Dự thảo Luật Bảo Vệ Môi Trường sửa đổi, được giải trình tại quốc hội mới đây, đã nêu nhiều điểm “bất cập và không khoa học” cần chỉnh sửa. Một trong những thí dụ điển hình là trường hợp xả thải của nhà máy Formosa.
Tại buổi họp báo cáo nội dung giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo Vệ Môi Trường sửa đổi trước quốc hội hôm 4/9, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Trần Hồng Hà đã lấy Formosa làm thí dụ điển hình cho những bất cập, thiếu cơ sở khoa học trong luật mà ông cho là cần tiếp thu và chỉnh sửa.
Bổ sung, sửa đổi luật là công việc bình thường nhưng cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tế, là giải thích của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên Và Môi Trường Việt Nam:
“Luật Bảo Vệ Môi Trường đầu tiên được quốc hội thông qua và được ban hành năm 1993. Từ đó đến nay đã qua một lần sửa đổi là 2003, một lần nữa vào năm 2014 và bây giờ là 2020, tức là lần thứ ba để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật năm 1993 đó”.
"Vì thế cho nên việc điều chỉnh, bổ sung là việc rất bình thường, một nhu cầu thực tiễn, làm sao để luôn luôn hoàn thiện các qui định của Luật để khá thi hơn đồng thời có tác dụng tốt hơn với biến động cuộc sống, trong đó có nội dung về đánh giá tác động môi trường và các nội dung khác mà chúng tôi thấy cần phải cập nhật tình hình".
Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường, cho biết đây là một trong 2 hình thức sửa đổi Luật của Việt Nam:
"Một loại là sửa đổi, bổ sung một số Điều , tôi nói thí dụ như Luật Môi Trường, thì như vậy chỉ đưa ra một cái Luật là sửa một vài Điều. Thế còn loại thứ hai tức là Luật đã đến lúc lỗi thời rồi thì người ta phải đưa ra Luật Môi Trường sửa đổi, lúc đó là coi như ban hành Luật mới".
Câu chuyện Formosa, mà ông Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường viện dẫn đến trong khi trình bày về Luật Bảo Vệ Môi Trường sửa đổi, chính là thảm họa ô nhiễm năm 2016 do hóa chất từ nhà máy Gang Thép Formosa ở Vũng Áng Hà Tĩnh, xả trực tiếp ra biển. Chất thải độc hại này khiến cá chết hàng loạt, người dân 4 tỉnh ven biển miền Trung điêu đứng suốt nhiều năm tháng.
Vụ việc Formosa cũng khiến Việt Nam bị chỉ trích là chỉ chú trọng đến đầu tư và phát triển hơn là lo bảo vệ môi trường.
Theo lời bộ trưởng Trần Hồng Hà, được báo chí trong nước trích dẫn lại, “Formosa có nguồn thải lớn nhưng lại không được đánh giá tác động môi trường sơ bộ trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư để chỉ ra bất cập trong quy định về vấn đề này”.
Đối với chuyên gia thì điều này cho thấy người đứng đầu Bộ Tài Nguyên Môi Trường, hay nói khác hơn là lãnh đạo Việt Nam, đã nhìn thấy việc đánh giá tác động môi trường trong Luật Bảo Vệ Môi Trường trước đây là bất cập, không khoa học, không đúng thời điểm mà hệ quả như Formosa gây ô nhiễm biển 4 tỉnh miền Trung hồi 2016.
Đương kim Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường cho rằng việc đánh giá tác động môi trường sơ bộ, nghĩa là trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư, là cần thiết, phù hợp kinh nghiệm quốc tế khi thực tế nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng khi đưa vào thì địa điểm bố trí dự án hoặc các điều kiện môi trường, khu dân cư không cho phép được đầu tư.
Kinh nghiệm và quy định chung trên thế giới, bộ trưởng Trần Hồng Hà lý giải tiếp, đánh giá tác động môi trường là một quá trình kéo dài từ khi xin chủ trương cho tới khi dự án xây dựng xong thì mới kết thúc. Ông nói nguyên văn “Ở ta mới có ý tưởng thôi cũng đưa ra đánh giá tác động môi trường”, vì thế cần coi đây là bước đầu tiên của đánh giá tác động môi trường chứ không nên coi là một thủ tục.
Formosa xả thải xuống biển của Formosa là chuyện sai của chủ đầu tư tức công ty Formosa. Thế nhưng cái rút ra ở đây là từ cái khiếm khuyết trong quản lý bảo vệ môi trường tại đó. Đáng lẽ ra khi đệ trình đề xuất dự án thì phải làm ngay báo cáo đánh giá tác động môi trường để có thể quyết định là không để dự án luyện thép tại vùng bờ biển này. - Đặng Hùng Võ
Ý kiến của bộ trưởng Trần Hồng Hà được nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Đặng Hùng Võ đánh giá cao, nói rằng viên chức đầu ngành đã hiểu và đã nhìn thấy cái thực tế đang diễn ra là hiện có nhiều dự án quan trọng có nguy cơ gây ô nhiễm nhưng không được đánh giá tác động môi trường từ khi đề xuất dự án:
"Luật Bảo Vệ Môi Trường năm 2005 có nói rằng báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ được thực hiện khi làm dự án tiền khả thi, làm báo cáo tiền khả thi. Nhưng mà lúc này là đang thảo luận về cái thời điểm nào là thời điểm cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường".
“Formosa xả thải xuống biển của Formosa là chuyện sai của chủ đầu tư tức công ty Formosa. Thế nhưng cái rút ra ở đây là từ cái khiếm khuyết trong quản lý bảo vệ môi trường tại đó. Đáng lẽ ra khi đệ trình đề xuất dự án thì phải làm ngay báo cáo đánh giá tác động môi trường để có thể quyết định là không để dự án luyện thép tại vùng bờ biển này. Theo Luật Bảo Vệ Môi Trường năm 2005 thì lúc đó báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa là có chứ không phải không, Bộ Tài Nguyên Môi Trường có duyệt, nhiều người duyệt cái đó đã bị cách chức này kia rồi”.
"Thế nhưng ở đây có một điều là để đến khi có báo cáo tiền khả thi mới gắn vào báo cáo đánh giá tác động môi trường thì nó quá chậm. Cái kinh nghiệm về Formosa nó nằm tại chỗ phải được quyết định ngay từ lúc đề xuất dự án, chứ để đến khi có dự án rồi, làm báo cáo tiền khả thi rồi mới có cái báo cáo đánh giá tác động môi trường thì như vậy là không phù hợp".
Trong báo cáo nội dung chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo Vệ Môi Trường sửa đổi, bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường cũng trình bày 17 loại lĩnh vực chắc chắn phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, trong đó có ngành thép, dệt, nhuộm và những ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
"Tôi nghĩ việc đó được xác định từ lâu rồi, bây giờ chỉ là việc hoàn thiện làm sao cho nó sát hơn với chủ trương phát triển bền vững 3 trụ cột hay nói là kinh tế, xã hội và môi trường. Điều chỉnh sao cho nó phù hợp hơn với thực tiễn thôi chứ còn chủ trương thì có từ lâu rồi".
Đó là nhận định của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên Và Môi Trường Việt Nam.
Còn theo bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nay việc đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo Luật Đầu Tư chỉ quan tâm đến nguồn lực đầu tư của Nhà Nước và dựa trên thẩm quyền phê duyệt từ cấp cao nào đó. Đối với ông thì cách phân loại này có nhiều bất cập, không dựa trên cơ sở khoa học, thông lệ quốc tế.
Với tiến sĩ Đặng Hùng Võ, đường dài nhưng có đi thì có tới, Luật Bảo Vệ Môi Trường sửa đổi sẽ hoàn tất nay mai, nhưng vấn đề trước mắt là:
"Bên cạnh câu chuyện đổi mới về Pháp Luật, điều chỉnh Luật theo cách tiến bộ hơn thì còn nhân tố con người. Điều quan trọng nhất là có nhóm lợi ích nào chi phối dự án này không, có tham nhũng xảy ra tại dụ án này không. Đấy là nhân tố thậm chí mang tính quyết định cao hơn cả qui định của Pháp Luật"
Việt Nam, dưới cái nhìn từ bên ngoài, là nước chưa được nghiêm túc trong việc bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, là khẳng định của nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Đặng Hùng Võ.
Như vậy, trong lúc giới kinh doanh cũng như người dân còn e ngại trước các dự án đầu tư bên ngoài như từ Trung Quốc chẳng hạn, Luật Bảo Vệ Môi Trường sửa đổi sẽ nâng cao nhận thức và tư duy về đầu tư phát triển gắn với môi trường thân thiện, để đón những ngọn gió lành thổi vào thị trường đầu tư phát triển của đất nước, ông Đặng Hùng Võ kết luận.