Kể từ khi cuộc Chiến tranh Việt Nam chấm dứt hồi cuối tháng 4/1975, sau làn sóng hàng triệu người Việt liều mình vượt biển và mặc dù Hà Nội thực hiện Chính sách ‘Đổi mới’ từ đầu thập niên 80 của thế kỷ XX nhưng những dòng người Việt vẫn tiếp tục rời bỏ đất nước hình chữ ‘S’ với giấc mơ ‘đổi đời’. Trong đó, không ít người chọn cuộc hành trình đến ‘thiên đường’ Châu Âu cùng với những ước vọng mà họ phải trả một cái giá rất đắt bằng chính mạng sống của mình.
Loạt bài: ‘Thùng nhân’ Việt và giấc mơ đổi đời nơi trời Âu
Cuộc hành trình chết người của 39 'thùng nhân' Việt (Phần 1/7)
Nguyễn Thị Ngọc, 20 tuổi, quê ở Vinh, Nghệ An là một trong số 39 người Việt được phát hiện tử vong trong xe container đông lạnh, hồi ngày 23/10/2019, khi nhập cư bất hợp pháp vào quận Essex, Anh quốc.
Sau hai năm biến cố con gái đầu lòng bị tử nạn, thân phụ của Nguyễn Thị Ngọc-ông Nguyễn Văn Ký tâm tình với RFA rằng Ngọc đã năn nỉ và thuyết phục bố mẹ đồng ý cho cô sang Anh để thỏa nguyện giấc mơ học hành và có thể phụ giúp bố mẹ nuôi ba đứa em còn nhỏ.
“Thực ra là khả năng đi bằng đường du học thì họ không nhận. Em nó trước đó đã vào Sài Gòn phỏng vấn để sang Hoa Kỳ vài ba lần, nhưng không được nên em nó nhất định muốn đi. Con nói rằng là khi qua bên đó thì sẽ cố tìm đường học hành và sau này làm thủ tục để được hợp pháp. Con tuyên bố vậy và thấy con cái có cơ hội thì bố mẹ tạo điều kiện.”
Ông Ký bộc bạch thêm rằng gia đình phải lo đủ số tiền một tỷ đồng cho chuyến đi đến Anh của Ngọc. Ngọc đã đến nơi, nhưng lại phải trở về cố hương trong chiếc quan tài cùng những giọt nước mắt đau đớn và xót xa của bố mẹ.
“Giờ đây và mãi mãi, Nguyễn Thị Ngọc vĩnh viễn không thể thực hiện được ước mơ của mình”, ông Ký nói.
Chạm tay vào giấc mơ-Gặt kết quả 'đắng lòng'
Cùng với ước mơ tương lai tương sáng cho gia đình và con cái được hưởng thụ nền giáo dục tốt, hai vợ chồng trẻ Nguyễn Thị Vân và Trần Hải Lộc cũng quyết định cho chuyến đi từ Việt Nam đến Anh, với số tiền vay tín dụng đen lên đến 60.000 Bảng Anh.
Cặp vợ chồng Lộc-Vân cùng quê nhà với Ngọc, ở Nghệ An và cùng bị thiệt mạng vào ngày 23/10/2019, tại Essex, Anh Quốc.
Cuộc hành trình của Lộc-Vân dù đến được “thiên đường” ở Anh như mong muốn, thế nhưng lại kết thúc bi thảm với hình ảnh hai vợ chồng nắm tay nhau cho đến chết.
ITV News, vào ngày 21/12/2020, đăng tải thông tin đã liên lạc được với thân nhân của Lộc-Vân đang ở Nghệ An.
Anh trai của Nguyễn Thị Vân cho ITV News biết rằng hai vợ chồng họ phải vay tín dụng đen số tiền lên đến 60.000 Bảng Anh cho chuyến đi định mệnh đó. Đại diện của đường dây đưa người, trong vỏ bọc “công ty du lịch” nói với Lộc-Vân rằng giá tiền 60.000 Bảng Anh đảm bảo an toàn khi vào Anh bằng taxi với thị thực nhập cảnh hợp pháp.
Lộc-Vân để lại hai đứa con bảy và năm tuổi cho ông bà ngoại và lên đường rời Việt Nam vào ngày 10/9/2019.
Sau sáu tuần khởi hành, gia đình nhận được hung tin Lộc-Vân thuộc trong số 39 người Việt bị thiệt mạng khi nhập cư lậu vào Anh.
Hai vợ chồng trẻ Lộc-Vân đã chạm tay vào giấc mơ với viễn ảnh thu nhập 6.000 Bảng Anh/tháng bằng công việc làm móng tay, khi chiếc xe tải chở họ lăn bánh tiến vào lãnh thổ của Anh. Tuy nhiên, thay vì mong muốn sớm gặp lại hai đứa con thơ dại tại Anh thì họ lại đoàn tụ cùng gia đình với thi thể được chôn cất trên cánh đồng quê nhà ở Nghệ An.
Phóng sự của ITV News ghi lại khoảnh khắc ngơ ngác của hai đứa trẻ, con của Lộc-Vân. Dường như chúng chưa đủ lớn để hiểu biết và cảm nhận được sự tan thương quá lớn của gia đình. Còn bà ngoại, gương mặt với những giọt nước mắt lã chã vì đau xót mất con và hằn rõ nỗi khủng hoảng do không biết phải xoay sở cách nào để có thể trả hết món nợ khổng lồ 60.000 Bảng Anh.
Các cuộc hành trình vẫn tiếp diễn
Trong những ngày đầu hạ tuần tháng 10/2021, nhân dịp tưởng niệm hai năm biến cố 39 người Việt chết ở Anh, Đài RFA tiếp xúc và trao đổi với một vài người Việt đang sinh sống bất hợp pháp ở Paris, Pháp Quốc.
Một thanh niên, không muốn nêu tên, chia sẻ với chúng tôi:
“Hai năm trước đã sang Romania. Sang đó làm việc được một năm rồi sang Đức. Ở Đức, làm việc được một thời gian nhưng không được như ý muốn của bản thân nên đi sang Pháp. Thế cũng nghe có lời khuyên bảo là đã sang tới đây thì nên sang Anh, tiền lương cao lắm. Tôi tìm hiểu mới sơ sơ thôi, chứ thực chất chưa tìm hiểu kỹ được.”
Chàng thanh niên ẩn danh này thuộc trong số rất nhiều người Việt trong thân phận 'vô danh' sinh sống và làm việc bất hợp pháp rải rác khắp các quốc gia ở Châu Âu.
Bà Nguyễn Thị Hoa, một người Việt nhập cư lậu vào Anh hồi năm 2010 và vừa được cấp giấy tờ định cư hợp pháp, lên tiếng với RFA:
“Mấy chục năm nay, người đi sang Anh nhiều vô kể. Nhưng mà có chuyến nào chết bao giờ chưa? Thế cho nên, có chuyến người bị chết thì người ta cho rằng sang Anh mà phải trả một cái giá như thế là thật sự không đáng. Tuy nhiên, sau vụ 39 người chết thì người ta vẫn đi đó thôi.”
Qua cuộc trò chuyện với bố của nạn nhân Nguyễn Thị Ngọc, ông Ký trầm ngâm nói rằng ông vẫn sẽ đồng ý để cho ba đứa con còn lại ra nước ngoài học hành và lập nghiệp, trong điều kiện “nếu như có cơ hội đi hợp pháp”.
Ông Ký khẳng định như thế khi trả lời câu hỏi của RFA rằng có lẽ gia đình không để cho con cái tiếp tục những chuyến đi đầy bất trắc, sau biến cố xảy ra đối với Ngọc.
Một số nhà báo gốc Việt tại Đông Âu và Tây Âu cũng cho RFA biết họ ghi nhận dòng người từ Việt Nam sang Châu Âu vẫn đang tiếp diễn. Chỉ là có phần lắng dịu hơn một thời gian, do đại dịch COVID-19.
Mời quý vị theo dõi phần II trong loạt bài phóng sự về 'thùng nhân' Việt ở Châu Âu, để biết rõ thêm về cuộc hành trình với tương lai vô định của họ ra sao.
Phần I: ‘Thùng nhân’ Việt và giấc mơ đổi đời nơi trời Âu
Phần II: 'Thiên đường' Châu Âu và các cuộc hành trình nhiều may rủi
Phần III: Trạm dừng chân ở Đông Âu: Viễn ảnh đến Tây Âu cùng Nỗi sợ hồi hương
Phần IV: Cảnh sát Đức và cuộc truy lùng tội phạm buôn người Việt Nam
Phần V: Thuyền nhân Việt Nam trong thời đại mới
Phần VI: Anh Quốc, thiên đường và điểm đến của người Việt Nam mong muốn đổi đờ
Phần VII: 'Thiên đường' Châu Âu: 'Biết vậy không đi' và những giấc mơ còn dang dở