Trước thực trạng này, Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) vừa loan báo là những doanh nghiệp trả lao động về trưóc hạn hợp đồng sẽ phải bồi thường cho ngưòi công nhân.
Nhã Trân trình bày chi tiết và thông tin liên hệ qua trao đổi với Cục Quản lý Lao động Ngoài nước.
Công nhân xuất khẩu mất việc
Kể từ khi kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn suy thoái từ vài tháng nay các thị trường nhập khẩu lao động đều đồng loạt cắt giảm lao động xuất khẩu kể cả những thị trường lâu nay là điểm chọn của công nhân Việt Nam như Malaysia, Hàn Quốc và Đài Loan.
Hàng trăm ngàn người lao động xuất khẩu Việt Nam đã phải trở về nước trước thời hạn. Theo dữ liệu của chính phủ Việt Nam thì tính đến trung tuần tháng giêng 2009 số lao động hồi hương trước thời hạn nhiều nhất là từ Đài Loan.
Cả trăm ngàn công nhân ở Indonesia đã buộc phải hồi hương sớm. Vài ngàn công nhân ở Cộng Hoà Czech đã bị sa thải và hiện đang lâm vào tình cảnh khó khăn, không có tiền mua vé máy bay hay ngay cả chỉ để gọi điện thoại về nhà.
Doanh nghiệp phải bồi thường
Hôm thứ Năm 5 tháng 2, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hoà có cuộc trao đổi với báo chí trong nưóc về việc công nhân Việt bị trả về sớm sẽ được doanh nghiệp nước sở tại bồi thường.
Báo Lao Động trong số ra ngày thứ Sáu 6 tháng 2 cho biết ông Thứ trưởng Bộ LĐTBXH khẳng định là Bộ sẽ yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải bồi thường cho công nhân Việt Nam theo đúng luật pháp.
Chủ công ty phải hoàn lại các loại phí đã thu của công nhân, bồi thường lương hoặc mua vé máy bay cho lao động về nước.
Công nhân ngừơi Việt ở Malaysia bị hồi hương sớm phải được cấp vé máy bay đồng thời được bồi thường 2 tuần lương căn bản cho mỗi năm làm việc.
Tương tự, công nhân ở Hàn Quốc, Đài Loan hoặc Nhật Bản được bồi thường 1 tháng lương căn bản cho mỗi năm làm việc và trong nhiều trường hợp được cấp vé máy bay.
Công nhân ở Cộng Hòa Czech được trả 3 tháng lương. Công nhân ở các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất được cấp vé máy bay và được bồi thường 1 hay 2 tháng lương tùy theo hợp đồng.
Ngoài ra tin cũng cho hay chính phủ Cộng Hoà Czech đang dự định chi trả vé máy bay đồng thời cấp 500 Euro cho những công nhân ngoại quốc - không thuộc Liên minh Châu Âu - muốn hồi hương.
Tất cả các doanh nghiệp phải làm thế nào để đảm bảo tất cả quyền lợi của người lao động theo quy định của hợp đồng, quy định của nước sở tại cũng như của Việt Nam.<br/>
Ô. Nguyễn Gia Liêm
Hỏi chuyện Cục Quản lý Lao động Ngoài nước về việc chính phủ Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài bồi thường cho công nhân phải về nước trước kỳ hạn, chúng tôi được nghe ông Nguyễn Gia Liêm, Trưởng phòng Thông tin của cơ quan này nói:
"Cái này vẫn thưòng xuyên tiến hành. Khi nào có vấn đề xảy ra thì chúng tôi đều phải tiến hành những việc ấy. Cái này là theo quy định của hợp đồng, theo quy định của Việt Nam, buộc tất cả các doanh nghiệp phải làm thế nào để đảm bảo tất cả quyền lợi của người lao động theo quy định của hợp đồng, quy định của nước sở tại cũng như của Việt Nam, và theo hợp đồng mà người lao động ký với doanh nghiệp bên nước ngoài cũng như doanh nghiệp ở Việt Nam trước khi đi.
Trong tình trạng hiện nay của nước sở tại thì ngoài các quy định, các chính sách hiện hành họ cũng có những biện pháp để hỗ trợ hoặc giúp đỡ như thế.
Đấy là theo quy định mà người lao động đã ký trong hợp đồng. Đó là một. Thứ hai, cũng tùy theo cái khả năng của các doanh nghiệp của nước ngoài cũng như theo quy định của nước ngoài, chứ không phải nhà nước Việt nam cứ yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài.
Chúng tôi chỉ yêu cầu các doanh nghiệp của chúng tôi hợp tác với các đối tác ở bên nước ngoài, là làm sao để có thể đảm bảo được quyền lợi của người lao động Việt Nam trong trường hợp họ phải về nước trước thời hạn.
Chúng tôi hợp tác với các đối tác ở bên nước ngoài, là làm sao để có thể đảm bảo được quyền lợi của người lao động Việt Nam trong trường hợp họ phải về nước trước thời hạn.
Ô. Nguyễn Gia Liêm
Trên nguyên tắc các hợp đồng thì có 2 cơ sở. Thứ nhất là người lao động ký với chủ tuyển dụng lao động. Thứ hai là cái pháp luật pháp của nước sở tại. Mình phải đấu tranh để đảm bảo quyền lợi của người lao động của mình.
Ngoài ra trong trưòng hợp người lao động về nước sớm thì doanh nghiệp trong nước cũng phải giải quyết với ngưòi lao động trên cơ sở những hợp đồng đã ký với người lao động trước khi đi, theo quy định của nhà nước Việt Nam về vấn đề bảo vệ người lao động. Chúng tôi đã có các quy định như thế và đã nói rõ hết trong các văn bản.”
Liệu có khả thi?
Công nhân ra nước ngoài làm việc xưa nay luôn phải đóng một số phí nhất định như phí môi giới và tiền đặt cọc, tùy theo điều kiện và đòi hỏi của công ty xuất khẩu lao động.
Các khoản phí này thường là món tiền rất lớn đối với người nghèo, chẳng hạn chi phí để sang làm việc tại Đài Loan lên đến 7, 8 ngàn đô la.
Vì thế hầu như ngưòi lao động xuất khẩu luôn phải đi vay mượn hay cầm cố, thế chấp nhà cửa ruộng nương. Trở nên mang công mắc nợ nặng nề nay lại phải về nước sớm vì thất nghiệp nhiều công nhân lâm vào tình thế bi đát.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nói với báo giới rằng doanh nghiệp nào không thực hiện các bồi thường theo như yêu cầu của Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm.
Trưởng phòng Thông tin, Cục Quản lý Lao động Ngoài nước thì khẳng định với chúng tôi:
"Theo quy định của chúng tôi và nhất là trong tình trạng hiện nay thì chúng tôi càng yêu cầu các doanh nghiệp, chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc điều này.
Chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp phải có các đại diện của họ ở bên đó để đảm bảo quyền lợi của người lao động Việt Nam, để hỗ trợ họ trong vấn đề này.
Ô. Nguyễn Gia Liêm
Chúng tôi có các cơ quan quản lý, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. Trong các cơ quan đó chúng tôi có các cán bộ nghiệp vụ làm nhiệm vụ quản lý lao động ở bên đó cũng như bảo vệ người lao động Việt Nam ở bên đấy. Họ sẽ hỗ trợ cho ngưòi lao động cũng như là các doanh nghiệp về vấn đề này.
Hiện nay chúng tôi có các bộ phận gọi là ban quản lý hoặc là đại diện người lao động Việt Nam ở các nước. Chúng tôi cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải có các đại diện của họ ở bên đó để đảm bảo quyền lợi của người lao động Việt Nam, để hỗ trợ họ trong vấn đề này.
Cơ quan đại diện của chúng tôi bên nước ngoài sẽ làm việc với cơ quan chức năng của nước bạn để tiến hành vấn đề này.”
Yêu cầu của Bộ LĐTBXH đòi hỏi doanh nghiệp bồi thường cho lao động xuất khẩu bị trả về sớm là điều đáng hoan nghênh dẫu một hai tháng lương không bù đắp được mất mát mà ngưòi lao động xuất khẩu đang phải gánh chịu.
Bạn đang làm công nhân xuất khẩu ở nước ngoài hoặc có người thân đang làm việc ở nước ngoại, hãy kể với Ban Việt ngữ về trường hợp của Bạn, email: vietweb@rfa.org; hoặc tham gia trao đổi tại <a href="http://www.rfavietnam.com/" target="new">Trang blog Ban Việt ngữ RFA</a>
Tuy nhiên hiện nay có những doanh nghiệp cho rằng công nhân mất việc không phải là lỗi của xí nghiệp, và chính bản thân doanh nghiệp cũng là nạn nhân của khủng hoảng kinh tế.
Cũng xin nhắc lại là hồi trung tuần tháng giêng năm nay Cục Quản lý Lao động Nước ngoài yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động báo cáo về số lượng công nhân phải về nước trước kỳ hạn. Dù vậy, đến nay số công ty báo cáo vẫn còn rất ít.