Luật sư luôn được tạo điều kiện tham gia
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, khi trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội hôm 6/11, cho biết trong năm 2020, cơ quan điều tra đã cấp hơn 3.700 giấy chứng nhận bào chữa theo yêu cầu của bị can, tăng so với trước gần 2,5 % và gần 7.200 giấy chứng nhận bào chữa cấp theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Số liệu này được ghi nhận tăng hơn 17%.
Đại tướng Tô Lâm nhắc lại Bộ Công an đã ban hành Thông tư 46, quy định công an thực hiện theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 liên quan bảo đảm quyền bào chữa cho người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã người bị tạm giữ, bị can và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
Thực tế hoàn toàn trái ngược?
Luật sư Phạm Công Út, vào tối ngày 9/11, lên tiếng với RFA rằng ông ghi nhận Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 có những điều luật tiến bộ, nhưng trong thực tế chưa được khả thi.
Theo Bộ luật Hình sự 2015, có 6 nhóm đối tượng phải có luật sư nếu như họ yêu cầu. Đó là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bị giữ trong trường trường hợp khẩn cấp; người bị bắt; người bị tạm giữ; bị can và bị cáo.
Luật sư Phạm Công Út giải thích thêm tình hình liên quan trong thực tế ở Việt Nam:
“Ba chủ thể đầu tiên, tức là người bị tố giác hay những trường hợp khác mà tôi vừa mới trình bày như bị bắt gặp quả tang, hoặc bị nghi ngờ thì các trường hợp đó hầu như đều không có luật sư. Hoặc có luật sư thì họ từ chối rằng ‘chúng tôi chưa khởi tố, nên chúng tôi không thể đưa vào sổ công nhận sự bào chữa’. Đó là câu trả lời của hầu hết cơ quan công an, bao gồm công an điều tra và công an phường. Vấn đề thứ hai, đối với các loại tội phạm phải có luật sư khi họ yêu cầu hay đối với những tội phạm có những khung hình phạm thuộc loại rất nghiêm trọng cho tới đặc biệt nghiêm trọng. Trước đây đối với đặc biệt nghiêm trọng thì bắt buộc phải có luật sư, nhưng bây giờ sửa đổi lại là rất nghiêm trọng phải có luật sư. Tuy nhiên, có nhiều vụ án thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng thì bằng cách này hoặc cách khác dù người ta yêu cầu phải có luật sư một cách quyết liệt nhưng cuối cùng họ phải ký vào một cái đơn gọi là ‘từ chối luật sư’. Như vậy, có một áp lực nào đó mà ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm có biết hay không?”
<i>Chúng ta phải khẳng định một điều chắc chắn 100% là ngành công an, viện kiểm sát và tòa án của Nhà nước Cộng sản Việt Nam là công cụ của Đảng CSVN để cai trị đất nước Việt Nam. Bản thân Đảng CSVN cũng từng nói rằng tất cả các cơ quan đấy đều phục vụ cho quyền và lợi ích của Đảng. Trong điều kệ Đảng đã khẳng định điều này. Thế cho nên, những cái gì có lợi cho Đảng và chế độ thì họ làm thôi. Tức nhiên trong quá trình hội nhập quốc tế và trình độ dân trí ngày càng nâng cao thì đương nhiên là họ từng bước tiến hành cải cách, nhưng những cải cách đó không mang tính triệt để chỉ mang tính nửa vời<br/>-Luật sư Nguyễn Văn Đài</i>
Luật sư Nguyễn Văn Đài, trong cùng ngày 9/11, nêu lên quan điểm của ông rằng số liệu giấy chứng nhận bào chữa của bị can yêu cầu và được cấp tăng trong năm 2020 qua tuyên bố của Bộ trưởng Tô Lâm cần được hiểu là số người bị bắt giữ cùng số vụ án gia tăng ở Việt Nam, chứ thực tế không mang ý nghĩa chính xác như lời Bộ trưởng lý giải.
Bản thân là một nhân chứng cụ thể, luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết khi công an đến nhà đọc lệnh bắt giữ ông, hồi trung tuần tháng 12/2015, thì ông đã yêu cầu phải có luật sư bảo vệ cho mình. Tuy nhiên, công an và nhân viên của Viện Kiểm sát đã đưa ra văn bản kèm theo chữ ký của Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, ghi rõ vụ án “liên quan đến an ninh quốc gia” nên yêu cầu có luật sư bị bác bỏ.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết thêm trong suốt quá trình điều tra, ông đều yêu cầu phải có luật sư trong mỗi lần làm việc với an ninh. Thế nhưng, ông đều bị từ chối với lý do tương tự.
Vị luật sư nhân quyền bị Chính quyền Việt Nam tống xuất đến Đức tị nạn vào năm 2018, kể lại với RFA về diễn tiến của quá trình ông yêu cầu được có luật sư bào chữa:
“Thế thì đến khi kết thúc điều tra, họ vẫn tìm mọi cách trì hoãn để không cho luật sư của tôi tham gia. Cho đến khi hồ sơ của tôi được chuyển sang Viện Kiểm sát, vào một hôm trong lúc tôi chờ đợi gặp luật sư do gia đình cử vào nhưng đã không được gặp, thì tôi được gọi ra ngoài và họ nói rằng tôi được gặp luật sư. Khi gặp luật sư thì tôi được nghe ông nói rằng ông được Viện Kiểm sát chỉ định vì gia đình của tôi không thuê luật sư, do hồ sơ của tôi liên quan đến tội nghiêm trọng, cho nên đoàn luật sư đã cử ông. Vị luật sư này nhấn mạnh rằng khi Viện Kiểm sát gửi giấy về cho đoàn luật sư thì không có một luật sư nào dám nhận bào chữa cho tôi cả và do ông là bí thư của đoàn luật sư cũng như khi đọc hồ sơ của tôi thì ông cảm thấy hâm mộ tôi nên ông nhận bào chữa cho tôi.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận ra ông đã bị lừa. Lý do vì gia đình và các luật sư được gia đình ủy thác đại diện pháp lý cho ông đã nộp đơn đến Cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát nhưng đều bị làm ngơ. Và vị luật sư được chỉ định đại diện cho ông chính là người làm việc cho cơ quan an ninh, với mục đích thăm dò quan điểm về vụ án như thế nào vì từ khi có kết luận điều tra cho đến cáo trạng được thành lập thì ông đều giữ quyền im lặng và giữ quan điểm bào chữa cho đến khi gặp được luật sư.
“Khi vị luật sư gọi là làm việc cho an ninh này vào thì ông ta dùng những lời lẽ với mỹ từ rất hay. Khi đấy thì tôi bộc lộ ra những điều tôi mong muốn được bào chữa thế nào, quan điểm vụ án ra sao lúc trả lời câu hỏi của vị luật sư này. Và khi ra tòa thì tôi bị hớ vì tất cả những gì tôi chuẩn bị đều bị tòa án bóp méo. Tòa đã không hỏi và cũng không cho tôi cơ hội để nói những vấn đề mà mình đã chuẩn bị. Tức là, họ đã không cho luật sư của mình vào mà họ còn tìm cách lừa dối mình để làm lộ quan điểm bào chữa của mình trước đó để tìm cách đối phó với mình.”
Ngành tư pháp của Việt Nam đang bị thụt lùi
Nhận định về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tô Lâm trong phiên họp Quốc hội ngày 6/11, luật sư Nguyễn Văn Đài nhấn mạnh:
“Chúng ta phải khẳng định một điều chắc chắn 100% là ngành công an, viện kiểm sát và tòa án của Nhà nước Cộng sản Việt Nam là công cụ của Đảng CSVN để cai trị đất nước Việt Nam. Bản thân Đảng CSVN cũng từng nói rằng tất cả các cơ quan đấy đều phục vụ cho quyền và lợi ích của Đảng. Trong điều lệ Đảng đã khẳng định điều này. Thế cho nên, những cái gì có lợi cho Đảng và chế độ thì họ làm thôi. Tức nhiên trong quá trình hội nhập quốc tế và trình độ dân trí ngày càng nâng cao thì đương nhiên là họ từng bước tiến hành cải cách, nhưng những cải cách đó không mang tính triệt để, chỉ nửa vời.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng dưới sức ép của người dân và giới luật sư ở trong nước thì Chính quyền Việt Nam cũng buộc phải cải cách, nhưng không theo đúng chuẩn mực quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
Đồng quan điểm, luật sư Phạm Công Út cho rằng ngành tư pháp đang lạm dụng về vấn đề luật pháp. Điển hình rõ ràng nhất là những vụ án bị quy tội “gây rối trật tự công cộng”, không có liên quan gì đến “xâm phạm an ninh quốc gia”, nhưng lại bị ghép vào “vụ án chính trị” thì luật sư tham gia trong quá trình điều tra cũng bị từ chối.
<i>Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp với tầm nhìn đến năm 2020 thì coi như đã hoàn tất chương trình 15 năm cải cách tư pháp. Thế thì tôi coi như đã chưa cải cách tư pháp được mà đang đi thụt lùi. Một sự thụt lùi về vấn đề tư pháp<br/>-Luật sư Phạm Công Út</i>
Đài RFA ghi nhận qua vụ án Đồng Tâm, một vụ án được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm, luật sư Ngô Anh Tuấn cũng từng phản ánh với RFA về những khó khăn của các luật sư trong việc tiếp cận thân chủ và hồ sơ vụ án trong quá trình điều tra. Bên cạnh đó, thời gian họ được tiếp xúc và nghiên cứu hồ sơ vụ án cũng bị hạn chế vì cận kề ngày phiên tòa sơ thẩm được mở ra.
Một trường hợp điển hình mới đây nhất, luật sư Hà Huy Sơn, vào ngày 5/11 nói với RFA rằng ông đã được gặp thân chủ của mình là ông Trần Đức Thạch tại trại tạm giam tỉnh Nghệ An. Đây là lần đầu tiên sau khi kết thúc giai đoạn điều tra, tuy nhiên luật sư Hà Huy Sơn không được quyền sao chụp hồ sơ vụ án để làm căn cứ bào chữa mà chỉ được viết lại.
Nhà thơ Trần Đức Thạch là một nhà hoạt động nhân quyền, thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, bị bắt hồi tháng 4/2020 với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 109 Bộ luật hình sự 2015.
Luật sư Phạm Công Út cho rằng ngành tư pháp Việt Nam đang bị thụt lùi, không giống như những lời tuyên bố của Đại tướng Tô Lâm trước Quốc hội:"Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp với tầm nhìn đến năm 2020 thì coi như đã hoàn tất chương trình 15 năm cải cách tư pháp. Thế thì tôi coi như đã chưa cải cách tư pháp được mà đang đi thụt lùi. Một sự thụt lùi về vấn đề tư pháp".