Người dùng Facebook vẫn bị dư luận viên sách nhiễu đe dọa

0:00 / 0:00

Các facebookers trong nước cho rằng thủ phạm khác là đội ngũ dư luận viên đông đảo, chuyên phản bác những quan điểm bị cho là độc hại về sự bất công sai trái trong xã hội cũng như trên chính trường trong nước.

Gần đây nhất, hôm 24 tháng Tư vừa qua, là trường hợp Fecebooker Bạch Cúc với trang mạng Bạch Cúc Homestay quảng bá ngôi nhà nghỉ dưỡng cho thuê của cô bị chiếu cố và bị mất định vị trên Google. Trao đổi với đài Á Châu Tự Do, facebooker Bạch Cúc cho biết:

Mình kinh doanh nhà nghỉ Bạch Cúc Homestay cũng mấy năm rồi, và thật sự mấy năm trời mình đều có những bài viết, nói chung cũng lên tiếng mạnh mẽ trên mạng. Thời gian đầu lúc mới về đây thì họ có nhắc nhở cảnh cáo là đừng làm gì nữa, đừng lên tiếng nữa. Nhưng vì mình viết về chính trị xã hội quen rồi, cứ thấy sự việc bất công hay cái gì bức xúc thì mình thường xuyên đăng bài, cũng không có vấn đề gì cả.

Việc tấn công này xảy ra thường xuyên, đặc biệt với những người thường xuyên lên tiếng chống những bất công trong xã hội.<br/>-Nhà báo Đỗ Cao Cường

Mọi chuyện bắt đầu từ lúc bài viết của facebooker Bạch Cúc về cái chết hôm 22 tháng Tư của đại tướng kiêm cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh mà đảng cộng sản Việt Nam dự định cử hành quốc tang ngày 3 tháng Năm này. Facebooker Bạch Cúc tin rằng vì bài viết và bức hình đại tướng Lê Đức Anh mà cô đính kèm bài viết đó mà cô trở thành đối tượng bị chiếu cố của AK47 là lực lượng các dư luận viên chuyên săn lùng những thông tin tiêu cực trên mạng:

Vừa đăng lên facebook nguyên trong ngày thì tấm ảnh đó được chia sẻ cho tất cả các lực lượng AK47, lực lượng dư luận viên và lực lượng chống 'phản động', Họ báo với Facebook là mình vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, Facebook báo lại cho mình, chỉ nói cho biết “bài viết này của bạn vi phạm cộng đồng”, cho mình một cơ hội gởi cho họ “xin hãy xem xét”. Nhưng nếu lực lượng báo cáo quá đông thì Facebook khóa luôn.

Đến ngày 28 tháng Tư thì trang tin của facebooker Bạch Cúc đã được mở lại, nhưng Bạch Cúc cho biết trang thông của nhà nghỉ Bạch Cúc vẫn tiếp tục bị báo cáo liên tục lên Facebook và Google.

Áp phích Phản đối Luật An Ninh Mạng
Áp phích Phản đối Luật An Ninh Mạng (Courtesy: Amnesty International)

Chuyện như vậy cũng xảy ra với nhiều facebookers khác, nhà báo tự do Đỗ Cao Cường, thường có những bài viết chỉ trích chính quyền.

Em thường xuyên bị tấn công… Việc tấn công này xảy ra thường xuyên, đặc biệt với những người thường xuyên lên tiếng chống những bất công trong xã hội.

Tháng Mười Hai năm 2017, báo Tuổi Trẻ của Việt Nam loan tin về hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 ở thành phố Hồ Chí Minh, tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, nói rằng quân đội đã thành lập một lực lương hơn 10.000 người có tên là Lực Lượng 47. Ông nói đây là những hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, có trình độ và kỹ năng về công nghệ cao để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh và bảo vệ đất nước.

Anh Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội, cho biết đội quân an ninh mạng và dư luận viên này chừng như càng ngày càng đông và càng ngày càng hung hãn, nhất là đối với những facebookers thường lên tiếng trên mạng xã hội mà lại có hoạt động kinh doanh có iên quan nhiều đến kênh bán hàng thông qua mạng xã hội:

Cách đây khoảng một tháng tôi có tình cờ ngồi nói chuyện với một bạn là bác sĩ ở Bệnh Viện Quân Y 108, thì bạn ấy kể ngay trong đơn vị 108, từng phòng ban một, từng bộ phận một, đều có một nhóm và nhóm ấy đề nghị các bác sĩ trong quân y viện phải tham gia gọi là đấu tranh phản bác những luận điệu tuyên truyền chống Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Lực lượng đấy chỉ riêng Bệnh Viện 108 đã đông cả hàng ngàn người. Ngoài ra lực lượng 47, mà tiền thân nó là lực lượng thông tin ở Hải Phòng, thì nó lan tỏa khắp nước.

Chính vì vậy nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng nói tiếp anh không ngạc nhiên khi nghe tin về fabooker Bạch Cúc và mạng kinh doanh Bạch Cúc Homesay:

Họ tấn công mạnh đến mức độ làm mất luôn cả địa điểm để khách hàng định vị nhà nghỉ Homestay của bạn ấy trên Google Map. Bạch Cúc không phải trường hợp đầu tiên mà còn nhiều trường hợp khác nữa, nhưng đây là lần tấn công ồ ạt, khốc liệt và hiệu quả nhất của lực lượng này. Thực ra phản biện trên mạng xã hội thì chỉ vì bức xúc mà phải lên tiếng thôi, chứ họ còn có công ăn việc làm, phải kiếm tiền mưu sinh. Trong thời đại này Internet là công cụ hỗ trợ kinh doanh rất lớn, chính vì thế Bạch Cúc không phải là trường hợp cuối cùng mà sẽ còn nhiều người khác nữa.

Số liệu từ Tổng Cục Thống Kê hiện Việt Nam có khoảng 54 triệu người dùng facebook. Theo thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, công bố cuối tháng Mười Hai 2018, tính đến giữa tháng 12 năm 2018, Facebook đã gỡ bỏ khoảng 159 tài khoản được cho là có nội dung nói xấu chính phủ và lãnh đạo.

Cùng thời điểm này, Bộ Thông tin Truyền thông còn cho hay Facebook đã đồng ý thiết lập một kênh riêng để làm việc với Bộ.

Mặt khác, theo báo cáo minh bạch hồi năm ngoái của Google, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Google gỡ bỏ trên 6.700 nội dung từ năm 2009 đến giờ, phần lớn có ý chỉ trích chính phủ, và Google đã gỡ bỏ hơn 3.000 video như vậy.

Bạch Cúc không phải trường hợp đầu tiên mà còn nhiều trường hợp khác nữa, nhưng đây là lần tấn công ồ ạt, khốc liệt và hiệu quả nhất của lực lượng này.<br/>-Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng

Hồi đầu năm nay, Luật An Ninh Mạng của Việt Nam cũng đã bắt đầu đi vào hiệu lực. Đây là bộ luật đã bị quốc tế chỉ trích vì cho rằng luật sẽ góp phần bóp nghẹt quyền tự do biểu đạt của người dân.

Đã có những quan ngại rằng luật An ninh mạng mới sẽ bắt buộc các hãng nước ngoài như Facebook và Google hợp tác với chính phủ Việt Nam, liên quan đến quy định về nội địa hóa dữ liệu và trao các dữ liệu người dùng cho chính phủ.

Ông Cory Gardner, Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ, từng bày tỏ quan ngại về khả năng Facebook và Google tuân thủ những qui định về nội địa hóa dữ liệu tại Việt Nam:

Sẽ rất là đáng ngại nếu Google hay bất cứ công ty nào tuân theo nỗ lực nhằm nội địa hóa dữ liệu mà có thể dung để chống lại xã hội dân sự, các nhà hoạt động dân sự, và có thể bị chính phủ sử dụng để vi phạm các quyền riêng tư của người dân. Đây là điều rất đáng lo ngại và tôi nghĩ là bất cứ ai phải chịu quy định nội địa hóa dữ liệu này phải suy nghĩ rất kỹ trước khi họ đầu tư"

Trong chuyến thăm Việt Nam hôm 10/12,/2018, Phó Chủ tịch Google, ông Ken Walker, được truyền thông trong nước trích lời cho biết Google đang xem xét các bước cần thiết để mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Đại diện của Facebook trong một lần điều trần trước Quốc hội Mỹ vào năm ngoái nói rằng hãng này không bao giờ cung cấp thông tin người dùng cho chính phủ Việt Nam, đồng thời khẳng định hãng này chỉ hoạt động ở những quốc gia đảm bảo rằng duy trì các giá trị mà công ty theo đuổi.