Ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức vào ngày 8 tháng 3 hàng năm nhằm tưởng nhớ lại những nữ công nhân Mỹ tại hai tiểu bang Chicago và New York đã đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi cho lao động nữ và trẻ em vào năm 1899. Từ đó, phong trào lan tỏa mạnh và đến nay, tại Việt Nam, ngày 8 tháng 3 trở thành ngày lễ để tôn vinh vai trò của phụ nữ. Với những công nhân viên chức, ngày 8 tháng 3 có gì khác lạ so với 364 ngày còn lại trong năm?
Lễ cho 'phái đẹp'
Vào mỗi đầu tháng 3, những hình ảnh và video quảng cáo của những cửa hàng kinh doanh hoa và các cửa hàng bán quà lưu niệm lại tràn lan trên mặt báo cũng như mạng xã hội, nhằm phục vụ cho việc tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Tại Việt Nam, đây được coi là ngày lễ lớn cho ‘phái đẹp’, hầu hết các công ty sẽ tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ bằng nhiều hình thức như tặng hoa, tặng quà, hoặc phong bì coi như thưởng thêm cho các chị em, như lời chia sẻ của chị Đặng Thị Thủy Tiên, Phó trưởng ban Ban tiếp công dân của Văn phòng UBND TP. Cần Thơ:
Đa số chị em phụ nữ cảm thấy vui và háo hức khi tới ngày này vì phụ nữ không nhận được hoa, quà thì sẽ nhận được những lời chúc từ những người khác giới, đặc biệt là các anh đồng nghiệp rất gallant.<br/> - Chị Lê Thị Hồng Hà
“8/3 thì cơ quan tổ chức buổi họp mặt nói về việc kỷ niệm ngày này, rồi tặng hoa và quà cho phụ nữ.”
Giải thích về việc này, chị Đỗ Thị Minh Hạnh, Chủ tịch phong trào Lao động Việt cho biết:
“Một số công ty vẫn tổ chức ngày 8 tháng 3 cho công nhân vì đây thuộc dạng ngày quy định, nhưng họ chỉ tập trung vào kỷ niệm, phát quà cho công nhân. Các công đoàn chú trọng tổ chức những buổi lễ chúc mừng cho công nhân của mình.”
Sinh hoạt này cũng diễn ra tại mọi trường học các cấp. Chị Vũ Huyền Thương, nhân viên bếp ăn của trường tiểu học Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết tất cả nhân viên nữ trong trường được tặng quà, nhưng đây là chuyện nội bộ nên không thể chia sẻ thêm. Ngoài ra, trường chị còn tổ chức một chuyến dã ngoại cho các nữ nhân viên:
“Có tổ chức đi chơi ở Bái Đính, Tràng An.”
Tại Sài Gòn, chị Lê Thị Hồng Hà, giảng viên trường Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh nói với chúng tôi:
“Trường chị tổ chức khá nhiều hoạt động vào ngày phụ nữ. Công đoàn tặng hoa và quà cho chị em phụ nữ. Ngoài ra còn tổ chức những chuyên đề với sự có mặt của chuyên gia tâm lý hay chuyên gia về lĩnh vực trong chuyên đề hôm đó, chẳng hạn như ‘Bằng cách nào để người phụ nữ mạnh mẽ và thành đạt hơn’.”
Bên cạnh đó, trong ngày 8 tháng 3, giới nữ nhận được đối xử đặc biệt từ phía nam giới và nhiều chị em cũng thấy vui với hành xử như thế, chị Hà tiếp lời:
“Đa số chị em phụ nữ cảm thấy vui và háo hức khi tới ngày này vì phụ nữ không nhận được hoa, quà thì sẽ nhận được những lời chúc từ những người khác giới, đặc biệt là các anh đồng nghiệp rất gallant. Bên cạnh đó thì phía nhà trường tổ chức Ngày hội ẩm thực mà chị em phụ nữ không tham gia, chỉ có anh em tham gia thôi. Mỗi bộ phận cử ra ba người nấu ăn sao cho đủ toàn bộ thành viên trong bộ phận ăn.”
Ngoại lệ
Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng nghĩ đến quyền lợi cho nữ nhân viên của mình, như lời chia sẻ của chị Mai Hương, nhân viên một công ty may ở Bình Dương, cho biết chị cùng những đồng nghiệp nữ cùng nhau góp tiền tổ chức đi ăn vì công ty chẳng tổ chức gì cho họ:
“Công ty em chán chết, không có chế độ gì về mùng 8 tháng 3 đâu. Chỉ có nhà ăn cho một cái bánh nhỏ hoặc một hộp sữa, vậy là xong.”
Ở nước ngoài không cần tổ chức ngày phụ nữ vì lúc nào phụ nữ cũng là trên hết. Riêng ở Việt Nam, chưa thấy đặc quyền gì được hưởng.<br/> - Công nhân công ty Pouchen <br/>
Cùng hoàn cảnh với chị Hương, một nữ công nhân giấu tên hiện đang làm cho công ty Pouchen ở Đồng Nai cho biết:
“Công ty chị ngày đó đâu được quà gì, chỉ có nhà ăn cho thêm món mì xào.”
Chị công nhân công ty Pouchen này cho rằng ngày 8 tháng 3 ở Việt Nam, phụ nữ vẫn chưa được hưởng quyền lợi trọn vẹn. Chị so sánh:
“Ở nước ngoài không cần tổ chức ngày phụ nữ vì lúc nào phụ nữ cũng là trên hết. Riêng ở Việt Nam, chưa thấy đặc quyền gì được hưởng.”
Nguồn gốc của ngày Quốc tế Phụ nữ bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền lợi của những nữ công nhân Mỹ, nhưng ngày nay, khi kỷ niệm ngày 8 tháng 3, mọi người đã quên nhắc đến sự kiện này mà chỉ tập trung vào việc chúc tụng phái đẹp. Chị Đỗ Thị Minh Hạnh, Chủ tịch phong trào Lao động Việt cho biết:
“Họ chỉ ăn mừng ngày này để họ cảm thấy được tôn trọng hơn đàn ông. Nên việc đấu tranh đòi quyền lợi hầu như là không còn nữa ở Việt Nam trong ngày 8 tháng 3.”
Điều chị Hạnh vừa nói được chị công nhân công ty Pouchen khẳng định lại với chúng tôi khi được hỏi tại sao công nhân không đòi hỏi công ty hay công đoàn tổ chức ngày lễ cho họ:
“Quyền lợi này chẳng ai dám đòi đâu em. Ngay cả phụ nữ tới chu kỳ phụ nữ, nghỉ mà họ không dám nghỉ thì đòi hỏi gì. Ngày 8 tháng 3 chẳng thấy ai đòi hỏi gì, cho món mì xào là họ vui lắm rồi.”
Chị công nhân công ty Pouchen Đồng Nai cũng chỉ dám mong ước nhỏ bé:
“Ước gì công đoàn có thể cho chị em phụ nữ được nghỉ ngơi nửa tiếng, hoặc tặng một món quà nho nhỏ như hoa chẳng hạn, còn đằng này chẳng có gì hết.”
Sau gần 120 năm phong trào đấu tranh cho phụ nữ được diễn ra, với mục đích đòi lại quyền bình đẳng cho nữ giới so với nam giới. Tuy nhiên, ngay tại Việt Nam, dù ngày này được tổ chức rầm rộ, nhưng tình trạng bất bình đẳng giữa nam và nữ… vẫn tồn tại.