Quyền chọn lựa và sự thịnh vượng

Kết thúc loạt bài phân tích các yếu tố cần thiết cho sự thịnh vượng, kỳ này Diễn đàn Kinh tế sẽ trình bày một yếu tố then chốt là quyền chọn lựa.

0:00 / 0:00

Quyền chọn lựa

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, như ông đã trình bày từ đầu tháng trước về các yếu tố đóng góp cho sự thịnh vượng của một quốc gia, rằng chúng ta có thể sẽ phải nói đến Tết, Nay đã là cận Tết, nghĩa là mình đã có thể rút tỉa kết luận về loạt bài phân tích này. Tổng kết lại, ông cho rằng đâu là yếu tố quan trọng nhất có thể tạo ra sự phồn thịnh cho người dân?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa là qua bốn chương trình liền, chúng ta đã nói đến nhiều yếu tố khác nhau, bây giờ nếu tổng kết thì tôi nghĩ rằng quyền tự do chọn lựa là động lực then chốt nhất. Tôi xin khởi đầu bằng thí dụ đơn giản để thính giả của chúng ta có thể mường tượng ra điều ấy.

Trước hết là vì nhu cầu giải quyết một sự khan hiếm của mình, ai ai cũng phải chọn lựa. Chẳng hạn như ta không thể vừa đánh cá, vừa cầy ruộng lại vừa xây nhà nên phải chọn một việc gì đó mình cho là ưu tiên rồi giải quyết những nhu cầu còn lại qua việc trao đổi mua bán.

Khi trao đổi mua bán thì ai cũng muốn được tối đa và mất tối thiểu, nên phải tìm nơi cung cấp điều mình thiếu rồi ngã giá với nhau. Khi có nhiều nguồn cung cấp khác nhau thì mình có quyền chọn lựa được mở rộng và chẳng ai lại có cái thế độc quyền để bắt chẹt. Tiến trình chọn lựa hay ngã giá sau khi đó là tìm ra giải pháp có thể thoả mãn cả đôi bên và rốt cuộc thì ta chấp nhận là thà mình được ít hơn một chút còn hơn là mất cơ hội giải quyết một nhu cầu khan hiếm. Khi đã thỏa mãn nhu cầu đó rồi thì mình có điều kiện giải quyết một việc khác. Cả triệu lần thỏa thuận hay thỏa hiệp như vậy sẽ tạo ra sự thịnh vượng chung cho mọi người vì ai ai cũng có lợi.

Vũ Hoàng: Nếu chúng tôi hiểu không lầm thí dụ vừa rồi thì thứ nhất là càng có nhiều người mua bán và thậm chí cạnh tranh với nhau thì ta càng có nhiều chọn lựa, chứ không bị kẹt hoặc ép giá vì tình trạng độc quyền. Thứ hai là trong việc thương thảo hay ngã giá, yếu tố quyết định chính là giá cả mà đôi bên có thể thỏa thuận. Thưa ông, có phải là như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng như thế. Hãy lấy một thí dụ kế tiếp là ông A và bà B có nhu cầu trao đổi mua bán và ngã giá với nhau rồi tìm ra sự đồng thuận là cái giá phải chăng cho cả hai, để họ còn đi làm việc khác. Nôm na là quan hệ A-B dựa trên một cái giá tối hảo nào đó cho quyền lợi của cả hai, theo lối dân ta gọi là "thuận mua vừa bán".

Bây giờ một người thứ ba lại nhảy vào giữa quan hệ đó, tôi xin gọi là đồng chí X hay nhà nước, và ấn định ra một cái giá khác vì một lý do nào đó. Đồng chí X này áp đặt một cái giá và giới hạn quyền chọn lựa của ông A và bà B nên làm kinh tế nghèo đi vì ít cơ hội chọn lựa hơn. Nói vắn tắt thì việc nhà nước can thiệp có thể cản trở sự thịnh vượng kinh tế vì thu hẹp quyền chọn lựa, hoặc tạo ra tình trạng cạnh tranh thiếu bình đẳng và thậm chí nạn độc quyền.

Vai trò của nhà nước

Một tiệm bán quần áo ở Hà Nội, ảnh minh họa. AFP
Một tiệm bán quần áo ở Hà Nội, ảnh minh họa. AFP (Một tiệm bán quần áo ở Hà Nội, ảnh minh họa. AFP)

Vũ Hoàng: Nhưng mình vẫn có thể thấy ra vai trò cần thiết của nhà nước trong sinh hoạt kinh tế quốc dân chứ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa đúng thế, nhà nước có một vai trò cực kỳ quan trọng là bảo đảm cho mọi người được quyền bình đẳng trong sự chọn lựa và không ai có thể lấn át người khác. Việc tạo ra sân chơi bình đẳng với một hệ thống pháp quyền công minh, tức là công khai và minh bạch, là một yếu tố của thịnh vượng. Nhà nước là cơ chế cần thiết để bảo vệ sự bình đẳng ấy qua việc áp dụng luật lệ một cách vô tư. Khi nhà nước lại can thiệp vào quan hệ A-B đó với điều kiện khác biệt, như về giá cả chẳng hạn, thì có thể tạo ra sự thiên lệch bất lợi cho kinh tế.

Vũ Hoàng: Ta vẫn có thể nghĩ đến hoàn cảnh của các nước đang phát triển, tức là còn nghèo, nên phải áp dụng một số chính sách phát triển để tập trung nguồn lực của quốc gia vào một số khu vực ưu tiên hầu tạo ra một lực đẩy ban đầu. Những thí dụ mà ai cũng biết là trường hợp Nhật Bản hay Nam Hàn. Chính quyền các nước này cũng có đồng chí X can thiệp vào sinh hoạt kinh tế và yểm trợ các tập đoàn kinh doanh về công nghiệp hay tài chính ngân hàng, nhờ vậy mà họ đạt mức tăng trưởng rất cao trong giai đoạn công nghiệp hoá. Ngày nay, các chính quyền như Trung Quốc hay Việt Nam cũng có thể noi theo tấm gương đó mà xây dựng khu vực kinh tế nhà nước như bộ phận chủ lực cho công cuộc phát triển. Ông trả lời sao về sự phản biện này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, trong giai đoạn công nghiệp hóa, quốc gia có thể nghiên cứu và áp dụng một số chính sách phát triển, tức là đề ra những ưu tiên cần được yểm trợ và tạo ra một sân chơi có thể là thiếu bình đẳng vì một số khu vực được nâng đỡ. Nhưng kinh nghiệm Nhật Bản và Nam Hàn cho thấy, sau vài thập niên tăng trưởng ngoạn mục thì chính sách ấy dẫn đến cái nạn chúng ta đã từng nói tới là "ỷ thế làm liều" của một số doanh nghiệp được nâng đỡ, với kết quả là bị khủng hoảng kinh tế. Thứ hai, khi nhà nước can thiệp và nâng đỡ như vậy thì còn gây ra bất công và nhất là tệ nạn tham nhũng khi có sự cấu kết giữa chính trị và kinh doanh. Xin hãy nói về Nam Hàn là một xứ mà Việt Nam có thể coi là gương mẫu muốn noi theo.

Vũ Hoàng: Quả thật vậy, thính giả của chúng ta muốn biết về trường hợp Nam Hàn vì ảnh hưởng sâu rộng của xứ này về nhiều mặt trong xã hội Việt Nam, từ kinh tế, kinh doanh, tới điện ảnh hay ca nhạc.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ căn bản vào sáu chục năm trước là khi bán đảo Triều Tiên bị phân ranh sau đình chiến 1953, thì Nam Hàn chỉ là xứ nông nghiệp có rất ít tài nguyên khoáng sản và lại thiếu nhiều cơ sở công nghiệp nặng mà Nhật đã xây dựng trước đó tại Bắc Hàn.

Thế rồi từ thập niên 60, Chính quyền Nam Hàn có chính sách tuần tự công nghiệp hóa với các tập đoàn họ gọi là "chaebols", hay tài phiệt, được nhà nước nâng đỡ để thi hành chính sách này dù các cơ sở ấy là của tư nhân chứ không là quốc doanh như tại Trung Quốc và Việt Nam. Nhờ đó, từ 1960 đến 1980, xứ này đạt tốc độ tăng trưởng ngoạn mục là 12%, tức là còn cao hơn 9-10% của Trung Quốc sau này. Và nhờ đó, Nam Hàn đã công nghiệp hoá và thịnh vượng rất nhanh so với xứ Bắc Hàn lụn bại, rồi Nam Hàn trở thành một nước xuất khẩu nền văn hoá kinh doanh tiêu biểu đã tạo ra phép lạ kinh tế Đông Á. Quần chúng thì có thể say mê phim bộ hay nghệ sĩ Đại Hàn, hoặc một tay múa may mà gây chấn động thế giới về phong cách Gangnam, chứ doanh gia thì phục các tập đoàn Nam Hàn đã vượt Nhật Bản và ai để ý tới chuyện quốc tế còn thấy người dân gốc Nam Hàn đang cầm đầu Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới.

Mối liên hệ chính trị - kinh tế

Công nhân kết hoa cờ Đảng và cờ nước trước lễ Quốc Khánh 02/9/2012. AFP
Công nhân kết hoa cờ Đảng và cờ nước trước lễ Quốc Khánh 02/9/2012. AFP (Công nhân kết hoa cờ Đảng và cờ nước trước lễ Quốc Khánh 02/9/2012. AFP)

Vũ Hoàng: Ông hay nhìn ra nhiều ý nghĩa bất ngờ của thời ự hàng ngày nên nêu lên một số thí dụ đáng cho ra suy ngẫm. Nghĩa là Nam Hàn có thể là tấm gương sáng nhưng không ở chiến lược kinh tế thời xưa mà còn ở nhiều địa hạt khác.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta nên nhìn lại kinh nghiệm của họ. Thứ nhất là dù bản thân nhà độc tài thời đó là Tổng thống Phác Chính Hy là người liêm khiết và đã công nghiệp hóa xứ sở, chính sách ấy vẫn gây ra tham nhũng và ưu thế của các chaebols Nam Hàn lại dẫn tới khủng hoảng vào năm 1998.

Chính là vụ khủng hoảng mới khiến Nam Hàn giảm thiểu chứ không tăng cường sự can thiệp của nhà nước và sau vụ khủng hoảng, chủ tịch sáng lập tập đoàn Dae Woo hay Đại Vũ bị án tù vì tội tham ô. Kết quả là Nam Hàn cải tổ cơ cấu kinh tế, các tập đoàn tài phiệt cũng thay đổi chiến lược kinh doanh. Trong khi ấy, môi trường quốc tế cũng đã thay đổi theo tinh thần mua bán tự do của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO chứ không cho nhà nước chọn lựa và nâng đỡ thành phần kinh tế này hay khu vực sản xuất khác.

Điều quan trọng nhất mà Việt Nam không nhìn ra là việc Nam Hàn đã cải tổ về chính trị cách nay đúng 20 năm để thành một quốc gia dân chủ hạng nhất thế giới. Nhờ thể chế dân chủ xứ này đã có thể chuyển hướng cải cách và cũng giải trừ được tham nhũng. Một cựu Tổng thống của họ đã tự tử năm 2009 khi bị đàn hặc về tội gia đình nhận tiền hối lộ của tập đoàn Daewoo.

Các trường hợp lãnh tụ bị ra toà hay vào tù như Tổng thống Trần Thủy Biển của Đài Loan hay Gloria Macapagal-Arroyo của Philippines không xảy ra cho đồng chí X của một nước độc tài. Các quốc gia đó đã phát triển mạnh hơn và giàu hơn Việt Nam không chỉ vì áp dụng chiến lược kinh tế đúng đắn dù mỗi nước lại có một chiến lược thích hợp với hoàn cảnh của mình. Họ trở thành một xứ giàu mạnh và văn minh hơn vì có dân chủ và mở rộng quyền chọn lựa cho người dân về kinh tế lẫn chính trị.

Vũ Hoàng: Chúng ta đi tới đoạn kết khi cũng sửa soạn ăn Tết! Thưa ông, lời kết ở đây là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta trở về quan hệ của ông A và bà B với sự can dự của đồng chí X. Nếu đồng chí X này lại can thiệp theo chiều hướng nâng đỡ giả dụ như bà B vì lý do chính thức là kinh tế thì sự kỳ thị và lệch lạc đã xảy ra với hậu quả là làm cả xã hội nghèo đi. Nhưng tai hại hơn vậy là ai cũng muốn thành bà B để xây dựng quan hệ tốt với đồng chí X, tức là định chế hóa nạn tham nhũng và tư bản thân tộc, rồi dù cho cơ sở của bà B có thể phá sản thì vẫn cứ tồn tại, nhờ tài nguyên của nhà nước. Hậu quả là tham nhũng và bất công làm xứ sở khó phát triển và người dân không thể làm giàu vì bị tước đoạt mất quyền chọn lựa, bản thân còn bị nhà nước làm nghèo đi. Quyền chọn lựa kinh tế vì vậy khởi đi từ quyền chọn lựa chính trị, từ thể chế dân chủ.

Hồi nãy, ta nhắc đến trường hợp Nam Hàn. Dân Việt có thể chẳng kém gì dân Đại Hàn, nhưng lãnh đạo thì quả là thua xa. Người ta cứ nói kinh tế là một khoa học u ám nhưng vào dịp Tết nhất thì mình cũng nên nói đến điều lạc quan và tích cực. Tôi thầm mong và cầu chúc là người Việt sẽ có quyền chọn lựa rộng mở để tìm ra sự thịnh vượng và trước đó, tìm ra con đường cải cách chính trị để có thể chuyển hóa trong hòa bình. Nghĩa là tìm ra một hệ thống lãnh đạo khác.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi và nhân dịp năm mới, mục Diễn đàn Kinh tế xin gửi tới quý thính giả lời chúc an khang và thịnh vượng.

Theo dòng thời sự: