Có ý kiến từ truyền thông chính thống tại Việt Nam tuần này cho rằng việc xử lý tham nhũng như trong chiến dịch “đốt lò”, “củi lửa” của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam có thể gây ra việc nhân sự có chuyên môn, nhất là thế hệ trẻ sẽ lưỡng lự, khi hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước tham gia đóng góp cho đất nước.
Bài báo với tựa đề "Dùng người nhìn từ câu chuyện các ông Nguyễn Quang Tuấn, Trần Việt Thái" trên trang mạng VietnamNet, hôm thứ tư nêu hai trường hợp là một chuyên gia đầu ngành tim mạch, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội và một người khác là một cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, như những điển hình.
Bài báo trên VietnamNet nêu quan điểm:
“Trường hợp của ông Nguyễn Quang Tuấn và ông Trần Việt Thái chắc chắn nên được cân nhắc và nghiên cứu khi xây dựng chính sách nhân lực cho khu vực công. Sử dụng đúng, có chính sách đãi ngộ phù hợp để những trường hợp như ông Tuấn, ông Thái và nhiều người khác nữa chuyên tâm vào chuyên môn.
“Có không ít nhà chuyên môn đang phải đảm nhiệm những công việc quản lý như ông Tuấn và ông Thái, và phải khẳng định đã có những người làm tốt việc quản lý. Tuy vậy, rủi ro với chính họ không hề nhỏ. Nó không chỉ từ việc tuân thủ các quy định pháp luật ngày một chặt chẽ, những thủ tục ngày một phức tạp hơn mà còn là rủi ro từ những “cám dỗ” vật chất đến một cách tự nhiên, khi họ ngồi vào chỗ của những người làm công việc quản lý.”
“Quản trị bệnh viện, quản trị trường học, đấu thầu mua sắm… là những công việc đòi hỏi những chuyên môn và nên được dành cho những người được đào tạo, có kiến thức về những lĩnh vực này. Cùng với đó, những nhà chuyên môn sẽ phải có được chính sách đãi ngộ tốt, môi trường lành mạnh để làm việc hiệu quả…”
Dụng nhân như dụng mộc và người trẻ nghĩ gì?
Và bài báo của VietnamNet, trích dẫn cố Chủ tịch của Việt Nam, ông Hồ Chí Minh, khi đưa thêm lý lẽ bảo vệ quan điểm mà dường như cho rằng việc sử dụng nhân sự chuyên môn của Việt Nam qua các vụ án và ví dụ trên là chưa phù hợp, thiếu cơ chế, điều kiện đãi ngộ tránh rủi ro và lãng phí “nhân tài”:
“Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường trích câu của người xưa “Dụng nhân như dụng mộc” để nói về việc phân công, sử dụng cán bộ: “Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng cong đều tùy chỗ mà dùng được”, “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy.”
“Những người như ông Tuấn, ông Thái thuộc diện những người tài mà chúng ta đang mong muốn thu hút vào khu vực công. Những người tài trẻ tuổi đang nằm trong diện được thu hút chắc chắn sẽ nhìn vào những trường hợp này để lựa chọn con đường của mình.”
Từ Hà Nội, một nhà quan sát thời sự Việt Nam, ông Lê Văn Sinh, nguyên Giảng viên thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, bình luận về quan điểm này, ông nói:
"Tôi thì không nghĩ là có chuyện lãng phí nhân tài, người tài, hay nhân lực chuyên môn tài năng hoàn toàn như ai đó có thể đặt vấn đề như vậy.
Bởi vì các quốc gia tiến bộ và phát triển người ta vẫn đã và đang sử dụng các trí thức giỏi, các chuyên gia hàng đầu vào các vị trí lãnh đạo cơ quan, tổ chức, kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục v.v… mà tình trạng tham nhũng ở các nước đó không trở thành phổ biến, tràn lan như ở Việt Nam.
Vấn đề ở đây là không phải các ông như Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn hay Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Việt Thái sai vị trí. Dĩ nhiên là một người làm chuyên môn giỏi chưa chắc đã là người làm quản lý giỏi, và một người làm quản lý giỏi cũng không hẳn là người làm chuyên môn giỏi. Tất nhiên là ít phổ biến hơn, nhưng cũng có những người giỏi cả hai một lúc, tức là vừa làm chuyên môn và cũng làm quản lý giỏi và ngược lại, tuy nhiên cái đó không nhiều.
Vấn đề ở đây theo tôi là cơ cấu, thể chế ở Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mà khi đã ngồi vào đấy, thì ông bà nào cũng phải vận hành theo guồng máy đó và với tình trạng tham nhũng có hệ thống và bề dài về thời gian như ở Việt Nam lâu nay, thì dù là giảng dạy, nghiên cứu hay tay nghề giỏi về phẫu thuật tim như ông Nguyễn Quang Tuấn, thì ông cũng tham nhũng.
“Hay như ông Trần Việt Thái, làm tới Đại sứ ở Malaysia, hoặc từng tham gia lãnh đạo, quản lý ở những cấp như Vụ, Viện bộ, ngành Ngoại giao như ông Trần Việt Thái, thì ông cũng bị cuốn vào cái vòng đó mà thôi.”
Căn nguyên và hướng giải quyết vấn đề thế nào?
Khi được hỏi nguyên nhân gốc rễ vấn đề ở đâu, ông Lê Văn Sinh, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, lấy ví dụ qua kinh nghiệm ở môi trường mà ông từng làm việc và trải nghiệm trực tiếp, nói:
“Theo tôi, vì nó có một tình trạng như thế này, đã có một thời mà tôi không biết ở cấp quản lý cao hơn thì cụ thể như thế nào, nhưng như ở cấp Khoa, như ở Đại học mà tôi làm việc, không có một lợi lộc gì cả, về mặt kinh tế.
Và do đó, không ai lại muốn ngồi vào những vị trí lãnh đạo ở đó cả, không ai muốn ngồi vào đó, mà người ta chỉ thích và lo làm chuyên môn thôi.
Vì ngồi vào những vị trí lãnh đạo đó, người ta thấy vừa mất thời gian làm chuyên môn, mà cũng không mang lại lợi lộc gì.”
Theo ông Lê Văn Sinh, người có hàng chục năm làm việc ở một đơn vị Khoa thuộc ngành Khoa học lịch sử thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, cách thức mà mọi người đang chứng kiến ở Việt Nam hiện nay cho thấy ai làm chuyên môn giỏi dù tới đâu, thì cũng không thu được lợi lộc bằng có một vị trí trong bộ máy quyền lực.
“Ví dụ như ông Trần Việt Thái, hay ông Nguyễn Quang Tuấn, theo tôi khi các ông đã ngồi vào cái ghế như Giám đốc một bệnh viện, như là Bệnh viên Tim Hà Nội, và sau này ông được điều về Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, hay như ông cựu Đại sứ tại Malaysia, thì các ông ít nhiều cũng phải dính líu vào điều hành kinh tế, hay tài chính của đơn vị, tổ chức nơi các ông là quan chức lãnh đạo.
Như với ông Tuấn, do chức vụ như thế, ông làm chủ một tài khoản, và ở trong cái đó, thì về mặt tiền nong là ông có quyền chi, có quyền thu. Và thường các ông mà đã ngồi vào các vị trí đó, thì có rất nhiều mối lợi.
Do đó, một cách giải quyết, theo quan điểm riêng của tôi, là cần có cơ chế và cách làm để những người làm chuyên môn giỏi không còn phải ham vào những mối lợi đó, và trong cách thức đó, thì người làm chuyên môn giỏi vẫn có thể có thu nhập không chỉ là bằng, mà có khi còn hơn một số người làm quản lý cùng trong đơn vị đó, thì sẽ không hút những người làm chuyên môn giỏi lại đi đam mê vào những cái vốn dĩ không phải là thế mạnh của anh, nhưng mà lại đầy rủi ro.”
Hãy từ chức hoặc tránh đi, chứ đừng biến mình thành “trộm cướp”
Từ Berlin, nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo, nêu quan điểm riêng của bà từ bên ngoài Việt Nam nhìn vào, bà nói:
“Nếu anh không muốn làm ‘trộm cướp’, thì anh từ chức đi, tại sao anh lại phải tham gia vào một cái chỗ mà anh biết chắc là mình sẽ ‘trộm cướp’? Điều đó là không thể chấp nhận được.
Không phải ai cũng sẵn sàng làm trộm cướp, những người lương thiện có thể từ chức, họ hoàn toàn có thể sống được bằng chuyên môn cơ mà? Hoặc nếu mà bị o ép quá, tôi đi làm việc khác, nghề khác, thế mới là một con người bình thường. Thế mới là con người chính trực…
Còn trên báo chí, truyền thông Việt Nam, tôi đọc được một số ý kiến mà tôi cũng không đồng tình bảo rằng ở Việt Nam, những ai đó có chuyên môn giỏi, nhưng mà đã làm quan chức thì buộc phải theo cơ chế ấy để ăn tiền, để tồn tại, hoặc phải làm thế mới được việc.
Tôi cho rằng đó là một sự giải thích hoàn toàn bao biện cho những quan chức mà thực ra là những kẻ trộm cướp hiện nay, hoặc những nhóm lợi ích. Đây là những kẻ dù có giỏi chuyên môn đến đâu, nhưng mà đã mang tâm thế của những kẻ “trộm cướp” tiềm ẩn, chỉ là chưa có điều kiện để ăn cắp, ăn cướp của đồng bào mà thôi.
Còn khi đã vào những vị trí kia, chẳng hạn nhưng ông Tuấn hay những ông làm, hay liên quan những vụ chuyến bay giải cứu, hay là những ai mà nhận tới mấy trăm lần đút lót, hối lộ, hay dù chỉ một lần thôi, thì như thế họ cũng đã là một kẻ trộm cướp tiềm ẩn, và như thế không phải vô tình khi công chúng nhìn họ một cách vừa sợ hãi, vừa ghê tởm".
Theo truyền thông Việt Nam, ngày 18/4, trong lời nói sau cùng tại phiên tòa xét xử Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn và các bị cáo đồng vụ án, ông đã bày tỏ mong muốn được tiếp tục đóng góp, nghiên cứu khoa học, đào tạo cho nhiều bác sĩ tim mạch có trình độ cao.
"Trong vụ án này, tôi nhận thức sâu sắc vai trò của mình, tôi không có biện hộ nào cho hành động mà mình đã gây ra, chỉ mong quý tòa có đánh giá nhân văn hơn nữa, cho tôi sớm được trở về với gia đình, xã hội, tiếp tục được đóng góp, nghiên cứu khoa học, đào tạo cho nhiều bác sĩ tim mạch có trình độ cao," ông Tuấn được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói.
Vẫn theo báo chí chính thống của Việt Nam hôm thứ tư, 19/4, Viện Kiểm sát Tối cao của nước này vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 54 bị can trong vụ "chuyến bay giải cứu", vụ đại án mà trong đó Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Việt Thái, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia can dự và đã bị bắt giam, truy tố.
Theo cáo trạng này, 54 người đã bị truy tố về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án xảy ra với rất nhiều cán bộ, trong đó có cán bộ quản lý cấp khá cao và cao cấp tại Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan liên can.
Vụ việc theo nhà chức trách Việt Nam được coi là đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng cả trong và ngoài nước, trong đó có nhiều quan chức sau khi bị bắt giam, điều tra, truy tố, đã bị Đảng Cộng sản công bố các mức độ kỷ luật khác nhau, trong đó có cả việc khai trừ khỏi đảng.
“Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, trong vụ án "chuyến bay giải cứu", 18 bị can bị truy tố tội "Nhận hối lộ" với khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình,” trang VTCnews hôm thứ tư đưa tin.