Mặt tích cực
Bà Amy Searight, Cố vấn và Giám đốc cấp cao, Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS tại Washington DC, Hoa Kỳ vào ngày 14/4 có bài viết nhận định rằng các nền kinh tế Đông Nam Á đang bị ảnh hưởng lớn trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 lan rộng.Trong đó có nhắc đến báo cáo của Ngân hàng Thế giới được công bố vào đầu tháng 4 vừa qua cho rằng trong trường hợp bi quan hơn, các nước đang phát triển của ASEAN có tăng trưởng âm vào năm 2021, trong phạm vi -0,5% đến -5%, ngoại trừ Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng dương, +1,5%.
Trao đổi RFA vào tối 14/4, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính độc lập giải thích rõ:
“Trong Quý I/2020 thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao so với nhiều quốc gia chung quanh. Tăng trưởng kinh tế Quý I là 3,82%, thấp nhiều so với Quý I/2019 là 6,79%, xuống hơn một nửa. Nhưng đối với nhiều quốc gia đây là mức độ tăng trưởng tương đối còn cao.
Trong Quý I cũng có một vài điểm sáng chẳng hạn như đầu tư nước ngoài có giảm nhưng không giảm quá sâu, cũng có doanh nghiệp thành lập mới mặc dù số doanh nghiệp đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng có thể lên đến 35.000 doanh nghiệp trong quý đầu, nhưng bên cạnh đó có 29.700 doanh nghiệp đăng ký mới thành lập. Bên cạnh những tác động tiêu cực của dịch corona thì cũng có những tác động tương đối sáng sủa, vẫn giữ được sự tăng trưởng đặc biệt như ngành bảo hiểm, y tế hay một vài ngành nghề khác.”
Thiệt hại
Bên cạnh những mặt tích cực mà Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đề cập, tình hình kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Cụ thể, Ngân hàng Phát triển Châu Á dự đoán ở Việt Nam năm nay khó đạt được mức tăng trưởng đề ra là 6,8%, mà có thể chỉ đạt 4,8%, tức giảm 2 điểm % tăng trưởng so với chỉ tiêu đề ra.
Còn Bộ Tài chính Việt Nam vào ngày 10/4 cũng đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ cho hay do sự bùng phát của coronavirus, Việt Nam có kế hoạch vay 1 tỷ đô la từ các định chế tài chính nước ngoài như Quỹ tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, hay Ngân hàng phát triển Châu Á trong năm nay.
Theo Bộ Tài Chính, thâm hụt ngân sách của Việt Nam sẽ chiếm từ 5-5,1% tổng sản phẩm nội đia do tác động của dịch COVID-19.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cựu thành viên ban cố vấn kinh tế cao cấp của cố thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng mức độ tăng trưởng ở Việt Nam năm nay nếu dịch cúm kéo dài đến giữa năm có thể giảm tăng trưởng chừng 1-2% GDP, nhiều lĩnh vực khác nhau đều suy giảm: xuất khẩu, đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam, nhập khẩu từ các nước khác.
Phân tích rõ hơn những ảnh hưởng mà coronavirus gây ra cho nền kinh tế Việt Nam, Bà Chi Lan nhận định:
“Ngay từ đầu, khi dịch COVID-19 bắt đầu ở Trung Quốc thì Việt Nam đã ngay lập tức bị tác động rõ rệt nhất ở những lĩnh vực như du lịch vì khác du lịch Trung Quốc thường chiếm khoảng 30% trong số khác du lịch tới Việt Nam cho nên khi có dịch thì ngay lập tức khác Trung Quốc giảm sút, làm cho ngành du lịch Việt Nam lieu xiêu ngay. Khi ngành du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng thì những ngành liên quan như hàng không, vận tải biển, vận tải đường sắt, đường bộ hay các ngành dịch vụ khác phục vụ cho du lịch kể cả những người kinh doanh nhỏ lẻ thường bám vào việc bán hàng cho các nàh hàng, khách sạn hoặc khách du lịch cũng đều bị ảnh hưởng.
Thứ hai có thể thấy rõ ngay từ đầu là hàng nông sản của Việt Nam thường xuất khẩu cho Trung Quốc, đặc biệt trái cây tươi từ miền Nam chở ra đến biên giới là không xuất được. Trung Quốc đóng cửa biên giới làm cho hàng nông sản Việt Nam khó khăn trong suốt một thời gian dài.
Thứ ba là nhóm hàng Việt Nam thường nhập khẩu đầu vào từ Trung Quốc, ví dụ như hàng dệt may, giày dép, điện tử… kể cả mặt hàng mà Việt Nam nhập để làm nguyên liệu cho ngành hàng xuất khẩu khi Việt Nam gia công cho các hãng nước ngoài thì cũng gặp gián đoạn việc nhập từ Trung Quốc.”
Vẫn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tình hình kinh tế của Việt Nam sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu dịch bệnh kéo dài.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch – Đầu tư vào ngày 8/4 có đưa ra báo cáo cho hay trong trường hợp nếu dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh hơn sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động mất việc. Ước tính 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, hoặc ngừng việc và 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc; khoảng 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô.
Vì vậy, bà Phạm Chi Lan cho hay hiện nay các chuyên gia cũng đang tiếp tục đánh giá tác động của dịch COVID-19 để có thể tới đây khuyến nghị với chính phủ các biện pháp cần thiết xem làm thế nào để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, mặt khác chuẩn bị cho việc khôi phục lại các hoạt động kinh tế sau khi dịch cúm chấm dứt.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng khẳng định việc cách ly, giãn cách xã hội theo yêu cầu của chính phủ Hà Nội nhằm tránh sự lây lan của coronavirus cũng ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường nội địa, hoạt động của những người kinh doanh nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh gia đình, khiến cả cầu lẫn cung tại Việt Nam đều bị ảnh hưởng.
Thủ tướng Việt Nam vào chiều 15/4 cũng đã công bố tiếp tục giãn cách xã hội Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc có thể đến 30/4 đối với 12 tỉnh, thành thuộc nhóm nguy cơ cao. Cụ thể bao gồm Bắc Ninh, Bình Thuận, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Khánh Hòa, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hà Tĩnh và Tây Ninh.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng chính việc cách ly xã hội khiến một phần lớn doanh nghiệp đóng cửa, tác động đến kinh tế. Ông đưa ra hai dự báo cho nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển thế nào trong thời gian tới dưới tác động của COVID-19:
“Dưới giả thuyết dịch bệnh có thể kiểm soát được, tức vẫn không có người chết, số người lây nhiễm dừng lại không tăng tiếp tục như một ‘flat curve’ – một đường biểu diễn lên đến cực điểm rồi đi ngang và đi xuống, trong trường hợp đó nếu xảy ra vào cuối tháng 4 thì tôi nghĩ rằng nền kinh tế Việt Nam có cơ hội dần phục hồi vào Quý III, IV năm 2020 và có thể trở vào mức bình thường vào giữa năm 2021.
Còn trong trường hợp dịch bệnh nếu không kiểm soát được, tức cuối tháng 6 số người lây nhiễm vẫn tăng và có thể có người chết thì trong trường hợp đó chính phủ dùng những biện pháp mạnh để ngăn ngừa sự lây nhiễm. Lúc đó nền kinh tế Việt Nam sẽ đi vào khủng hoảng và chắc chắn sự tăng trưởng sẽ chậm lại rất nhiều trong năm 2020 và có lẽ không thể có dự báo nào tình hình kinh tế trong tương lai được.”
Trong khi đó, bà Amy Searight thuộc CSIS lại cho rằng Việt Nam được đánh giá là nước nổi bật trong tất cả các dự báo về nền kinh tế ASEAN vì là nước duy nhất duy trì tăng trưởng vừa phải vào năm 2020, trong khoảng từ 2,7-4,8%, và dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định:
“Việt Nam là nền kinh tế đang hội nhập rất sâu sắc và phụ thuộc rất nhiều các nhân tố bên ngoài và thị trường toàn cầu kể cả xuất khẩu, nhập cầu, cũng như nguồn vốn và các nguồn lực khác cho tăng trưởng. Nếu tình hình xấu hơn và các nền kinh tế lớn Việt Nam có quan hệ kinh tế chặt chẽ bị ảnh hưởng nhiều thì có thể tình hình Việt Nam còn xấu hơn nữa.”
Trên thực tế, bà Phạm Chi Lan thừa nhận nhân tố bên trong và bên ngoài đều không thuận đường cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay.