Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí mới đây đề nghị cơ quan lập pháp xem xét xây dựng Luật Đạo đức. Theo ông Trí, luật này nhằm giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người, nhằm góp phần tốt hơn trong phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Ông Trí cho rằng, cần có Luật Đạo đức "để giáo dục cho cộng đồng xã hội, chứ không chỉ bằng biện pháp nêu gương, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên".
Phẩm chất của cán bộ, đảng viên lâu nay được giáo dục qua phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, được Bộ Chính trị khóa 9 quyết định từ năm 2005.
Sau đó, đại hội Đảng lần thứ 11 yêu cầu đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức Đảng và các tầng lớp nhân dân.
Theo nhận định của nhà báo Nguyễn Ngọc Già, sau 17 năm phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được đưa vào tầng lớp đảng viên rồi lan ra các công sở, trường học, kết quả là một sự thật bại hoàn toàn. Ông cho rằng tình trạng đạo đức trong xã hội bị suy đồi đến mức tận cùng đã xuất hiện. Ông nói tiếp:
Ông Trí đã nhầm lẫn giữa pháp trị và đức trị. Nó cách khác, luật phải có giá trị thi hành trên thực tế. Luật không ban để ra để dạy dỗ như ông Lê Minh Trí là dạy về danh dự. Đó là cách tiếp cận vấn đề sai lầm. - Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
“Cái khái niệm ‘danh dự’ mà ông Lê Minh Trí muốn giáo dục trong cái Luật Đạo đức ổng đề nghị, trở thành một thứ rất xa xỉ trong một xã hội dày đặc dối trá và lừa đảo cả ở tầm vi mô lẫn vĩ mô.
Đạo đức là một phạm trù thuộc về văn hóa thông qua giáo dục. Dạy về đạo đức phải bắt đầu từ tấm bé, khi trẻ con bước chân vào trường học. Nó phải được dạy những khái niệm về trách nhiệm, về lương tri, về phẩm giá, về sự sỉ nhục, về sự xấu hổ…từ đó nó mới hình thành nên giá trị đạo đức. Đó thuộc về lãnh vực văn hóa giáo dục. Nó không thuộc về lãnh vực pháp luật. Ông Trí đã nhầm lẫn giữa pháp trị và đức trị. Nó cách khác, luật phải có giá trị thi hành trên thực tế. Luật không ban để ra để dạy dỗ như ông Lê Minh Trí là dạy về danh dự. Đó là cách tiếp cận vấn đề sai lầm.”
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị cho là đã vào nền nếp, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của tổ chức Đảng, đoàn nhằm ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ cũng như đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch.
Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 năm 2016, Đảng nhấn mạnh: "Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới tự diễn biến, tự chuyển hóa chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc." Hội nghị đưa ra một Nghị Quyết trong đó liệt kê 27 điểm để nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và vấn đề tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Việc phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, hay đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng” bị cho là một biểu hiện để nhận diện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ đảng viên.
![ca8abb9f-5499-4d0f-8c83-55bb47cbcc15.jpeg](https://www.rfa.org/resizer/v2/27Z37LE32FOLLK7AKB7NIILAGI.jpg?auth=dd050f6cc25da2031a27b42cd78559596c3638da0cda2172358b3eb16d6f9979&width=800&height=570)
Tháng 10 năm ngoái, các lãnh đạo cao cấp nhất của ĐCSVN về Hà Nội dự Hội nghị Trung ương 4 khoá 13 để tiếp tục nâng cấp các Nghị quyết về củng cố Đảng nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình hình suy thoái về “tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” của cán bộ, đảng viên.
Đạo đức mà Đảng nói tới là đạo đức cách mạng. Còn đạo đức xã hội được nói đến như là một nét đẹp truyền thống văn hóa’ là chuẩn mực, thái độ hay cách sống của một con người. Đạo đức trong một cộng đồng thể hiện qua những quy tắc ứng xử được áp dụng từ việc hợp với đạo lý xưa nay và phong tục của cộng đồng đó. Đạo đức của cả một xã hội thường được xét đến khi xã hội đó bị cho là hỗn loạn và thiếu chuẩn mực.
Đạo đức vốn nằm trong bộ luật hình sự. Còn khái niệm đạo đức là một khái niệm trừu tượng nằm trong phạm trù của giáo dục chứ không phải nằm trong phạm trù của pháp luật. Bây giờ nói vấn đề Luật Đạo đức thì chỉ để trừng phạt những người chống lại quyền lợi phe nhóm mà thôi. - Một luật sư giấu tên
Với kiến nghị xây dựng Luật đạo đức của ông Lê Minh Trí, một luật sư giấu tên ở TP.HCM cho rằng, với quan chức không còn giáo dục nữa mà chỉ áp dụng bằng luật pháp. Ông nêu quan điểm của mình:
“Ngoài Điều lệ Đảng ra thì còn có 19 điều đảng viên không được làm. Nó giống như một quy tắc đạo đức rồi. Bây giờ biến đạo đức thành luật trong khi không đào tạo người ta thành một nền tảng thuở sơ khai. Còn bây giờ nó mang tính ‘bạo lực cách mạng’. Nó giống như cái sơ khai rồi. Bây giờ nếu đưa lên thành luật, gọi là Luật Đạo đức thì 19 điều đảng viên không được làm vứt sọt rác à? Luật Đạo đức như vậy là mơ hồ. Nó là cách giáo dục từ lúc sơ khai chứ không phải khi người ta trở thành hung bạo rồi nó mới biến thành luật.
Đạo đức vốn nằm trong Bộ luật Hình sự. Còn khái niệm đạo đức là một khái niệm trừu tượng nằm trong phạm trù của giáo dục chứ không phải nằm trong phạm trù của pháp luật. Bây giờ nói vấn đề Luật Đạo đức thì chỉ để trừng phạt những người chống lại quyền lợi phe nhóm mà thôi.”
“Bạo lực cách mạng” là tư tưởng của ông Hồ Chí Minh giai đoạn 1954-1975 mà ông Hồ gọi là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Theo Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông thuộc Học viện báo chí và tuyên truyền, tư tưởng Hồ Chí Minh về bạo lực cách mạng là một bộ phận trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng quân sự nói riêng; là một hệ thống các quan điểm về sử dụng sức mạnh bạo lực của quần chúng nhân dân bị áp bức, bóc lột dưới sự lãnh đạo của Đảng chống lại thực dân, đế quốc, giành lấy chính quyền và giữ vững chính quyền.
Ông Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp, của dân tộc, cần sử dụng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền".