Báo chí trong nước hôm 15/3/2021 đưa tin, Công an tỉnh Đồng Nai, phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công An, vừa triệt phá một đường dây làm xăng giả có qui mô liên tỉnh lớn nhất từ trước tới nay.
Đường dây này đã tung ra thị trường hơn 200 triệu lít xăng giả, xăng kém chất. Hai người dính líu đã bị bắt giữ là Nguyễn Hữu Tứ ở Vĩnh Long và Phan Thanh Hữu ở thành phố Hồ Chí Minh. Theo báo Công An thì có tất cả 40 người bị bắt trong đường dây sử dụng hóa chất pha chế dung môi với xăng nền, hóa chất tăng RON để tạo ra các loại xăng A95, E5 và RON 92 kém chất lượng.
Trước đó, năm 2019, một đường dây sản xuất và buôn lậu xăng giả quy mô không kém, cầm đầu bởi ông Trịnh Sướng, giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng ở Sóc Trăng, cũng đã bị công an triệt phá.
Theo lời kỹ sư Lê Văn Tạch, được báo chí dẫn lại, xăng giả chắc chắn ảnh hưởng tới động cơ xe, đặc biệt động cơ xe 4 bánh có tiêu chuẩn cao hơn xe gắn máy 2 bánh.
Ông nói xăng giả còn làm giảm công suất xe, là vì khi chưa đến điểm nổ thì nhiên liệu đã gây kích nổ, đồng thời gây nóng máy khi sử dụng.
Cách đây vài năm, nhiều nơi từng xuất hiện tình trạng ô tô hoặc xe máy không dưng phát cháy khi đang vận hành. Dù chưa có kết luận cuối cùng, dư luận nhiều phần nghi ngờ do xăng dầu không đảm bảo tiêu chuẩn, đúng hơn là do xăng giả, nên mới xảy ra cháy nổ.
Một số chuyên gia cho hay xăng giả, xăng kém chất lượng phá hoại thị trường, gây tổn thất đáng kể cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chân chính.
Một doanh nhân ở Bình Dương không muốn nêu tên, trao đổi với RFA qua điện thư rằng, sau một thời gian tưởng như không có sự cố nào đáng chú ý nữa thì sự việc một lúc 5 cây xăng thuộc một hệ thống kinh doanh xăng dầu ở tỉnh Bình Dương bị phong tỏa với nhiều chục người bị bắt, cho thấy tệ nạn xăng giả vẫn tồn tại, thậm chí còn phát triển mạnh hơn:
"Rõ ràng họ ngấm ngầm cái trò này lâu rồi! Nói chung nó cũng như những vụ làm hàng giả hàng nhái thôi, có điều qui mô thế mà bao nhiêu năm vẫn tồn tại thì 99% là có sự chống lưng rồi. Mới hôm kia tôi có đọc mấy bài báo, họ đặt vấn đề làm sao mà mấy cây xăng lại bán cái loại xăng giả đấy? Rõ ràng chúng nằm trong đường dây, trong hệ thống với nhau cả. Đương nhiên dùng xăng giả thì được giá rẻ"
"Họ biết mấy năm trước xăng giả gây rất nhiều vụ nổ và cháy xe, có cả người chết người bị thương, cả thiệt hại tài sản. Thiệt hại về kinh tế cũng ghê lắm. Nhà Nước biết chứ không phải là không biết, mà cứ để như thế thì rất là tệ hại".
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Đặng Hùng Võ nhận định:
"Chủ yếu nó là cách làm ăn bất lương để thu lợi nhiều hơn, hệt như cách làm thuốc giả hay thực phẩm bẩn. Tất cả những điều đó đều diễn ra ở Việt Nam cả, đấy là cách làm ăn gắn với việc suy đồi đạo đức. Một thị trường nghiêm túc thì hàng giả hàng kém phẩm chất chắc chắn không có bởi vì bản thân thương gia cũng không làm chuyện ấy".
Được hỏi nguyên nhân của nạn xăng giả, tiến sĩ Đặng Hùng Võ nói:
"Xăng không hề khan mà vẫn được bán đầy đủ ở các nơi, còn giá xăng lên xuống sự thật mà nói cũng không đến nỗi bất an. Chính phủ điều tiết và cho tăng lên bao nhiều thì mới được tăng"
“Khi mà có dấu hiệu xăng giả thì Nhà Nước bắt được ở đâu thì xử ở đấy, hủy ở đấy, rất nhiều vụ rồi. Ở đây thì tôi vẫn thiên về cái ý là pháp luật cũng có đủ căn cứ để kiểm tra, giám sát, phát hiện những trường hợp xăng giả, vấn đề là thực thi pháp luật cũng không 100% trong sạch. Giả sử nó diễn ra ở tất cả các nơi thì không bộ máy nào có thể kiểm soát hết tất cả được, điều đó cũng dễ thấy”.
Số liệu từ Tổng Cục Quản Lý Thị Trường cho thấy, năm 2020 có khoảng 4.550 vụ việc liên quan đến xăng dầu đã bị kiểm tra, trong đó gần 1.300 trường hợp bị xử lý.
Tổng số tiền xử phạt những vụ xăng giả trong giai đoạn này là 14 tỷ Đồng.
Những con số này chỉ phản ảnh phần nào và chưa đầy đủ về tình hình cũng như sự tổn thất, tổn hại mà xăng giả gây ra cho kinh tế và xã hội, là cái nhìn của Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Quản Lý ở TPHCM, tiến sĩ Trần Quang Thắng:
"Nhất là xăng giả với những thành phần dễ gây cháy xe, hệ quả cực kỳ nguy hiểm vì ảnh hưởng đến kinh tế và sinh mạng con người nữa. Nói thu được 14 tỷ tiền phạt từ xăng giả thì không ăn thưa gì so với những thiệt hại dây chuyền trong xã hội mà có thể lên tới mấy chục ngàn tỷ không biết chừng. Thu được 14 tỷ thôi nhưng mà tác hại rất là lớn".
So với tình trạng gian lận từ những mặt hàng khác, mức độ gian lận thương mại trong xăng dầu rất lớn. Ngoài việc bán sản phẩm giả ngoài hệ thống chính thức, nhiều mánh lới gian xảo được tận dụng như cố tình làm sai lệch kết quả đo lường, bơm chồng số, không niêm phong kẹp chì nắp bồn xe chứa xăng dầu...
Câu hỏi đặt ra là vì sao vẫn có hàng trăm triệu lít xăng giả tuồn ra thị trường trong lúc cơ chế quản lý nhập khẩu, sản xuất, pha chế và kinh doanh xăng dầu được Nhà Nước qui định rất chặt chẽ?
Vấn đề thứ hai, truyền thông Nhà nước thường xuyên đưa tin về sự bổ sung, điều chỉnh phân phối, tại sao những cơ quan cùng chịu trách nhiệm giám sát thương mại và chất lượng xăng dầu lại để lọt các đường dây làm xăng giả quy mô lớn như vậy?
Tại sao vấn đề xăng giả tồn tại lâu quá là vì sự đồng bộ kiểm soát và giám sát chưa tốt. Ngăn chặn ngay từ đầu có lẽ sẽ hay hơn là khi mà người dân đã trả giá và phản ảnh, cái đó là thiệt hại đã có rồi - TS. Trần Quang Thắng
Theo tiến sĩ Trần Quang Thắng, có nhiều lổ hỗng trong cơ chế quản lý sản xuất, kinh doanh và kiểm soát chất lượng xăng dầu. Báo chí trong nước gọi đây là sự yếu kém, chồng chéo, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm
"Xăng giả là hiện tượng phải ngăn chặn càng sớm càng tốt. Họ có thể giả được tức là họ có một mạng lưới liên thông với các dịch vụ vận chuyển phân phối có thể có cả trong ngành nữa. Tất cả những cái đó gây tổn hại cho sản xuất và bình ổn xăng dầu"
“Không dám khẳng định 100% cách làm việc của công an, của quản lý thị trường có mức độ quyết liệt và thực sự đồng bộ. Tại sao vấn đề xăng giả tồn tại lâu quá là vì sự đồng bộ kiểm soát và giám sát chưa tốt. Ngăn chặn ngay từ đầu có lẽ sẽ hay hơn là khi mà người dân đã trả giá và phản ảnh, cái đó là thiệt hại đã có rồi”.
Được biết, sau khi hàng loạt cây xăng ở Bình Dương bơm xăng giả các loại bị phát hiện, Bộ Công Thương đã tiến hành thanh tra 10 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Theo dự kiến, khoảng 4 hoặc 5 doanh nghiệp vi phạm sẽ bị rút giấy phép.
Đối với viện trưởng Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Quản Lý, ông Trần Quang Thắng, phạt và rút giấy phép chỉ là biện pháp răn đe tức thời, việc phải làm ngay là truy cứu tận gốc, dẹp sạch những người và những đường dây sản xuất buôn lậu xăng giả.
Quan trọng nhất, ông nhấn mạnh, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa giữa các cơ quan ban ngành thì mới có kết quả.