Theo tờ Khmer Times đưa tin hôm 6 tháng 3, 2024, Chính phủ Campuchia đã lên kế hoạch vào tháng 6 năm 2024 sẽ ký thỏa thuận nhượng quyền với các đối tác Trung Quốc về dự án Kênh đào Funan (Kênh đào Phù Nam).
Từ khi thông tin về dự án Kênh đào Funan được công bố, có nhiều tiếng nói của các chuyên gia bày tỏ quan ngại về tác động môi trường của dự án này. Tuy nhiên, theo TS. Seun Sam, nhà phân tích chính sách ở Học viện Hoàng gia Campuchia, kênh đào này sẽ đem lại tác động tích cực cho môi trường ở Campuchia. Ông nói trên Khmer Times hôm 6 tháng 3, 2024 là "Kênh đào sẽ hỗ trợ kiểm soát mực nước và ngăn chặn lũ lụt ở các thị trấn lân cận bằng cách điều chuyển lượng nước từ sông Mê Kông vào mùa mưa".
TS. Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á ở Stimson Center, lại không có cái nhìn lạc quan như vậy.
Trao đổi với RFA, TS. Brian khẳng định tác động môi trường rất lớn của con đê của Kênh đào Funan tới cả Campuchia và Việt Nam. Theo ông, "con đê dài của kênh đào Funan có khả năng tạo ra một vùng khô hạn ở Campuchia và Việt Nam ở phía nam (hạ lưu) kênh, đồng thời có thể tạo ra vùng nước nổi (ngập nước) ở phía bắc kênh."
Kênh đào ngăn chặn mùa nước nổi?
Trả lời câu hỏi của RFA về việc nếu Campuchia có thêm mùa nước nổi ở một khu vực xưa nay chưa từng có mùa nước nổi, do tác động của Kênh đào Funan, điều đó sẽ tốt hay gây hại cho Campuchia, TS. Brian Eyler cho rằng:
“Các khu vực thường xuyên bị lũ lụt ở Campuchia tạo điều kiện cho nông nghiệp và thủy sản phát triển mạnh mẽ. Vùng có mùa nước nổi ở đây cũng là môi trường sống cho các loài chim và các loài khác. Các cộng đồng dân cư được hình thành xung quanh các khu vực ngập lụt tự nhiên này. Mùa nước nổi không gây hại cho họ. Những trận lụt này là một phần của đời sống sản xuất trong sinh kế của họ. Tuy nhiên, nếu Kênh đào Funan tạo ra những khu vực mới bị ngập lụt ở Campuchia, nơi cộng đồng cả nông thôn và thành thị không thích nghi được với lũ lụt, thì điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề.”
Website của Tổng cục Du lịch Việt Nam và UBND tỉnh An Giang trước đây có nhiều bài giới thiệu về du lịch mùa nước nổi ở địa phương này. Theo đó, nước từ sông Mekong khi vào lãnh thổ Việt Nam tạo ra "mùa nước nổi" trong vùng, từ khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, tức khoảng tháng 8 đến tháng 11 dương lịch. Đây không phải thiên tai mà là một dạng lũ lụt có ích, đem lại nguồn lợi thủy sản, phù sa cho đất đai để phát triển canh tác. Người dân địa phương đã phát triển một đời sống sinh hoạt và văn hóa thuận theo tự nhiên, thích ứng với mùa nước nổi. Do cảnh quan và đời sống độc đáo này, theo các cơ quan nói trên, "mùa nước nổi" cũng trở thành một nguồn lợi về mặt du lịch cho địa phương.
Tuy nhiên, theo TS. Brian Eyer, một khi Kênh đào Funan hoàn thành, “mùa nước nổi” có khả năng biến mất. Đây có khả năng là một tác động môi trường đáng lưu ý nhất. Bở lẽ nước lũ trong mùa nước nổi còn là nguồn cung cấp nước tưới tiêu nông nghiệp cho nhiều địa phương Đồng bằng Sông Cửu Long. TS. Brian Eyler nhận xét:
“Kênh Funan sẽ không ảnh hưởng đến quá trình lũ của sông Tiền và sông Hậu. Thay vào đó, nó sẽ ngăn chặn vùng đồng bằng ngập lũ rộng 30 km đưa nước từ Campuchia vào các tỉnh An Giang và Kiên Giang của Việt Nam. Nước lũ từ Campuchia đổ vào Việt Nam tưới tiêu cho phần lớn các tỉnh này.”
Đồng tình với nhận xét của TS. Brian Eyler, Kỹ sư Phạm Long, Chủ tịch của Viet Ecology, một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, nghiên cứu về các vấn đề sông Mekong, nói với RFA:
"Nếu mình nghĩ nước lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chảy đến theo sông Tiền, sông Hậu là không đúng. Đây là một đồng lũ tràn khắp mặt đất, chảy toàn diện theo cánh đồng tràn qua, chứ không phải nó chỉ chảy theo lòng sông đi xuống. Đó là sự khác biệt của mùa lũ ở vùng đồng bằng này.
Khi Campuchia xây Kênh đào Funan, chúng ta cần lưu ý là họ còn xây cả hai con đường "đường đi bộ" ("side walks") chạy dọc theo kênh. Theo nguyên tắc đường này thì phải có độ cao đủ để không bị lụt. Hai con đường chạy dọc theo kênh này tự nó trở thành cái đai. Cái đai này sẽ chắn nước từ phía bắc xuống phía nam.
Nếu mình nhìn xuống khu vực Shihanoukville thì sẽ thấy cánh phải hay hữu ngạn của Kênh đào sẽ bị ngập nước. Bởi vì nước lũ vốn tràn theo diện rộng qua các cánh đồng giờ đây không thể tiếp tục tràn qua được nữa. Cánh phải sẽ ngập nước, còn cánh trái hay tả ngạn thì sẽ bị khô. Cánh trái sẽ bị khô vì lũ bị chặn bởi hai con đê của Kênh đào Funan, cũng đồng thời là hai con đường "đường đi bộ". Đó là lý do vì sao mùa lũ hay mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam sẽ bị giảm mất đi."
Campuchia thông báo không đúng cho Ủy hội sông Mekong về bản chất dự án
Theo Thư thông báo (Notification Letter) mà Chính phủ Campuchia gửi cho Ủy hội Sông Mekong (MRC) ngày 8 tháng 8, 2023 thì Kênh đào Funan sẽ có 11 cây cầu và 3 cửa cống (ship-locks) bao gồm Mekong Lock, Takeo Lock, Kep Lock. Ở phía nam Phnompenh, sông Mekong chia làm hai hướng, một hướng có tên là sông Mekong và hướng còn lại là sông Bassac. Sông Mekong khi chảy vào lãnh thổ Việt Nam thì có tên là sông Tiền. Sông Bassac khi chảy vào lãnh thổ Việt Nam thì có tên là sông Hậu. Theo thiết kế, Mekong Lock (cửa cống xây trên kênh Phù Nam) sẽ nằm ở đoạn kết nối Kênh đào Funan vào sông Mekong. Trên dòng Bassac (khi chảy vào Việt Nam có tên là sông Hậu) sẽ không có cửa cống mà chỉ có cầu. Kỹ sư Phạm Long viết cho RFA qua email về tác động môi trường của thiết kế này cũng như kế hoạch vận hành chúng mà các quan chức Campuchia đã tuyên bố:
“Thiếu sót lớn là Campuchia đã không thông báo cho Ủy hội sông Mekong về kế hoạch dùng kênh Phù Nam chuyển nước từ hai dòng chính Mekong và Bassac để phục vụ nông nghiệp, ngư nghiệp. Họ không thông báo như vậy nhằm tránh trách nhiệm tác động xuyên biên giới xuống Việt Nam. Tuy nhiên, các bộ trưởng của Cam Bốt đã tiết lộ và xác nhận kế hoạch này trên Khmer Times.”
Một vấn đề khác của dự án Kênh đào Funan là Chính phủ Campuchia thông báo không chính xác bản chất của dự án này cho Ủy hội sông Mekong, né tránh một thủ tục quan trọng của Ủy hội này là thủ tục “Tham vấn trước.” TS. brian Eyler giải thích với RFA qua email:
“Vì kênh này có tác động đến dòng chính sông Mekong và đi qua kênh Bassac, một kênh khác của dòng chính sông Mekong, nên theo định nghĩa, dự án này phải được chỉ định là dự án nằm trên “dòng chính” sông Mekong. Chính phủ Campuchia cần phải thông báo như vậy tới Ủy hội sông Mekong.
Nếu Ủy hội sông Mekong được thông báo chính xác như vậy thì các quy trình PNPCA (thủ tục thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận,) sẽ được bắt đầu tiến hành. Hoạt động này bao gồm diễn đàn các bên liên quan trong khu vực và đánh giá kỹ thuật về thiết kế kênh đào. Tất cả các tài liệu dự án sẽ được công khai. Việc tăng cường tính minh bạch sẽ xây dựng tính minh bạch và nhận thức đúng đắn hơn về dự án, chi phí và lợi ích cũng như các tác động môi trường và xã hội của dự án.
Mỗi khi quá trình PNPCA được thực hiện, các nỗ lực thiết kế và giảm nhẹ tác động xấu đến môi trường của dự án sẽ được cải thiện. Kênh này có tác động đáng kể đến môi trường và xã hội và nếu được xây dựng, tác động của nó cần được giảm thiểu nhiều hơn. Hiện Chính phủ Campuchia đã thông báo tới MRC rằng dự án này là dự án "phụ lưu" ("tributary" project). Cách gọi này là hoàn toàn sai."