Trước đó chỉ vài giờ đồng hồ, đội chủ nhà Ba Lan của cô may mắn cầm chân ông Hy Lạp 1-1, bằng lòng với 1 điểm ghi được để không đến nỗi phải cầm đèn đỏ ở bảng A.
Cô bạn của tôi là người xứng đáng lãnh danh hiệu "Bộ Trưởng Bộ Âu Lo" của tập thể chừng 50,000 người Việt đang sinh sống ở Ba Lan. Từ sáng sớm thứ Sáu cô đã lo "giời mưa" làm hỏng chương trình trình diễn văn nghệ ở sân Warsaw "quy tụ hơn 750 vũ công nhảy múa trên nền nhạc Chopin" mà cô bảo "ai cũng phải xem"; đến trưa thấy trời nắng ráo, cô cũng lo "không biết nắng ấm thế này được tới lúc nào"; chiều về khi mới chỉ có vài giọt mưa rơi đọng trên kính xe, cô lại lo âu "chẳng biết mưa có to hay không" và còn đi xa hơn nữa, bảo "em nghe truyền hình nói ít nhất vài chục ngàn người rủ nhau ra Fan Zone để vừa xem vừa cật lực hò hét cho sướng, không biết họ có nhớ mang theo áo mưa và dù che hay không?". Tóm lại, nắng cô cũng lo, mưa cô cũng lo, và ngay cả lúc hiu hiu gió mát hay giời se se lạnh cô cũng có "nỗi lo canh cánh trong lòng".
Cô Hằng bạn tôi lo là phải! Bên Hy Lạp có một cầu thủ bị trọng tài giơ thẻ đỏ đuổi ra sân gần cuối hiệp đầu, thế mà hội tuyển chủ nhà Ba Lan lại… tí chết. Nếu anh thủ môn không chặn được quả phạt đền thì "tình huống chắc chắn sẽ còn xấu hơn nữa", theo nhận xét của anh Dzũng, một người bạn - cũng mới quen - ở một quán ăn Việt Nam. Trước mặt là bát phở vừa thịt bò "dúng" tái vừa thịt gà, anh bạn mới hơn 40 tuổi bảo thêm "sân nhà, trọng tài thiên vị quá rõ, thế mà không ăn được Hy Lạp thì chẳng biết nói thế nào nữa".
Quả thật, chuyện Ba Lan bị Hy Lạp cầm chân 1-1 là đề tài được mọi người nói đến từ sáng cho đến gần chiều tối. Tựu chung mọi người đều lo lắng cho Ba Lan, và không ít người bảo sau trận mở màn, họ nhìn thấy cánh cửa thành công của hội tuyển áo trắng quần đỏ đang hẹp dần.
Ông Đạo, vừa đứng bán hàng với vợ trong khu chợ Việt Nam vừa góp chuyện: "xem đội Ba Lan đá, tôi thấy bảng A sẽ có thằng Nga với thằng Hy Lạp vào vòng trong", điều đó có nghĩa là ông chủ nhà sẽ đứng chầu rìa và anh bạn láng giềng Cộng Hòa Tiệp sẽ xách valise về nước sớm. Cũng vẫn ông Đạo bàn thêm "Nga đá quá hay, Tiệp và Hy Lạp cũng kỹ thuật lắm", chẳng thấy ông nói gì đến hội tuyển nhà, dù cách đó chỉ ít phút đồng hồ, ông bảo "gia đình tôi sang đây đã mấy chục năm rồi, các cháu có quốc tịch Ba Lan cả rồi, tối qua chúng nó kéo nhau ra Fan Zone hò hét khí thế lắm".
Ý kiến của một số bạn trẻ mà tôi gặp trước khi các trận tranh tài bảng B diễn ra còn "nản lòng chiến sĩ" hơn nữa. Anh Dương, một chàng thanh niên chưa tới 30 từ Cộng Hòa Tiệp sang Ba Lan lập nghiệp và mới lấy vợ bảo "nói đến đội Ba Lan làm gì cho mất thì giờ". Tại sao vậy, tôi đặt câu hỏi và nóng lòng muốn biết câu trả lời của anh. "Ba Lan đá lởm khởm lắm, không thể nào vào được vòng kế tiếp đâu". "Vòng kế tiếp mà có Ba Lan ấy à", anh thanh niên thứ nhì - tên Trung - đứng gần đó góp chuyện. "Em bảo thật với bác, đội Ba Lan của chúng em đuội lắm, bị loại ngay từ vòng gửi xe", tức chưa vào đến sân cỏ đã chấp nhận thất bại. (Hai chữ "đuội" và "lởm khởm" tôi mới được nghe lần đầu, hỏi những người Việt sinh sống tại đây, được giải nghĩa là được dùng để nói đến những chuyện "chẳng ra gì, chẳng đáng để ý đến").
Sự thật, chẳng ai biết trước được chuyện xảy ra trên sân cỏ, thành ra tất cả mọi dự đoán đều chỉ là… dự đoán. Ngay chính ông Michel Platini, Chủ Tịch Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu cũng bảo với cánh nhà báo là ông chỉ biết có 16 hội tuyển có mặt ở EURO 2012, sau đó ở vòng kế tiếp còn 8, rồi còn 4, còn 2 "và cuối cùng chúng tôi trao giải cho đội vô địch". Hôm đó, anh nhà báo của tờ Guardian từ bên Anh sang cứ nhất định nài nỉ ông cho một lời dự đoán, nhưng ông Platini nhất định bảo "tôi chẳng có tài thánh gì để dự đoán được hội sẽ thắng giải kỳ này".
Lúc ngồi nói chuyện với những người Việt ở Ba Lan, tôi có nhắc lại điều ông sếp UEFA nói, nhưng chẳng mấy ai chịu nghe. Cầm tờ báo trên tay, một số anh bảo ngay báo chí Ba Lan cũng bực mình vì cầu thủ quốc tế sao chỉ có sức đá có một hiệp đầu, hiệp sau chạy không nổi. "Hiệp hai đá cứ như mấy đứa dở hơi", một người trong nhóm buông câu kết để nói về đội banh nhà.
Không chỉ người dân Ba Lan mà ngay chính Ban Tổ Chức EURO 2012 cũng đang lo âu về tương lai của hội tuyển Ba Lan. Nửa năm trước đây mọi người thở phào nhẹ nhõm sau khi bốc thăm chọn bảng, Ba Lan nằm trong bảng "rất hời", có khả năng vào đến vòng tứ kết và đó cũng chính là ước mong của Ban Tổ Chức, muốn các hội tuyển chủ nhà đi càng xa càng tốt, hoặc ít nhất cũng không dừng dân ở vòng bảng. Nghe đâu ngay sau trận mở màn, một số thành viên UEFA đã kháo với nhau là chắc vòng nhì không có Ba Lan, và hy vọng bây giờ được đặt sang Ukraine, nơi có một hội tuyển tài nghệ được nhiều người dự đoán "chẳng hơn gì Ba Lan".
Như vậy, cô bạn tôi và những người Việt sinh sống ở Ba Lan lo âu cho con đường trước mặt của hội tuyển chắc là không sai. Ít nhất đến giờ phút này, chẳng ai thèm để ý đến câu Bà Bộ Trưởng Thể Thao và Du Lịch Joanna Mucha nói trước khi trận mở màn bắt đầu: "bất kể hội tuyển đem lại kết quả như thế nào, chuyện được chọn tổ chức EURO 2012 đã là một chiến thắng rất lớn cho quốc gia".