Yêu cầu tự do ngôn luận qua cái chết của bác sĩ cảnh báo dịch

0:00 / 0:00

Bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) một trong 8 bác sĩ đầu tiên lên tiếng báo động nguy cơ virus Corona chết người ở Vũ Hán từ tháng 12/2019, đã qua đời đêm thứ Năm 6/2/2020 vì lây nhiễm siêu vi nCov từ một bệnh nhân trong bệnh viện Vũ Hán.

Nhiều người dân Trung Quốc bằng mọi cách thể hiện sự thương tiếc, ngưỡng mộ, thậm chí cả sự bất bình trước cái chết của vị bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi này. Qua sự kiện này yêu cầu về tự do ngôn luận cũng được nêu lên, mặc dù chính quyền Trung Quốc quyết dập tắt.

Theo cảnh báo của bác sĩ Lý Văn Lượng thì Vũ Hán đang đối diện nguy cơ bùng phát dịch bệnh do một loại virus tương tự siêu vi SARS gây dịch hô hấp cấp dẫn đến tử vong hồi năm 2003 đã khiến 800 người thiệt mạng.

Thế nhưng 4 ngày sau, công an Trung Quốc đã mời bác sĩ Lý cùng nhóm bạn của ông đi làm việc với cáo buộc “gieo rắc tin đồn thất thiệt”, “gây xáo trộn trật tự xã hội nghiêm trọng” . Đến ngày 10/1/2020, bác sĩ Lý bắt đầu ho khan, qua hôm sau trở sốt cao.

Ngày 30/1/2020 bác sĩ Lý được chẩn đoán dương tính với virus Corona chủng mới. Đến 10 giờ đêm 6/2/2020 bác sĩ Lý Văn Lượng thở hơi cuối cùng, để lại đằng sau một cảm giác tiếc thương lẫn bất bình trong dư luận quần chúng Hoa Lục.

"Cái chết thương tâm của bác sĩ Lý Văn Lượng, được ca tụng là can đảm và anh dũng, là hậu quả của thái độ bất minh, bưng bít thông tin, che giấu sự thật của nhà cầm quyền Bắc Kinh" hoặc "Sự ra đi của bác sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên cảnh báo về nguy hiểm cao độ của siêu vi Corona chủng mới, là biểu tượng của sự đòi hỏi tự do ngôn luận trong một chính thể chuyên chế như Trung Quốc" … là những status đọc được trên các trang mạng dân sự, cho thấy Bắc Kinh vừa phải vất vả đương đầu với dịch bệnh hô hấp cấp nCov vừa phải đối điện cao trào đòi tự do ngôn luận và cải cách chính trị hiếm thấy trước nay.

Vô cùng xúc động và suy nghĩ nhiều về cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, là phát biểu của bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn, Khoa Tiết Niệu bệnh viện Sài Gòn:

“Đúng thật thì nên để cho ông ấy nói ra mà đừng qui kết là ông ấy có ý đồ gì chứ. Có cái gì đó không rõ ràng ở phía chính quyền Trung Quốc, họ cứ mập mờ, lấp liếm và không tin ai”.

Đối với kiến trúc sư Trần Thanh Vân, càng cấm đoán thì càng khiến tin tức, mà nhất là tin giả, lan nhanh hơn và được mọi người tin hơn:

“ Về nguyên tắc thông tin phải tự do, phải chuẩn xác, càng cấm càng lắm chuyện. Không cấm thì đỡ có tin xấu, càng cấm càng tệ hại hơn. Trung Quốc là điển hình của sự gian dối, tôi từng sống ở Trung Quốc tôi biết quá, nó thành cái bệnh rồi. Gian dối là bệnh truyền thống của họ, không chỉ dịch cúm lần này mà cả nhiều chuyện khác, toàn là bịa hết, bịa ra anh hùng, nhiều chuyện vô lý lắm, đấy là điều rất đáng tiếc”.

Hình ảnh tự chụp khi nằm trên giường bệnh của bác sĩ Lý, được phát đi trên Internet và Facebook, đã tác động mạnh đến cộng đồng mạng ở Trung Quốc. Ngay sau khi hay tin bác sĩ Lý Văn Lượng chết, một số các nhà trí thức Trung Quốc, qua mạng xã hội Weibo, cho đăng 2 lá thư công khai . Thư thứ nhất, có chữ ký của một giáo sư ở một đại học danh tiếng trên Bắc Kinh, đưa ra 5 yêu sách trong đó có yêu cầu lấy ngày 6 tháng Hai làm Ngày Tự do Ngôn luận Toàn quốc. Người dân Trung Quốc tin rằng bác sĩ Lý Văn Lượng chết ngày 6/2/2020 chứ không phải ngày 7/2 như thông báo của nhà cầm quyền. Thư này sau đó đã bị kiểm duyệt.

<i>"Tôi nghĩ vấn đề Corona đang bị chính trị hóa trầm trọng từ nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh. Họ cần chữa trị ngay bằng tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin trung thực nhất về số người nhiễm bệnh và người chết".Facebooker Nguyễn Ngọc Già<br/> </i>

Bức thư ngỏ thứ hai trên Weibo, cũng bị kiểm duyệt, do 10 giáo sư đại học Vũ Hán thảo ra, cũng đòi hỏi tự do ngôn luận như quyền được ghi trong Hiến Pháp Trung Quốc. Thư kêu gọi Bắc Kinh phải công khai xin lỗi đối với các bác sĩ đã đưa ra lời báo động, phải công nhận bác sĩ Lý Văn Lượng là anh hùng quốc gia.

Trước đó nữa, Hashtags có tên Tôi Muốn Tự Do Ngôn Luận với trên 5 triệu lượt người truy cập vào xem, cũng bị xóa đi.

Bất kể nhà nước Trung Quốc bắt đầu nhận ra sự nguy hại khốc liệt của virus Corona chủng mới mà họ tưởng có thể khống chế được như đã ém nhẹm thông tin để trấn áp sự hoảng loạn của người dân, thực tế đây là cuộc khủng hoảng chưa thể chấm dứt mà e là còn bùng phát mạnh hơn, là nhận định của ông Tần Tiền Hồng (Qin Qianhong), giáo sư đại học Vũ Hán hôm 8/2 vừa qua, được trang Asia Times trích dẫn lại.

Báo chí nước ngoài như Reuters hay AFP đều bình luận gần giống nhau rằng chế độ Tập Cận Bình không bao giờ học được bài học từ dịch SARS lây nhiễm mạnh hồi 2002-2003. Khi đó Bắc Kinh cũng tìm cách ém nhẹm thông tin khiến bị thế giới chỉ trích. Hậu quả của thái độ che giấu đó khiến hơn 650 người chết, 8.000 người bị nhiễm bênh.

Nhà nghiên cứu Đông Nam Á, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, đã về Việt Nam trước Tết, trở lại Singapore khoảng tuần nay, phân tích tình hình nCov ở Trung Quốc mà ông theo dõi được tính đến lúc này:

" Họ che giấu sự thật vì nghĩ rằng có thể kiểm soát được bệnh dịch nhưng đã không kiểm soát được nên cuối cùng phải công bố thông tin".

“Nhưng đến nay mà nói thì không biết thông tin ấy có phản ảnh đúng sự thật hay không, bởi quanh Vũ Hán và Hồ Bắc có nhiều thông tin khác nhau mà không kiểm chứng được, đấy là vấn đề rất lớn của Trung Quốc”

” Chưa bao giờ người ta tin Trung Quốc vế mức độ minh bạch cả. Trong minh bạch thì có một phần rất quan trọng là phần tự do ngôn luận. Lần này phản ứng rất chậm của Trung Quốc với dịch Corona ở Vũ Hán thì hậu quả không thể nào kiểm soát được, tạo ra sự nghi ngờ rất lớn cho thế giới bên ngoài cũng như cho bản thân người dân Trung Quốc”.

<i>" Chưa bao giờ người ta tin Trung Quốc vế mức độ minh bạch cả. Trong minh bạch thì có một phần rất quan trọng là phần tự do ngôn luận. Lần này phản ứng rất chậm của Trung Quốc với dịch Corona ở Vũ Hán thì hậu quả không thể nào kiểm soát đượ, tạo ra sự nghi ngờ rất lớn cho thế giới bên ngoài cũng như cho bản thân người dân Trung Quốc".TS Hà Hoàng Hợp<br/> </i>

Vẫn theo lời tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, số người nghi nhiễm nCov ở Singapore tính đến ngày 11/2/2020 đã lên tới 45. Như vậy, ông nói tiếp, mức độ nguy hiểm của nCov ở Singapore so ra nhiều hơn và lớn hơn Việt Nam:

“Chính phủ Singapore không đi theo hướng che giấu thông tin. Là nước nhỏ và họ kiểm soát con người, kiểm soát lượng du lịch vào khá chặc chẽ. Nhưng người du lịch từ Vũ Hán đến Singapore khá đông, cho nên không thể kiểm soát dịch lây lan một cách thật tốt được. Mặc dù Singapore có một hệ thống phòng ngừa cũng như kiểm soát thực sự rất tốt nhưng rõ ràng cũng không thể kiểm soát nổi. Đến chiều hôm nay thì số người bị nhiễm là 44 trường hợp. Với một ỷ lệ dân số hơn 5 triệu mà số nhiễm hơn 3 lần Việt Nam thì đấy là điều không tích cực đối với Singapore”.

Trung Quốc đối phó với dịch bệnh mà cứ như đối phó với một đối thủ chính trị, trong lúc thực tế chỉ cần công khai minh bạch thì mới có thể cùng toàn dân chống đỡ và dập dịch ngay trên đất nước của mình, là khẳng định của Facebooker, cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già:

“Tôi nghĩ vấn đề Corona đang bị chính trị hóa trầm trọng từ nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh. Họ cần chữa trị ngay bằng tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin trung thực nhất về số người nhiễm bệnh và người chết”.

Tính đến ngày 11 tháng Hai Bộ Y Tế Việt Nam xác nhận có thêm một ca nhiễm virus Corona mới trên một cháu bé 3 tháng tuổi. Báo chí trong nước loan báo tin bé gái này bị lây từ bà ngoại, và bà ngoại bị lây bệnh từ con gái là một công nhân từ Vũ Hán trở về. Đây là ca lây nhiễm thứ 15 ở Việt Nam.

Trước khả năng có thể xuất hiệm thêm nCov chủng mới ở Vĩnh Phúc, Bộ Y Tế Việt Nam cũng đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc mở rộng vùng cách ly, lập danh sách cần cách ly.

Tin nói tại huyện Bình Xuyên, là tâm dịch của tỉnh Vĩnh Phúc, đã thiết lập 8 chốt kiểm tra thân nhiệt ở các ngả đường tại vùng có người bị nhiễm và có nguy cơ nhiễm virus corona.

Được hỏi về tình hình phòng chống và ngăn chận virus Corona của Việt Nam, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết:

“Hiện nay người dân Việt Nam bắt buộc phải tin vào hệ thống thông tin chính thống của Nhà Nước. Nhà Nước kiểm soát rất kỹ nhưng thông tin đó và tôi cũng chưa thấy một lý do gì để nói chính phủ Việt Nam lúc này bưng bít thông tin”

Có điều chắc chắn vì sự chậm trễ của Trung Quốc cũng như sự chậm trễ của Tổ Chức Y Tế Thế Giới vừa rồi nên là Việt Nam cũng bị chậm. Nhưng sau sự chậm trễ đó thì phải công nhận từ phía chính phủ và người dân và các địa phương Việt Nam là có những sự cố gắng đáng kể để ngăn chặn sự lây lan của dịch này”

Tại Hoa Lục, tính đến ngày 11 tháng 2, số người chết vì mắc bệnh viêm phổi do virus Corona chủng mới gây ra chỉ trong 1 ngày đã lên thành số 108, nâng tổng số người chết ở đây từ đầu đợt dịch đến giờ là 1016 người.

Bên cạnh đó, số trường hợp dương tính với nCoV ở Trung Quốc đã vượt ngưỡng 40.000 người. Những con số này vượt xa số liệu bùng phát và lây nhiễm SARS năm 2002-2003, qua đó hơn 8.000 người mắc bệnh, 774 người chết trên toàn cầu.