Trong hai năm vừa qua Miến Điện đã có những bước đi ngoạn mục trên tiến trình dân chủ hóa. Một điểm trọng yếu của tiến trình dân chủ hóa ấy chính là tự do ngôn luận. Trong tháng tư này, khi Việt Nam vẫn còn loay hoay với Hiến pháp của chính mình thì Miến Điện đã có báo chí tư nhân.
ĐCS còn nắm quyền...
Miến Điện là một quốc gia hiện thời nghèo hơn Việt Nam, có cùng quá khứ thuộc địa, chiến tranh độc lập và nền kinh tế đóng cửa như Việt Nam. Tuy nhiên quốc gia này trong hai năm qua đã có những thay đổi rất lớn. Tháng tám năm 2012, Miến Điện hủy bỏ việc kiểm duyệt báo chí, đầu tháng tư năm nay, hàng lọat tờ báo tư nhân được phát hành. Báo Tuổi trẻ, một tờ báo có số phát hành hàng đầu ở Việt Nam đã đưa tin về sự kiện báo chí Miến Điện được tự do, tờ này còn trích lời một nhà báo Miến Điện là mừng rơi nước mắt. Các nhà báo Việt Nam đón nhận tin này bằng những thái độ khác nhau.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, từng làm cho tờ Thanh Niên, một nhật báo lớn trong nước, ông cũng được Tổ chức phóng viên không biên giới trao giải Netizen năm nay cho họat động blog của mình, ông nói,
Sự thay đổi ở Miến Điện làm phấn khởi người Việt Nam. Ở Việt Nam thì cái gì cũng có ghi trên giấy tờ hết, nhưng trong thực tế không thế. Chắc chỉ có Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên gọi là có tự do báo chí mà lại nằm trong tay nhà nước hết. Điều đó gây ra sự ngộ nhận là có tự do. Không có tờ báo nào ngòai đảng cả.
Ông cũng nói về sự cần thiết của báo chí tư nhân như sau,
Vừa rồi báo Quân đội nhân dân nói là không cần báo tư nhân. Không có báo chí tư nhân thì làm sao có góc nhìn khác được.
Một nhà báo khác là Trương Duy Nhất, cũng là chủ nhân của blog tên là Một góc nhìn khác, thì nói về quyền tự do ngôn luận,
Tự do ngôn luận là điều rất cần thiết. Đó là một trong những quyền cơ bản.
Anh cũng nói về sự hao tiền tốn của của nền báo chí Việt Nam hiện đang do đảng cộng sản kiểm sóat hòan tòan, cũng như hiệu ứng tích cực của các trang thông tin do các blogger làm trên không gian Internet:
Bao nhiêu tiền của nhân dân bỏ vào Thông tấn xã nhưng có ra cái gì đâu. Những trang như Bauxite Ba Sàm gây những hiệu ứng tích cực. Các tờ như Nhân dân phát cho cán bộ thì họ cũng để mạng nhện bám đầy thế thôi.
Trang của tôi so với tờ Nhân dân, tờ báo gọi là chính thống của cái đất nước này hay trang của đảng cộng sản thì nó đứng hơn cả nghìn bậc.
Nhà báo Hùynh Ngọc Chênh cũng có ý kiến về việc phát triển thông tin thông qua Internet,
May là nhờ có Internet, tạo điều kiện cho nhiều blogger đấu tranh cho một nền báo chí tự do, nhiều người có thể nói lên ý kiến mà không được báo chính thống đăng, tuy thế cũng bị hạn chế.
... thì không có tự do báo chí
Đây cũng là ý kiến của một nhà báo nước ngoài gốc Việt là Andrew Lâm khi nói về tự do ngôn luận ở Việt Nam, anh nói rằng không gian Internet giúp cho người dân ở các nước như Trung Quốc hay Việt Nam, nơi có sự kiểm duyệt gắt gao báo chí, được phát biểu ý kiến của mình.
Nhà báo Hùynh Ngọc Chênh gắn liền sự tự do báo chí với những cải cách chính trị khi ông so sánh sự cải tổ chính trị tại Miến Điện với hiện tình Việt Nam:
Nhưng có lẽ những nhà lãnh đạo Miến thực lòng với đất nước của họ hơn. Chấp nhận đảng đối lập, chấp nhận tự do báo chí. Khi chấp nhận báo chí tự do là chấp nhận thực tình.
Và theo ông thì tự do báo chí ở Việt Nam sẽ có Khi điều 4 của Hiến pháp thay đổi thì có sự tự do báo chí.
Còn nhà báo Trương Duy Nhất thì nói Cái đời tôi chắc không hy vọng.
Anh cho rằng có sự khác nhau về bản chất của các tiến trình chính trị xã hội ở Miến Điện và Việt nam,
Miến điện không phải là mở cửa mà thay chuyển tòan bộ, tận gốc. Miến điện đi chậm nhưng thay đổi căn cơ, thay đổi về tư tưởng.
Lý do của sự thay đổi khác nhau giữa hai quốc gia, thì theo nhà báo Hùynh Ngọc Chênh chính là sự thống trị của lý thuyết cộng sản cũng như bộ máy của đảng cai trị,
Sự đặt ra bộ máy Đảng làm mọi thứ làm sự thay đổi khó hơn. Ở Míến nhóm quân nhân không bị ràng buộc bởi một lý thuyết nào nên có lẽ vì thế sự thay đổi dễ dàng hơn.
Chúng tôi cũng đã đặt những câu hỏi tương tự với hai nhà báo khác, của hai cơ quan truyền thông lớn của nhà nước việt Nam. Người thì từ chối trả lời với lý do ông là đảng viên nên không được tự ý trả lời phỏng vấn, người kia thì viện lẽ đây là một vấn đề nhạy cảm nên không phát biểu.
Như vậy tự do ngôn luận ở Việt Nam đã được he hé mở trên không gian mạng. Còn lĩnh vực báo giấy thì đảng cộng sản vẫn nắm chặt. Một nền báo chí tư nhân nhiều sắc màu đa chiều vẫn là niềm mơ ước của các nhà báo hăng hái cổ vũ cho tự do ngôn luận như Trương Duy Nhất và Hùynh Ngọc Chênh, cho tới khi nào các nhà lãnh đạo đảng cộng sản thực lòng thay đổi như các đồng nghiệp bên xứ chùa Vàng.