Có đúng chống tham nhũng là ‘thành công lớn’ của hệ thống chính trị Việt Nam?

0:00 / 0:00

“Từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng được thành lập đến nay, đặc biệt là trong nhiệm kỳ khóa XII, công tác phòng chống tham nhũng được tăng cường, đẩy mạnh. Có thể nói đây là thành công lớn của cả hệ thống chính trị”

Đây là phát biểu của Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường khi trả lời báo chí bên lề Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam 13 vào chiều 27/1 vừa qua.

Trao đổi với RFA tối 28/1, Blogger, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Già đang sống tại Sài Gòn nhận xét về nhận định vừa nêu của lãnh đạo Ban Nội chính như sau:

" Vấn đề tham nhũng này ông Trần Quốc Cường cho rằng thành công thì tôi nghĩ đó là một sự ngụy biện, bởi vì họ đưa ra những chuyện gọi là quyết tâm chính trị thì đó là điều sai lầm vì chống tham nhũng chỉ có thể dùng luật pháp chứ không có quyết tâm chính trị, không xử được bằng quyết tâm chính trị."

Từ Hà Nội, nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản lại cho rằng:

“Đối với phát biểu của ông ấy thì nó cũng có một cái lý nào đó bởi vì ông ấy nói hệ thống chính trị của chế độ tức là chế độ độc tài toàn trị thì những kết quả tham nhũng đúng là có thật, nhưng nhìn nhận của người dân lại là vấn đề khác.”

Vấn đề tham nhũng này ông Trần Quốc Cường cho rằng thành công thì tôi nghĩ đó là một sự ngụy biện. Bởi vì họ đưa ra những chuyện gọi là quyết tâm chính trị thì đó là điều sai lầm vì chống tham nhũng chỉ có thể dùng luật pháp chứ không có quyết tâm chính trị, không xử được bằng quyết tâm chính trị. - Blogger Nguyễn Ngọc Già

Nói rõ hơn dưới góc nhìn của một người dân, nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho hay:

" Người dân nhìn nhận vấn đề tham nhũng ở Việt Nam là do cơ chế và cơ chế quan trọng nhất là toàn trị cộng sản, tức độc tài đảng trị. Chính cơ chế đó sinh ra tham nhũng và mức độ tham nhũng ghê gớm như vậy. Nên việc chống tham nhũng trong Đảng thì đúng là có kết quả nhất định và chỉ là đối với đảng thôi, còn đối với dân họ thấy chưa thay đổi cơ chế độc tài thì chưa thể chống tham nhũng triệt để và hiệu quả cao nhất."

Giải pháp

Theo thông tin được truyền thông Nhà nước Việt Nam đăng tải về nội dung cuộc phỏng vấn, ông Trần Quốc Cường cho hay để công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục đem lại hiệu quả, cần có năm biện pháp sau: xây dựng cơ chế; xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính; tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về tinh thần, văn hóa không tham nhũng; cần có cơ quan lãnh đạo và người đứng đầu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng; được sự đồng lòng của toàn dân, và cả hệ thống trong tác phòng chống tham nhũng.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho rằng nếu muốn hết tham nhũng hay có thể hạn chế đến mức tối đa tham nhũng thì phải có cơ chế dân chủ. Ông nói thêm:

" Đối với nhà cầm quyền, Đảng Cộng sản, họ nói cơ chế là cơ chế trong Đảng thôi, nên việc trong Đảng của họ có cơ thể thế nào thì không biết, có thể tăng hiệu quả chống tham nhũng trong Đảng. Còn đối với người dân, có kinh nghiệm của thế giới là tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng, báo chí tự do và một vài định chế dân chủ khác."

Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 26/1/2021.
Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 26/1/2021.

Đồng quan điểm cho rằng từ chế độ độc đảng toàn trị này sinh ra độc quyền, khiến người dân không giám sát được, nên vấn nạn tham nhũng đã trở thành căn bệnh trầm kha không thuốc trị, blogger Nguyễn Ngọc Già cho hay toàn thế giới chưa tìm ra phương pháp nào để khắc chế tham nhũng ngoài luật pháp.

“Phát biểu của ông Trần Quốc Cường chỉ nói về vấn đề xây dựng cơ chế, tuyên truyền… cái đó không có giá trị gì. Mặt khác vấn đề tham nhũng nhìn tổng quan suốt mấy mươi năm qua thì người dân chúng tôi thấy nó đã bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chính trị hóa vấn đề hình sự, tức họ bỏ qua, họ phớt lờ cái quan trọng nhất là luật pháp, trong khi luật pháp chính do họ đưa ra, soạn ra, do họ thi hành.”

Tuy nhiên, Blogger Nguyễn Ngọc Già chỉ ra rằng luật pháp muốn sử dụng được, muốn có hiệu quả trên thực tế lại đòi hỏi tính độc lập mà luật pháp ở Việt Nam không có tính độc lập. Ông nêu lên thực trạng:

“Luật pháp của Việt Nam ai cũng rõ, đó là một loại luật rất tùy tiện, họ muốn sửa lúc nào thì sửa, thêm lúc nào thì thêm, họ muốn thay đổi lúc nào thì thay đổi.”

Đối với nhà cầm quyền, đảng cộng sản, họ nói cơ chế là cơ chế trong đảng thôi, nên việc trong đảng của họ có cơ thể thế nào thì không biết, có thể tăng hiệu quả chống tham nhũng trong đảng. Còn đối với người dân, có kinh nghiệm của thế giới là tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng, báo chí tự do và một vài định chế dân chủ khác. - Nhà báo Nguyễn Vũ Bình

Bên cạnh đó, theo Blogger Nguyễn Ngọc Già, tham nhũng còn xuất phát từ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của người cộng sản Việt Nam. Do đó, ông cho rằng:

“Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nắm toàn bộ nguồn lực xã hội, từ việc độc quyền nguồn lực xã hội từ đất đai đến tài nguyên, đến mọi vấn đề khác đã phát sinh tham nhũng không có thuốc trị.”

Vẫn theo lời ông Trần Quốc Cường khi trả lời báo giới, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban chỉ đạo trung ương về công tác phòng chống tham nhũng là một trong những biểu tượng, tấm gương sáng ngời trong lãnh đạo trong công tác phòng chống tham nhũng.

Vì vậy, có lẽ đây cũng chính là nguyên nhân ông Cường cho rằng cần có người đứng đầu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng trong năm biện pháp mà ông nêu ra.

Trong khi đó, blogger Nguyễn Ngọc Già cho rằng việc sùng bái cá nhân khi đưa hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng vào công cuộc chống tham nhũng không đem lại kết quả:

“Ông Nguyễn Phú Trọng nếu nói một tiếng công bằng thì ông cũng là người tham nhũng quyền lực. Ông tới từng tuổi này, theo quy định của đảng cộng sản Việt Nam thì ông chỉ được làm hai nhiệm kỳ nhưng hiện nay rất nhiều thông tin cho rằng ông sẽ tiếp tục làm nữa trong khi sức khỏe ông ta không bảo đảm. Như vậy tham nhũng quyền lực như ông Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ dẫn tới tham nhũng về vật chất.”

Sáng ngày 27/1/2021, ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trả lời với báo giới rằng ông Nguyễn Phú Trọng là “một trong số các nhân sự đặc biệt được giới thiệu” tái cử ở Đại hội 13.

Tuy nhiên, chỉ khoảng 30 phút sau, các thông tin này đã đồng loạt bị gỡ bỏ trên các trang báo mạng của các tờ báo nhà nước.

Trước những thực tế như vừa nêu, Blogger Nguyễn Ngọc Già bày tỏ:

" Tôi không có một cái nhìn sáng láng nào cho quốc nạn tham nhũng vẫn đang rất trầm trọng tại Việt Nam."