Euro 2012, trước giờ bóng lăn

Không đầy 2 giờ đồng hồ nữa, sân vận động quốc gia Warsaw của Ba Lan sẽ rung chuyển khi đội tuyển chủ nhà cùng với đội tuyển Hy Lạp ra sân đá trận mở màn Giải Vô Địch Châu Âu EURO 2012.

Quốc gia nào sẽ đoạt giải vô địch lần này? Đó là câu hỏi đang được đặt ra khắp nơi. Mọi người đang thắc mắc không biết đội tuyển nào sẽ đăng quang EURO 2012? Và câu trả lời có lẽ là bất cứ đội tuyển nào cũng có thể đoạt cúp vô địch bóng tròn Châu Âu.

Hấp dẫn, bất ngờ

Đan Mạch từng tạo thành tích đó vào năm 1992 với vé vớt và những cầu thủ không mấy nổi tiếng của sân cỏ thế giới. Mười hai năm sau, cũng chẳng ai có thể tin đoàn tuyển thủ Hy Lạp xây dựng được chỗ đứng cho chính họ bằng lối đá thật cổ điển “một kèm một” đã vắng bóng từ những năm đầu thập niên 1970, và với ngôi sao xuất hiện đầy bất ngờ Angelo Charisteas trước đó chuyên giữ vai phòng hờ.

Chính vì thế nên trong vòng 3 tuần lễ tới, chúng ta sẽ thấy đủ 16 đội tuyển xứng đáng và đều có triển vọng đoạt cúp vô địch EURO 2012.

Cho dù tất cả 16 đội tuyển góp mặt ở Ba Lan và Ukraine đều có hy vọng thắng giải ngang nhau, nhưng điều các nhà bình luận thể thao và giới hâm mộ nghệ thuật nhồi bóng thế giới đều đang nghĩ đến là cuối cùng, chúng ta sẽ thấy 3 hội banh lẫy lừng của thế giới gồm Tây Ban Nha, Hà Lan và Đức tranh nhau chiếc cúp vô địch.

Điều này cũng dễ hiểu: 3 đội tuyển có tên vừa nêu là những hội đứng nhất, nhì và ba ở World Cup Nam Phi 2010, đồng thời ở vòng tranh chỗ dự EURO năm nay, cả 3 đều chứng tỏ cho mọi người thấy tài nghệ cá nhân lẫn toàn đội ngày một khởi sắc hơn để chiếm vị trí thật cao cho Giải Vô Địch Châu Âu 2012.

Tuy nói là Đức, Hà Lan hay Tây Ban Nha có nhiều hy vọng hơn nhưng cả 3 hội banh đang cùng nhau chiếm ngự sân cỏ Âu Châu và thế giới đều phải đối đầu với những khó khăn.

Tây Ban Nha

Logo Euro 2012. Nguồn UEFA
Logo Euro 2012. Nguồn UEFA (Nguồn UEFA)

Trước hết là chuyện của Tây Ban Nha. Ông Vincent del Bosque, người điều khiểu đội banh của Xứ Bò Tót diên đầu về những lời đồn đãi liên quan đến chuyện trước ngày được gọi tham gia đội tuyển quốc gia, dàn cầu thủ siêu sao của Barcelona và Madrid chẳng ai ưa ai, chẳng hạn như anh Gerald Piqué của Barcelona chê dàn quân của Madrid “là một lũ gà trống mới lớn hung hăng”, hay siêu sao Xavi gọi đối thủ Barcelona là “bọn thú vật tìm cách cắn người”, lại còn buông thêm câu “nói làm gì đến cái bọn cà chớn ấy”.

Trên sân, ông Del Bosque còn phải đối phó với những chuyện khác nữa. Cả 2 khẩu thần công Fernando Torres và David Villa đều bị thương -người nặng kẻ nhẹ- chưa chắc đã ra sân đấu các trận vòng bảng. Không có những cặp chân vàng này làm bàn, chuyện Tây Ban Nha giữ chiếc cúp vô địch Châu Âu lấy được cách đây 4 năm trở thành khó hơn.

Rõ ràng trong cái rủi vẫn còn cái may. Cái may đó là Tây Ban Nha có quá nhiều cầu giỏi. Roberto Soldado của Valencia, Fernando Llorrente của Athletic Bilbao có thể đứng trụ sân một cách dễ dàng. Ngoài ra Cesc Fabregas nổi tiếng với lối tạt những đường banh ngắn có thể góp một vai trò lớn cho hàng tiền đạo, chẳng khác gì vai trò Lionel Messi đã đóng góp cho Barcelona.

Hà Lan

Hà Lan cũng đứng trước nhiều thử thách. Hai năm trước đây trong trận tranh chung kết World Cup ở Nam Phi, khán giả khắp nơi “chẳng ai chấp nhận được lối đá” của tuyển áo cam, theo như nhận định của Johan Cruijff, người từng có thời là linh hồn của đội tuyển.

Anh cựu cầu thủ này không ngần ngại bảo rằng “chính tôi cũng chẳng ngờ các cầu thủ đại diện cho quốc gia lại chơi một trận banh tệ như thế, không có đấu pháp, chỉ biết chơi xấu và cũng chẳng hề có những đường banh liền lạc với nhau”. Trân banh đó “là trận banh không đáng để xem, thay vì phải làm rạng danh môn bóng đá thì các cầu thủ Hà Lan lại làm ngược lại”.

Phải công nhận là Hà Lan có lối đá quá bạo. Chỉ trong 2 năm trời, lối đá hung bạo của Nigel De Jong đã khiến 3 cầu thủ phải vào nhà thương. Sau khi anh ta đốn Hatem Ben Arfa gẫy chân (trong trận Manchester City-Newscastle hồi tháng Mười 2010), Liên Đoàn Bóng Đá Quốc Gia Hà Lan quyết định “tạm thời” không mời anh tham gia đội tuyển.

Sự vắng mặt của De Jong không khiến cho hội phải lúng túng: có Kevin Strootman thay thế ở hàng hậu vệ, Robin van

Trận cầu khai mạc Euro 2012: Ba lan và Hy Lạp
Trận cầu khai mạc Euro 2012: Ba lan và Hy Lạp (RFA file)

Persie vẫn sáng chói trên hàng tiền đạo, đủ để Hà Lan thắng liên tiếp 17 trận, tiếp tục giữ vị thế của một trong những đội tuyển hàng đầu của làng banh da hoàn vũ.

Nhưng từ giữa mùa đông đến giờ, Strootman mất phong độ, tạo cơ hội bằng vàng cho De Jong trở lại sân để cùng với Mark van Bommel trở thành cặp hậu vệ cứng cựa nhất của giải lần này.

Điều khiến ông huấn luyện viên Bert van Marwijk lo âu nhất lại là chuyện sắp xếp dàn công. Anh cầu thủ Van Persie mới 28 tuổi được xem là tay làm bàn “xịn” nhất Châu Âu, nhưng vẫn chưa qua mặt được Klass-Jan Huntelaar -cũng 28 tuổi- của câu lạc bộ Schalke. Có lẽ cuối cùng ông phải đưa Huntelaar đứng tiền đạo, đẩy Van Persie về giữ vai trung ứng, đứng bên cạnh Arjen Robben.

Đức

Với những cổ xe tăng Đức, chiến thắng lẫy lừng 3-0 đạt được ở trận giao hữu với Hà Lan hồi tháng 11 năm ngoái chính là bước đầu tiên của đoạn đường đi đến thành công. Ông Joachim Low là huấn luyện viên thành công nhất của Đức: trung bình mỗi trận cầu thủ ghi được 2.25 điểm, 2 lần vào chung kết, 2 lần đi tới bán kết. Chuyện còn lại là phải đoạt cúp vô địch.

Khi xuất hiện ở sân cỏ EURO 2012, dàn quân Đức vẫn là những khuôn mặt từng đá tại World Cup Nam Phi, cộng với 2 tài năng trẻ là Mario Gotze và Toni Kroos. Trở ngại đến giờ vẫn chưa sửa được vẫn là dàn hậu vệ không vững vàng, tới mức sau khi thắng Đức với tỷ số 2-1 hồi tháng Hai vừa rồi, huấn luyện viên Laurent Blanc của Pháp đã nói với tờ L’Equippe rằng “dàn hậu vệ của Đức không mạnh, đó là điều chúng tôi đã biết trước khi trận đấu bắt đầu”.

Cho dủ không phải là hội mạnh nhất ở sân EURO 2012, nhưng Đức có hội banh khôn ngoan nhất. Ở World Cup Nam Phi, dàn huấn luyện viên và các cầu thủ bỏ ra cả giờ đồng hồ chỉ để xem những đường banh của các đội tuyển họ phải so giầy, xem lối bắt banh của những thủ môn mà họ nghĩ có thể phải trực diện nếu cuộc thi kết thúc bằng những quả phạt đền.

Đặc biệt nhất là trong trận gặp Argentina, đội tuyển Đức đã truy cản được Messi: mỗi lần anh cầu thủ đáng gờm này có banh trong chân, tức khắc có hai chiếc áo trắng của Đức đứng trước mặt chặn đường. Đây là điều nghe thì rất dễ, nhưng chỉ mỗi mình Đức có thể làm được trên sân cỏ quốc tế.

Ngay sau trận thua Đức, hậu vệ John Heitinga của Hà Lan đưa ra nhận xét về EURO 2012: “Tây Ban Nha có triển vọng nhất, kế đến là Đức”. Có lẽ anh cầu thủ này khéo léo ngoại giao, không muốn nhắc đến Hà Lan là hội được chọn đứng thứ 3.

Dù thế nào đi chăng nữa, điều Heitinga nêu ra chính là điều hầu hết mọi người cũng dự đoán, nên dù trái banh chưa lăn, thế giới bóng tròn đang trông chờ trận chung kết giữa Đức và Tây Ban Nha.

Nhưng cũng phải nhắc lại rằng cánh cửa thành công của Hà Lan cũng mở thật rộng, chẳng kém gì cánh cửa thành công của Tây Ban Nha lẫn Đức, và cũng cần phải nhớ bất cứ đội tuyển nào cũng có thể đoạt cúp vô địch bóng tròn Châu Âu.

Cặp trận mở màn

Trở lại với trận cầu khai mạc Euro 2012 sắp sửa diễn ra giữ đồng chủ nhà Ba Lan và Hy Lạp, có thể nói đây là cơ hội bằng vàng cho ông chủ nhà Ba Lan nắm 3 điểm.

Ai cũng nói đến anh thủ quân Jakub hay anh trung vệ Kuba Blaszczykowski, tôi lại chú ý đến Robert Lewandowski, người hùng của câu lạc bộ Dortmund.

Hy Lạp có Gioegos Samaras chạy khắp nơi, trên sân chỗ nào cũng có mặt, cộng với Papadopoulos là một trong những hậu vệ sáng chói nhất Châu Âu hiện giờ.

Dự đoán: Ba Lan thắng ít nhất 2 trái.

Tiếp theo trận Ba Lan – Hy Lap là cuộc tranh hùng giữa hai đội tuyển từng một thời làm mưa làm gió ở Đông Âu là Cộng Hòa Tiệp và Liên Bang Nga.

Theo nhận xét của cá nhân người viết thì tại giải năm nay Nga có vẻ nhỉnh hơn Cộng Hòa Tiệp. Xét về thực lực, đội tuyển Cộng hòa Tiệp dù đã có một số chuyến biến trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa đủ để được xếp trong danh sách những đội tuyển “xịn” của EURO 2012.

Tuy nhiên, nói đến Cộng Hòa Tiệp, tôi không quên họ đã vào đến bán kết 2004, tôi cũng không quên Pavel Nedved, Jan Koller, không quên anh bạn trẻ Tomas Necid hay anh thủ môn tài ba Petr Cech, nhưng nếu bảo đã đủ để trở thành một đội tuyển hàng đầu của Châu Âu thì chưa, khó qua mặt được Andrei Arshavin và Alan Dzagoev lắm.

Dự đoán: Liên Bang Nga thắng Cộng Hòa Tiệp 2-1.