COVID-19: Rác thải F0 tại nhà thành nguồn lây lan dịch

0:00 / 0:00

Từ ngày 28/2, Bộ Y Tế Việt Nam đã có Công văn gửi qua Bộ Tài nguyên-Môi trường, yêu cầu tăng cường quản lý chất thải với các trường hợp mắc COVID- 19 (F0) điều trị tại nhà.

Bộ Y Tế đề nghị Bộ Tài nguyên- Môi trường chủ trì, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp tăng cường kiểm tra, xây dựng và thực hiện phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh, hướng dẫn việc phân loại chất thải…

Một cư dân Hà Nội, ông Toàn, thừa nhận mặc dù Hà Nội đã ban hành quy định xử lý rác từ F0 điều trị tại nhà, thế nhưng việc triển khai và thực hiện vẫn bất cập, khả năng lây nhiễm còn cao do sự thờ ơ, mất cảnh giác:

"Hiện khu nhà của tôi có mấy cháu bị, mấy phòng bị COVID nhưng trong xóm người ta không sợ mà hốt rác người ta cũng không sợ. Họ tự đi mua thuốc, tự mua que thử, lá xông…Rác thì có mà đầy, công nhân vệ sinh môi trường, mấy ông bà thu gom rác cũng không ngại gì".

Nói bất cập ở đây có lẽ là do không chấp hành việc phải khai báo khi gia đình có F0, chứ không phải ở khâu thu gom rác, là giải thích của một công nhân vệ sinh môi trường ở Hà Nội:

"Em là Huê, quản lý vệ sinh môi trường 3 phường Hàng Gai, Hàng Bồ, Cửa Đông. Cũng xin chia sẻ thật đấy là những trường hợp không khai báo thôi, còn những trường hợp đã khai báo lên phường thì các phường đều thông báo lên công ty bọn em hết. Những trường hợp không khai báo thì bọn em vẫn đi thu nhưng không biết đâu là nhà có rác F0 thôi".

“Nhà nào có F0 mà có khai báo và tự cách ly tại nhà thì phường phát cho những cái túi gọi là túi y tế. Phường nào trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng đều có lịch trình thu rác F0. Thí dụ phường Hàng Gai qui định 15 giờ chiều chẳng hạn, người ta chỉ việc để ra cửa thì bọn em có một đội đi thu bằng xe tải riêng. Xong đến phường Cửa Đông là 16 giờ thì các hộ ở đấy cứ bỏ ra cửa là bọn em đi thu. Nói chung là báo cũng nhiều kiểu nhưng bọn em đi làm trực tiếp thì báo biết qui trình bên em là làm như thế nào mà”.

000_1VB6DL.jpg
Rác chất cao tại một bãi rác tạm gần các toà nhà cao tầng ở Hà Nội hôm 17/7/2020. AFP

Ban đầu thì ai cũng sợ, chị Huê kể, nhưng dần rồi quen vì ai nấy đều được bảo hộ y tế cẩn thận, rác mang về cũng được khử khuẩn ngay. Tuy nhiên có F0 trong nhà mà không báo lên phường là vi phạm, là khiến cho công việc thu gom rác thành bất cập như vậy:

"Đấy là nguy cơ luôn, tại vì chính công nhân bọn em đi làm cũng bị F0 nhiều, mà nguồn lây thì nói thật không biết từ đâu. Khi mà bọn em thu rác, mà người bị F0 lúc đấy người ta đâu có biết. Đến lúc biết rồi người ta mới cách ly thì lúc đấy bọn em đã thu trong thời gian người ta bị mà người ta chưa phát hiện".

Thực tế thì tất cả các loại chất thải đều là mầm mống gây bệnh, phương chi chất thải từ F0 vào khi Omicron vẫn lây lan mạnh, là khẳng định của bác sĩ Nguyễn Viên, nhiều chục năm làm việc trong ngành Y Tế trong và ngoài chính phủ, thường xuyên có những bài phản biện xây dụng trên mạng xã hội ở TPHCM. Ông nhận định về thực tế hiện nay ở Việt Nam:

"Chưa có vấn đề phân loại rác từ những ca F0. Mặc dù có qui định nhưng cũng ít người đọc, nó không thành bắt buộc, số người tuân theo qui định phân loại rác của ca F0 cũng ít."

Tại Việt Nam, ông nói, việc phân loại rác độc hại thường được thực hiện tại những cơ sở y tế hơn là ngay từ các hộ dân:

“Thùng màu xanh cho rác sinh hoạt, thùng màu vàng cho những rác có khả năng lây nhiễm cao. Những loại cao nhất nữa thì có nhưng thùng rác có đánh dấu riêng.”

Trong khi đó, ông nói, các hộ dân có F0 và tự cách ly tại nhà thì chừng như chưa có sự quan tâm là rác người bịnh thải ra phải để ở đâu, xử lý như thế nào:

“Bây giờ đa số người dân được chích ngừa rồi, biến chủng Omicron thì được xem như là nhẹ, thành ra về vấn đề lây nhiễm ngươi ta cũng ít sợ đi, từ đó ý thức để tránh lây lan cho cộng đồng cũng ít đi. Việc xử lý để tránh lây lan từ rác thải hầu như không được đặt ra trong dân chúng, trong cộng đồng.”

Điều đáng nói, dù chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng nắm bắt được thực trạng bất cập nhưng không thể giải quyết hết vì không đủ nhân lực.

Đối với bác sĩ Nguyễn Viên, Việt Nam tự hào về uy tín và năng lực phòng chống dịch COVID-19, khẳng định chủ trương đúng đắn về “chiến lược vắc-xin” của Đảng, Chính phủ, thì cũng phải bảo đảm kiểm soát được tình trạng rác thải F0 gây nguy hại trong dân và trong môi trường:

"Tôi nghĩ phải thực hiện một cách căn cơ và lâu dài chứ không chỉ trong đối phó với dịch bệnh. Ở các nước người ta phân loại rác nhưng đồng thời phải có thùng rác riêng chứa những mẫu bênh phẩm có khả năng lây lan cao."

“Hiện giờ chỉ có qui định trên văn bản thôi, chứ còn thật ra người dân thì cứ bỏ chung rác phân hủy được và rác không phân hủy được.”

“Nguồn rác thứ ba có khả năng lây lan cao thì cũng không có bắt buộc phải đặt ra thùng rác riêng. Đương nhiên kêu gọi ý thức qua báo, qua đài không chỉ trong dịch bệnh mà qua khỏi dịch bệnh rồi”.

Cho đến nay kế hoạch phân loại rác tại các đô thị lớn ở Việt Nam vẫn chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. Ngân sách Nhà nước và nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế cho kế hoạch này bấy lâu nay vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Nay dịch bệnh COVID-19 trở nên một thách thức nữa cho Việt Nam trong lĩnh vực xử lý rác thải y tế để chặn nguồn lây nhiễm và bảo vệ môi sinh.