Tại Việt Nam trong 5 năm vừa qua, mỗi năm còn tồn đọng khoảng hơn 25% số kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các vấn đề tài chính chưa được xử lý.
Số liệu vừa nói được nêu lên tại buổi Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước ở phiên họp của Quốc hội Khóa XIV vào ngày 1 tháng 4 năm 2021.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trao đổi với RFA từ Việt Nam hôm 6/4, nhận định:
“Tỷ lệ 25% rõ ràng là một tỷ lệ cao đáng lo ngại... Tôi nghĩ ở đây có rất nhiều vấn đề vướng mắc, bởi vì luật pháp ở Việt Nam đang có hiện tượng chồng chéo, trùng lắp khó xử. Vì vậy cho nên có thể kiểm toán đã có kiến nghị nhưng đến khi xử lý thì lại vướng mắc. Tôi cho rằng cần có nỗ lực để thúc đẩy việc thực thi đến nơi đến chốn các kiến nghị của kiểm toán. Bởi vì tôi nghĩ những kiến nghị của kiểm toán là có căn cứ và chúng ta cần phải tôn trọng các kiến nghị đó.”
Về bên Kiểm toán Nhà nước, chuyện mấy ổng làm thì vấn đề lợi ích nhóm, vấn đề bao che... thì cái đó chắc là có chứ làm sao không... làm sao tránh khỏi mấy cái đó... chuyện đó như cơm bữa, chuyện thường ngày ở huyện thôi...
-Nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết
Giải thích tại buổi Tổng kết, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng việc xử lý tài chính, chủ yếu bao gồm tăng thu hoặc giảm chi, là việc phụ thuộc vào nhiều cơ quan khác, chứ không phải riêng Kiểm toán. Ông Phớc nói thêm: “Đối với các ngành thanh tra, kiểm tra cũng thế, cũng chỉ thực hiện ở mức khoảng từ 70 đến 75% thôi”.
Trả lời RFA hôm 6/4 từ Sài Gòn, nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết cho rằng:
“Về bên Kiểm toán Nhà nước, chuyện mấy ổng làm thì vấn đề lợi ích nhóm, vấn đề bao che... thì cái đó chắc là có chứ làm sao không... làm sao tránh khỏi mấy cái đó... chuyện đó như cơm bữa, chuyện thường ngày ở huyện thôi... nhưng mình không biết được cụ thể, nên không thể nói được nó là cái gì.”
Ngoài ra, theo báo cáo của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước, số văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung mới chỉ đạt được 136/786 văn bản.
Liên quan vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng việc hủy bỏ, sửa đổi các văn bản pháp luật có sai sót mà Kiểm toán Nhà nước kiến nghị, theo đúng quy trình là thuộc trách nhiệm của các ngành và chính quyền các cấp. Vì vậy thời gian thực hiện chưa đạt được như kiến nghị.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Kinh tế Tài chính Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 6/4 từ Hà Nội nhận định:
“Cái đó cũng bình thường thôi, vì khi kiểm toán đưa ra thì phải đi theo các thủ tục hành chính nên có rất nhiều giới hạn. Cũng có thể khi đó các doanh nghiệp làm chưa đầy đủ chuẩn xác, nên lúc đó các doanh nghiệp phải quay trở lại sửa chữa các vấn đề. Vì có thể họ đã làm đúng nhưng thủ tục giấy tờ không chuẩn... Điều tiếp theo là khi sửa chữa các vấn đề này đòi hỏi phải có thời gian, có thể không phải một hai năm... Theo tôi, xử lý 70-80% vấn đề kiểm toán đưa ra trong một năm cũng là rất tốt rồi.”
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, điều quan trọng nhất mà kiểm toán nhà nước cần phải làm tốt là cần phải đưa cảnh báo cho các doanh nghiệp từ khi lập kế hoạch:
“Vai trò của kiểm toán nhà nước cần làm tốt đó là việc, từ công tác kiểm toán đưa ra các cảnh báo cho các doanh nghiệp, trong việc lập kế hoạch cũng như chi tiêu theo đúng đường hướng và quy định của nhà nước. Phải đảm bảo ngay từ khi lập kế hoạch đã chuẩn xác thì sau này sẽ giảm các chi phí không hợp lý vì không đúng quy định của nhà nước. Đó mới là việc quan trọng của kiểm toán, tránh phải xử lý sau này.”
Năm 1994, cơ quan Kiểm toán Nhà nước được thành lập theo Nghị định 70 của Chính phủ. Nhưng sau khi Luật Kiểm toán Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/1/2006, cơ quan này chuyển sang trực thuộc Quốc hội, hoạt động độc lập và thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, giúp tài chính nhà nước hạn chế tham nhũng. Sửa đổi này được Hà Nội cho là nhằm đảm bảo việc kiểm soát ngân sách chi tiêu khách quan và độc lập hơn.
Tất cả những cái đấy đều liên quan rủi ro tham nhũng, hoặc đã biểu hiện của hành vi tham nhũng thật. Tôi cho rằng việc xử lý mà còn đến 25% của mỗi năm là chưa thật sự triệt để trong tiếp thu kết luận của kiểm toán.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, nhận xét với RFA hôm 6/4 từ Hà Nội:
“Vận hành kiểm toán ở Việt Nam với tư cách chung như thông lệ quốc tế đã quan niệm, kiểm toán là một thể chế độc lập, đồng thời là một cơ quan đóng góp tích cực vào việc phòng chống tham nhũng. Trong đó, các kết luận của kiểm toán nhà nước thì hoàn toàn là điều các cơ quan tổ chức được kiểm toán phải tuân theo và sửa đổi ngay. Bởi vì tất cả những cái đấy đều liên quan rủi ro tham nhũng, hoặc đã biểu hiện của hành vi tham nhũng thật. Tôi cho rằng việc xử lý mà còn đến 25% của mỗi năm là chưa thật sự triệt để trong tiếp thu kết luận của kiểm toán.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ đưa ra ba khuyến nghị đối với Kiểm toán Nhà nước. Thứ nhất, cơ quan này phải có đủ nhân sự đáp ứng được yêu cầu khi sản xuất đã nâng lên trình độ công nghệ cao, thì kiểm toán viên cũng phải hiểu biết về những công nghệ đó. Thứ hai, phải có thiết bị công nghệ cao để kiểm toán trong thời đại công nghệ. Thứ ba, theo ông Võ, là vấn đề kinh phí, phải có đãi ngộ cao mới có thể hy vọng minh bạch trong việc kiểm toán. Tránh trường hợp 11 đoàn thanh tra, kiểm toán vào làm việc nhưng không phát hiện sai phạm ở Vinashin trước đây.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, Kiểm toán Nhà nước là một công cụ chống tham nhũng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trên phạm vi cả nước. Theo ông Võ, dù Nhà nước không đủ tiền để kiểm toán tất cả mọi nơi, nhưng khi cần thiết thì vẫn phải làm, vì kiểm toán là một giải pháp có hiệu quả cao để chống tham nhũng.