Doanh nghiệp FDI gặp khó khăn
Lãnh đạo TP.HCM, vào sáng ngày 20/8, có buổi gặp mặt với các doanh nghiệp, thuộc Hiệp hội FDI.
Trong buổi tiếp xúc này, bà Hồ Thị Thu Uyên-Giám đốc Đối ngoại của Intel Việt Nam chia sẻ hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, trong đó có khối FDI bị đình trệ, công nhân gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc Đối ngoại của Intel Việt Nam cho biết doanh nghiệp hiện áp dụng mô hình “một cung đường hai địa điểm” cho gần 1.900 người lao động và chi phí phát sinh trong việc đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 trong một tháng qua (15/7-15/8) vào khỏang 140 tỷ đồng.
Đại diện của Intel Việt Nam nhấn mạnh rằng nếu biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt được áp dụng kéo dài đến 15/9 thì chi phí của công ty có thể tăng lên gấp đôi. Bên cạnh đó, biện pháp phòng chống dịch này có thể khiến cho dòng vốn FDI sẽ rời bỏ Việt Nam.
Tương tự Intel Việt Nam, đại diện của Jabil Việt Nam cho biết công ty cũng đang áp dụng mô hình “một cung đường, hai địa điểm” cho 2.500 lao động, với chi phí mỗi tháng lên đến 120 tỷ đồng. Thế nhưng, Jabil Việt Nam chỉ hoạt động với 30% công suất và doanh thu bị hụt khoảng 60 triệu USD/tháng.
Đại diện của Jabil Việt Nam cho biết thêm rằng nhiều đối tác của công ty đã chuyển đơn hàng sang các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Singapore… vì Jabil Việt Nam không đáp ứng đúng tiến độ công việc. Jabil Việt Nam lên kế hoạch thu hẹp hoạt động, nếu như tình trạng giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài.
Hiện nay, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 20-21% GDP nhưng họ đóng góp đến 65% xuất khẩu. Vì vậy, vai trò của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất đáng lưu tâm. Tôi nghĩ cách tốt nhất là doanh nghiệp cùng với chính quyền thảo luận với nhau để có cách dập dịch, nhưng vẫn bảo đảm cho doanh nghiệp có thể hoạt động được-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, vào tối ngày 23/8 nói với RFA rằng quan ngại của các doanh nghiệp khối FDI rất đáng phải lưu tâm.
“Hiện nay, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 20-21% GDP nhưng họ đóng góp đến 65% xuất khẩu. Vì vậy, vai trò của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất đáng lưu tâm. Tôi nghĩ cách tốt nhất là doanh nghiệp cùng với chính quyền thảo luận với nhau để có cách dập dịch, nhưng vẫn bảo đảm cho doanh nghiệp có thể hoạt động được.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói thêm rằng hiện nay đang có những mô hình “một cung đường, hai chỗ ở” đang được các doanh nghiệp thực hiện tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. TS. Lê Đăng Doanh cho rằng các doanh nghiệp nên khảo sát và thảo luận với chính quyền địa phương để đưa ra những biện pháp hữu hiệu nhằm giúp cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mà vẫn đảm bảo an toàn cho công nhân trong dịch bệnh.

Giải pháp khả thi?
Một trong những giải pháp được các doanh nghiệp khối FDI kiến nghị là được chính quyền ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động.
Đơn cử như Jabil Việt Nam đề nghị được ưu tiên tiêm mũi thứ hai cho công nhân trong Khu Công nghệ cao ở TP.Thủ Đức để sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Hay như Itel Việt Nam đề nghị tiếp tục tiêm mũi thứ nhì cho công nhân trong Khu Công nghệ cao thì sẽ là “lao động xanh” và thực hiện “cung đường xanh” cùng với “hai tại chỗ”; đồng nghĩa với việc công ty sẽ cho xe đưa công nhân về nhà và đón công nhân đến nơi làm việc. Đồng thời, công ty kiến nghị Bộ Lao động và Chính quyền TP.HCM cho phép doanh nghiệp tăng giờ lao động phụ trội lên 100 giờ, để tăng năng suất và cải thiện tình trạng chậm trễ đơn hàng.
Đại diện của Intel Việt Nam cho rằng biện pháp đó có thể giúp cho doanh nghiệp vực lại được năng suất sản xuất trong quý cuối năm 2021.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu lên quan điểm của ông đối với các kiến nghị vừa nêu:
“Tôi không nghĩ rằng là có những ưu đãi đặc biệt nào đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Bởi vì, môi trường kinh doanh phải bình đẳng. Nếu mà đã có sự trợ giúp thì phải trợ giúp tất cả các doanh nghiệp. Bởi vì các doanh nghiệp ở Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ gia đình cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Cho nên, tôi không ủng hộ việc chỉ có trợ giúp cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mà cố gắng dập tắt dịch và cải thiện môi trường kinh doanh, để giữ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng như doanh nghiệp trong nước hoạt động.”
Bà Nguyễn Thị Ba, nhân viên quản lý thuộc một công ty tư nhân kinh doanh đa mặt hàng, trụ sở tại TP.HCM cho biết doanh nghiệp nơi bà làm việc chỉ hoạt động cầm chừng trong hai tháng giãn cách xã hội nghiêm ngặt và doanh thu bị tụt xuống đến 80%.
Bà Nguyễn Thị Ba bày tỏ rằng với chỉ thị mới được áp dụng từ ngày 23/8 “ai ở đâu, ở yên đó” sẽ khiến cho tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh càng khó khăn hơn nữa.
“Có một số ngành nghề lại phất lên, như rau củ quả hay thực phẩm ăn uống…thì bán vẫn được. Nhưng nếu theo Chỉ thị 11 mới thì quận nào ở quận đó và sẽ rất là khó. Tức là, chỉ bán trong vòng phạm vi của quận thôi. Còn như khách hàng muốn mua thêm hàng ở quận khác hay người ta ở một quận mà mua hàng của cửa hàng hay chủ doanh nghiệp ở quận khác thì không vận chuyển được. Như vậy, Chỉ thị 11 làm cho việc buôn bán rất khó khăn đối với những người buôn bán nhỏ, lẻ, cá thể và kể cả doanh nghiệp.”
Theo chia sẻ của bà Ba thì bà chỉ được đăng ký tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 theo hộ khẩu thường trú, chứ không phải theo diện nhân viên của công ty. Mặc dù vậy, bà Ba vẫn chưa nhận được thông báo đến bao giờ mới được tiêm ngừa dịch bệnh.
Cho dù có tiêm vắc-xin cho công nhân thì chính quyền hiện nay họ cũng không dám cho công nhân di chuyển. Vì khi công nhân di chuyển được thì các giới khác cũng theo đó mà di chuyển, dẫn đến tình hình mất kiểm soát. Thảm hoạ sẽ càng tệ hơn. Do đó, việc chỉ duy nhất tiêm vắc-xin cho công nhân rồi bắt họ đi làm là không khả thi-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ
Tại cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội FDI vào hôm 20/8, ông Nguyễn Thành Phong-Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu rằng Chính quyền TP.HCM tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp và yêu cầu các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xem xét các giải pháp mà doanh nghiệp đưa ra để chung tay ứng phó và phục hồi sau đại dịch.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, ở Na-Uy, vào ngày 23/8, qua ứng dụng Messenger, nhận định với RFA rằng điều chính quyền đang lo ngại là sự di chuyển của người dân sẽ khiến vi-rút lây lan nhanh hơn. Bởi do tình hình TP.HCM hiện đang quá tải, còn Bình Dương thì có vẻ tệ hơn nữa mà người ta gọi là siêu quá tải.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhấn mạnh quan điểm của ông liên quan giải pháp tiêm vắc-xin cho công nhân:
“Cho dù có tiêm vắc-xin cho công nhân thì chính quyền hiện nay họ cũng không dám cho công nhân di chuyển. Vì khi công nhân di chuyển được thì các giới khác cũng theo đó mà di chuyển, dẫn đến tình hình mất kiểm soát. Thảm hoạ sẽ càng tệ hơn. Do đó, việc chỉ duy nhất tiêm vắc-xin cho công nhân rồi bắt họ đi làm là không khả thi.