Yêu cầu này được đưa ra sau khi có ý kiến của GS Đặng Hùng Võ nói lại một số điểm mà ông này nêu ra trong lần đối thoại đầu tiên.
Để GS Đặng Hùng Võ chuẩn bị tốt hơn
Đơn yêu cầu được đối thoại “phúc thẩm” với GS Đặng Hùng Võ ký ngày 14 tháng 12, hơn một tháng sau khi những người có đất nằm trong vùng qui hoạch cho khu đô thị Ecopark ở huyện Văn Giang, đối thoại với vị nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường. Đứng thư này là ông Phạm Hoành Sơn, cũng là một trong những nông dân có đất nằm trong diện bị cưỡng chế, cho biết lý do vì sao nông dân Văn Giang muốn đối thoại lần nữa với GS Đặng Hùng Võ:
“Khi đối thoại thì GS Đặng Hùng Võ đã nhận ra sai lầm của mình nhưng không hiểu sao sau đó ông lại có hai bài trên Vietnamnet phản bác lại những cái ông đã thừa nhận hôm đối thoại ngày 8 tháng 11. Chúng tôi thấy như thế là không thỏa đáng”.
Với tư cách là người từng ký hai tờ trình tham mưu cho Thủ tướng thực hiện dự án Ecopark, tháng trước, tại hội trường của Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường, GS Đặng Hùng Võ chấp nhận lời mời đối thoại của nông dân huyện Văn Giang. Sau khi cuộc đối thoại kết thúc, phía người nông dân Văn Giang cho rằng GS Đặng Hùng Võ đã thừa nhận rằng tờ trình tham mưu cho Thủ tướng và cả quyết định thu hồi đất của Thủ tướng là “trái pháp luật”.
Tuy nhiên, trong hai bài viết hôm 10 và 11 tháng này trên Tuần Việt Nam, nhan đề “GS Đặng Hùng Võ nói lại về vụ Văn Giang” và “Bài học Văn Giang và những kiến nghị”, vị GS đã khẳng định hai tờ trình trên là “đâu phải là trái luật”. Hai bài viết của GS Đặng Hùng Võ khá dài và giải trình khá chi tiết về những điểm ông cho là cần được làm rõ trong vụ Văn Giang, lưu ý rằng đây là những giải thích của ông sau khi đã tìm hiểu đầy đủ thông tin về câu chuyện Văn Giang.
Bài viết của GS Võ cũng nói rằng ông đã về hưu 5 năm và thời điểm từ khi ông ký hai tờ trình cho đến hiện tại đã là 8 năm. Vị GS cho rằng mình bị bất ngờ trong cuộc đối thoại cách đây hơn 1 tháng “vì sự có mặt và sự dồn ép lý lẽ của vị luật sư đại diện, kể cả sự có mặt của một số người chẳng liên quan gì đến dự án”. Ông viết thêm rằng “cuộc tranh luận pháp lý về một dự án mà tôi không có một chút hồ sơ, tài liệu gì về Dự án trong tay thì quả là "hư vô"”.
Ông Phạm Hoành Sơn cho rằng, chính vì lý do GS Võ đưa ra như thế nên cần phải đối thoại lần nữa để GS có thể chuẩn bị tốt hơn nhằm phân định rõ đúng sai:
Ô. Phạm Hoành Sơn
“Nếu như mà GS Võ còn băn khoăn, cho là mình không chuẩn bị kỹ, hay bị người dân ép buộc thì chúng tôi muốn tạo ra một cơ hội nữa để GS có thể mời thêm chuyên gia và luật sư trợ giúp để không bị sức ép. Từ đó có thể đối thoại căn cứ theo đúng qui định pháp luật. Nếu sai thì phải nhận sai”.
Theo ông Hoành Sơn, cuộc đối thoại hôm 8 tháng 11 đã được thu hình lại. GS Đặng Hùng Võ cũng sử dụng máy tính cá nhân và máy chiếu để trình bày phần chuẩn bị của mình. Về phía nông dân nơi đây cũng cho biết không khí buổi đối thoại diễn ra nhẹ nhàng theo tinh thần tìm hiểu sự thật, và tất cả mọi người đã vỗ tay khi GS Đặng Hùng Võ “nhận sai lầm” theo như cách nói của những người đối thoại với GS Võ.
Bài viết cách đây chưa đầy 1 tuần của GS Đặng Hùng Võ cho rằng ông “có phần chia sẻ và cảm thông nên đã lên tiếng “nhận lỗi về mình”, âu cũng là sự tử tế mang tính nhân văn”.
Mặc dù khẳng định hai tờ trình của ông ký là không trái luật nhưng trong bài viết của mình, GS Đặng Hùng Võ cũng nhấn mạnh về việc Thủ tướng CP thực hiện thẩm quyền của Chính phủ thì “cần làm rõ để nhân dân không hiểu sai”.
Ông Võ cho rằng "Nếu các văn bản của Dự án Văn Giang là trái pháp luật thì có nghĩa là hơn 3.000 Quyết định về đất đai thuộc thẩm quyền của Chính phủ trong suốt 10 năm đó cũng trái pháp luật". Ông yêu cầu việc này cần được minh giải cho thật rõ ràng.
Tinh thần thượng tôn pháp luật
Về thư yêu cầu đối thoại lần hai với GS Đặng Hùng Võ; thư đưa ra 7 thắc mắc liên quan đến dự án cũng như những điều khoản luật pháp được GS Võ viện dẫn để viết bài, tỏ ý không đồng tình với những điều khoản mà vị GS chỉ ra trong bài viết.
Ông Phạm Hoành Sơn bày tỏ hy vọng được tìm hiểu đúng sai trên tinh thần thượng tôn pháp luật:
“Chúng tôi cứ căn cứ theo qui định của pháp luật. Nếu GS Đặng Hùng Võ có đủ căn cứ pháp lý chứng minh rằng anh làm đúng thì chúng tôi chấp nhận. Nhưng nếu chúng tôi cùng luật sư đưa ra những căn cứ đúng thì yêu cầu GS Võ phải nhận sai để sửa”.
Ô. Phạm Hoành Sơn
Thư yêu cầu đối thoại lần nữa đã được trao tận tay cho GS Đặng Hùng Võ hôm cuối tuần bởi một nhóm nông dân Văn Giang. Thư đề nghị buổi đối thoại diễn ra vào ngày 22 tháng 12 tới nhưng theo ông Sơn, ngày giờ đối thoại hoàn toàn phụ thuộc vào GS Võ:
"Nếu GS Đặng Hùng Võ bố trí vào thời điểm khác thì chúng tôi cũng sẵn sàng thôi bởi vì chúng tôi có thiện chí để làm rõ đâu đúng đâu sai", ông nói.
Bài viết của GS Đặng Hùng Võ phân tích về vụ Văn Giang trên Tuần Việt Nam vừa qua cũng kêu gọi mọi người tôn trọng pháp luật, và kêu gọi mọi người coi đây là ý kiến của ông khi có đầy đủ thông tin. Hiện chưa rõ GS Đặng Hùng Võ có chấp nhận lời đề nghị của nông dân Văn Giang hay không.
Theo dòng thời sự:
- Nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ xin lỗi người dân Văn Giang
- Dân Văn Giang mất kiên nhẫn, yêu cầu đối thoại
- Nông dân Văn Giang cần một quan tòa công bằng
- Nghi vấn về tính pháp lý trong dự án Ecopark
- Hàng ngàn dân Văn Giang tiếp tục khiếu kiện trước bộ TNMT
- Bất mãn về phiên toà xử vụ hành hung dân Văn Giang
- Nông dân Văn Giang đã mở được nút thắt đầu tiên?
- Từ Tiên Lãng đến Văn Giang