Trang phục tốt nghiệp “lạ” cho hiệu  trưởng và tân khoa, tại sao bị phản đối?

0:00 / 0:00

Nguồn tin và hình ảnh từ báo chí trong nước cho thấy tại buổi lễ trao bằng tốt nghiệp đại học chính quy năm 2022 với cả ngàn người gồm cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ bên cạnh phụ huynh, thầy cô và nhân viên trường hôm 29/7, vị khoa trưởng khoa Kinh tế Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS-TS. Nguyễn Trúc Lê, đã mặc áo nhung đỏ, mũ và găng tay đồng màu, đeo vòng cổ và tay cầm quyền trượng.

Các sinh viên tốt nghiệp vận “trang phục lạ” so với thông thường: nam áo thiết kế kiểu vest, quần tây đồng bộ màu đỏ sậm, mũ bê rê có lưỡi trai màu đen, găng tay màu trắng; sinh viên nữ thì trang phục áo giả vest, váy ngắn màu đỏ sậm, đội bê rê đen có lưỡi trai và mang găng trắng.

Thành viên ban nghi lễ cũng mặc áo nhung đỏ pha đen, mũ màu đen, găng tay màu trắng. đeo ruy băng lụa hai màu xanh đỏ với logo của trường.

Ngay lập tức sau lễ tốt nghiệp là những lời chê bai, đàm tiếu râm ran tiếp tục qua lại trên mạng cũng như trong dư luận bên ngoài. Báo chí sử dụng từ ‘ném đá’ để nói về sự dèm pha này, hai thứ bị ném đá nhiều nhất là bộ trang phục cùng quyền trượng của khoa trưởng trường Kinh Tế ĐHQGHN.

Một nhà nghiên cứu thuộc Viện Giáo Dục tại một đại học Mỹ, không muốn nêu danh tánh vì cho rằng khen chê ở đây là vấn đề tế nhị, không khéo bị mang tiếng là ‘vơ đũa cả nắm, nói với RFA qua điện thư như sau:

“Đây là buổi lễ tốt nghiệp của cả ngàn sinh viên được mô tả là như một buổi trình diễn long trọng mà có người gọi là ‘hoành tráng’. Tôi không biết nói như thế nào để diễn tả ý kiến của tôi. Tôi có cảm tưởng rằng ông Viện trưởng cầm cây gậy có vẻ như một giáo chủ, mặc quần áo khác lạ, cùng với các vị thầy khác và sinh viên tốt nghiệp biểu diễn màn ‘tôn giáo ‘ mới. Màu sắc quần áo thì âm u, không phản ảnh trí tuệ của giới đại học.”

“Mặt khác, có người kêu gọi bao dung với tinh thần tôn trọng sự khác biệt ( không ném đá). Lời kêu gọi này rất hay, rất đúng, vì "nó" giúp cho tiến bộ, tiến tới chân, thiện, mỹ. Tuy nhiên, ứng dụng ‘ý tưởng’ này vào trường hợp này thì không biết tương lai học vị sẽ ra sao. Giáo dục đại học kiểu này sẽ chỉ sản xuất ra nhiều tiến sĩ với cao kiến như bà ‘tiến sỹ lu’ chẳng hạn”.

Trong khi đó từ đại học Maine của Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng xưa nay bên Việt Nam quyền trượng chỉ dành cho những bậc tu hành đạo cao, đức trọng mà thôi.

Còn bên Mỹ, ông nói, từ xưa hai đại học lớn, lâu đời như Havard, Yale đều có quyền trượng riêng nhưng về sau thì không còn sử dụng nữa:

“Ông khoa trưởng khoa Kinh tế cũng hơi đặc biệt đấy, mà cái này cũng mới bởi vì tôi dạy học trong khoa Kinh tế ĐHQG Hà Nội thì ngày xưa đâu có chuyện như vậy. Có thể đó là lý do tại sao người ta chỉ trích.”

“Ở nước Mỹ này khi một trưởng của một khoa như trường đại học của tôi nhưng tốt nghiệp Havard thì mặc lễ phục của Havard cho người ta biết ông hay bà tiến sĩ đó tốt nghiệp từ Havard. Có thể ông khoa trưởng khoa Kinh tế này muốn người khác để ý nhiều về ông. Mà kể cả trường cũng vậy, muốn có lễ phục mới thì cả Hội đồng trường phải tranh luận, phải đề nghị trong một thời gian dài chứ không thể nào một khoa trưởng có thể làm như vậy được.Khó mà biết đằng sau những sự phê bình này là chuyện gì”.

daihockinhte2022.jpeg
Sinh viên dự lễ tốt nghiệp Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội hôm 29/7/2022. Facebook Đại học Kinh tế

Từ trong nước, nhà nghiên cứu Ngữ học, Giáo sư Hoàng Dũng, nói rằng thực lòng cá nhân ông không thích những bộ lễ phục màu mè như vậy. Tuy nhiên:

“Nhìn chung thì tôi thấy họ có quyền làm như vậy. Tôi nói ngắn gọn rằng ở đây có những vấn đề của xã hội Việt Nam. Ném đá vào những gì người ta không thích, nhất là những gì liên quan đến giáo dục, trở thành phong trào ở Việt Nam, thể hiện cái tâm lý thất vọng. Không cần biết gì cả, nghe có người xướng lên thì không nghĩ gì cả mà sẵn sàng bung bét tất cả ý kiến của mình lên rồi.”

“Cái đó không chỉ vấn đề dân trí mà còn là vấn đề xã hội. Thất vọng về giáo dục mà trút giận lên những chuyện như vậy”.

Việc tổ chức lễ tốt nghiệp như vậy là theo phong cách truyền thống phương Tây, thế nhưng làm dấy lên làn sóng phê phán rầm rộ mới thực sự là chuyện đáng suy ngẫm. Đây là nhận định của người viết báo tự do Vương Hân ở Việt Nam.

Trong điện thư trao đổi với RFA, nhà báo tự do Vương Hân bày tỏ:

“Trang phục của thầy hiệu trưởng và các sinh viên tại lễ phát bằng tốt nghiệp là việc của trường đó với sinh viên! Người không cùng “gu” có thể góp ý kiến nhẹ nhàng, xây dựng. Nhưng phản đối kiểu “lên đồng tập thể” với những miệt thị, thoá mạ nặng nề là biểu hiện của một tâm lý xã hội không cân bằng, không bình thường”.

Tâm lý xã hội đó, ông Vương Hân phân tích tiếp, vô hình giam hãm suy nghĩ người dân, họ cần kiến thức và nghị lực để thoát ra:

"Bằng cái nhìn rộng rãi hơn, người ta có thể nghĩ những thay đổi về hình thức, phong cách lễ tốt nghiệp là một biểu hiện của ý muốn thay đổi. Cho dù có người nghĩ lễ phục đó có thể còn thô thiển về mặt thẩm mỹ, lần lần hình thức buổi lễ sẽ được cải tiến phù hợp với "gu" thẩm mỹ chung. Sự tiến bộ tiệm tiến như vậy đáng mong muốn, giữ xã hội biến chuyển với tốc độ thích hợp, không đổ vỡ, đứt gãy."

“Sự thay đổi hình thức buổi lễ tốt nghiệp chưa chắc tạo phản cảm tới vậy nếu môi trường học thuật Việt Nam được quý trọng. Trong thực tế, môi trường hàn lâm Việt Nam thiếu tính liêm chính, không ít hiện tượng bằng gian, bằng giả, bằng mua… khiến mọi giá trị cùng thứ bậc tri thức bị đảo lộn, coi thường, thậm chí khinh rẻ. Thi cử cũng chưa phải là cơ hội công bình cho các thí sinh. Những ẩn ức tâm lý dồn nén chờ dịp bùng ra, cây quyền trượng(Mace) và bộ trang phục hàn lâm( Academic Regalia) chỉ là nguyên cớ”.

Trước phản ứng từ cộng đồng mạng, nhà báo viết tiếp, ĐH Quốc gia Hà Nội đã đề nghị hiệu trưởng trường Kinh tế báo cáo bằng văn bản về công tác tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp, đồng thời chỉ đạo rà soát, điều chỉnh trang phục, lễ phục trao bằng tốt nghiệp, tránh lặp lại tình trạng tương tự.

“Đọc tin trên thì tôi tự hỏi về tính chín chắn, tính tự chủ, tinh thần và cách hành xử của ĐHQGHN. Họ có tôn trọng quyền tự chủ đại học của trường ĐH Kinh tế không?”

Có lẽ cũng như Giáo sư Hoàng Dũng, người viết báo tự do Vương Hân cho rằng phản ứng của quần chúng đối với buổi lễ tốt nghiệp ở khoa Kinh tế ĐHQGHN là một thí dụ về tâm lý xã hội:

“Tâm lý này khiến từ trong thói quen hành xử, trong tiềm thức, mỗi cá nhân hay tập thể bị giằng xé giữa hai thái cực, vừa muốn là người tự do vừa sẵn sàng chấp nhận cuộc sống công cụ. Vừa bị quyến rũ bởi tính khai phóng, vừa muốn áp dụng khuôn vàng thước ngọc chuẩn mực xa xưa.”

Điều này cho thấy xã hội và con người Việt Nam đầy mâu thuẫn nội tại, đó là chậm về mặt tiến bộ bên cạnh tinh thần hướng tới sự thay đổi, người viết báo Vương Hân kết luận.