìn rộng ra thế giới như thị trường Nga, EU, Mỹ… không dám thoát ra mớ lùng nhùng để dân bị sa lầy suốt hàng chục năm nay, đứng về mặt chính sách chung là Nhà nước chưa làm trọn trách nhiệm.

Ông cho rằng biên giới VN và TQ dài 1600km, trong thực tế từ nhiều chục năm nay có nhiều ý kiến khác nhau về việc tại sao VN lại mở 6 con đường lớn từ biên giới về Hà Nội? Ông nói chính điều đó đã vô hình trung hợp thức hóa việc xuất tiểu ngạch giữa Việt Nam và TQ, tạo cơ hội cho thương lái TQ sang mua hàng VN thông qua đường biên mậu và ngược lại. Do đó, ông Lê Văn Triết nhắc lại:

Xu hướng giảm buôn bán biên mậu để đi vào phương thức chính thức là cách đúng nhất để quản lý hàng hóa qua lại.

"Xu hướng giảm buôn bán biên mậu để đi vào phương thức chính thức là cách đúng nhất để quản lý hàng hóa qua lại- Nguyên Bộ trưởng thương mại Lê Văn Triết"<br/>

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, Tổng thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam cũng đồng tình với cách lý giải trên, ông cũng cho rằng đã đến lúc VN cần mở rộng thị trường, hướng dẫn các DN chuyển đổi cách tư duy và hành động.

Phải định hướng vì thị trường người ta như vậy thì phải định hướng để xuất chính ngạch sang thị trường TQ . Các thị trường khác chưa có gì tác động và thay đổi gì cả"

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay Việt Nam có 9 loại quả tươi XK chính ngạch vào thị trường TQ gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật Bộ NN&PTNT cho biết từ đầu tháng 5/2019 TQ đã bắt đầu thông báo siết chặt quy định với trái cây nhập khẩu cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch. TQ yêu cầu sản phẩm để truy xuất nguồn gốc phải được cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Đây là hai yêu cầu cho hàng hóa xuất chính ngạch và Việt Nam đã có 1.300 mã số vùng trồng với trên 1.435 mã số cơ sở đóng gói được cấp phép. Hiện nay khó khăn nhất của DN Việt là một số loại trái cây vốn có lượng xuất khẩu lớn nhưng chưa được cấp phép XK chính ngạch sang TQ sẽ bị tắc nghẽn như sầu riêng, dừa…Sầu riêng mặt dù có mặt ở thị trường TQ rất nhiều từ trước nhưng phần đông đi theo đường tiểu ngạch, nay TQ siết giấy phép chính ngạch nên sầu riêng không thể xuất sang TQ nữa mà phải đợi Chính phủ đàm phán với TQ.

Riêng đối với mặt hàng gạo, DN XK phải có tên trong danh sách được phép XK thậm chí phía TQ sang kiểm tra thực tế cả DN XK lẫn nhà máy chế biến và vùng trồng lúa nên gạo vừa qua cũng vướng nhiều khó khăn XK mặc dù đi theo đường chính ngạch.

Hiện Bộ đã nộp hồ sơ cho sầu riêng và hy vọng vào năm 2020 sầu riêng VN sẽ được XK chính ngạch sang TQ

Mới đây, ngày 13/9 Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội nghị Phát triển xuất khẩu hàng hóa, nông thủy sang sang thị trường Trung Quốc. Hội nghị nhằm mục đích theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là nhằm đánh giá tình hình, định hướng tổ chức lại sản xuất để đáp ứng đúng yêu cầu của TQ, góp phần tận dụng các lợi thế từ Hiệp định ACFTA và tháo gỡ khó khăn cho nông thủy sản xuất sang Trung Quốc trước tình hình xuất khẩu nông, thủy sản sang TQ suy giảm mạnh trong thời gian qua.

Theo Bộ Công thương TQ vẫn là thị trường lớn nhất của VN đối với nhóm hàng nông, thủy sản, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này.

Bài 1: Xuất tiểu ngạch -Phá giá tại "sân nhà"Opens in new window ]

Bài 3: Tìm lối ra cho thương hiệu ViệtOpens in new window ]