Miễn kỷ luật cán bộ 'dám nghĩ, dám làm' là vi phạm pháp luật?

0:00 / 0:00

Bộ Nội vụ Việt Nam vừa đề xuất cán bộ được cho "dám nghĩ, dám làm" sẽ hưởng đặc quyền "miễn kỷ luật". Bộ Nội vụ đưa ra đề xuất vừa nêu tại Hội thảo góp ý kiến dự thảo nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm... hôm 24/3/2023.

Theo đại diện Bộ Nội vụ, cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung nhưng không đạt hoặc gặp rủi ro cần được xem xét miễn kỷ luật.

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, trước khi về hưu công tác tại Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng nói với RFA quan điểm của ông hôm 29 tháng 3 năm 2023:

“Tôi thấy đề xuất này vi phạm thượng tôn pháp luật. Cán bộ dám nghĩ dám làm, đổi mới sáng tạo… thì đều phải theo nguyên tắc tuân thủ pháp luật. Mà hệ thống pháp luật của Việt Nam qua nhiều lần xây dựng, sửa đổi, bổ sung… thì tôi nghĩ chắc chắn chưa hoàn chỉnh, nhưng nó đủ vận hành nhà nước và xã hội như bấy lâu nay. Cho nên đưa ra quy định cán bộ có thể làm những việc mà không phải chịu hậu quả về mặt pháp luật thì hoàn toàn là một quy định sai trái và đi ngược tinh thần thượng tôn pháp luật.”

Tuy nhiên, Dự thảo nghị định vừa nêu lại cho biết các biện pháp bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm dựa theo quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của nhà nước.

Tôi thấy đề xuất này vi phạm thượng tôn pháp luật. Cán bộ dám nghĩ dám làm, đổi mới sáng tạo… thì đều phải theo nguyên tắc tuân thủ pháp luật.
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này hôm 29/3 cho rằng đề xuất này sẽ dễ bị lợi dụng:

“Tôi cho rằng đề xuất này chưa có cơ sở chắc chắn, bởi vì tất cả phải quy định vào pháp luật. Đúng pháp luật thì tốt, nhưng không đúng pháp luật thì phải có xử lý, chứ không thể nêu ra một chủ trương chung chung, không có tiêu chí, không có phạm vi, không có mức độ… Mà chủ trương ‘dám nghĩ dám làm sẽ không bị kỷ luật’ thì tôi cho rằng có thể sẽ bị lợi dụng.”

Bởi vì theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, mọi chủ trương phải được xây dựng, thực hiện trên cơ sở pháp luật. Chứ còn một ý tưởng không được luật hóa, thì chắc chắn sẽ không có cơ sở để thực hiện. Ông Võ lo ngại cán bộ sẽ lợi dụng ý tưởng đó để mưu lợi cá nhân.

fdf83810-c177-42a5-aebb-0b7cc4f88600.jpeg
Ảnh minh họa chụp tại một ngân hàng. AFP PHOTO.

Những năm gần đây, Việt Nam gia tăng chống tham nhũng, nhiều cán bộ bị bắt và truy tố vì vi phạm… dẫn đến công việc bị đình trệ trong bộ máy nhà nước vì các cán bộ bị bắt quá nhiều, số còn lại sợ mắc sai phạm nên không dám thực hiện công việc. Hai ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là y tế và đăng kiểm.

Liệu đề xuất cán bộ 'dám nghĩ, dám làm' được miễn kỷ luật của Bộ Nội vụ có giúp giải quyết tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm khi làm việc? Cựu Trung tá Vũ Minh Trí nói:

“Tôi nghĩ hệ thống vì đã quen tham ô, tham nhũng… cho nên nếu không còn thể tham ô, tham nhũng, không thể kiếm chác, chấm mút… thì cán bộ sẽ tìm cách lãng công, không làm việc.”

Thay vì nghĩ ra những biện pháp như kiểu Bộ Nội vụ đề xuất, theo ông Vũ Minh Trí, nhà nước phải đưa ra được những quy định rõ trách nhiệm của từng vị trí, mô tả rõ công việc và phải có đánh giá nếu không đạt thì cho nghỉ việc. Ông Trí nói tiếp:

“Chứ còn đưa ra những quy định kiểu như Bộ Nội vụ chẳng qua lại tạo điều kiện cho người ta có ‘Thượng Phương Bảo Kiếm’, có những lá bùa để người ta tiếp tục làm những việc sai trái, tham nhũng. Bây giờ mà tìm cán bộ vì nước vì dân, dám nghĩ dám làm… thì tôi nghĩ không có đâu. Cho nên quy định này không có tác dụng điều chỉnh, mà nó chỉ tạo ra thêm những hành lang pháp lý, những ngõ tắt để cán bộ nhà nước tiếp tục sai trái, tiếp tục vi phạm pháp luật, tiếp tục tham ô tham nhũng…”

Tôi nghĩ hệ thống vì đã quen tham ô, tham nhũng… cho nên nếu không còn thể tham ô, tham nhũng, không thể kiếm chác, chấm mút… thì cán bộ sẽ tìm cách lãng công, không làm việc.
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí

Tại Hội thảo về dự thảo nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm... do Bộ Nội vụ tổ chức hôm 24/3, theo truyền thông nhà nước, có 21/28 lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh, thành phía Bắc đã đóng góp ý kiến, đều thống nhất đối tượng áp dụng của dự thảo nghị định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là tất cả cán bộ công chức, viên chức chứ không chỉ với người giữ chức vụ lãnh đạo.

Cũng theo báo chí nhà nước, các vị lãnh đạo cấp sở còn mong dự thảo nghị định sớm được thông qua và áp dụng ngay vào thực tiễn để những cán bộ dám đổi mới được miễn trách nhiệm hành chính, hình sự.

Trước đó vào đầu tháng 3 năm 2023, trong tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định số 108, 113 và 143 về chính sách tinh giản biên chế… Bộ Nội vụ cũng đã đề xuất cán bộ, công chức bị kỷ luật 'tự nguyện tinh giản biên chế'...

Hay mới đây, vào ngày 20/3/2023, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đã đề nghị giảm phạt tù đối với người đứng đầu có sai phạm, nhưng không có mục đích vụ lợi. Dư luận khi đó cho rằng, làm sao xác định “cán bộ vi phạm” mà “không vụ lợi” để giảm án?