Anh Quốc, thiên đường và điểm đến của người Việt Nam mong muốn đổi đời (Thùng Nhân Phần 6/7)

0:00 / 0:00

Kể từ khi cuộc Chiến tranh Việt Nam chấm dứt hồi cuối tháng 4/1975, sau làn sóng hàng triệu người Việt liều mình vượt biển và mặc dù Hà Nội thực hiện Chính sách 'Đổi mới' từ đầu thập niên 80 của thế kỷ XX nhưng những dòng người Việt vẫn tiếp tục rời bỏ đất nước hình chữ 'S' với giấc mơ 'đổi đời'. Trong đó, không ít người chọn cuộc hành trình đến 'thiên đường' Châu Âu cùng với những ước vọng mà họ phải trả một cái giá rất đắt bằng chính mạng sống của mình.

‘Thùng nhân’ Việt và giấc mơ đổi đời nơi trời Âu (Phần VI)

Vào nửa đêm khuya cách đây sáu năm, điện thoại reo tại một căn nhà nhỏ ở ngoại ô London, đánh thức ông Tim Trần. Lúc đó ông đang mê man trong giấc ngủ nhưng cú điện thoại đã làm ông tỉnh ngay.

Ông Tim là người Anh gốc Việt sinh sống tại Vương Quốc Anh hơn mấy chục năm. Trong bảy năm qua ông đã làm tư vấn cho Bộ Xã hội và cảnh sát Anh trong những trường hợp nạn nhân buôn người Việt Nam bị khám phá và bắt được. Ông yêu cầu không tiết lộ tên thật của ông vì quan ngại đường dây buôn người tại Anh sẽ tìm đến nếu biết ông đã tiếp xúc với truyền thông.

Sáng hôm đó, ông được Bộ Xã hội Anh cho hay, hai cậu bé Việt Nam đã bị bắt tại sân bay Heathrow của London:

“Hôm đó tôi đang ngủ. Lúc nửa đêm thì tôi nhận được điện thoại của Bộ Xã hội mời tôi sáng sớm phải tới trụ sở Xã hội để họp về một vụ người di trú bất hợp pháp. Tôi đến thì ở đó có cảnh sát, có cán bộ xã hội và những vị liên quan. Thì có hai em bé, hai em thấy tôi bước vào thì mừng lắm bởi vì thấy tôi là người Việt Nam. Hai em chưa có nói được tiếng Anh, nói được rất là ít, hai ba chữ thôi.”

Hai cậu bé độ 15 tuổi, khôi ngô tuấn tú và vui tươi, ông Tim kể lại. Nhờ ông thông dịch, cảnh sát Anh đã lấy lời khai báo đường đi nước bước của hai em đến Heathrow, London:

“Họ nói rằng đêm hôm qua hai em bé này tới phi trường Heathrow, rồi không ra cửa checkout, cứ ở đó, cả lúc nửa đêm không còn chuyến bay nào đến. An ninh phi trường thấy hai em bé cứ đi tới, đi lui, hoặc là ngồi đó mà không đi ra. Họ tới hỏi, hai em lớ ngớ, cũng không nói được tiếng Anh, không biết gì cả. Thì họ gọi Bộ Xã hội đến bởi vì hai em dưới tuổi vị thành niên.”

Ông Tim nói, trong lời khai báo của hai em, có một chi tiết đáng chú ý: Hai cậu bé đã không đi một mình.

“Hai em nhận là con của một nhà ngoại giao Việt Nam đi trên máy bay để tới nước Anh.

Cả ba người đều được chính quyền Anh cấp visa đi đàng hoàng bằng máy bay đến phi trường Heathrow. Khi tới đó rồi hai em mới khai người dẫn là nhà ngoại giao đã dẫn hai em đi, đóng vai là cha của hai em, lấy tất cả giấy tờ từ trên tay các em rồi họ đi mất. Nửa đêm sự việc xảy ra thì cảnh sát với Bộ xã hội đưa về”.

2021-09-13T131109Z_1328047563_RC20PP9B65Z0_RTRMADP_3_EUROPE-MIGRANTS-BRITAIN.JPG
Người di cư lậu được tàu của Viện Cứu Hộ Quốc Gia Hoàng Gia (RNLI) cứu vớt. Hình chụp ở cảng Dungeness, Vương Quốc Anh hôm 13/9/2021, Reuters.

Chính sách với trẻ tuổi vị thành niên

Năm 2009 Vương Quốc Anh đã thông qua đạo luật về Biên giới, Quốc tịch và Nhập Cư, trong đó quy định hướng dẫn rõ ràng rằng Cơ quan biên phòng Anh có nghĩa vụ pháp định là “bảo vệ và thúc đẩy phúc lợi của trẻ em” không có người đi cùng. Trường hợp của hai bé trai này được Bộ Nội vụ Anh xét là nạn nhân buôn người và như vậy hai em đã được đưa cho Nhà nước nuôi và được quyền thường trú trên đất Anh.

“Đạo luật về trẻ em của nước Anh quy định rất rõ là không cần biết các em đó là gì, là nạn nhân của buôn người, nạn nhân của bạo hành gia đình hay là nạn nhân bất cứ chuyện gì. Việc bất hợp pháp là người lớn làm ra chứ trẻ em không làm cho nên chính phủ Anh coi các em là vô tội. Đó là cái tiến bộ của nước Anh, rất đáng khâm phục chứ không phải là không”.

Ông Tim cho biết, tất cả trẻ em trên đất Anh không có thân nhân đều được chính phủ Anh cưu mang theo quy định pháp luật. Các em được giao cho những gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng, nuôi nấng cho em ăn học đến khi 18 tuổi. Chính phủ chỉ định một số tổ chức từ thiện trong việc theo dõi các em và các gia đình nuôi dưỡng.

"Có lẽ là vì đạo luật này mà người ta thích tới nước Anh không chừng". - ông nói.

Theo số liệu từ Bộ Tư Pháp Anh nạn nhân buôn người ở tuổi vị thành niên vào năm 2010 là 187 em, chiếm khoảng 25% của tổng số nạn nhân buôn người (710 người) bị đưa vào Anh. Đến năm 2018, số trẻ em lên đến 3128, chiếm gần 45%, tức gần phân nửa tổng số nạn nhân buôn người (6.985 người). Các chuyên gia cho rằng trên thực tế số nạn nhân cao hơn gấp nhiều lần vì nhiều trường hợp không được báo cáo.

Nhóm chuyên gia về hành động chống buôn người (GRETA) của tổ chức nhân quyền với tên gọi là Hội Động Châu Âu (Council of Europe) trong bản đánh giá nỗ lực chống buôn người của nước Anh thực hiện hồi năm 2016 ghi nhận một hiện tượng đáng quan ngại là nhiều trẻ em bị kẻ buôn người bỏ lại ở phi trường. Nhưng sau khi được cơ quan chức năng cứu vớt và về nơi an toàn, thì đường dây buôn người lại cho người đến ‘bóc' các em đi.

2021-08-04T154048Z_486619502_RC2DYO9RFG9L_RTRMADP_3_EUROPE-MIGRANTS-BRITAIN.JPG
Người di cư lậu từ các quốc gia bao gồm Việt Nam, Iran và Eritrea được cứu vớt ở eo biển Manche, sau khi họ rời khỏi miền bắc nước Pháp, ở Dungeness. Ảnh chụp hôm 4/8/2021, Reuters.

Nạn nhân buôn người lại bị truy thành tội phạm

Không phải trường hợp nào đối tượng trong các doanh nghiệp của môi giới cũng được xác định ngay là nạn nhân buôn người. Ông Kevin Hyland, thành viên của Nhóm chuyên gia GRETA và là cựu Uỷ viên độc lập chuyên về chống nô lệ của chính phủ Anh cho biết:

“Khi công dân Việt Nam được phát hiện, ví dụ như làm việc ở trong trại trồng cần sa, họ thường bị bắt giữ như kẻ tội phạm. Điều này xảy ra ở khắp Châu Âu và đặc biệt nó là một vấn đề lớn ở Anh”.

Ông nhắc lại trường hợp điển hình của một người phụ nữ quốc tịch Việt Nam bị bắt tại một trại trồng cần sa tại Dublin, Ireland hồi năm 2012. Bà không biết nói tiếng Anh, chỉ chấp hành nhiệm vụ được giao là tưới cây. Nhà trại bị khóa cửa từ bên ngoài. Trong quá trình điều tra, bà bị truy tố và bị giam hai năm rưỡi vì tội buôn bán ma túy.

Sau này, tòa án tối cao của Ireland mới xét xử lại và khẳng định bà chính là nạn nhân của tổ chức buôn người.

Sự việc cho thấy sự bất cập trong hệ thống xác định ai là nạn nhân. Cơ chế Tham khảo Quốc Gia (NRM) của Anh được thành lập vào năm 2009 với mục tiêu phát hiện và xác định nạn nhân buôn người nhằm đảm bảo họ được chính phủ hỗ trợ và bảo vệ.

Ông Hyland nhận định:

" Vâng nó thành công, vì càng ngày càng nhiều trường hợp được các cơ quan chức năng giới thiệu đến. Danh sách những trường hợp đang chờ được xác định lên tới 22.000 người, trong đó nhiều người là người Việt Nam. Những người này đã chờ rất lâu, có khi cả một, hai năm hoặc hơn nữa.

“Nghĩa là trong lúc các nạn nhân vẫn chưa được xác định thì những tên tội phạm vẫn có thể hoạt động mà không phải đối mặt với bất kỳ một sự trừng phạt nào. Và họ có thể tiếp tục kinh doanh vì có rất nhiều lợi tức từ việc buôn người, và công dân Việt Nam được coi là một nguồn thu nhập tốt”.

Sự thu hút của Vương quốc Anh

Theo ông Tim Trần, điểm tiến bộ của nước Anh, cái nhân phẩm được tôn trọng, là một trong nhiều lý do khiến hàng năm người Việt Nam rời bỏ quê hương để tìm một cuộc sống mới tại đây.

Đơn cử như anh Trần Mạnh Tuấn, quê ở Nghệ An, nay sống ở Anh và đang được chính phủ Anh xem xét đơn xin tị nạn chính trị. Anh nói, ông nội của anh đã từng đi tù Cộng Sản Việt Nam vì những hoạt động tôn giáo. Đến đời con cháu, mọi việc vẫn bị chèn ép từ quyền tự do biểu đạt đến đời sống kinh tế, anh nói:

“Có những người ở nhà họ sinh sống ok, nhưng họ vẫn muốn tìm một con đường tốt hơn. Như 39 người (chết ngạt tại Essex) đó, không phải trong số họ ai cũng nghèo khó cả. Mà có những người vì lý do ở nhà, trong một đất nước mà họ khó sống, khó làm ăn, họ muốn cất lên tiếng nói thì họ phải tìm đường ra đi”.

Họ là những người tự nguyện tham gia đường dây buôn người, nhưng trên đường đi, họ thường trở thành nạn nhân của kẻ buôn người (như RFA đã ghi nhận trong phần 3, 4 của loạt bài về nạn buôn người). Sự việc này đã đặt các cơ quan chức năng vào tình trạng khó xử vì lằn ranh không rõ ràng giữa nạn nhân và kẻ phạm tội.

2021-09-13T111325Z_939801337_RC2YOP99SJNU_RTRMADP_3_EUROPE-MIGRANTS-BRITAIN.JPG
Những người di cư được Lực lượng Biên phòng Vương Quốc Anh giải cứu khỏi eo biển Manche, cập bến cảng ở Dover hôm 13/9/2021. Ảnh: Reuters

Ông Tim Trần nhận định:

"Đây là những nạn nhân buôn người đặc biệt là tự nguyện. Tức là họ đi tìm bọn buôn người, họ đưa mình vào trong tay của bọn buôn người để nó đưa đi. Nếu người nào trả đủ tiền thì qua nước Anh nó thả ra, người nào chưa trả được số tiền thì nó bắt làm những công việc bất hợp pháp để lấy đủ số tiền trả lại cho nó".

Như anh Trần Mạnh Tuấn, khi tìm đến nước Anh, chỉ biết là “nhân quyền ở Anh cao hơn các nước”. Thêm nữa, tại quê nhà, anh bị nợ nần chồng chất. Cuối cùng chính người chủ nợ đã sắp xếp cho anh đi, và từ giờ phút đó, bên phía “đưa người” lo hết.

“Mình đưa ảnh, họ làm hộ chiếu, thế nào thì em không biết. Đi với người của họ, mình cầm (hộ chiếu) của mình, chỉ đi theo họ thôi”.

Trước khi đi thì biết có những chuyến vượt biên sang Nga để đến Ba Lan, nghe tin họ cũng bị chết trên xe. Có những xe container, họ chết trên rừng. Nghe như thế, nhưng em vẫn quyết định đị”.

Suốt con đường, anh chỉ biết cầu nguyện Chúa. Anh kể lại, hành trình của anh y như của 39 người đã thiệt mạng hồi tháng 10/2019 trên xe tải tại hạt Essex.

Khai thác vụ 39 người chết để kiếm thêm tiền

Trong vụ này, người cung cấp chiếc xe tải chở 39 nạn nhân, bị can người Romania, Stefan Damian Dragos, mới hầu tòa tại Anh hôm 3 tháng 9 về tội “nhập cư bất hợp pháp và khuyến khích hoặc hỗ trợ thực hiện hành vi phạm tội”.

Cảnh sát hạt Essex từ chối trả lời phỏng vấn của RFA, nhưng có cho biết trong cuộc điều tra liên quan vụ 39 người chết, cảnh sát chỉ điều tra về tội “tổ chức nhập cư bất hợp pháp” chứ không quy họ vào tội “buôn người”.

Chuyên gia về buôn người ông Kevin Hyland cho biết, các băng nhóm buôn người đã khai thác thảm họa này để tiếp tục đưa người với giá cao hơn:

“Những người trong đường dây môi giới ở Việt Nam, họ đã thực sự sử dụng cái chết của 39 người này như một kiểu quảng cáo. Họ nói, “Đó là những kẻ đưa người ẩu. Họ là những người xấu đã đưa người sang Anh. Chúng tôi làm đàng hoàng, vì vậy chúng tôi sẽ tính phí cao hơn một chút nhưng bạn sẽ đến nơi an toàn.”

000_1MM0C1.jpg
Hài cốt của một số trong 39 nạn nhân xe tải ở Vương quốc Anh được chở trên xe cấp cứu từ sân bay Nội Bài, Hà Nội 27/11/2019. Ảnh: AFP

Trường hợp đưa người lậu vào Anh có vẻ như gia tăng trong hai năm qua. Số liệu của Bộ Nội vụ Anh cho thấy, trong Quý II năm nay, 910 trường hợp được các cơ quan chức năng các cấp báo cáo có thể là nạn nhân buôn người, và là con số kỷ lục được phát hiện trong một quý đến nay.

Trong đó, ba nhóm người có tỷ lệ cao nhất có quốc tịch Albania (119 người) và Việt Nam (118 người). Nhóm thứ ba là người có quốc tịch Anh, nghĩa là người Anh bị buôn bán trong lãnh thổ nước Anh, ví dụ như cho mục tiêu mại dâm hay buôn lậu.

Ông Tim ước tính: "Người Việt Nam tại Anh, ít nhất bây giờ, số người đến nước Anh bất hợp pháp, từ khoảng 15 năm, 20 năm trở lại đây, con số có thể lên gần 100.000 người".

Đối với những người không đi thẳng bằng máy bay như hai cậu bé ở đầu câu chuyện, ông Tim ghi nhận:

" Họ nói, có khi từ ở bên Pháp, họ dẫn đến một bãi rất nhiều xe thùng đậu. Họ chỉ vào một xe, rồi họ mở cửa leo lên, chui vào trong đó... Khi xe đó đi qua đường hầm, qua bằng phà tới nước Anh, tới một cái chỗ nào hoang vắng, xe đó ngừng. Họ bảo xuống thì họ xuống. Họ bảo tự lo liệu, tự chạy đi.

Tôi hỏi họ làm sao lo liệu, họ nói đi gặp những nơi mà đông người, có người khuôn mặt giống Việt Nam thì họ vào hỏi thì những người Việt này chỉ. Rồi những người đó nhiều khi họ chạy tới thẳng cảnh sát để họ trình diện, họ nói bị buôn người đưa qua.

Có những người thì được những gia đình Việt Nam quen biết cưu mang. Họ có thể ra thẳng tới Bộ Nội vụ nộp đơn xin tị nạn.

Có muôn hình vạn trạng, rất nhiều…”

Theo ông Tim Trần nhận định, chính quyền Anh chỉ nắm được khoảng 2/3 số người Việt sang Anh bất hợp pháp. Nếu trên đường sang Anh họ không bị bắt, đến đây họ lao động lậu không bị bắt, nếu họ không tự nguyện ra trình với cơ quan chức năng, thì chính quyền Anh không thể nào nắm bắt được con số nhập cư vào Anh lậu.

Đại diện Nhóm chuyên gia về hành động chống buôn người (GRETA) ông Kevin Hyland lập luận rằng các chính phủ Anh cũng như Châu Âu cần đánh vào cơ sở kinh doanh của các đường dây buôn người, bao gồm trại trồng cần sa, ngành mại dâm, cả các casino, nơi tiêu thụ ‘hàng buôn lậu” là người Việt Nam. Ông nói:

“Có những thị trường rất sinh lợi trên khắp Châu Âu đã được thành lập cho những người sẵn sàng làm việc với lương cực kỳ thấp, hoặc không lương để trả nợ và cho đến nay vẫn chưa đủ nỗ lực được đầu tư vào việc phá vỡ các thị trường đó.

Nếu chúng ta thực sự muốn giải quyết nạn buôn người, chúng ta cần bắt đầu tấn công các doanh nghiệp, chủ nhà, công ty vận tải cho dù họ là ai, họ thuộc quốc gia nào. Chúng ta cần đánh vào số tiền họ kiếm được từ kinh doanh này. Đã có các vụ truy tố và kết án về tội buôn người Việt Nam. Nhưng nếu so sánh với vùng ánh sáng đã được rọi vào, và mức độ phổ biến của nó, thì tỷ lệ kẻ buôn người bị kết án thấp một cách đáng kinh ngạc ".

2020-07-13T131817Z_740333013_RC2DSH9IWPLU_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-BRITAIN-REOPENING.JPG
Thợ làm móng phục vụ khách hàng tại một tiệm nail ở Bletchley, Vương Quốc Anh hôm 13/7/2020. Ảnh: Reuters

Người Việt Nam sẽ tiếp tục đến Anh bằng “muôn hình vạn trạng” như ông Tim nói, vì bên này, đồng lương vẫn cao hơn ở Việt Nam, tiệm nail, trại trồng cần sa vẫn cần người. Cầu vẫn còn và theo ghi nhận của RFA qua nhiều cuộc phỏng vấn với người di dân tại khắp Châu Âu, làn sóng người Việt Nam cầm cố nhà, gánh nợ, bỏ lại cha mẹ, vợ con sẽ vẫn tiếp diễn. Họ vẫn chấp nhận mọi hiểm nguy, kể cả rủi ro bị bóc lột về thể xác, sức lao động hay tình dục để tìm cuộc sống mới.

Các chuyên gia chống buôn người cho rằng, vấn nạn này sẽ vẫn tiếp diễn cho đến khi các chính phủ thực tâm giải quyết nó bằng cách cho người dân những chọn lựa tốt hơn qua giáo dục, qua các chương trình đào tạo nghề nghiệp, qua việc tạo công ăn việc làm đủ sống.

Nếu không, thành phần nghèo khó, dễ bị tổn thương, ngày càng bị loại bỏ ra ngoài xã hội tạo ra những cộng đồng không bền vững, trong khi các băng nhóm tội phạm càng thêm quyền lực.

Mời quý vị theo dõi phần cuối về của loạt bài phóng sự về "thùng nhân" Việt ở Châu Âu: 'Thiên đường' Châu Âu: 'Biết vậy không đi' và những giấc mơ còn dang dở!

Phần I: ‘Thùng nhân’ Việt và giấc mơ đổi đời nơi trời Âu

Phần II: 'Thiên đường' Châu Âu và các cuộc hành trình nhiều may rủi

Phần III: Trạm dừng chân ở Đông Âu: Viễn ảnh đến Tây Âu cùng Nỗi sợ hồi hương

Phần IV: Cảnh sát Đức và cuộc truy lùng tội phạm buôn người Việt Nam

Phần V: Thuyền nhân Việt Nam trong thời đại mới

Phần VI: Anh Quốc, thiên đường và điểm đến của người Việt Nam mong muốn đổi đờ

Phần VII: 'Thiên đường' Châu Âu: 'Biết vậy không đi' và những giấc mơ còn dang dở