Kể từ khi cuộc Chiến tranh Việt Nam chấm dứt hồi cuối tháng 4/1975, sau làn sóng hàng triệu người Việt liều mình vượt biển và mặc dù Hà Nội thực hiện Chính sách ‘Đổi mới’ từ đầu thập niên 80 của thế kỷ XX thì những dòng người Việt vẫn tiếp tục rời bỏ đất nước hình chữ ‘S’ với giấc mơ ‘đổi đời’. Trong đó, không ít người chọn cuộc hành trình đến ‘thiên đường’ Châu Âu cùng với những ước vọng mà họ phải trả một cái giá rất đắt bằng chính mạng sống của mình.
'Thùng nhân' Việt và giấc mơ đổi đời nơi trời Âu (Phần VII)
“Biết vậy, không đi!”
“Bạn bè bên đó bảo sang làm ăn thế này, thế kia…Nghe vậy, thế là tôi đi. Nói chung, tôi không biết bị rủi ro như vậy. Nếu biết thì chả đi làm gì.”
Trên đây là chia sẻ của một bà mẹ đơn thân, đành để lại hai đứa con thơ nhờ bà ngoại chăm sóc và rời bỏ làng quê ở vùng nông thôn Bắc Trung bộ đến Châu Âu, với giấc mơ đổi đời.
Tuy nhiên, ước mơ của chị không thể thành hiện thực. Bởi vì, chị bị đưa vào một trại giam di trú ở Ba Lan và chị rất lo lắng trước thông tin bị trục xuất về nước vào cuối năm 2016.
Mùa hè năm đó, người mẹ trẻ đã liên lạc với RFA để kêu cứu. Và sau lần tiếp xúc đầu tiên qua điện thoại, chúng tôi bặt vô âm tín của chị cho đến tận bây giờ.
Người phụ nữ vô danh này thuộc trong số hàng ngàn phụ nữ Việt Nam trong làn sóng ‘thùng nhân’ vượt biên đến Châu Âu những thập niên qua, mà số phận của họ như thế nào thì không mấy ai biết được, cũng như chưa có bất kỳ số liệu thống kê chính thức nào được công bố.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoa, một người Việt vừa được giấy tờ hợp pháp sau hơn một thập niên nhập cư lậu vào Anh, lại nói với RFA rằng:
“Thật ra, nói thẳng là cuộc sống ở đây chẳng có gì là thú vị cả. Buồn chết được. Có giấy tờ hay không có giấy tờ thì cũng thế. Tức là, nếu như không có giấy tờ thì mình nghĩ sẽ có ngày quay về để lập nghiệp. Bây giờ tự dưng có giấy tờ thì mình lại nghĩ đi về, hơi tiếc nhỉ!”
Hầu hết những ‘thùng nhân’ Việt ở Châu Âu, Đài RFA tiếp xúc, đều nghĩ rằng đã là người Việt Nam thì ai cũng mong rồi một ngày về quê lập nghiệp, với một số vốn có trong tay sau thời gian bôn ba nơi xứ người. Cũng có một số người bày tỏ nếu được chọn lựa lại, có lẽ sẽ không ra đi; như chàng thanh niên trẻ, quê ở Nghệ An, hiện đang cư trú lậu tại Pháp:
“Nếu mà được chọn lại thì chắc không đi. Đi làm chui như thế này thì thật ra sang đây rồi mới biết. Chứ còn ban đầu thì ảo tưởng theo giấc mơ, vậy thôi! Bây giờ sang đây thì mới biết là khó khăn, chứ không phải như ở nhà được nghe nhiều người kể lại rằng sang Tây làm ăn dễ dàng.”
Mặc dù vậy, ông Tim Trần, từng làm tư vấn cho Bộ Xã hội và Cảnh sát Anh liên quan các trường hợp nạn nhân buôn người trong bảy năm qua, nhận định rằng tình trạng người di dân bất hợp pháp từ Việt Nam đến Châu Âu nói chung và Anh quốc nói riêng vẫn tiếp diễn.
Ông Tim Trần nhấn mạnh bởi vì những tiệm nails và các trại trồng cần sa vẫn rất cần người làm việc.
‘Thiên đường’ Anh Quốc
Đài truyền hình ABC News, hồi tháng 2/2020, loan tin Anh Quốc được xem là điểm đến hàng đầu của người Việt Nam di dân.
ABC News dẫn chứng dựa theo kết quả của một cuộc khảo sát, do Đại Sứ quán Anh tại Hà Nội hỗ trợ, được thực hiện hồi năm 2014.
Qua đó, trong số 346 người Việt Nam di dân bất hợp pháp đến Anh và đã trở về nước thì hầu hết đều cho rằng Anh quốc là một ‘thiên đường’, từ cơ hội công ăn việc làm và thu nhập cho đến chăm sóc sức khỏe và hệ thống pháp luật; kể cả bị ở tù cũng rất là ‘thú vị’.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh, số lượng người gốc Việt sinh sống tại Anh, hồi năm 2018, được ước tính là 23.000 người. Thế nhưng, có những ước tính khác cho thấy con số thực tế cao hơn nhiều, với hàng chục ngàn người được ghi nhận ‘không có giấy tờ’.
Người Việt di dân lậu bị “mất tích” ở Anh
Theo thông tin từ tờ Telegraph, đăng tải hồi tháng 8/2021, những người di dân Việt Nam thường “biến mất rất nhanh” khi họ vào đến Vương quốc Anh.
Telegraph ghi nhận người di dân lậu Việt Nam bỏ trốn hoặc biến mất vào thị trường chợ đen, sau khi bị Chính quyền Anh bắt giữ, là do họ phải kiếm đủ số tiền mà gia đình vay nợ để trả cho các băng nhóm buôn người.
Cô Mimi Vũ, một chuyên gia về chống buôn người và nô lệ hiện đại, ở Việt Nam, được Telegraph dẫn lời cho biết cô đã phỏng vấn một người đàn ông làm việc cật lực trong một cửa tiệm suốt ba năm để trả số tiền 17.000 USD. Tuy nhiên, sau ba năm, người đàn ông đó vẫn chưa trả được số tiền gốc đã vay.
Bà Claire Moseley, người sáng lập Tổ chức Từ thiện Care4Calais, nói với Telegraph rằng “Quý vị sẽ không nhìn thấy họ trong các trại tị nạn như những người khác. Khi những người Việt Nam di dân bất hợp pháp đến Anh thì tất cả họ đều xin quy chế tị nạn. Tuy vậy, họ lại biến mất rất nhanh”.
Chính phủ Anh và các tổ chức phi chính phủ (NGOs) mặc dù gặp không ít khó khăn trong vấn đề giải quyết và giúp đỡ cho người di dân bất hợp pháp Việt Nam, thế nhưng cựu Uỷ viên Độc lập chuyên về Phòng chống Nô lệ ở Anh (The former UK Independent Anti-Slavery Commissioner-IASC) xác định được những di dân lậu đó đến từ năm tỉnh ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ của Việt Nam; bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh. Trong đó, số người đi từ Nghệ An là đông nhất.
Ba tổ chức; bao gồm Anti-Slavery International (Tổ chức Chống Nô Lệ Quốc Tế), Every Child Protected Against Trafficking (Tổ chức Bảo Vệ Mỗi Trẻ Em Khỏi Nạn Buôn Người) và Pacific Links Foundation (Tổ chức Vòng Tay Thái Bình), hồi năm 2019 đã thực hiện một dự án nghiên cứu về người di dân đến Châu Âu.
Trong đó, ghi nhận các yếu tố dẫn đến tệ nạn buôn người từ Việt Nam đến Châu Âu là vì người di dân muốn tìm kiếm cơ hội và và điều kiện sinh sống tốt hơn. Người di dân Việt Nam có thể bị tác động bởi tình trạng kinh tế khó khăn và các yếu tố như xã hội, môi trường, chính trị cũng tác động đến quyết định của họ.
Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam, một người đồng hành với người dân ở Nghệ An, lên tiếng với RFA rằng một trong những nguyên nhân khiến cho ngày càng nhiều người dân khu vực miền Trung liều mình trong những chuyến đi may rủi đến Châu Âu là do hậu quả của sự cố môi trường biển Formosa và đại dịch COVID-19.
“Ngay trong vụ 39 người chết ở Anh thì chúng ta cũng thấy người dân sẵn sàng mạo hiểm tính mạng của mình để tìm cách mà đi. Hiện tại ở Việt Nam, xem ra sau vụ 39 người thiệt mạng đó, thì phong trào ly hương để tìm kế sinh nhai vẫn không giảm. Chỉ có điều là ở Châu Âu, chính quyền thắt chặt hơn và chắc chắn là những người đi theo kiểu bất hợp pháp gặp khó khăn hơn nhiều.”
Chính phủ Việt Nam và tệ nạn buôn người
Hoa Kỳ, vào hạ tuần tháng 6/2020, phổ biến phúc trình thường niên về “Tệ nạn Buôn người” trên thế giới. Theo đó, Việt Nam được ghi nhận không đáp ứng đầy đủ các quy định nhằm xóa bỏ tệ nạn buôn người, mặc dù có những nỗ lực đáng kể.
Chính phủ Hà Nội vừa kết thúc thực hiện “Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo Bền vững”, giai đoạn năm 2016-2020. Đồng thời, đặt mục tiêu đẩy mạnh công tác “xóa đói-giảm nghèo” theo yêu cầu của Đảng Cộng sản Việt Nam là “xây dựng gia đình no ấm” cho người dân.
Hơn thế nữa, chính sách về xuất khẩu lao động được cho là một “mũi nhọn” đóng góp vào nền kinh tế của Việt Nam cũng như cải thiện đời sống của dân chúng.
Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội Việt Nam, có đến 148.000 người đi lao động ở nước ngoài trong năm 2019. Năm 2020, con số giảm xuống còn 78.000 người. Và năm 2021, dự tính xuất khẩu lao động 90.000 người. Tuy nhiên, trong Quý I/2021, tỷ lệ giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức hơn 29.000 người và chỉ đạt gần 33% kế hoạch của năm nay.
Ông Hoàng Việt (không phải tên thật), một người cộng tác với Sở Điều tra của Cảnh sát Đức trong 25 năm qua, cho RFA biết, hầu hết những người Việt Nam di dân lậu ở Đức khai báo rằng các chương trình “xóa đói-giảm nghèo” qua xuất khẩu lao động đã có từ rất lâu.
“Các ngân hàng thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho người đi lao động nước ngoài vay tín dụng rất rẻ và nhân viên ngân hàng biết chắc đó là những ‘con mồi’, sớm muộn gì họ cũng không thể nào trả nổi theo hợp đồng. Khi họ đi (bất hợp pháp) như vậy thì làm gì họ được quyền cư trú và lao động ở các nước tại Châu Âu, để kiếm tiền mà trả cho ngân hàng. Sớm muộn gì thì tài sản của họ cũng bị tịch thu. Điều này có thể được xem như là Nhà nước Việt Nam gián tiếp chi tiền cho những người dân đi lậu vào Châu Âu.”
Báo Dân Trí, thuộc hệ thống truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào cuối tháng 9/2021, đăng tải thông tin về “làng tỷ phú” ở Đô Thành, Nghệ An nhờ xuất khẩu lao động.
Xã Đô Thành được ghi nhận là một xã nghèo, thuần nông và đời sống của người dân rất khó khăn. Thế nhưng, xã Đô Thành trở thành “một làng tiền đô-la’” nhờ vào xuất khẩu lao động.
Ông Vũ Văn Quyền, Phó phòng Lao động-Thương binh-Xã hội huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cho Dân Trí biết rằng người dân đi xuất khẩu lao động và gửi về lượng kiều hối 200 triệu USD/năm. Ông Quyền cho biết thêm rằng nhiều năm qua, chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm khuyến khích người dân mạnh dạn phát triển kinh tế, nhờ hướng xuất ngoại.
Bản tin về “làng tỷ phú” Đô Thành nhờ vào xuất khẩu lao động chỉ dừng lại ở những mảng hào nhoáng của nhà lầu khang trang, xe hơi bóng loáng…và không đề cập đến các vấn đề như di dân lậu và làm việc bất hợp pháp của không ít người dân Nghệ Anh. Qua đó, dẫn đến thảm cảnh 39 người Việt bị chết trong thùng xe container đông lạnh hồi ngày 23/10/1019.
Những tiếng kêu lạc lõng và vô vọng
Ba ngày sau khi 39 thi thể được phát hiện trong chiếc xe container đông lạnh ở Essex, các hãng tin của Anh đồng loạt đăng tin nhắn qua điện thoại của cô gái trẻ Phạm Thị Trà My, 26 tuổi, gửi về cho gia đình trước khi tắt thở, rằng "Con xin lỗi bố mẹ nhiều, mẹ ơi. Con đường đi nước ngoài không thành. Con chết vì không thở được. Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, Việt Nam. Mẹ ơi, con xin lỗi. Mẹ ơi!"
Sky News, vào ngày 27/10/2020, cho biết một đoạn video clip mà "thùng nhân" ghi lại được trình tại Tòa án Anh có tiếng hô "Cố lên mọi người. Mở ra. Mở ra."
Tiếng kêu cứu “Mở ra. Mở ra.” của 39 người Việt đã không được ai lắng nghe và họ đã trút hơi thở yếu ớt cuối cùng trong tuyệt vọng.
Thế còn than phiền, kể cả của những người Việt lao động xuất khẩu hợp pháp về bị bóc lột làm việc quá giờ quy định, đồng lương bị chèn ép… có vang đến những công ty môi giới và các cơ quan chức năng, hay cũng chỉ rơi vào im lặng?
Ông Tiny Ngô, một người gốc Việt ở Phần Lan, nói với RFA về ghi nhận của ông liên quan vấn đề lao động Việt tại đất nước ở Bắc Âu này.
“Ví dụ, một người qua Phần Lan làm việc theo thời vụ khoảng hai-ba tháng thì họ phải qua trung gian môi giới. Và người trung gian sẽ lấy một số tiền nào đó giữa hai bên thỏa thuận. Tuy nhiên, khi người này đến Phần Lan và làm việc thì thời gian làm việc của họ không tuân theo luật pháp của Phần Lan. Những trường hợp như thế thì có nhiều người than phiền lắm.”
Ông Tiny cho biết thêm, ông nghe được chia sẻ của những người lao động đến từ Việt Nam như thế. Tuy nhiên, hầu hết họ không dám phản ảnh với các cơ quan ngoại giao hay cơ quan phụ trách về lao động ngoài nước của Việt Nam. Bởi vì, theo như họ nói thì dẫu sao “cũng tốt hơn ở quê nhà”.
Qua trao đổi với một vài công nhân Việt đi hợp tác lao động tại Romania và đã bỏ hợp đồng để đến Đức, rồi đến Pháp làm việc bất hợp pháp; chúng tôi được nghe họ chia sẻ rằng dù có muốn phản ảnh thì cũng không biết thế nào.
Đài RFA liên lạc với Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, thuộc Bộ lao động-Thương binh-Xã hội Việt Nam, để tìm hiểu tình hình lao động Việt tại Châu Âu ra sao, trong bối cảnh ngày càng nhiều công nhân Việt Nam rời bỏ công việc hợp pháp ở Đông Âu để sang các nước Tây Âu làm việc bất hợp pháp.
Chúng tôi liên lạc qua email tại địa chỉ dolab@dolab.gov.vn và số điện thoại (84-4) 38249517, được phổ biến trên website của cơ quan này. Thế nhưng, cả địa chỉ email và số điện thoại đều không tồn tại.
Luật sư Đặng Dũng, từng làm việc ở Sở Lao động-Thương binh-Xã hội TP.HCM, cho biết ông theo dõi sát sao vấn đề xuất khẩu lao động của Việt Nam. Luật sư Đặng Dũng nhận định rằng tiếng kêu cầu của những người lao động Việt Nam ở nước ngoài rất ít được lắng nghe và được giải quyết nguyện vọng cho họ.
“Về vấn đề người xuất khẩu lao động bị chèn ép thì hoặc là một số công ty của Nhà nước hay các công ty tư nhân có thẩm quyền và những nhóm lợi ích liên quan vấn đề này. Việc thu tiền của người lao động thì rõ ràng rất nhiều và làm cho người lao động bị bức bách, dẫn đến hậu quả là người ta vay mượn tiền rồi không thể trả nợ và người ta bỏ trốn ra ngoài làm việc thêm. Chính vì như vậy mới có thảm cảnh hơn 30 người đi sang Anh (bị chết) gây chấn động thế giới. Do đó, điều này là một hình ảnh rất xấu xí đối với người Việt.”
Nạn nhân hay tội phạm?
“Hình ảnh xấu xí đối với người Việt” ở nước ngoài còn thể hiện qua những tin tức tội phạm ngày càng nhiều của người Việt Nam tại Châu Âu.
Thông tín viên Tường An của RFA, từ Paris, Pháp quốc nói về ghi nhận cá nhân của bà:
“Không phải tất cả, nhưng phần lớn họ qua các nước đó với mục tiêu trồng cần sa, còn gọi là ‘trồng cỏ’. Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, báo chí Pháp cũng vài lần loan tin là khám phá ra những đường dây trồng cần sa tại Pháp, trong đó có người Việt.”
Vào cuối tháng 8/2021, tờ Aftenposten.no, đăng tin về một thanh niên Việt Nam, tên “Dang”, 25 tuổi, bị bắt và hầu tòa về tội trồng cần sa ở Na-Uy.
Tòa án Na-Uy tuyên xử “Dang” hai năm tù và bồi thường gần 100.000 Kroner, tương đương 15.590 USD.
“Dang” khai báo rằng anh đã trả số tiền 25.000 USD cho chuyến đi di dân bất hợp pháp đến Đức. Tuy nhiên, anh đã không thể trả hết số tiền còn nợ tổ chức buôn người nên anh đã bị họ đánh gãy chân và gia đình của anh ở Việt Nam bị dọa giết.
Giải pháp cuối cùng là tổ chức buôn người đưa “Dang” đến Na-Uy trồng cần sa để trả nợ.
“Dang” bị Tòa án Tối cao Na-Uy bác đơn kháng án. Luật sư biện hộ cho “Dang” nói rằng sẽ kháng cáo lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu.
Ngành Tư pháp Na-Uy và công luận vẫn còn đang tranh luận rằng “Dang” là nạn nhân hay tội phạm.
Trước đó, vào trung tuần 4/2021, Tòa án thành phố Bradford, ở Anh, tuyên án lần lượt 31 tháng và ba năm tù giam đối với hai người đàn ông quốc tịch Việt Nam.
Truyền thông Anh Quốc cho biết cả hai người đàn ông này bị án tù về tội “trồng và sản xuất cần sa trái phép tại Anh”.
Tình trạng người Việt bị bắt giữ vì trồng cần sa khá phổ biến ở Anh trong những năm qua. Nhiều người trong số này khai báo rằng họ là nạn nhân của bọn buôn người và bị bắt phải trồng cần sa. Chính phủ Anh xác định đây là những trường hợp của "nô lệ hiện đại".
Vẫn là những ước mơ!
Ông Kevin Hyland, thuộc cựu Uỷ viên Độc lập Chuyên về Chống Nô lệ ở Anh và thành viên trong nhóm chuyên gia của tổ chức có tên “Hội đồng Châu Âu”, từng đến Việt Nam và làm việc với những người nhập cư lậu vào Anh và đã hồi hương. Chuyên gia Kevin Hyland nói với RFA về những gì ông được nghe từ họ:
“Tôi phát hiện ra một điều rằng những người Việt Nam đó chia sẻ nếu như họ lường trước được những gì đã trải qua rất là tội tệ và cuộc sống như vậy thì họ đã không đi.”
Một vấn đề cần được lưu tâm là liệu rằng những người Việt di dân lậu đến Châu Âu đã hồi hương, mà ông Kevin Hyland từng tiếp xúc, có thể buộc phải chọn ra đi thêm lần nữa bởi do đại dịch COVID-19 hay không?
Vào lúc giả thuyết này chưa diễn ra thì những người Việt đang sống lậu và làm việc bất hợp pháp ở Châu Âu rất mong muốn được về nhà, mà không thể:
“Về Việt Nam thì bắt buộc mình phải về, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên mình ở lại cố gắng làm việc. Bây giờ mà về thì gia đình không có tiền để trả nợ nần.”
Nhân dịp tưởng niệm hai năm biến cố 39 ‘thùng nhân’ Việt chết thảm ở Essex, chúng tôi trò chuyện với một số thân nhân của các nạn nhân. Những tiếng khóc xé lòng, những giọng nói uất nghẹn cùng nỗi niềm thương cảm cho số phận hẩm hiu của những người con, người chị, người anh, người em trong gia đình. Tuy vậy, ước mơ đổi đời ở nước ngoài, nhất là Châu Âu vẫn ấp ủ trong lòng họ, như ông Nguyễn Văn Ký, cha của nạn nhân Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ:
“Sau này, nếu có những đường như du học, du lịch thì cho các con đi để chúng được hưởng cuộc sống nhân quyền và các thứ khác.”
Còn bà Nguyễn Thị Hoa, từ London, nói với RFA rằng bà rất muốn trở về Việt Nam để chung sống cùng gia đình sau gần 20 năm xa cách. Nhưng điều bà tiếc nuối là 100 năm nữa, đời sống và nhân quyền ở Việt Nam vẫn không thể nào so sánh được như ở Anh hiện nay.
Trong thời gian RFA thực hiện loạt bài phóng sự về tệ nạn buôn người từ Việt Nam đến Châu Âu, chúng tôi được nghe đa số người Việt di dân và tị nạn kể từ thời điểm Chiến tranh Việt Nam chấm dứt hồi cuối tháng 4/1975, bày tỏ nỗi xót xa cho những ‘thùng nhân’ Việt trong thế kỷ 21.
Họ nhấn mạnh rằng ông Hồ Chí Minh, quê ở Nghệ An, được nói là đã ra đi “tìm đường cứu nước” hồi năm 1911 và Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh độc tôn lãnh đạo đất nước gần tròn một thế kỷ. Thế mà những người con dân nước Việt vẫn phải nhắm mắt đưa chân vào các chiếc xe tải thùng cũng như chính họ đã từng đánh đổi số phận của mình khi quyết định bước chân lên thuyền hướng ra Biển Đông để tìm kiếm các giá trị về “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, như ông Hồ Chí Minh từng tuyên bố trong Tuyên ngôn Độc lập tại Ba Đình vào ngày 2/9/1945.
Phần I: Hành trình từ Châu Á sang Châu Âu với mơ ước đổi đời
Phần II: 'Thiên đường' Châu Âu và các cuộc hành trình nhiều may rủi
Phần III: Trạm dừng chân ở Đông Âu và viễn ảnh đến Tây Âu cùng nỗi sợ hồi hương
Phần IV: Cảnh sát Đức và cuộc truy lùng tội phạm buôn người Việt Nam
Phần V: Thuyền nhân Việt Nam trong thời đại mới
Phần VI: Anh Quốc, thiên đường và điểm đến của người Việt Nam mong muốn đổi đời
Phần VII: 'Thiên đường' Châu Âu: 'Biết vậy, không đi' và những giấc mơ còn dang dở