COVID-19 xâm nhập trại giam: lo lắng cho an nguy của các tù nhân

Cơ quan công an có thông tin rằng đã có một tù nhân trong trại giam Chí Hoà bị tử vong do COVID-19. Sáng ngày 7 tháng 7, truyền thông Nhà nước đồng loạt đưa tin phát hiện 81 ca dương tính với COVID-19 ở trại giam Chí Hoà. Thực trạng này được thân nhân một số tù nhân chính trị đón nhận ra sao?

0:00 / 0:00

Theo Sở Y Tế của TP. Hồ Chí Minh thì ca lây nhiễm đầu tiên ở trại giam Chí Hoà được ghi nhận vào ngày 27 tháng 6, nhưng phải đến khi tù nhân trong trại giam này nổi dậy thì chính quyền mới chịu công khai thông tin về tình hình dịch bệnh tại đây.

Sau khi nhận được thông tin về việc dịch bệnh đã xâm nhập vào trại giam, một số thân nhân của các tù nhân lương tâm đã bày tỏ sự lo lắng.

Bà Nguyễn Mai, vợ của tù nhân lương tâm Lê Quý Lộc, người hiện đang bị giam giữ tại trại giam An Phước, cho RFA biết qua điện thoại về sự lo lắng của bà.

"Tôi rất là lo lắng, tại vì đã có một ca ở trại Bố Lá, mà Bố Lá thì cũng thuộc tỉnh Bình Dương gần An Phước cho nên là tôi cũng rất là sợ. Không những sợ cho chồng tôi mà còn sợ cho các tù nhân khác."

Trại giam Bố Lá đóng vai trò là trại trung chuyển, các tù nhân từ trại này sẽ được chuyển đến các trại giam khác nhau, do vậy khi nghe tin trại giam Bố Lá có người nhiễm COVID-19, thân nhân của các tù nhân lương tâm cảm thấy rất lo ngại.

Bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ của tù nhân lương tâm Huỳnh Đức Thanh Bình, người đang bị giam tại trại Xuân Lộc ở tỉnh Đồng Nai, còn chỉ ra một khía cạnh đáng lo ngại khác nếu tù nhân lương tâm bị nhiễm COVID-19.

"Ở trong đó ăn uống thì thiếu thốn, sức khoẻ có thể bị giảm sút, nếu lỡ bị dịch bệnh này thì sẽ hết sức đáng sợ. Tôi nghĩ là tất cả các gia đình (của tù nhân lương tâm) đều rất là lo lắng, chứ không chi riêng mình tôi lo lắng không đâu".

Do điều kiện giam giữ khắc nghiệt, nhiều tù nhân lương tâm đã gặp vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng, trong đó nhiều người đã mắc những bệnh thuộc diện rủi ro cao nếu bị nhiễm COVID-19 như tiểu đường, tim mạch.

Thân nhân của các tù nhân lương tâm cũng yêu cầu các trại giam có những chính sách phù hợp để đảm bảo an toàn cho các tù nhân, và trấn an người thân. Bà Nguyễn Thị Huệ cho biết nguyện vọng của bà:

"Có thể, không cho gặp mặt thì tôi rất là đồng ý vì việc đó là để bảo vệ sức khoẻ cho những người tù ở trong trại, nhưng mà có thể cho gửi quà, gửi đồ ăn, thực phẩm. Vấn đề thứ hai là tôi nghĩ, nếu như có thể được thì xin họ cho gọi điện về nhà mỗi tháng hai lần thay vì một lần để tụi tôi có thể biết được tình hình của người thân của mình trong đó là như thế nào."

Còn bà Mai, vợ của tù nhân lương tâm Lê Quý Lộc thì cho biết bà hy vọng cơ quan chức năng phải thông tin kịp thời cho người dân biết tình hình dịch bệnh ở trong các trại giam, bà nói:

"Thông tin thì phải cập nhật hàng ngày cho báo chí, truyền thông và cho người dân biết, chứ không thể nào im lặng được."

Tổ chức Ân xá Quốc tế, trụ ở chính ở London, Anh Quốc, cho RFA biết qua email về quan điểm của tổ chức này đối với vấn đề tù nhân lương tâm trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam.

Bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc khu vực của Ân xá Quốc tế viết: "Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam công khai minh bạch thông tin về sự việc lây nhiễm ở trại giam Chí Hoà, và các ca lây nhiễm ở các trại giam khác.

“Chính quyền cần phải hành động ngay lập tức để bảo vệ tính mạng và sức khoẻ của những người bị giam giữ, bao gồm việc giảm thiếu số người bị giam trong các nhà tù, và cả việc trả tự do cho các tù nhân lương tâm và những người không được hưởng quyền xét xử công bằng khác”.

Tổ chức này cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam bảo đảm những người bị giam giữ có quyền tiếp cận với các phương pháp phòng dịch như được xét nghiệm thường xuyên, được chữa trị nếu nhiễm bệnh, và được tiêm chủng.

Campuchia, nước láng giềng có đường biên giới cách TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam khoảng 70 km, đang trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ, tại đây nhiều nhà tù đã trở thành những ổ dịch lớn. Theo chính quyền Campuchia thì tại một vài nhà tù, số người bị nhiễm COVID-19 lên đến 20 phần trăm số tù nhân bị giam giữ.