Trung Quốc đứng hạng đầu về các con đập đầu nguồn và trong khi những con đập này vẫn còn tranh cãi về những tác động của chúng đối với dòng chảy cũng như môi trường sinh vật bị đe dọa thì Lào lại tuyên bố sẽ xây dựng một con đập mới tại tỉnh Xayaburi. Mặc Lâm có bài viết sau đây
Tác hại mạnh mẽ đến môi trường và nguồn sống
Ý định xây đập Xayaburi của Lào đã dấy lên một làn sóng chống đối mạnh mẽ từ các tổ chức bảo vệ môi trường. Đã có hơn 260 tổ chức phi chính phủ thuộc hơn 50 quốc gia đã gửi biên bản kiến nghị tới Thủ tướng Lào và Thái Lan phản đối việc xây dựng đập Xayaburi. Ba nước nằm chung dòng sông với Lào gồm Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đều tỏ ra lo ngại cho việc xây dựng này. Nguồn lợi thủy điện của Lào chắc chắn không thể bù đắp nỗi những thiệt hại biết trước của các nước khu vực hạ lưu.
Công ty Kanchang của Thái Lan đựơc chính phủ Lào cho phép xây dựng con đập này để khai thác thủy điện tại Xayaburi đã bị người dân Thái chống đối. Sáng 19 tháng 4, hàng trăm người Thái tập trung trước cửa
công ty tại Bangkok để phản đối. Ông Niwat Roikeaw, một lãnh đạo của người biểu tình cho biết:
Nếu con đập này đựơc tiếp tục xây dựng lên thì chính đời sống nhân dân Lào, Thái Lan cũng như hai nước Campuchia và Việt Nam sẽ bị tàn phá. Ông yêu cầu chính phủ Thái ngăn cản việc làm của công ty Kanchang.
Ông Niwat Roikeaw
Nếu con đập này đựơc tiếp tục xây dựng lên thì chính đời sống nhân dân Lào, Thái Lan cũng như hai nước Campuchia và Việt Nam sẽ bị tàn phá. Ông yêu cầu chính phủ Thái ngăn cản việc làm của công ty Kanchang.
Tại Việt Nam tổ chức VUSTA đã có cuộc hội thảo của các nhà khoa học và đi đến kết luận rằng cần phải ngưng ít nhất 10 năm để nghiên cứu thêm về những tác động mà con đập có thể gây ra cho hàng triệu người sống dưới khu vực hạ lưu. Phó giáo sư tiến sĩ Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch thường trực VUSTA cho biết:
-VUSTA cũng giống như hơn 200 tổ chức quốc tế đã có phát biểu là nên tạm dừng việc xây dựng cái đập ấy khoảng 10 năm để tiếp tục nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về tác động môi trường chiến lược. Không những là chỉ do cái đập này mà vì nếu đập này được xây thì sẽ bật đèn xanh cho 11 cái đập khác tiếp theo ở hạ lưu được xây và như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người thuộc khu vực các nước như Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, đặc biệt là Việt Nam.
Mối lo tiềm ẩn mà PGSTS Hồ Uy Liêm nói không chỉ một con đập Xayaburi sắp được xây dựng mà 11 con đập khác cũng đang nằm chờ phản ứng các nước trong khu vực để lên phương án triển khai.
TS Tô Văn Trường nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long cho biết ý kiến của ông về kết luận này:
-Về ảnh hưởng của đập Xaryburi thì thực ra hiện nay điều cần nhất là mình phải đánh giá một cách định lượng chứ không định tính. Cái Ủy Hội quốc tế sông Mêkong trước đây người ta có đánh giá môi trường chiến lược mà trong đó người ta phân tích cả những mặt tác hại đến khu vực hạ lưu đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu long. Trong phần đó thì người ta có kiến nghị là nên lùi lại khoảng 10 năm để thu thập thêm số liệu, tài liệu đánh giá bài bản và khoa học hơn.
Không những là chỉ do cái đập này mà vì nếu đập này được xây thì sẽ bật đèn xanh cho 11 cái đập khác tiếp theo ở hạ lưu được xây và như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người thuộc khu vực các nước như Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam
PGSTS Hồ Uy Liêm
Các nhà khoa học thuộc mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, nếu cả 12 con đập trên dòng Mekong được hoàn thành thì phù sa không thể trôi xuống vùng biển Hồ của Campuchia và hạ lưu châu thổ sông Mekong ở đồng bằng sông Cửu Long, mà nguồn phù sa này bị giữ lại phía bên trên khu vực của Campuchia.
Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm nhận ít nhất là 160 triệu tấn phù sa bồi đắp hai bên dòng sông do đó sản lượng lúa của các tỉnh dọc sông Mekong luôn luôn cao nhờ lượng phù sa màu mỡ này. Nếu con đập Xayaburi thành hình thì số phù sa này theo ước tính của các nhà thủy học sẽ chỉ còn lại ¼.
Giáo Sư TSKH Nguyễn Ngọc Trân, người bỏ đã ra nhiều năm để nghiên cứu về thủy học của sông Mêkong cho biết:
-Về chuyện xây dựng các đập để chuyển nước từ sông Mekong ra những lưu vực khác thì nó sẽ tác động mạnh đến đồng bằng sông Cửu Long. Tôi cũng rất đồng tình với những nghiên cứu gần đây về chuyện phát điện của khu vực hạ lưu con sông này. Riêng về đập Xayaburi cái khó khăn nhất cho mình ở hạ lưu là dòng chảy tự nhiên của sông Mêkong nó lần lần từng bước thay đổi, được thay thế bằng một dòng chảy của một
chuỗi các con đập. Mà cứ qua mỗi chuỗi đập như vậy thì phù sa sẽ bị lấp bớt. Vấn đề tài nguyên về thủy sản cũng bị giảm đi.
Phù sa không còn trôi về sẽ dẫn tới việc các bờ biển phía Đông của đồng bằng sông Cửu Long và mũi Cà Mau bị sạt lở và có thể mất dần sau vài chục năm. Mất phù sa cũng làm cho cả đồng bằng sông Cửu Long rơi vào tình trạng sụt lún và chìm rất nhanh dưới mực nước biển.
TSKH Nguyễn Ngọc Trân
Nó cũng ảnh hưởng vấn đề sụt lún đất sẽ tăng hơn. Có nghĩa là mực nước dâng tương đối ở tại đồng bằng sẽ cao hơn thì cái dòng chảy tự nhiên nó lần lần bị thay thế bằng dòng chảy của một chuỗi đập. Thời gian mà họ xả ra không chắc gì phù hợp với điều kiên sinh thái trong đồng bằng sông Cửu long của mình.
Phù sa không còn trôi về sẽ dẫn tới việc các bờ biển phía Đông của đồng bằng sông Cửu Long và mũi Cà Mau bị sạt lở và có thể mất dần sau vài chục năm. Mất phù sa cũng làm cho cả đồng bằng sông Cửu Long rơi vào tình trạng sụt lún và chìm rất nhanh dưới mực nước biển.
Quy chế thông báo và đồng thuận của Ủy hội sông Mêkong
Tiến Sĩ Tô Văn Trường nêu các dữ kiện chung quanh vụ đập thủy điện Xayaburi như sau:
-Hiện nay trong quy chế thông báo và đồng thuận của các nước trong Ủy hội sông Mêkong, mặc dù không có quyền phủ quyết dự án nhưng có quyền phải xin ý kiến đồng thuận của các nước, bởi vậy cho nên việc Lào muốn xây dựng đập thủy điện Xayaburi thì trước hết phải đưa ra những số liệu đánh giá một cách bài bản khoa học có tính chất thuyết phục cao. Khi con người tác dụng vào tự nhiên như xây đập thì nó có cả hai mặt lợi và hại. Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cái lợi lớn nhất vá cái hại ít nhất
Hiện nay trong quy chế thông báo và đồng thuận của các nước trong Ủy hội sông Mêkong, mặc dù không có quyền phủ quyết dự án nhưng có quyền phải xin ý kiến đồng thuận của các nước
Tiến Sĩ Tô Văn Trường
Nếu cái lợi nhiều nhất mà thuyết phục được thì sẽ dễ thuyết phục các nước cùng tham gia. Hiện nay vấn đề đập Xayaburi do Lào đưa ra còn thiếu rất nhiều tài liệu thông tin, đặc biệt là đánh giá biên giới, đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động về xã hội về sức khỏe, về kinh tế. Đây là vấn đề gây ra bức
xúc của nhiều nhà hoạt động về môi trường của các tổ chức quốc tế.
Vấn đề Xaryburi là bài toán không những trước mắt mà về lâu dài thì nó là một công trình khởi đầu cho một hệ thống bậc thang gồm 12 đập thực hiện trên dòng chính Mêkong ở hạ lưu. Việt Nam cần chủ động nghiên cứu để làm đối chứng khi đưa ra các biện pháp cũng như con số thuyết phục để cho các nước kể cả thượng lưu và hạ lưu có một tiếng nói chung về khai thác nguồn nước sông Mêkong có tính chất bền vững lâu dài.
Trong trường hợp Lào cương quyết bác bỏ mọi nỗ lực của các tổ chức môi trường và các chính phủ vì quyền lợi kinh tế của họ thì tác hại trước mắt ra sao? Tiến sĩ Tô Văn Trường xác nhận:
-Nếu mà xây luôn thì chắc chắn nó có những tác hại mà đặc biệt nhất là vấn đề thay đổi dòng chảy nhất là đối với thủy sản. Thủy sản hiện nay thì vấn đề cá trắng và cá đen là nguồn dinh dưỡng rất lớn của đồng bào sống dọc bờ sông. Không những của Lào, Thái lan, Campuchia mà của Việt Nam, Ảnh hưởng lớn thứ hai là liên quan đến vấn đề thay đổi dòng chảy. Khi thay đồi dòng chảy thì tất nhiên nó ảnh hưởng vấn đề lượng phù sa ở phía hạ lưu cũng như vấn đề nguồn nước
Theo báo chí ước tính, nguồn lợi cá trắng chỉ tính riêng đồng bằng sông Cửu Long sẽ tổn thất khoảng từ 240.000 đến 480.000 tấn mỗi năm. Nếu tính giá xuất khẩu 2.500 USD mỗi tấn, thì mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiệt hại khoảng 500 triệu đến một tỷ USD.
Còn thiệt hại về môi trường thì không thể tính bằng tiền mà phải tính bằng sự biến mất của hàng ngàn chủng loại thủy sinh vật cũng như sự nghèo khó của con người trên hai bờ con sông này.
Theo dòng thời sự:
- Dân Thái phản đối Lào xây đập thủy điện Xaraburi
- VN lên tiếng về đập Xaraburi trên dòng Mêkông
- Kêu gọi Lào hủy bỏ công trình thủy điện Xayabury
- Nhật ký sông Mêkông (phần 1): Cội nguồn
- Nhật ký sông Mê Kông (phần 2): Địa phận Hoa Lục
- Nhật ký sông Mêkông (phần 3): Địa phận Thái Lan
- Nhật ký sông Mêkông (phần 4): Xuôi dòng địa phận Thái Lan
- Nhật ký sông Mêkông (phần 5): Trong địa phận Miến Điện
Mời các bạn tìm hiểu cội nguồn sông Mekong qua video "Nhật ký sông MêKông (phần 1): Cội Nguồn", do RFA thực hiện.