Doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn dễ dàng?

Ngày 11/6, Ngân hàng Nhà Nước chính thức công bố giảm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Liệu liều thuốc cứu chữa này có thực sự hiệu quả với những doanh nghiệp tại Việt Nam trong cơn khát vốn.

0:00 / 0:00

Tổng hợp thông tin, Vũ Hoàng có phần trình bày sau đây.

Liên tiếp trong 3 tháng qua, ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất đến 4 lần và trong ngày 11/6 vừa qua, lãi suất huy động đầu vào cho các ngân hàng thương mại đã chính thức được quy định xuống mức 9%/năm, trong khi đó lãi suất đầu ra cho vay đến các doanh nghiệp không có con số cụ thể, các ngân hàng được tự ấn định trần.

Với động thái mới này, giới chức Ngân hàng Nhà nước cho rằng đó sẽ là biện pháp để giúp giảm bớt chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp trong cơn khát vốn. Thế nhưng, đó mới chỉ là một nửa của vấn đề vì câu hỏi tiền vốn với lãi suất rẻ có thực sự dễ dàng tiếp cận không? Hay cơ chế thả nổi lãi suất cho vay theo thị trường có thực sự hiệu quả? lại đang là những vấn đề khiến cả giới doanh nghiệp lẫn chuyên gia quan tâm.

Không dễ tiếp cận vốn

Ngân hàng Vietcombank ở Hà Nội. AFP Photo/ Hoang Dinh Nam.
Ngân hàng Vietcombank ở Hà Nội. AFP Photo/ Hoang Dinh Nam.

Trao đổi với chúng tôi, TS Ngô Trí Long một chuyên viên tài chính ngân hàng có kinh nghiệm lâu năm nghiên cứu về thị trường giá cả hàng hóa cho rằng việc hạ lãi suất mới đây của Chính phủ là phù hợp với sự biến động của lạm phát, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn bị đình đốn bởi lãi suất quá cao. Thế nhưng điều mà TS Long vẫn quan ngại là làm sao để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi mới:

“Với mức độ giảm lãi suất cả huy động lẫn lãi suất cho vay như hiện nay thực tế là các doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận, chỉ trên lý thuyết mà thôi, trên thị trường thông báo mà thôi. Thực tế với lãi suất như vậy thì vẫn còn khó khăn đối với các doanh nghiệp.

Hiện nay đối với vấn đề về lãi suất, mặc dù Việt Nam trong bối cảnh hiện nay người ta quy định lãi suất trần huy động, còn lãi suất cho vay người ta không quy định trần lãi suất cho vay, mà cũng chỉ có khuyến cáo cho các doanh nghiệp (ngân hàng) cố gắng hạ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp để tháo gỡ bớt khó khăn. Đối với lãi suất trần huy động mặc dù quy định đã xuống từ 14, 13% xuống đến 9% đến hôm nay đã có ngân hàng nâng lãi suất huy động lên 13,5%/năm.”

Phết phẩy, ngấm ngầm

Bảng niêm yết lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng VP-Bank hôm 11/6/2012. RFA photo
Bảng niêm yết lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng VP-Bank hôm 11/6/2012. RFA photo (Bảng niêm yết lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng VP-Bank hôm 11/6/2012. RFA photo)

Hiện tượng mà TS Ngô Trí Long mới lấy thí dụ cũng chính là điều mà những chuyên gia kinh tế khác quan ngại bởi với việc thả nổi lãi suất cho vay theo biến động thị trường có thể sẽ tạo ra những kẽ hở mà các ngân hàng dễ dàng thao túng, đồng thời, dựa trên các mối quan hệ cá nhân với doanh nghiệp, mà ngân hàng có thể đồng ý cho doanh nghiệp này mà từ chối doanh nghiệp khác vay tiền.

Chia sẻ về những khó khăn vẫn gặp phải dù rằng biểu lãi suất mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11/6, bà Hồng Hạnh, một chủ doanh nghiệp chuyên về sản xuất và kinh doanh hàng tái chế cho biết những gì bà mới vừa trải qua khi cố gắng tiếp cận các ngân hàng:

“Thực ra lãi giảm thì đúng là ngân hàng áp giảm cho các doanh nghiệp, hồi xưa mình vay cao hơn, bây giờ mình giảm cỡ 2-3%/năm nhưng mà hầu như doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn lắm.

Xét cho đến cùng ngân hàng cũng là doanh nghiệp làm ăn nên họ vẫn còn rất thận trọng trong việc cho vay vốn. Họ vẫn có tâm lý chưa muốn cho vay nhiều mặc dù áp lãi suất hạ, thì họ cũng giống mình, trong thời gian giá thấp mình chưa muốn bán hàng vậy đó.

Những lý do chính đáng vay vốn dự án phải thực sự, phải xác đáng, hoặc có mối quan hệ tốt với ngân hàng thì mới vay được vốn với lãi suất ngân hàng ưu đãi giảm, nhưng không phải hợp đồng nào mình cũng vay được, nên tùy những mối quan hệ tốt với ngân hàng thì ngân hàng cho vay. Nếu trước đây với 10 dự án chúng tôi có thể vay được 2-3 dự án, thì bây giờ chỉ có thể được một mà thôi với lãi suất hạ.”

Bà Hồng Hạnh

Có thể lý do mà bà Hồng Hạnh nêu lên là một trong muôn vàn những lý do mà các doanh nghiệp khác cùng trong hoàn cảnh tương tự, đó là những “phết phẩy” hay “ngấm ngầm” như lời giải thích của một vị chủ doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nhựa tại Sài Gòn cho chúng tôi biết. Không những thế, vị này còn nhận xét thêm, hiện tại để có thể làm ăn được thì lãi suất đi vay phải dưới 1%/1 tháng, chứ còn nếu vẫn trên 1% thì doanh nghiệp vẫn rất khó sống:

“Với sức cạnh tranh hiện nay, các doanh nghiệp muốn làm ăn thì khoảng 1% hoặc dưới 1% thì mới tốt được, còn trên 1% thì thực sự khó khăn lắm. Chưa có diễn biến tích cực đâu, tại bây giờ mới là bước đầu, chủ trương thì nói như vậy nhưng bây giờ diễn biến rất chậm chạp, bây giờ doanh nghiệp nào muốn tiếp cận vốn ngân hàng là phải quen biết, là phải biết điều một chút nữa. Quy định là vậy nhưng thực tế lãi suất cũng có phết phẩy trong đó, ngấm ngầm nên nó cao hơn thực tế quy định.”

Cũng xin được nhắc thêm ở đây là mới hồi tháng trước, Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà Nước về quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam có đề cập đến 4 nhóm đối tượng được hưởng mức lãi suất cho vay thấp nhất là 15%, điều kiện để được nhận mức lãi suất này là các doanh nghiệp phải có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Như vậy, các biện pháp cứu giúp doanh nghiệp bằng cách hạ giảm lãi suất chỉ dành cho những doanh nghiệp khỏe mạnh còn nhiều những doanh nghiệp đang khó khăn, là những doanh nghiệp cần được sự giúp đỡ thì lại không được nhận được sự ưu đãi này, thậm chí, trên một số tờ báo trong nước còn để trong ngoặc kép khái niệm “ưu đãi” và “ngược đãi” để thể hiện sự phân biệt đối xử.

Nguy cơ cuộc chiến về lãi suất

Mặc dù mới chỉ là những bước đầu trong tiến trình cải tổ hạ giảm lãi suất, nhưng những phản ứng phụ cũng đã diễn ra. Chẳng hạn, Bản tin của Tân Hoa Xã số ra ngày hôm 14/6 cho hay việc lãi suất huy động giảm, khiến người dân Việt Nam ùn ùn kéo đến các ngân hàng thương mại rút tiền, đầu tư sang các kênh khác, khiến nhiều ngân hàng thương mại nhỏ gặp khó khăn, buộc các ngân hàng này lại tự nâng lãi suất huy động một cách bất hợp pháp và khả năng xảy ra một “cuộc chiến về lãi suất” lại có nguy cơ lặp lại.

Vẫn biết chuyện giảm lãi suất cho vay của ngân hàng đối với các doanh nghiệp là điều cần làm, nhằm giảm chi phí kinh doanh, thúc đẩy sản xuất cho doanh nghiệp, thế nhưng để tạo động lực cho một nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như Việt Nam hiện tại, thì lãi suất thôi không đủ, mà những vấn đề nóng khác như đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa ứ đọng, kích cầu đầu tư đúng hướng, tránh thất thoát đầu tư công và chống tham nhũng là những điều cần làm, vì nếu những hiện tượng trên vẫn tồn tại, thì biện pháp lãi suất sẽ trở thành vô nghĩa trong một vòng xoay với mọi nhân tố đều tác động qua lại ràng buộc.

Theo dòng thời sự: