Không có biển Đông trong chương trình hội nghị ASEAN

Ngày 3/4, tại thủ đô Phnom Penh đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần 20 và kỷ niệm 45 năm thành lập ASEAN, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN.

0:00 / 0:00

Xem xét 7 nghị sự

Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng các nước ASEAN, Tổng thư ký ASEAN và quan chức cấp cao khác của ASEAN.

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần 20, cũng là kỷ niệm 45 năm thành lập cộng đồng ASEAN, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Chủ tịch ASEAN năm 2012 cho biết được đảm nhận trách nhiệm Chủ tịch ASEAN, Campuchia có trách nhiệm cao và tính tự chủ để có thể đóng góp tiếp tục vào việc hiện thực hóa mục tiêu thành lập, xây dựng một cộng đồng ASEAN năm 2015 như đã tuyên bố trong Hiến chương ASEAN.

Sau hơn 40 năm phát triển, ASEAN ngày nay trở thành một thực thể kinh tế chính trị, với tầm ảnh hưởng ở khu vực Châu Á như đã trở thành một đối tác chiến lược không thể thiếu được của nhiều quốc gia lớn và tổ chức quan trọng trên thế giới.

Tuy nhiên, ASEAN vẫn phải đối mặt với những thách thức chung mà các nước thành viên cần phải giải quyết để hiện thực hóa mục tiêu ASEAN: một cộng đồng, một vận mệnh. Ngoài ra, trong lúc bối cảnh kinh tế và tài chính thế giới bất ổn, cùng với cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng ở Châu Âu cũng đang đặt ra một mối đe dọa lớn đối với sự ổn đinh, phát triển kinh tế xã hội của ASEAN. Khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN vẫn còn rất lớn.

Trên tinh thần mong muốn đóng góp tích cực hơn nữa trong những nỗ lực của ASEAN và xây dựng cộng đồng ASEAN và vượt qua tất cả những thách thách nói trên, Chủ tịch ASEAN Hun Sen đề xuất với các nhà lãnh đạo ASEAN xem xét 7 chương trình nghị sự Phnom Penh tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần 20 tuy nhiên trong đó không có vấn đề biển Đông.

Chủ tịch ASEAN Hun Sen cho biết chương trình nghị sự Phnom Penh: "ASEAN phải quan tâm đặc biệt đến việc tăng cơ chế đảm bảo ổn định tài chính trong khu vực để ngăn chặn và giải quyết những khủng hoảng có thể xảy ra. Thực hiện lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN trong giai đoạn 2009 – 2015. Thiết lập cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 để chuyển đổi ASEAN trở thành một thị trường chung thống nhất. Chương trình kết nối ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển và đảm bảo sức hòa nhập cho cộng đồng ASEAN. Tự do lưu thông di chuyển lao động có kỹ năng. Khắc phục thiên tai. Thúc đẩy các thành viên ASEAN hợp tác trong lĩnh vực tài chính và nông nghiệp."

Trước Hội nghị này diễn ra, các nước như Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia đều mong muốn đề cập đến vấn đề biển Đông tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần 20 diễn từ ngày 3-4/4 tại Phnom Penh. Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đặt chân đến Phnom Penh, chính phủ nước này cũng bày tỏ sự mong muốn có vấn đề biển Đông trong nghị trình Hội nghị vì không muốn quốc tế hóa.

Việt Nam đã cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy bản Quy tắc ứng xử ở biển Đông tại Hội nghị. Việt Nam từ chối giải quyết tranh chấp biển Đông song phương vì Việt Nam cho rằng vấn đề biển Đông là vấn đề chung, quan tâm chung của các nươc thành viên ASEAN.

Không có vấn đề Biển đông

asean-250.jpg
Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu tại buổi lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần 20, ngày 3/4/2012. Photo by Quốc Việt (Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu tại buổi lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần 20, ngày 3/4/2012. Photo by Quốc Việt)

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho RFA biết hồi chiều ngày 2/4: "Vấn đề biển Đông là một trong những vấn đề tại Hội nghị vì đây là vấn đề chung, quan tâm chung của các nước trong khu vực. Vấn đề biển đông không thể giải quyết song phương. Các vấn đề là phải giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, công ước luật biển năm 1982. Thực hiện hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC)."

Tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN trước thềm Hội nghị cấp cao diễn ra cùng ngày, Ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario nói với các phóng viên rằng Philippines đã quyết tâm đưa vấn đề biển Đông ra Hội nghị vì tranh chấp này cho thấy việc thực hiện chưa đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông và không tôn trọng luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc.

Philippines muốn các nước ASEAN giúp giải quyết tranh chấp biển Đông, sớm thống nhất lập trường về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trước khi đưa cho Trung Quốc một bản Bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc đàm phán.

Ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario cho biết thêm: "Tôi nghĩ rằng chúng tôi cần phải soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trước khi ngồi đàm phán với Trung Quốc. Hơn nữa, phải mời Trung Quốc đến đàm phán…"

Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong cũng cho biết vấn đề biển Đông là những vấn đề mà Ngoại trưởng các nước ASEAN bàn về quá nhiều. Và đây cũng là vấn đề phức tạp chưa có sự thống nhất trong khối ASEAN.

Mặc dù, nước chủ nhà Hội nghị có tuyên bố lấy vấn đề tranh chấp biển Đông làm vấn đề chung của các nước ASEAN nhưng không biết biển Đông sẽ được đưa vào thảo luận khi nào vì trước đây Indonesia, Việt Nam cũng không được đưa vào chương trình nghị sự của mình khi các nước này làm Chủ tịch ASEAN.

Theo dòng thời sự: