Bài cuối: Tìm lối ra cho thương hiệu Việt
Rõ ràng đã đến lúc Việt Nam không thể lệ thuộc chỉ vào thị trường Trung Quốc. Các mặt hàng nông lâm hải sản của Việt Nam phải chinh phục các thị trường khác để định hình thương hiệu Việt Nam. Đó cũng là lúc Chính phủ VN cần quản lý chặt hàng nhập khẩu –cánh cửa xuất-nhập khẩu phải được kiểm soát chặt từ lúc này để một mặt đưa sản phẩm Việt vào thị trường mới, mặt khác kiên quyết chống gian lận thương mại, bao gồm gian lận xuất xứ để tránh bị Mỹ và các đối tác thương mại trừng phạt…
Chính phủ nên làm gì?
Để làm được điều đó, trước mắt theo chuyên gia Kinh tế-Tài chính Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, ông cho rằng Việt Nam cần điều chỉnh một vài biện pháp để tương thích với thị trường Trung Quốc (trước tiên) vì dù gì đây cũng là thị trường láng giềng, thuận lợi xuất khẩu hàng nông sản –một trong những mặt hàng đòi hỏi thời gian xuất khẩu ngắn hơn các mặt hàng khác. Do đó, ông có ý kiến rằng:
Dưới quan điểm tài chính, thì tôi nghĩ có lẽ đến lúc nào đó Ngân hàng Nhà nước ( NHNN ) nên linh động hơn với giá trị đồng tiền nghĩa là trong tình trạng đồng nhân dân tệ ( NDT ) mất giá so với đô la và càng ngày càng mất giá tôi nghĩ đến cuối năm sẽ mất giá vài phần trăm thì đồng VN , để hỗ trợ người dân bán hàng sang TQ, phải để cho đồng VN trượt giá 1 vài phần trăm để bù trừ việc NDT mất giá . Bên cạnh đó, C hính phủ nên tìm lối thoát cho các nông dân VN bằng cách tìm thị trường mới.
Ông đưa ra ví dụ lạc quan như sản phẩm trái nhãn của VN vừa xuất sang thị trường Úc và được Úc hoan nghênh, vậy tại sao các mặt hàng trái cây khác của VN không xuất sang thị trường này mà phải chỉ bám vào thị trường TQ. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, ngoài việc Chính phủ đàm phán để mở rộng thị trường thì nông dân cũng phải tìm lối thoát cho chính họ, nên chủ động hơn nếu không sẽ cứ loay hoay với xuất khẩu tiểu ngạch.
Tiểu thương vùng biên mậu xuất hàng sang TQ gặp rất nhiều rủi ro và rủi ro lớn nhất là rào cản kỹ thuật do TQ dựng lên họ không nắm cho nên khi hàng đưa sang cửa khẩu bị kiểm tra và gửi trả lại thì mới biết hàng không đạt tiêu chuẩn của TQ. Do đó Chính phủ nên thu gom hàng nông sản bán sang TQ qua các kênh phân phối giữa các quốc gia thay vì để tiểu thương dùng đường tiểu ngạch bán hàng sang TQ, mặc dầu đây là vấn đề không dễ .
Mở rộng thị trường, tìm hướng đi khác cho nông sản Việt là vấn đề Chính phủ cần làm ngay tại thời điểm này nếu không muốn các mặt hàng nông lâm, hải sản của VN bị tồn kho. Đó cũng là ý kiến của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết. Ông còn cho rằng các Hiệp định thương mại song phương là rất tốt và đó chính là hướng đi mở ra cho nông dân VN.
Phải tạo điều kiện cho dân bước vào thị trường mới.
Ông đưa ra các đề nghị:
Có hai loại vấn đề, nhà nước lo thị trường và chính sách, tiếp tục ký các hiệp định song phương xem xét vai trò của Nhà nước (Bộ thương mại, Công thương, Tham tán các nước) hướng dẫn thị trường khuyến khích trồng, nguyên vật liệu, cụ thể hóa chính sách Nhà nước phải làm tích cực, tìm thêm thị trường mới , đàm phán, nghiên cứu thị trường và phổ biến cho người dân từ vấn đề nhập đến xuất. Người dân phải được hướng dẫn, giáo dục và Nhà nước có biện pháp xử lý, có biện pháp uốn nắn, không nên nghe TQ nói, ào ào sản xuất, chạy theo lợi nhuận mà đổ vấy cho Nhà nước cũng không nên; hạn chế biên mậu, lực lượng thương lái, cửu vạn dọc biên giới để tuồn hàng sang TQ, Nhà nước ra quy định không cho làm nghề đó nữa.
Ông Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội nghề cá cũng cho rằng trước những rủi ro liên tiếp mà bà con ngư dân phải gánh chịu vì thương lái thời gian gần đây, Hội nghề cá đã khuyến khích người dân tìm hiểu, lắng nghe và mạnh dạn đầu tư lớn để chuyển hướng sang xuất khẩu chính ngạch.
Khuyến khích đi chính ngạch an toàn hơn, tiểu ngạch thiếu an toàn rủi ro. Thay đổi thường xuyên là rủi ro của bà con và nhà nước cố gắng đàm phán và trao đổi, nhiều khó khăn ở thị trường TQ. Vẫn phải điều chỉnh dần, một số khó khăn. Hội khuyến khích kiến nghị đưa vào danh sách có ách tắc nhất định cục chế biến và phát triển thị trường, tìm nhiều thị trường khác chứ không phụ thuộc vào thị trường TQ. Kêu gọi các doanh nghiệp gắn kết tìm đường tiêu thụ cho bà con ngư dân. Nhiều DN có trách nhiệm, cùng tháo gỡ khó khăn, nông sản có lúc kêu gọi giải cứu mang tính chất tức thời. Tiêu thụ trong nội địa cũng là giải pháp giúp bà con ngư dân tiêu thụ hàng hóa của mình.
Nâng tầm thương hiệu
TS Nguyễn Văn Lạng, Tổng Thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết,
Hiệp hội kiến nghị Bộ NNPTNT đề nghị TQ đưa ra các yêu cầu cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật, thống nhất chung quy ước ghi thông tin sản phẩm trên bao bì để thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện cũng như kiểm tra, thông quan hàng hóa.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản cũng cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần hướng đến các tiêu chuẩn lớn hơn. Ông phân tích đối với ngành thủy sản của VN:
VN có 3 nhóm sản phẩm chính là tôm, cá tra và hàng hải sản. Tôm VN có tỉ lệ đáp ứng chỉ 50% công suất, cá tra 70% nhưng mặt hàng chế biến hải sản chỉ đáp ứng 20% nhưng chất lượng dở do lượng cá biển giảm nên phải chọn con đường làm giàu nguồn lợi hải sản bằng cách nuôi trồng. Mặt biển rộng 1 triệu km2, muốn canh tác biển phải làm bài bản đầu tư.

Ông đồng ý việc chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rất quan trọng do đó sản phẩm của VN muốn xuất chính ngạch vào bất cứ thị trường khó tính nào cũng được nếu đầu tư, nâng tầm chất lượng từ khâu đầu đến khâu cuối. Và, để làm được điều đó Chính phủ cần phải có những chương trình đào tạo và hướng dẫn cho từng hộ sản xuất, kinh doanh từ cá thể đến sản xuất nhỏ và doanh nghiệp lớn.
Ông cho biết Hiệp hội nuôi trồng biển đang triển khai chương trình đào tạo và huấn luyện biến ngư dân thành công nhân làm các thao tác công nghiệp và người quản lý trại theo quy mô công nghiệp. Ông cho rằng, chỉ cần 2% (khoảng 1.000 hộ) trong số khoảng 50.000 hộ gia đình nuôi biển hiện nay tham gia chương trình này thì đến năm 2030, các ngư dân VN sẽ học được cách làm giàu bằng nuôi biển, không lệ thuộc vào bất cứ thị trường xuất khẩu nào như hiện nay. Tạo điều kiện cho ngư dân tham gia vào chuỗi giá trị bền vững.
Với lộ trình chuẩn bị toàn diện như vậy, theo ông Dũng, hàng thủy sản VN sẽ không bị bất cứ rào cản nào từ các thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường Châu Âu khi trong tháng 6 vừa quan Việt Nam và EU đã ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA). Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn và phát triển mạnh mẽ hơn giữa Việt Nam và EU.
Được biết, đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
[ Bài 1: Xuất tiểu ngạch -Phá giá tại "sân nhà"Opens in new window ]
[ Bài 2: Xuất chính ngạch -Mở cánh cửa hẹpOpens in new window ]