‘Nóng’ chuyện hóa đơn tiền điện tăng bất ngờ!

0:00 / 0:00

Vụ việc hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng giá ‘chóng mặt’ đang là vấn đề được nhiều người quan tâm đến những ngày gần đây.

Báo chí trong nước cuối tuần qua cũng đăng tin hàng loạt những hộ dân có hóa đơn tiền điện tăng vọt tại các tỉnh thành khắp cả nước.

Bên cạnh đó, hình ảnh những tin nhắn báo giá thu điện phí với lượng điện xài và tiền tăng đột biến cũng được nhiều người dùng chụp màn hình và chia sẻ rộng rãi.

Dưới góc nhìn cá nhân, Chị Minh Ngọc, đang ở quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh cho rằng vào mùa hè vì ngay đợt nắng, nóng nên dù có phản đối thì người dân vẫn cần xài và những việc làm của phía cung ứng điện:

“Chửi thì dân vẫn chửi nhưng căn bản là không làm được gì nên họ cũng kệ. Một phần là mới gần đây nhà nước có cho thay tất cả những đồng hồ (công tơ) thành đồng hồ điện tử. Hồi xưa 1 tháng thì sẽ có một người ghi điện, bây giờ họ không ghi điện nữa mà theo dõi qua app hay gì đó. Em cảm nhận là sau cái đó thì tất cả mọi số liệu, số ký điện bị kê khống rất nhiều.”

Chỉ trong hai ngày 21-22/6, báo trong nước loan tin cho biết Tổng Công ty điện lực Việt Nam EVN đã phải xin lỗi 2 gia đình vì những sai sót trong hóa đơn tiền điện tăng vọt.

Theo đó, một khách hàng tại Quảng Bình đã bị ghi nhầm chỉ số điện gấp 33 lần, khiến hóa đơn lên đến 58 triệu đồng. Nguyên nhân được nói do nhân viên phía Điện lực Quảng Bình có sai sót trong việc ghi chỉ số sau khi thay công tơ điện.

Tại Quảng Ninh, EVN Vân Đồn đã phải xin lỗi hộ gia đình 3 người tại đây vì để xảy ra sai sót khi hóa đơn tiền điện gia đình này lên tới 90 triệu, gấp gần 27.000 lần số tiền điện mà gia đình này phải trả.

Trao đổi với RFA vào tối 22/6 về việc tại sao người thanh toán tiền điện phải trả nhiều hơn bình thường, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính giải thích rằng bên cạnh những trường hợp hy hữu nêu trên, những hộ còn lại phải trả hóa đơn cao không phải giá điện tăng. Ông phân tích rằng tại Việt Nam, giá điện đã được nhà nước quy định, độc quyền, nên nguyên nhân chính khiến hóa đơn tiền điện cao hơn là vì:

“Mùa hè dùng rất nhiều thiết bị, đặc biệt là điều hòa, rất nhiều thiết bị khác để làm mát lạnh. Thứ hai là đặc điểm giá điện càng dùng nhiều càng cao, giá bậc sau cao hơn bậc trước nên làm cho tiền điện tăng cao chứ không có vấn đề gì khác. Chẳng phải vì nhà đèn EVN dùng công tơ hay người ta nâng giá điện, hoàn toàn không có. Do những người không hiểu vấn đề nói vậy.”

Còn theo Nhà hoạt động Đàm Ngọc Tuyên hiện đang sinh sống tại Sài Gòn lại cho rằng:

“Cho thấy cách người ta sản xuất điện và giá tính tiền cho người dân hoàn toàn không tương xứng. Một điều cực kỳ kỳ cục là khi người dân sử dụng dịch vụ gì cũng vậy, sử dụng càng nhiều thì giá thành phải giảm lại, đằng này không và báo chí cho biết rất nhiều người ngành đó (điện) đưa ra những tính toàn kêu rằng phải hủy bỏ ngay cách tính tiền điện tăng lũy kế mà bao năm qua EVN vẫn tính như vậy.”

Vẫn theo anh Đàm Ngọc Tuyên, với cách tính tiền điện như hiện tại, nếu người dân không sử dụng điện thì không được, mà xài với kiểu tính của nhà nước thì người dân phải ‘è cổ trả’.

Giải đáp thắc mắc vừa nêu của nhà hoạt động Đàm Ngọc Tuyên, PGS. TS. Ngô Trí Long cho biết nguyên nhân vì sao phải tính tiền điện theo giá lũy tiến 6 bậc, có nghĩa càng mua nhiều giá càng đắt, ngược lại với kinh tế thị trường là do:

Nhân viên EVN, ảnh minh họa.
Nhân viên EVN, ảnh minh họa. (Courtesy EVN)

“Tôi thấy để phục vụ cho an sinh xã hội, nếu chỉ có 1 giá thì tất cả như nhau, giàu cũng như nghèo không thực hiện chính sách an sinh xã hội. Thứ hai là nhu cầu điện tăng cao nhưng nhu cầu nguồn điện cung ứng có hạn nên người ta không khuyến khích sử dụng điện nên xây dựng bậc thang lũy tiến. Điện ở Việt Nam hiện nay sản xuất bằng năng lượng tái tạo, năng lượng này là năng lượng khoáng thạch mà bản thân không có khả năng tái tạo nên phải tiết kiệm. Chính vì lý do đó người ta xây dựng biểu giá điện bậc thang lũy tiến, càng dùng nhiều càng đắt.”

Ngoài ra, ông cho rằng việc đổ lỗi cho EVN lẫn tăng giá điện là chưa chính xác mà thay vào đó cần xem xét các cơ quan chức năng khi tính toán giá thành đã hợp lý chưa, có đúng hay không.

“Quyết định giá điện là nhà nước, không phải EVN quyết mà là tất cả các bộ, kể cả Thủ tướng. Bây giờ kiểm tra nó là Bộ Tài chính, Bộ Công thương, kiểm toán, những người này có ăn tiền của điện để đẩy giá thành lên cao hay không. Bên điện có đi lobby những bộ đó để nâng (giá) lên hay không thì đang cho kiểm tra, thanh tra.”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ về việc phát triển các dự án điện, trong đó có các dự án điện khí, để đảm bảo an ninh năng lượng điện quốc gia chiều 22/6 có yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm rõ để thông tin về việc tiền điện của một số hộ dân bị tăng cao. Tinh thần là phải đảm bảo không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 24/5/2019 cũng đã yêu cầu Thanh tra chính phủ công bố kết quả thanh tra giá điện sau 45 ngày tính từ ngày ra quyết định.

Tuy nhiên, phía Thanh tra chính phủ xin dời lại đến quý III/2019 và được chấp thuận. Dù vậy, đến nay thì báo cáo thanh tra vẫn chưa được công bố.

Với kinh nghiệm lâu năm giữ chức viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng Ngành điện Việt Nam trước kia độc quyền kinh khủng nhưng bây giờ có nhiều tiến bộ dù vẫn còn những mặt trái. Do đó, ông cho rằng mọi người cần phải đánh giá đúng với những vấn đề có tiến bộ:

“Theo tôi thì chắc không có vấn đề gì, nếu có vấn đề gì người ta đã công bố. Người ta đang hoàn tất để công bố cho dân chúng biết. còn khi đã kiểm tra, thanh tra đúng rồi thì phải thừa nhận. Hoặc bây giờ chưa tin thì sẽ có cơ quan tư vấn độc lập vào thanh kiểm tra.”

Theo quan điểm cá nhân, Nhà hoạt động Đàm Ngọc Tuyên nhận định:

“Mình cho rằng không chỉ tính riêng ngành điện mà rất nhiều ngành nghề khác, kể cả trong những cơ quan hành chính cũng vậy, vấn đề quản lý cả đất nước, mọi mặt ngành nghề đều vậy là thanh tra chỉ để có chuyện làm. Người ta làm chỉ để cho có còn để tiêu tốn tiền thuế của dân. Từ đó để đi bịp bợm lại người dân chứ thực sự không ai biết gì bên trong.”

Đồng quan điểm vừa nêu, chị Minh Ngọc cho rằng việc thanh tra tiền điện này nếu còn kéo dài hơn nữa thì người dân cũng không thắc mắc vì trong thực tế, nhiều vụ mất đất, mất nhà hơn 20 năm mà kết quả thanh tra vẫn còn chưa có thì công tác thanh tra tiền điện bị trì hoãn là vấn đề chẳng có gì lạ!