Giải pháp nào cho Biển Đông - phần 1

Vấn đề Biển Đông đã vượt khỏi ranh giới của các nước đang tranh chấp và trở thành đề tài chung đáng quan tâm ngay cả trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN cũng như tại các diễn đàn khác có liên quan.

0:00 / 0:00

Trong bối cảnh này, Mặc Lâm thực hiện loạt bài tìm hiểu và lấy ý kiến của những chuyên gia về Biển Đông, các luật gia cũng như các vị đại sứ từng hiểu biết sâu sắc vấn đề nhằm tìm ra một câu trả lời tương đối thoả đáng có thể giải quyết bài toán hóc búa này.

Bài đầu tiên Mặc Lâm xin dành cho cuộc phỏng vấn với Thạc sĩ Hoàng Việt hiện đang giảng dạy tại trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh để ghi nhận ý kiến của ông trên khía cạnh pháp lý mà Việt Nam có thể sử dụng nhằm bảo vệ cho ngư dân cũng như đánh động dư luận quốc tế về cách mà Trung Quốc ứng xử đối với khu vực Hoàng Sa của Việt Nam.

Lỡ hẹn tại thượng đỉnh ASEAN

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Phnom Penh khép lại với những câu hỏi về Biển Đông vẫn còn nằm trên bàn của các nước trong khối ASEAN và Trung Quốc. Báo chí khi loan tin nghị trình diễn ra tại đây luôn nhắc tới câu hỏi về Biển Đông mà Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa còn Philippines thì gọi là Biển Tây Philippines. Ba danh xưng dùng trên một vùng biển đã phần nào cho thấy sự căng thẳng khu vực chưa có chiều hướng nào lắng xuống cho tới khi nào quốc tế chính thức xem vấn đề này là mối nguy tiềm ẩn cho nền hoà bình và ổn định của khu vực có thể kéo theo những cuộc chiến ngắn nhưng hết sức nguy hiểm giữa các bên liên quan mà mối lo chính vẫn là Trung Quốc.

Quốc tế theo dõi những phát biểu mạnh mẽ của Philippines về vấn đề này tại Hội Nghị và cũng không quên chia sẻ ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng việc ông mạnh mẽ ủng hộ cách giải quyết đa phương trong khi Trung Quốc vẫn khăng khăng dùng mọi cách để bẻ từng chiếc đũa đa quốc gia để dễ bề thao túng.

Vị trí và sức mạnh nội hàm của Việt Nam đối với Trung Quốc là điều không cần bàn cãi tuy nhiên không phải là không có lối thoát danh dự trong hoàn cảnh toàn cầu hoá như hiện nay. Giải pháp đối với Trung Quốc được nhiều nước quan tâm và cho là phù hợp với công pháp quốc tế là hai hồ sơ DOC và COC còn gọi là Bộ xây dựng quy tắc ứng xử Biển Đông. Vào tuần tới Malaysia sẽ có một cuộc hội thảo về COC để các bên ngồi lại với nhau chia sẻ những quan tâm và làm cách nào để thực hiện các điều khoản mà các bên đồng ý.

Câu hỏi với Thạc sĩ Hoàng Việt hôm nay chúng tôi gợi lại hình ảnh của Tổng thống Philippines tại diễn đàn ASEAN vừa qua khi ông mạnh mẽ đưa ra những vấn đề của Biển Đông mà theo ông cần thiết phải được đưa vào nghị trình. Thái độ này được hiểu như thế nào đối với toàn cảnh hiện nay khi mà vẫn còn nhiều nước e ngại, tránh né nêu vấn đề tại ASEAN nhất là nước chủ nhà Campuchia. Thạc sĩ Hoàng Việt cho biết ý kiến của ông trong cuộc phỏng vấn ngắn của chúng tôi như sau:

"Nói chung đúng là thái độ của Tổng thống Phi thì họ quyết liệt còn phản ứng của Việt Nam thì phải nói là chừng mực hơn tuy nhiên cũng rất khó để mà so sánh. Nhưng nói chung thì Việt Nam vừa rồi đã hưởng ứng cách giải quyết đa phương vì vậy điều mà Philippines đưa ra đã được Việt Nam hưởng ứng nhiệt liệt. Sở dĩ thái độ của Việt Nam chừng mực hơn vì mỗi nước có một cách ứng phó khác nhau khi mà Việt Nam có vị thế địa chính trị tương đối nhạy cảm hơn Phi nhiều lần."

Cần sự đồng thuận của ASEAN

000_Hkg7141090-200.jpg
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tham dự phiên họp cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20 tại Phnom Penh vào ngày 4/4/2012. AFP (Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tham dự phiên họp cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20 tại Phnom Penh vào ngày 4/4/2012. AFP)

Mặc Lâm: Thưa ông sắp tới tại Malaysia sẽ có cuộc gặp gỡ giữa các thành viên ASEAN và Trung Quốc để bàn về hồ sơ COC, theo kinh nghiệm nghiên cứu của ông thì Việt Nam nên có thái độ như thế nào khi tham gia bàn bạc về một hồ sơ rất quan trọng này?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Thứ nhất là đối với COC thì Việt Nam rất tích cực. Có điều đặc biệt của COC là những nước có tranh chấp như Philippines thì rất quyết liệt vì họ có tranh chấp trên quần đảo Trường Sa mà không tranh chấp về Hoàng Sa. Khi soạn thảo COC nội dung rất quan trọng mà Trung Quốc không muốn nhắc tới là Hoàng Sa mà chỉ muốn nhắc tới Trường Sa mà thôi, có nghĩa là không áp dụng cho toàn vùng biển đông trong đó bao gồm cả Hoàng Sa. Vì thế Việt Nam rất là kiên quyết yêu cầu phải đem Hoàng Sa vào COC để đàm phán.

Thế thì rõ ràng thái độ của Việt Nam cũng rất kiên quyết chỉ có điều là họ có làm hay không mà thôi vì rất phức tạp. Không phải một mình Việt Nam yêu cầu là được mà phải có sự đồng thuận của các nước ASEAN. Cho đến bây giờ thì lợi ích và quan điểm của các thành viên ASEAN khác biệt nhau khá nhiều. Tuy nhiên bây giờ cũng có dấu hiệu cho thấy có khả năng sẽ đựơc đưa vào COC trong năm nay nhưng chưa biết thế nào chỉ là hy vọng thôi.

Mặc Lâm: Cho tới nay Trung quốc vẫn từ chối cho biết tin tức của 21 ngư dân Việt Nam bị họ bắt giữ vào tháng trước kể cả hai chiếc tàu đánh cá vẫn không đựơc trao trả. Về mặt chủ quyền Trung Quốc đang thực hiện ý đồ xác nhận Hoàng Sa là của họ bằng cách bắt giữ tàu nước ngoài đánh bắt cá tại Hoàng Sa sẽ gây cho dư luận quốc tế nghĩ rằng đây là mảnh đất của họ. Theo ông cách hay nhất hiện nay Việt Nam cần phải làm gì ngoài việc đưa ra những lời chống đối do Bộ Ngoại giao từng làm khi có các vụ tương tự xảy ra từ nhiều năm nay.

Thạc sĩ Hoàng Việt: Về mặt chủ quyền thì chúng ta vẫn cứ phải khẳng định là khu vực này là nơi đang tranh chấp vì sẽ tránh đựơc việc mặc thừa nhận với quốc tế. Tuy nhiên hồi gần đây chúng tôi cũng trao đổi với nhau khá nhiều trong giới luật gia về vấn đề này thì rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải xem xét đưa ra toà án quốc tế. Tuy nhiên vẩn đề là Trung Quốc cũng đang tìm mọi cách để tránh thẩm quyền của toà án quốc tế. Có lẽ chúng ta cũng phải đưa lên những diễn đàn quốc tế như Liên Hiệp Quốc cũng như Philippines đã làm chẳng hạn và tôi nghĩ rằng đấy là biện pháp hữu hiệu nhất.

Không phải một mình Việt Nam yêu cầu là được mà phải có sự đồng thuận của các nước ASEAN. Cho đến bây giờ thì lợi ích và quan điểm của các thành viên ASEAN khác biệt nhau khá nhiều.

Thạc sĩ Hoàng Việt

Mặc Lâm: Tuy nhiên vì Trung Quốc có quyền không tham dự một phiên toà như vậy thì nỗ lực của Việt Nam coi như chỉ là một cách đánh động dư luận mà thôi, còn có cách nào khác làm cho quốc tế biết rằng Trung Quốc đang theo đuổi kế hoạch lấy sức mạnh để kéo công lý về họ hay không?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Vâng, và vì vậy mình cần dùng những biện pháp như viết bài hay trực tiếp đưa vần đề lên thẳng Liên Hiệp Quốc. Ví dụ như Philippines đã từng làm trong năm vừa rồi khi Philippines có căng thẳng với Trung Quốc thậm chí đòi đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế về luật biển. Việc Philippines đưa ra diễn đàn Liên Hiệp Quốc như vậy đã đánh động lên khá nhiều

Mặc Lâm: Xin cám ơn thạc sĩ Hoàng Việt.

Vừa rồi là thạc sĩ Hoàng Việt với những ý kíên về luật pháp của ông đối với vấn đề Biển Đông. Trong loạt bài này kỳ tới mời quý vị theo dõi ý kiến của luật gia Lê Hiếu Đằng với những góc nhìn khác về lĩnh vực xã hội và các chính sách của nhà nước đối với vấn đề Biển Đông.

Opens in new window

Video: Biển Đông lỡ hẹn tại thượng đỉnh ASEAN 20 Opens in new window ]

Theo dòng thời sự: