Dùng bằng cấp giả để thăng tiến: Bộ máy chính quyền tha hóa, rệu rã

0:00 / 0:00

Sự cạnh tranh không lành mạnh

Theo thông tin được truyền thông phanh phui, bà Ái Sa với tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo- trưởng phòng Hành chính quản trị thuộc văn phòng tỉnh ủy Đăk Lăk, từng là một nhân viên làm nghề cắt tóc và gội đầu tại thành phố Buôn Mê Thuột với trình độ học vấn dừng lại ở cấp 2 (trung học cơ sở). Để tồn tại được trong bộ máy công quyền nhiều năm qua, bà Thảo đã sử dụng bằng cấp 3 của người mang tên là Trần Thị Ngọc Ái Sa và rồi tiếp tục học liên thông đại học và hiện nay đã học đến thạc sĩ. Bà Thảo ngoài là Trưởng phòng Hành chính – Quản trị văn phòng Tỉnh ủy Đăk Lăk còn nằm trong danh sách Ban chấp hành đảng Bộ Tỉnh ủy.

Sau khi nhận được đơn tố cáo, ban tổ chức tỉnh ủy Đăk Lak đã xác nhận thông tin vụ việc nêu trên là hoàn toàn chính xác. Bà Thảo cũng thừa nhận hành vi của mình và đề nghị được giải quyết cho thôi việc. Tuy nhiên ban lãnh đạo tỉnh ủy không đồng ý và quyết định triển khai quy trình xem xét và xử lý kỷ luật đối với bà này.

Qua vụ việc của bà Thảo, dư luận xã hội quan tâm lật lại các vụ sử dụng bằng cấp giả để thăng tiến trong công việc, đã từng được báo chí loan tin trước đây để thấy rằng trường hợp bà Ngọc Thảo không phải là ngoại lệ.

Điển hình như vào năm 2014, Báo Giáo dục Việt Nam cho biết nhiều cán bộ tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An không vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp lớp bổ túc văn hóa nhưng vẫn được cấp bằng tốt nghiệp. Tại Đăk Nông vào năm 2015 đã phát hiện nhiều cán bộ chủ chốt từ cấp xã, huyện sử dụng bằng giả hoặc chưa có bằng cấp 3 nhưng vẫn học lên cao học và được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng. Ngoài ra còn nhiều vụ việc khác tương tự xảy ra tại nhiều tỉnh thành khác như Hà Tĩnh, Quảng Trị,….

PGS-TS Mạc Văn Trang, người từng nhiều năm làm việc ở Viện Khoa học-Giáo dục và có trên 54 năm tuổi Đảng cũng cho rằng, chuyện giả bằng cấp xảy ra ở tất cả các địa phương chứ không chỉ riêng tại Đăk Lăk.

“…Bản thân người ta được vào trong cơ cấu, hệ thống cơ quan của Đảng hay Chính quyền cần phải có mấy yếu tố, thứ nhất là hậu duệ tức là con cái lãnh đạo, thứ hai là tiền tệ tức chạy tiền và thứ ba là quan hệ tức là những mối quan hệ không trong sáng. Tôi nghĩ những trường hợp như cô gái như thế chẳng nên phê phán, chế diễu hay trách móc vì bất kỳ ai cũng thế thôi trong hoàn cảnh khó khăn người ta sẽ tìm con đường để vươn lên để tìm kiếm lợi ích cho mình, chẳng đáng phê phán lắm vì nước nào cũng có chuyện đó cả.”

Ngoài ra, tiến sĩ Mạc Văn Trang còn khẳng định vì do cơ chế độc quyền, độc tài nên một khi Thủ trưởng đã đồng ý rồi thì những người trong tổ chức Đảng cũng không dám lên tiếng. Bên cạnh đó, vì VN là nhà nước độc quyền nên quy trình để tuyển chọn cán bộ kết nạp Đảng, thi công chức viên chức, sắp xếp vị trí đều đã được chuẩn bị từ trước. Ngoại trừ sự việc bị vỡ lỡ ra thì người ta mới tìm cách xử lý.

Đồng ý với tiến sĩ Mạc Văn Trang về việc không nên phê phán cá nhân vị nữ trưởng phòng tỉnh Đăk Lak, Giáo sư Phạm Minh Hoàng, người từng là giảng viên môn Toán học ứng dụng tại Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhận định, đây là vấn đề của cả xã hội chứ không chỉ riêng ngành giáo dục bởi vì liên quan đến công ăn việc làm mà tại Việt Nam bằng cấp là một điều vô cùng quan trọng, họ sẽ làm bất chấp để có được.

"Họ bất chấp chuyện đó, nó l à bằng giả hoặc mua thế này thế kia chỉ cần có bằng mà thôi còn kiến thức là không thành vấn đề. Tôi có kinh nghiệm một chút trong thời gian còn ở VN thì thỉnh thoảng tại trường Đại học Bách Khoa có sắp xếp tôi dạy cho một số có thể được nói là công viên chức, họ học lấy bằng để tiến thân trong cuộc sống, việc tiến thân là chuyện bình thường nước nào cũng sử dụng cả. Tuy nhiên việc học bằng cấp này cho dù là học vào ban đêm nhưng vẫn phải hộ i tụ đủ mọi quy trình và tạm gọi là phải xứng đáng với bằng cấp của họ, chứ không phải chuyện cứ anh làm trưởng phòng, anh chưa có bằng tú tài mà bắt anh đi học lấy bằng tiến sĩ là điều không thể chấp nhận được rồi."

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. (Courtesy: AFP/ RFA Edited)

Ngoài ra, giáo sư Phạm Minh Hoàng còn giải thích thêm rằng nhu cầu bằng cấp tại Việt Nam là rất lớn, ông nói: "…ví dụ một người trưởng phòng chỉ bằng Tú tài thôi còn phó phòng thì bằng cấp cao hơn thì thành ra suy nghĩ làm cách nào để có bằng như bằng giả, nhờ người khác đi học dùm và nhiều cách thức khác, thì cái bằng chẳng có ích lợi gì cả. Đối với quan điểm của tôi nếu cấp cho người ta bằng đó thì thật ra nó cũng chả có tai hại gì cho kiến thức cả vì người đó đâu có kiến thức đâu nhưng nó sẽ tạo ra một tiền lệ thói quen mua bằng, mua kiến thức quá dễ dàng và lạm phát bằng cấp. Như vậy đó là điều thiệt thòi cho những người có bằng cấp thật sự…"

Giáo sư Hoàng còn khẳng định lần nữa, tại Việt nam chuyện bằng cấp và giấy tờ chỉ nhằm để tiến thân, nên việc đó làm cho những người có bằng cấp thật sự trở nên vô giá trị, đánh lận con đen với những người học đàng hoàng. “Nhu cầu bằng cấp sinh ra quá nhiều vấn đề bất công trong xã hội”, ông kết luận.

Bằng cấp giả có thể thay đổi vận mệnh ?

Trở lại với vấn đề sử dụng bằng cấp giả đối với các cán bộ trong cơ quan công quyền và hệ thống chính trị của Đảng, dư luận quan tâm và giới quan sát khẳng định, đây là vấn đề tồn tại quá lâu, có thể nói đã hàng chục năm qua, nên để thanh lọc, giải quyết triệt để là điều không thể làm được. Việc phát hiện hàng loạt cán bộ dùng bằng cấp giả để thăng tiến điều đó khẳng định bộ máy chính quyền đang thật sự tha hóa, suy đồi...

Tiến sĩ Mạc Văn Trang lý giải điều này "Thật ra khi cạnh tranh nhau trong nội bộ ( đó mà ) , ví dụ cần một chức phó giám đốc chẳng hạn thì có ba người đều là Đảng viên, đều có quan hệ thế này thế kia cả, đều 4 tốt, tiên tiến, xuất sắc liên tục thì giờ người ta phải chọn một tiêu chuẩn người nào có bắng cấp cao hơn là một tiêu chuẩn nên chính vì thế mà người ta phải chạy, mua bằng cấp bằng đủ kiểu, để người ta có tiêu chí hơn người kia. Một khi tiêu chí đã trở thành ưu tiên thì người ta sẽ chạy bằng, bằng thật nhưng học giả hoặc mua bằng giả, khi đã vào hệ thống rồi, được ngồi vào ghế rồi thì nó sẽ chắc chắn lắm, thu được nhiều lợi ích lắm nên người ta tìm mọi cách để giữ ghế."

Ngoài ra, tiến sĩ Trang cũng cho hay, nếu việc mua bằng cấp giả bị phát hiện thì cũng không phải là điều lo ngại, bởi vì sẽ thông qua nhiều quy trình họp hành, bỏ phiếu, xem xét và biểu quyết báo cáo hội đồng quyết định rồi mới tiến hành xử lý nhưng một khi phe nhóm chiếm đa số thì vụ việc sẽ được che dấu một cách dễ dàng.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình từ Hà Nội cho rằng, không chỉ riêng các cơ quan công quyền mà ngay cả ngành công an được xem là ngành có quy trình tuyển chọn, xét duyệt lý lịch chặt chẽ nhất, cũng có những vụ việc tương tự.

"…nhân viên công lực bình thường phụ trách những việc đó là người ta biết hết nhưng tại sao người ta không nói vì người đưa xuống là lãnh đạo. Phần lớn những sự việc bị lộ ra là do tranh chức tranh quyền, ví dụ như cô này là trưởng phòng mà đòi lên làm phó bí thư hay một chức vụ nào đó cao hơn và một người khác cũng biết chuyện đó mà người ta cũng đang ngắm nghé ghế đó thì người ta sẽ x ì tin tức ra, tranh dành quyền lực, phân chia lợi ích cần xử lý nhau thì họ lấy thông tin để nhằm triệt hạ nhau nên mới lộ ra như thế."

Đồng thời nhà báo Nguyễn Vũ Bình còn cho rằng để hạn chế không khó. "Thật ra mà nói trong cái cơ chế của nhà nước này vẫn có thể làm được trong mức độ nào đó bằng cách gắn trách nhiệm của lãnh đạo thì nó cũng sẽ bớt được từ 40-50%, không triệt để được hết nhưng mà giảm bớt được."

Theo giáo sư Phạm Minh Hoàng, để giải quyết thực trạng này, không chỉ trong xã hội Việt Nam mà ngay tại các cơ quan công quyền cần có ba bước loại bỏ.

“Ngay cả trong chính sách của nhà nước bây giờ cũng nên bỏ cái bồi dưỡng kiến thức đi vì nó không quan trọng, thứ hai là xã hội cần loại bỏ suy nghĩ là bằng cấp mới làm được, bằng cấp là điều kiện cần để chúng ta có một số kiến thức mà thôi, những vấn đề kinh nghiệm, giao tiếp hằng ngày đó mới là điều quan trọng. Một khi suy nghĩ được vậy thì các vấn đề bằng giả bằng lậu, học giả bằng thật thì nó mới có thể bớt đi được.”

Nhận định chung của giới chuyên gia mà chúng tôi trao đổi đều cho rằng, Việt Nam cần công khai dân chủ, tự do báo chí, nếu bằng không chẳng bao giờ cạnh tranh hay lựa chọn được những người thật sự có thể thay đổi được vận mệnh đất nước. Ngược lại, các vụ tiêu cực sẽ tiếp tục bị phanh phui, các nhóm lợi ích sẽ tiếp tục không ngần ngại “hại” nhau, triệt hạ nhau bằng các thủ đoạn khác nhau để tranh giành quyền lực!