Nhiều ý kiến quanh vụ Sông Tranh 2

Tình hình động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam vẫn gây quan ngại cho người dân và còn nhiều ý kiến trái chiều.

0:00 / 0:00

Lập luận khoa học

Ngay sau khi lại xảy ra những vụ động đất liên tiếp tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 từ ngày 3 tháng 9 vừa qua, các nhà khoa học thuộc Viện Vật Lý Địa Cầu và quan chức Bộ Khoa học- Công nghệ từ Hà Nội đã vào tận hiện trường để thu thập thông số kỹ thuật liên quan các vụ chấn động tại khu vực Sông Tranh 2.

Vào chiều ngày 12 tháng 9 vừa qua, đòan công tác của Bộ Khoa học- Công Nghệ thông báo kết quả khảo sát nghiên cứu động đất tại thủy điện Sông Tranh 2.

Ông Lê Trí Tập, nguyên chủ tịch tỉnh Quảng Nam nói về cuộc họp như sau:

Họ đã có cuộc họp cụ thể các nhà khoa học với lãnh đạo địa phương rồi.

Truyền thông trong nước trích dẫn phát biểu của đoàn khảo sát cho rằng diển biến của động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 trong thời gian qua là bình thường như ở các khu vực thủy điện khác. Đó là động đất kích thích do hồ tích nước gây nên. Các nhà khoa học tham gia đoàn công tác còn thông báo là động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 không có dấu hiệu giảm, tuy nhiên sẽ không vượt quá mức độ cực đại là 5,5 độ Richter.

Trước đó thông tin từ Viện Vật Lý Địa Cầu cho biết trận động đất hồi tối ngày 3 tháng 9 tại khu vực huyện Trà My đo được 4,2 độ Richter; trong khi đó mức chống chọi cực đại theo thiết kế của Thủy điện Sông Tranh 2 là khoảng trên dưới 5 độ Richter. Độ sâu chấn tiêu của trận động đất này là khỏang 7,3 kilomet. Sang ngày 6 tháng 9, số liệu cũng cho thấy một trận động đất có cường độ tương tự xảy ra tại xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn với độ chấn tiêu sâu 12,5 kilomet.

Những số liệu vừa nêu được cho biết ghi nhận từ các trạm gia tốc của Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2, cũng như từ một trạm động đất đặt ở Bình Định và một trạm đặt ở Thừa Thiên- Huế, nằm trong chương trình hợp tác với Đài Loan ghi nhận.

Tiến sĩ địa Vật Lý, ông Nguyễn Thanh Giang, trong thời gian qua theo dõi những thông tin liên quan về động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, và đưa ra đánh giá độc lập về nguyên nhân dẫn đến động đất tại đó như sau:

Các trận động đất xảy ra sau khi tích nước vào những hồ nhân tạo dung lượng lớn thường được quy vào dạng động đất kích thích. Nguyên nhân chủ yếu của dạng động đất kích thích là do các đứt gãy nhỏ nguyên thủy của bề mặt vỏ địa cầu, nằm ở phía dưới lòng hồ thủy điện từ lâu bị đất đá lấp kín, nay xây hồ chứa nước, lớp đất đá bị nước ngâm bở tơi ra, cộng với áp lực nước do tích nước lớn khiến các vết đứt gãytiếp tục bị kích thích nứt sâu hơn, gây ra những xô đẩy của các mảng vỏ trái đất.

Sông Tranh hay sông Hồng, sông Đà đều là những vết đứt gãy lớn của vỏ trái đất hình thành trong lịch sử kiến tạo địa cầu. Vì vậy, xung quanh lưu vực sông đều có những đứt gãy nhỏ bị đất đá vùi lấp. Bình thường nó ổn định nhưng khi xây hồ thủy điện và bắt đầu chứa nước, nó sẽ bị tác nhân mới tác động, phá vỡ thế cân bằng cũ.

Tuy nhiên những khảo sát gần đây của Viện Vật lý Địa cầu Việt Nam lại cho thấy đã xuất hiện một số trận động đất có chấn tiêu ở xa hồ thủy điện Sông Tranh nhưng rất gần với một đứt gãy địa chất mang tên Hưng Nhượng-Tà Vi ở mạn nam đập thủy điện Sông Tranh. Đứt gãy này chạy theo hướng đông-tây.

Hồ chứa thủy điện Sông Tranh có dung tích 730 triệu m3 nước, không lớn lắm, nên người ta nghĩ rằng nó không đủ để có thể gây động đất kích thích ở các vị trí xa.

Vấn đề quan trọng là phải bảo vệ dân chứ không phải lo chuyện khoa học, địa chất thế này, thế nọ đâu…Nếu chờ mấy vị ra kết luận, trong khi chờ đập vỡ thì sao. Chuyện thật khủng khiếp!<br/>Tiến sĩ Vật lý Đặng Đình Cung <br/> <br/>

Vả lại động đất kích thích thường xảy ra sau khi hồ chứa đầy nước trong mùa mưa trong khi thời điểm xảy ra ba trận động đất lớn nhất nói trên, hồ chứa thủy điện Sông Tranh lại đang ở mức tích nước tối thiểu, cho nên có ý kiến cho rằng đứt gãy Hưng Nhượng-Tà Vi đang hoạt động trở lại.

Ngoài đứt gãy Hưng Nhượng-Tà Vi ở phía nam. Ở phía bắc hồ chứa thủy điện Sông Tranh còn có đứt gãy Tam Kỳ-Phước Sơn cũng lớn như đứt gãy Hưng Nhượng – Tà Vy và cũng chạy theo hướng đông – tây. Hai đứt gãy này bị chắn bởi một đứt gãy khác nữa là đứt gãy Trà Bồng.

Ông Lê Trí Tập, nguyên chủ tịch tỉnh Quảng Nam và cũng là một chuyên gia về thủy lợi, lên tiếng trong trả lời phỏng vấn với báo Tiền Phong hồi ngày 10 tháng 9 rằng những số liệu mà chủ đầu tư- Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN- công bố là không đáng tin, không thực sự khách quan.

Ông này cho biết thiên về giả thuyết động đất tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 là do kiến tạo cộng với một ít kích thích. Mà theo ông Lê Trí Tập thì đó là động đất kép.

Giáo sư Nguyễn Đình Xuyên thuộc Viện Vật Lý Địa cầu cũng thừa nhận khu vực thủy điện Sông Tranh 2 nằm ở một điểm xung yếu của vỏ trái đất, hệ thống đứt gãy khu vực lòng hồ thủy điện rất phức tạp. Nay cộng với việc tích nước của hồ sẽ tạo nên những áp lực nhất định đối với vỏ trái đất tại khu vực đó.

Giáo sư Nguyễn Đình Xuyên cho rằng khó có thể xác nhận được nguyên nhân và chiều hướng động đất tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 hiện nay. Lý do được ông này đưa ra vì thiếu các loại máy móc chuyên dụng được lắp đặt tại khu vực nhằm ghi lai tất cả mọi thông số về chấn động.

Giá mạng người dân

Tiến sĩ Lê Huy Minh, Viện phó Viện Vật lý địa cầu trong cuộc họp của bộ KHCN chiều 12/9. Photo courtesy of phunuonline.com
Tiến sĩ Lê Huy Minh, Viện phó Viện Vật lý địa cầu trong cuộc họp của bộ KHCN chiều 12/9. Photo courtesy of phunuonline.com (Tiến sĩ Lê Huy Minh, Viện phó Viện Vật lý địa cầu trong cuộc họp của bộ KHCN chiều 12/9. Photo courtesy of phunuonline.com)

Tin tức trong nước cho biết giới chức lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Nam là ông bí thư Nguyễn Đức Hải và ông chủ tịch tỉnh Lê Phước Thanh đều bày tỏ chưa tin tưởng với những kết luận của các nhà khoa học. Ông chủ tịch tỉnh phát biểu là nếu còn 1% không an tòan thì tỉnh sẽ kiến nghị không cho tích nước vào hồ chứa thủy điện.

Theo tiến sĩ Vật lý Đặng Đình Cung từ Pháp thì trong khi giới khoa học đang cố gắng xác định đúng nguyên nhân gây nên những trận động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, thì điều ưu tiên trước nhất là phải vì mạng sống của hằng chục ngàn người dân sinh sống trong khu vực dưới hạ du con đập. Theo ông này thì phải ngưng ngay việc tích nước vào hồ chứa, tháo hết nước ra; thậm chí cho chấm dứt đập thủy điện Sông Tranh 2. Ông phát biểu:

Nếu lỡ xây rồi thì phải bỏ đi. Bây giờ vấn đề quan trọng là sinh mạng của người dân. Tôi không biết bên nhà họ có hiểu vấn đề quan trọng là phải bảo vệ dân chứ không phải lo chuyện khoa học, địa chất thế này, thế nọ đâu…Nếu chờ mấy vị ra kết luận, trong khi chờ đập vỡ thì sao. Chuyện thật khủng khiếp!

Họ muốn nghiên cứu thì cứ nghiên cứu hàn lâm, còn trước hết phải lo sinh mạng nguời dân. Lúc đó muốn mua máy móc gì thì mua. Một cách hàn lâm khoa học đang nói thế này thế kia, thì dân nói nếu ngộ nhỡ đập vỡ thì chúng tôi chết rồi còn đâu.

Theo lập luận của tiến sĩ Vật Lý Đặng Đình Cung thì những chấn động liên tục sẽ khiến cho thân đập không vững chắc và qua thời gian có thể xảy ra sự cố vỡ thân đập rất nguy hiểm:

Rõ ràng động đất do nguồn nước hồ thuỷ điện nặng đè lên những lớp địa chất, mà người ta gọi là kích thích chứ không phải tự nhiên. Dù bất cứ nguồn gốc nào, nhiều và với cường độ như vậy thì tốt nhất hết phải tháo hết nước để tránh đập vỡ, không dùng nữa và tháo các thiết bị bán cho những thủy điện khác.

Họ nói an tòan vì đập chưa vỡ, nhưng 10 năm tới sẽ vỡ. Đó là lý do nguy hiểm cho dân chúng ở huyện Trà My. Tại vì động đất rung chuyển như việc lấy một que bẻ đi bẻ lại mãi sẽ có lúc gãy. Nếu cứ nói để nghiên cứu an tòan, đó là vấn đề hàn lâm chứ không phải thiết thực. Nếu có nguy cơ thì phải tránh đi.

Có thể nói trong vấn đề động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, các cơ quan chức năng địa phương mạnh mẽ lên tiếng vì sự an nguy tính mạng của người dân trong khu vực.

Trách nhiệm cụ thể

Ông Lê Phước Thanh (T), chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và Ông Nguyễn Đức Hải - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam không an tâm về sự an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2.
Ông Lê Phước Thanh (T), chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và Ông Nguyễn Đức Hải - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam không an tâm về sự an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2. (Ông Lê Phước Thanh (T), chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và Ông Nguyễn Đức Hải - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam không an tâm về sự an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2.)

Đối với thông tin cho rằng động đất tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 là do việc tích nước vào hồ chứa thủy điện kích thích nên, ông Trần Anh Tuấn, phó chủ tịch UBND huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam từng lên tiếng đòi hỏi là phải có cá nhân chịu trách nhiệm và bằng văn bản hẳn hoi thì mới có thể cho tích nước vào hồ chứa.

Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học & Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh , người từng lên tiếng mạnh mẽ khi phát hiện các vết nứt trên thân đập thủy điện Sông Tranh 2 cách đây nửa năm, cho biết về vấn đề chịu trách nhiệm đối với một công trình lớn như thủy điện Sông Tranh 2 ở Việt Nam như sau:

Trong bài thứ nhất tôi có kiến nghị gửi thủ tướng xả nước đi để giữ an toàn cho dân, tôi đã nói chính ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà Nước là người chịu trách nhiệm khi trả lời báo chí về nguy cơ xảy ra thì ai chịu trách nhiệm, ông ta trả lời mà tôi xin trích nguyên văn từng chữ, từng lời của ông này là ‘Nhà đầu tư và đơn vị thi công có quyền đảm bảo an toàn cho công trình. Như thế theo ông đó thì dường như luật pháp Việt Nam không có gì rõ ràng cả. Dường như luật giao quyền mà không giao trách nhiệm cho nhà đầu tư và chủ thi công có quyền đảm bảo an tòan cho công trình. Trách nhiệm ở đâu không có.

Theo tôi như cách nói như thế thì trong trường hợp Sông Tranh vỡ không ai chịu trách nhiệm gì cả. Họ có quyền đảm bảo an tòan, nay họ không bảo đảm quyền chứ có trách nhiệm gì đâu. Truy cứu trách nhiệm, chủ đầu tư là chủ tịch Tập đòan Địện lực và chủ tịch đơn vị thi công. Khi xảy ra sự cố không nói chết hàng chục vạn người chết, mà chừng vài chục người chết thôi cũng phải truy cứu trách nhiệm rồi. Nhưng khi vỡ đập rồi thì hằng vạn người chết, hàng vạn nhà cửa trôi rồi, một vùng đất đai bị tàn phá rồi. Theo hệ thống luật pháp Việt Nam hiện nay thì chủ đầu tư và xây dựng không sợ gì hết, nếu chết thì dân chịu.

Tiến sĩ địa vật lý Nguyễn Thanh Giang, đưa ra một biện pháp cần phải thực hiện lúc này:

Trước mắt cần công khai minh bạch tất cả những tư liệu và giải thích rõ để nhân dân hiểu bản chất sự việc đồng thời đưa vào các trường học ở địa phương Sông Tranh một số tiết giảng về kiến thức địa chấn cũng như cách phòng tránh động đất. Những kiến thức tối thiểu phải biết để đối phó khi động đất xảy ra như phải chui ngay xuống gầm bàn, gầm giường để tránh bị gạch vữa rơi vào đầu hay nép vào góc tường và chụp lên đầu bất cứ vật gì vớ được để giảm khả năng bị tường đổ vào người … phải được phổ biến rộng rãi, thấu triệt đến mọi người dân.

Dường như luật giao quyền mà không giao trách nhiệm cho nhà đầu tư và chủ thi công có quyền đảm bảo an tòan cho công trình. Trách nhiệm ở đâu không có. <br/> Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc

Ông Lê Trí Tập, nguyên chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam thì cho rằng các chủ đầu tư công trình chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà không quan tâm đúng mức đến chất lượng công trình; nhất là một công trình lớn nếu xảy ra nguy cơ có thể cướp đi sinh mạng của hằng chục ngàn người dân như Thủy điện Sông Tranh 2. Trong trả lời phỏng vấn báo mạng Tiền Phong, ông Lê Trí Tập nói rằng hầu như tất cả những công trình thủy điện tại khu vực tỉnh Quảng Nam đều thiếu ba điều cốt lõi, đó là cống xả đáy, diện tích hồ phòng lũ và hệ thống quan trắc.

Đối với các nhà khoa học thuộc Viện Vật Lý Địa cầu thì họ cần kinh phí chừng hai tỷ đồng để có được 5 máy quan trắc động đất tại chỗ nhằm theo dõi diển biến động đất tại địa phương; thế nhưng khoản kinh phí nhỏ nhoi so với nhiều khoản tiền bị thất thoát lâu nay ở Việt Nam, vẫn chưa được cấp nào xét duyệt.

Theo dòng thời sự: