Đạo Tin Lành tại Việt Nam có khoảng 800 tín đồ và đang phát triển rộng rãi; việc xây dựng lòng tin của nhóm tôn giáo này khó có thể xem nhẹ.
Bị trấn áp gắt gao
Sự chồng chéo, mập mờ, lạm dụng quyền lực và những bất cập trong lực lượng lãnh đạo nhà nước, cụ thể là Đảng CSVN đã làm chính sách tự do tôn giáo vượt ngoài phạm trù nhà nước. Trong thực tế, nó phụ thuộc rất lớn vào khâu thực hiện chính sách nhà nước mà Đảng CSVN đang nắm vai trò lãnh đạo.
Việc Việt Nam thường xuyên đứng cuối bản trong danh sách các nước tự do tôn giáo theo đánh giá của các tổ chức quốc tế như HRW và Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ - USCIRF phần nào cho thấy sự giới hạn trong tự do tôn giáo tại Việt Nam. Đạo Tin Lành, mặc dù đã hơn 100 năm xuất hiện tại Việt Nam, vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn, đặc biệt là là những hệ phái không được nhà nước công nhận như Dega, Mennonite…
Cho đến bây giờ, đạo Tin Lành Dega vẫn được Đảng CSVN cho là vỏ bọc của người Thượng đòi độc lập và chịu sự trấn áp gắt gao. Trong một thông cáo báo chí vừa ra ngày 9 tháng 3 vừa qua, Quỹ Người Thượng lên án việc người Thượng theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên vẫn tiếp tục bị “bắt giam, thẩm vấn, và đe dọa”. Thông cáo báo chí này còn ghi cụ thể tên của vài chục tín đồ bị sách nhiễu tại Gia Lai trong thời gian vừa qua.
Cuối tháng Một, đầu tháng Hai năm 2001, một vụ biểu tình lớn đòi trả tự do cho hai tín đồ Tin Lành tại tỉnh Gia Lai thu hút sự quan tâm của cả báo chí nước ngoài. Cuộc biểu tình lúc đầu chỉ có vài trăm tín đồ Tin Lành tham gia nhưng sau đó vài ngày đã lên đến hàng chục ngàn người. Cuộc biểu tình biến thành phong trào đòi tự do tôn giáo và đòi lại đất đai với sự kết hợp của các thành phần tôn giáo khác và lan sang Đắc Lắc.
Hậu quả của cuộc biểu tình là hàng trăm người bị đánh đập, bị thương. Các cơ quan công quyền bị đập phá và hàng trăm người bị bắt giam cùng hàng ngàn người phải chạy sang Campuchia lánh nạn. Hơn 10 người bị cho là cầm đầu cuộc biểu tình này sau đó bị kêu án từ 6 đến 12 năm tù giam với các tội danh như “gây rối an ninh” và “tàng trữ vũ khí quân dụng”… Sau đó, chính phủ Việt Nam cũng bị chỉ trích là “đàn áp người dân tộc”.
Từ sau năm 1954, đạo Tin Lành phát triển đáng kể trong đồng bào thiểu số. Và sau năm 1999, với sự hậu thuẫn của Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ, số tín đồ càng tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều hệ phái Tin Lành tại đây luôn bị kiểm soát gắt gao với những cáo buộc “chia rẽ khối đoàn kết dân tộc”, “gây rối”, “đòi tự trị”…
Bị ép từ bỏ tín ngưỡng
Theo tin từ một số tín đồ theo đạo Tin Lành tại Tây Nguyên, nhiều đồng bào dân tộc miền núi bị ép bỏ đạo Dega và Mennonite. Mục sư Nguyễn Hồng Quang, cố vấn ban điều hành tổng giáo hạt Mennonite cho biết:
“Tôi vừa được một mục sư Tây Nguyên cho biết là chính quyền mời 20 nhân sự của Mennonite và Dega để buộc hai nhóm này bỏ đạo và cho những người khác chỉ trích hai hệ phái này là tà đạo và chống chính quyền”.
Hồi tháng Ba năm ngoái, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch cũng cho ra một bản báo cáo mà trong đó tổ chức này liệt kê từ báo chí Việt Nam khoảng 1 ngàn hộ gia đình tại Tây Nguyên đã bị kiểm điểm trước dân và từ bỏ đạo Tin Lành Dega. Theo tổ chức này, đây là ví dụ về việc “ép buộc từ bỏ tín ngưỡng”.
Có lẽ những mâu thuẫn giữa những người cầm quyền và tín đồ Tin Lành miền núi chưa bao giờ được giải quyết triệt để nên cứ vài năm lại có một cuộc biểu tình lớn tại khu vực này. Năm 2004, vào trung tuần tháng tư, một cuộc biểu tình khá lớn của người Thượng theo đạo Tin Lành diễn ra rãi rác tại các tỉnh vùng Tây Nguyên, chủ yếu tập trung ở Đắc Lắc, gây nên xung đột giữa chính quyền và lực lượng biểu tình.
Hồi năm ngoái, báo chí cả trong và ngoài nước lại hướng sự chú ý vào cuộc biểu tình của đồng bào miền núi tại Mường Nhé, Điện Biên. Sau sự việc này, hàng trăm người phải chạy sang Campuchia, Thái Lan hoặc trốn vào rừng sâu. Trong cuộc họp báo tại Hà Nội hôm thứ Năm 12-5 năm ngoái, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga nói với hãng thông tấn AFP rằng "có một số người quá khích đã bị bắt giữ để điều tra và sẽ chịu xử lý theo pháp luật".
Tôi vừa được một mục sư Tây Nguyên cho biết là chính quyền mời 20 nhân sự của Mennonite và Dega để buộc hai nhóm này bỏ đạo và cho những người khác chỉ trích hai hệ phái này là tà đạo và chống chính quyền.
MS. Nguyễn Hồng Quang
Chi tiết về sự việc này cho đến nay vẫn còn nhiều khuất tất vì khu vực này bị phong tỏa gắt gao và báo chí nước ngoài cũng không được tiếp cận khi sự việc xảy ra. Con số thương vong sau cuộc biểu tình cũng còn là một ẩn số. Phía Việt Nam cho biết chỉ có một em bé bị chết. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với đài RFA vào năm ngoái, một mục sư nắm tình hình cho biết có khoảng 28 người chết:
“Có 28 người chết, đó là những người chống lại chính quyền địa phương. Chống lại chính quyền địa phương thì bị đánh gãy chân, gãy tay, bị đánh chết. Những người không chống lại thì chính quyền đưa về điạ phương. Có bắt hơn 100 người đưa vào huyện để hỏi và cũng đã cho về.”
Một đảng chính trị muốn tồn tại nhất thiết phải có sự ủng hộ và tin tưởng của càng nhiều người càng tốt. Tuy nhiên, đã có nhiều cáo buộc của các hệ phái khác nhau của đạo Tin Lành cho thấy một mối quan hệ không tốt giữa họ với Đảng CSVN.
Hơn mười năm nay, Hội thánh Mennonite Tư gia hay còn gọi là Hội thánh Chuồng bò – đã bị sách nhiễu. Mục sư Nguyễn Hồng Quang, cố vấn Hội thánh cho biết:
“Từ năm 1999, chính quyền đã bắt đầu trấn áp (Hội thánh). Đến năm 2004 thì sang bằng hoàn toàn. Đến năm 2005, 2007, 2009… thì chính quyền đập phá. Đến cuối năm 2010 thì Hội thánh bị cưỡng đoạt hoàn toàn. Từ đó thì chính quyền vẫn áp lực đuổi khỏi Hội thánh chuồng bò. Còn Hội thánh chuyển về Bình Dương thì chính quyền cũng cắt điện”.
Năm 2004, sau khi Hội thánh Tư gia Mennonite bị phá sập, Mục sư Dương Kim Khải, là mục sư quản nhiệm Hội thánh, phải ở nhờ chuồng bò của một tín đồ ở Sài Gòn và thực hiện thờ phượng tại đây. Tên gọi Hội thánh Chuồng bò xuất hiện từ đó.
Thuận chính quyền thì tồn tại...
Cũng theo MS Nguyễn Hồng Quang, những ai có quan hệ với Hội thánh này thì đều bị cô lập và thẩm vấn, làm tình hình sinh hoạt tôn giáo của Hội thánh gặp nhiều khó khăn. Trong vòng hơn 10 năm qua, đã có nhiều mục sư, tín đồ và thân hữu của Hội thánh này bị sách nhiễu, bắt bớ và bỏ tù. Từ sau khi mục sư quản nhiệm Dương Kim Khải và 4 tín đồ Hội thánh bị bắt cùng các dân oan khác từ tháng 7 năm 2010, tình hình Hội thánh càng trở nên căng thẳng. Hiện tại, mục sư Dương Kim Khải đang chịu mức án 6 năm vì tội “Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật HSVN. MS Nguyễn Hồng Quang nói:
"Chính quyền rất ngại tôn giáo nên đầu tư để ủng hộ những tôn giáo nào không đe dọa sự lãnh đạo của Đảng. Và những tôn giáo nào không chịu nghe như Mennonite chúng tôi thì gặp khó khăn trăm bề. Người từ Bộ Công an nói với tôi rằng nếu vâng lời chính quyền như những mục sư khác thì may ra còn tồn tại. Nói chung là phải thuần phục chính quyền trong sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng CS. Và những tiêu cực của xã hội thì không được đụng đến như vấn đề dân oan, lương tâm, công lý…", ông nói thêm.
Ngoài đạo Tin Lành hệ phái Mennonite, Dega các hội hệ phái Tin Lành có tư cách pháp nhân tại những vùng xa như Phan Rang, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông… cũng thường xuyên gặp khó khăn với nhiều lý do, trong đó việc đe dọa đến sự lãnh đạo của Đảng CSVN.
Người từ Bộ Công an nói với tôi rằng nếu vâng lời chính quyền như những mục sư khác thì may ra còn tồn tại. Nói chung là phải thuần phục chính quyền trong sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng CS.
MS Nguyễn Hồng Quang
Sách nhiễu, gây khó khăn, thậm chí đàn áp… các nhóm tôn giáo không phục sự lãnh đạo của Đảng CSVN xuất phát từ việc dùng quyền lực để tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng. Xem ra, đây là một việc đi ngược lại tư tưởng Hồ Chí Minh – cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam. Lúc sinh thời, cố Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa từng đề cập đến vấn đề xây dựng đảng CS. Ông nói rằng “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Người theo đạo Tin Lành nói riêng và tín đồ của các tôn giáo khác nói chung vẫn có một niềm hy vọng rằng họ sẽ được tự do hành đạo mà không bị uốn nắn, dẫn dắt theo con đường mà đôi lúc không hợp với tín lý mà tôn giáo của họ đưa ra. Đây chính là điều có lẽ Đảng CSVN nên quan tâm để cải tạo và chỉnh đốn song song với việc chỉnh đốn tư cách đảng viên hiện đang được Đảng CSVN phát động.