Đối ngoại ‘cân bằng động’ với các nước lớn

Một số hoạt động ngoại giao diễn ra ngay ttrong tháng giêng năm 2018. Đáng chú ý là chuyến đi của ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang Ấn Độ dự thượng đỉnh ASEAN- New Dehli. Rồi hai chuyến thăm dường như đồng thời của hai vị bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Nga đến Việt Nam. Nhận định về hoạt động đối ngoại đó ra sao?

Quan hệ đối ngoại thiên về an ninh – quốc phòng

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề phát triển (VIDS), nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan cho rằng, chính sách “đa dạng hóa” trong đối ngoại của Việt Nam đã được triển khai ở một tầm mức cao hơn, có trọng tâm, trọng điểm trong quan hệ với các nước lớn; nội dung công khai, cụ thể và chi tiết hơn so với giai đoạn trước. Bên cạnh đó, Việt Nam thể hiện vai trò tích cực thúc đẩy sự hợp tác giữa ASEAN với các đối tác lớn trong các vấn đề chung của khu vực.

“Đây là một không khí, một xu thế đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, quan hệ đối ngoại của Việt Nam, nhưng lần này chú ý đến đối ngoại về quốc phòng, nhấn mạnh đến những vấn đề an ninh, trong khuôn khổ an ninh khu vực, cũng như an ninh của Việt Nam.”

Yếu tố Trung Quốc là điều mà ông Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Minh Triết nhấn mạnh trong các hoạt động đối ngoại đầu năm của Việt Nam. Bởi theo ông, Việt Nam và các nước đối tác lớn của khu vực đều có chung mối quan tâm với quốc gia đông dân nhất thế giới và đang tìm cách kiềm chế, đối trọng và cân bằng sức mạnh trong khu vực Châu Á. Do vậy, Việt Nam cần tận dụng cơ hội hợp tác này.

“Mối quan hệ của họ không chỉ là quan hệ quốc phòng, mà còn cả quan hệ kinh tế. Tôi tin rằng Nga đang muốn bán nhiều vũ khí cho Việt Nam, Mỹ cũng muốn bán nhiều vũ khí cho Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam cần vũ khí cả của Nga và Mỹ để củng cố quốc phòng cho mình. Nói như tướng (Nguyễn Chí) Vịnh là để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.”

Quan hệ đối tác Việt – Mỹ sang trang mới

Ngay sau chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis trong hai ngày 24 và 25 tháng giêng, Việt Nam và Hoa Kỳ tiến hành cuộc Đối thoại song phương về Chính trị - An ninh - Quốc phòng lần thứ 9 tại Hà Nội vào ngày 30 tháng giêng.

Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng, mối quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ ngày càng khăng khít và đa dạng trên nhiều lĩnh vực là điều rất tích cực, giúp Việt Nam bảo vệ lợi ích quốc gia và Mỹ đang muốn xây dựng một mối quan hệ đối tác bền vững với Việt Nam.

“Không phải chỉ để kiếm tìm mối quan hệ để mua súng đạn, tàu, khí tài của họ. Mà cái sâu xa hơn là cùng tạo được mối hợp tác mới với họ, để thu hút được năng lực của họ về khoa học – kỹ thuật, về nền dân chủ, về mối quan hệ xã hội, về phương thức quản trị đất nước. Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội, bây giờ phải khôi phục lại, trong thời cơ mới, phải tận dụng tối đa.”

Trong nhiều năm trở lại đây, mối quan hệ đối tác Việt – Mỹ được củng cố. Trong năm 2017, Hoa Kỳ tặng Việt Nam tàu tuần duyên lớp Hamilton đầu tiên - nay là tàu Cảnh sát biển 8020. Đây là chiếc tàu tuần tra lớn nhất của Việt Nam. Tháng 3/2018 tới đây, đội tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ ghé thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, chuyến thăm đầu tiên của một hàng không mẫu hạm đến Việt Nam kể từ khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1975.

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng nhận định, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ là có bài bản, lớp lang, nội dung cụ thể, đi từng bước chắc chắn.

“Cái điểm nhấn ở đây là lịch sử đã sang trang, mối quan hệ Việt - Mỹ đã có bước chuyển về chất. Nó sẽ mở ra những cơ hội mới, mà tôi nghĩ không phải chỉ vấn đề an ninh – quốc phòng.”

Tăng cường quan hệ hợp tác để cân bằng

Các hoạt động đối ngoại của Việt Nam gắn chặt với tình hình đang diễn tiến từng ngày trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong bối cảnh Mỹ công bố chính sách an ninh quốc gia mới; sự ra đời của chiến lược “Indo-Pacific” bởi tứ giác kim cương về an ninh Mỹ – Nhật Bản – Australia – Ấn Độ; Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Vành đai – con đường”; Nga muốn quay lại Châu Á – Thái Bình Dương.

ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng nằm trong khu vực địa chính trị chiến lược quan trọng, là điểm giao thao trong chính sách an ninh – quốc phòng, cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn. Vì vậy, ASEAN có vai trò đặc biệt, cần một sự hợp tác nội khối với các đối tác lớn bên ngoài.

Các hoạt động ngoại giao tấp nập tại Việt Nam, Ấn Độ và các quốc gia có vị trí quan trọng khác trong khu vực nhằm xây dựng tập hợp lực lượng mới để cân bằng, đối trọng, kiềm chế sức ảnh hưởng và các mối đe dọa an ninh chung do Trung Quốc đang tạo nên trên Biển Đông, Biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương.

“Ở đây đang có những chuyển động khác trước đây, nó hứa hẹn tất cả đều nhận thức được, ý thức được về một nguy cơ chung, và hy vọng sẽ có hành động đi đến làm thế nào vừa thúc đẩy cái hợp tác, đồng thời vừa kiềm chế những lực lượng quá khích, những động thái quá khích ảnh hưởng đến an ninh và phát triển trong khu vực.”

Riêng về phần Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Mai ghi nhận sự thay đổi trong sắc thái ngoại giao, cụ thể là Việt Nam đang tìm thế cân bằng mới, thoát dần sự ảnh hưởng của Bắc Kinh bằng cách “vừa cương quyết, vừa tế nhị”, bởi mối quan hệ Việt – Trung phức tạp và nhạy cảm. Tuy nhiên, theo ông Khắc Mai, để làm được điều này, Việt Nam cần cải thiện nội lực.

“Về mặt kinh tế, về mặt nhân quyền, dân chủ, tạo thế được một sức mạnh mới, ý chí mới của dân tộc, làm cho người dân tự lực, tự cường. Đấy là vấn đề của Việt Nam. Muốn tránh trở thành con tốt đen trong bàn cờ của họ, thì phải quay về với dân tộc, với nhân dân, phải xây dựng kế mà Trần Hưng Đạo gọi là “sâu rễ, bền gốc” mới có đủ nội lực để đối thoại với thiên hạ.”

Còn Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng nhấn mạnh, Việt Nam cần phải hợp tác sâu, rộng với các đối tác trong và ngoài khu vực để phá vỡ thế “bao vây chiến lược” hay “tứ bề thọ địch”.