Giờ Trái đất 2020: vẫn cần tổ chức nhưng theo cách không tụ tập!

0:00 / 0:00

Hàng năm, sự kiện Giờ Trái đất luôn được Việt Nam hưởng ứng mạnh mẽ và rộng rãi với các hoạt động rầm rộ trên cả nước nhằm truyền bá thông điệp bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng đến cho mọi người.

Năm nay do dịch bệnh viêm phổi cấp do coronavirus gây ra lây lan nhanh trên toàn cầu với diễn biến phức tạp, chiến dịch lần này ít được truyền thông nhắc đến so với những năm trước. Báo trong nước vào ngày 17/3 loan tin trích Công văn số 1348 của Bộ Tài nguyên – Môi trường, cho biết chiến dịch Giờ Trái đất năm 2020 sẽ được tổ chức vào 20:30-21:30 thứ bảy, ngày 28/3 tới đây.

Tối 18/3, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho rằng vẫn nên tổ chức Giờ Trái đất nhưng cần cẩn thận hơn:

“Hiện nay tôi chưa nghe các thông tin đại chúng nói về Giờ Trái đất như mọi năm, trong hoàn cảnh dịch COVID-19 đang có những tác động rất phức tạp. Theo tôi vẫn nên tổ chức nhưng không tụ tập đông người thì chắc vẫn đạt hiệu quả tuyên truyền mang tính nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyện sử dụng điện cho phù hợp nhu cầu, không nên lãng phí, không nên sử dụng quá mức. Tôi cho rằng Giờ Trái đất chẳng qua để thức tỉnh ý thức con người sao cho có tác động tốt cho thói quen về cuộc sống xanh, trong đó có việc tiết kiệm năng lượng là việc quan trọng.”

Nhận xét tính hiệu quả chiến dịch Giờ Trái đất mang lại, chị Nguyễn Hà Anh, hiện đang sống và làm việc ở Sài Gòn cho hay:

“Chắc có một tiếng thôi nhưng mà chắc tiết kiệm được nhiều năng lượng và lan tỏa hành động cho người xung quanh như một cách quảng bá hành động có ích để tiết kiệm năng lượng. Những năng lượng mình đang sử dụng là điện, nhiệt điện phải dung khí đốt để khai thác, mà khai thác nhiều thì sẽ không còn, gây ảnh hưởng đến thiên nhiên. Đó là một cách để tiết kiệm năng lượng, khoáng sản… và đỡ thải ra khí ra môi trường.”

Còn theo chị Bảo Ngọc, hiện đang làm việc cho chuỗi nhà hàng Nhật tại Sài Gòn, bên công ty chị năm nào tới Giờ Trái đất đều hưởng ứng tắt điện một tiếng và thay bằng nến, khách rất hưởng ứng. Tuy nhiên, khi nhận xét về tính hiệu quả của chiến dịch, chị có góc nhìn khác:

“Chương trình kêu gọi mọi người kiểu chung tay vì cộng đồng thôi chứ không có tác động nhiều tới môi trường. Khi một lần mình tắt điện như vậy không đo lường được sẽ ngưng thải bao nhiêu khí ra ngoài môi trường.”

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng hiện chiến dịch có những hiệu quả nhất định đối với thói quen trong quản lý sử dụng năng lượng tại các đô thị cũng như từng người sử dụng năng lượng trong gia đình. Dẫu vậy:

“Để đạt kết quả cao hơn cần có những đo đếm cụ thể quá trình sử dụng năng lượng chung của Việt Nam vào mục đích sinh hoạt cũng như sản xuất trong các doanh nghiệp. Có lẽ những chỉ số đo nhất định để có thể nói tác động cụ thể thế nào.”

Theo thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, sau 1 giờ tắt đèn của sự kiện Giờ trái đất 2019, cả nước đã tiết kiệm được 492.000 kWh điện, tương đương số tiền khoảng 917 triệu đồng.

Chương trình Giờ Trái Đất 2014 tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Chương trình Giờ Trái Đất 2014 tại Việt Nam. (Ảnh minh họa) (AFP)

Tuy nhiên, lượng khí thải tiết kiệm được khi tạm ngưng sử dụng các thiết bị điện lại không được nhắc đến.

Bên cạnh mục đích tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm năng lượng, những nội dung khác về môi trường cũng được chiến dịch Giờ Trái đất 2020 đề cập đến như hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa và túi nilon; không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc động vật hoang dã và các hoạt động thiết thực khác để góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong năm vừa qua, người dân và các doanh nghiệp trong nước đã có những nỗ lực nhất định đối với việc giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa, túi nhựa. Điển hình như chiến dịch không sử dụng ống hút nhựa mà thay bằng những vật liệu như gạo, ống tre…; hoặc gói thực phẩm bằng lá chuối thay cho bao nhựa; thay các sản phẩm tô, chén, muỗng, ly sử dụng một lần từ nhựa sang giấy…; hoặc những cuộc vận động thu gom rác thải nhựa không phân hủy trôi dạt vào các bờ biển…

Tuy vậy, chị Hà Anh cho rằng sau khi bùng phát mạnh mẽ, những chiến dịch bảo vệ môi trường đang có vẻ chững lại:

“Bây giờ từng cá nhân thì không còn mạnh mẽ như lúc trước nhưng về phía doanh nghiệp thì Anh thấy là họ vẫn đang thực hiện chính sách đó: không cho dùng túi nilon để đựng, hạn chế và hỏi khách có dùng túi hay không. Nếu trước đây không ai hỏi thì mình vẫn dung xả láng, bậy bạ, nhưng bây giờ người ta hỏi và hạn chế, cho mình những sự lựa chọn khác thì mình cũng đã bắt đầu suy nghĩ đến môi trường, chọn những option tốt hơn. Đó cũng là một cách giảm thiểu theo Anh thấy là hành động nhỏ nhưng lan tỏa từ từ.”

Trong khi đó, nhiều nhận xét được đưa ra cho rằng đây chỉ là phần nổi vì thực chất mối đe doa nguy hiểm chính cho môi trường Việt Nam vẫn chưa được quan tâm và có biện pháp quản lý đúng mức, như lời chị Bảo Ngọc:

“Về tình hình bảo mệ môi trường ở Việt Nam hiện nay thì thật sư cá nhân từng người đã có ý thức để bảo vệ. Nhưng nếu xét về khía cạnh kinh tế thì chính phủ vẫn chưa tác động nhiều vì các nhà máy xả khí ô nhiễm ra môi trường, sông, suối vẫn còn rất nhiều, hiện tại bây giờ chưa thấy cách có thể hạn chế. Vì Việt Nam là nước đang phát triển nên về kinh tế dĩ nhiên người ta phải ưu tiên hàng đầu.”

Với kinh nghiệm lâu năm, Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định:

“Chắc chắn giải quyết vấn đề môi trường này cần thời gian nhưng đồng thời cũng cần giải pháp cụ thể để có thể đo đếm được để có thể giải quyết, xử phạt thích đáng đối với những trường hợp đổ chất thải nguy hại ra môi trường.”

Vẫn theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, câu chuyện bảo vệ môi trường hiện nay đang nằm ở khâu vận động nhiều hơn, nghĩa là chỉ có tác động đến một số người có ý thức cộng đồng, còn mục tiêu tác động đến toàn xã hội vẫn chưa đạt được.