Thiếu tính chuyên nghiệp
Phiên họp thứ nhất của ủy ban thường vụ quốc hội khóa 13 diễn ra hôm thứ hai, 22 tháng 8 vừa qua tại Hà Nội để thảo luận về chủ trương xây dựng việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan lập pháp này.
Phiên thảo luận được trực tiếp truyền hình và báo chí tường thuật với đầy đủ chi tiết cùng hình ảnh.
Dịp này, bà Nguyễn Thị Doan, phó Chủ tịch nước tuyên bố rằng, trong buổi thảo luận mới đây về tình hình kinh tế, xã hội, nhiều đại biểu viết sẵn bài thuyết trình của mình, nên có nhiều nội dung trùng lặp, chưa đi vào trọng điểm, không phù hợp với thực tế. Theo bà Doan thì nếu cứ để tình trạng đó kéo dài mãi thì sẽ mất thời gian một cách vô ích và khiến các cử tri “đánh giá thấp” trình độ đại biểu quốc hội là những người được dân tin cậy, bầu chọn.
Một thí dụ được bà Doan nhắc tới là có đại biểu quốc hội khi nhận định về tình trạng lạm phát tại Việt Nam lại mang chuyện so sánh giá rau muống ở nước ngoài với giá tại Việt Nam.
Mặt khác, đối với thông tin liên quan đến tư cách của một nữ đại biểu quốc hội, mà báo giới đề cập đến thời gian gần đây, Chủ tịch Hội đồng Sắc tộc K'sor Phước đề nghị ủy ban thường vụ quốc hội giao cho Ban Công tác đại biểu thẩm tra lại trường hợp này rồi công khai báo cáo kết quả cho dân được biết rõ.
Góp ý với RFA về chuyện đại biểu quốc hội "nói dai, nói dài, nói dại" đại biểu quốc hội của Đồng Nai, sử gia Dương Trung Quốc nhấn mạnh:
Tỷ lệ đại biểu quốc hội không chuyên trách, tức tính chuyên nghiệp không cao rất đông, cho nên khi cơ chế phải chấp nhận thành phần như thế thì tôi cho là không tránh khỏi.
ĐBQH Dương Trung Quốc
“Cách phát biểu của bà Phó Chủ tịch nước, ở Việt Nam gọi là phê bình nhẹ, tôi cũng rất chia sẻ vì là người hoạt động trong quốc hội ba nhiệm kỳ rồi. Nhiệm kỳ đầu thì bao giờ cũng có những sự chập chững đấy, dẫu sao diễn đàn quốc hội cũng là một công tác mới mẻ đối với rất nhiều vị, có những cương vị khác nhau trong đời sống xã hội, nay ra nói trước bàn dân thiên hạ nghe.
Những sự nhắc nhở nhau như lời bà Phó Chủ tịch nước là cần thiết, nhưng tôi nghĩ rằng đứng về nguyên lý, quốc gia nào cũng vậy thôi, có những đặc thù riêng, thì những chính khách phải dần dần chuyên nghiệp hóa đi, thể hiện được nâng lực trong tính đại diện của mình. Tôi không bình luận về những người trong nhiệm kỳ với mình, nhưng cá nhân tôi thì cho rằng trước diễn đàn như thường vụ quốc hội mà bà Phó Chủ tịch nước nói năng như thế là một cách rất thẳng thắn, là điều tốt.”
Đại biểu Dương Trung Quốc trình bày tiếp về kỳ vọng của mình đối với quốc hội:
“Dẫu sao đi nữa thì chúng ta cũng muốn hướng đến giá trị phổ quát chung, bởi vậy ngay từ trong cơ chế của quốc hội Việt Nam, tỷ lệ đại biểu quốc hội không chuyên trách, tức tính chuyên nghiệp không cao rất đông, cho nên khi cơ chế phải chấp nhận thành phần như thế thì tôi cho là không tránh khỏi.
Tôi thấy quốc hội Việt Nam đang cố gắng nâng cao tính chuyên nghiệp của mình, nâng cao thành phần đại biểu chuyên trách, tìm nhiều phương thức, kể cả sự hỗ trợ của các quốc gia Phương Tây, trong việc nâng cao kỹ năng của các đại biểu dân cử, đó là quá trình phải trải qua, về mặt chính trị đó là việc hiện còn tồn ở Việt Nam thì là chuyện khó tránh khỏi.”
Mang nặng hình thức
Qua câu chuyện với RFA, từ Hà Nội, nhà báo độc lập Dương Thị Xuân nói lên cảm tưởng của mình:
“Hiện nay đời sống của người dân Việt Nam, mức sống xuống thấp, chất lượng giảm sút, vì đồng tiền mất giá, hôm nay đi chợ, tôi mua thịt, 110 nghìn một kí, ngày mai lên 120, 130 nghìn rồi, hỏi thì người ta bảo' mua đắt thì phải bán đắt, chứ có muốn bán đắt cho chị đâu'. Đối với đồng lương của người công chức nghèo ở Việt Nam, theo thống kê lương trung bình là 4 triệu đồng, một năm lương là 48 triệu.
Muốn mua một căn hộ vừa tiền, vừa diện tích để ở, thì phải chờ mấy chục năm, nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn đủ mọi thứ thì may ra mới mua được một căn hộ chục mét vuông. Giá đất ở Hà Nội lên đến hai mươi mấy triệu một mét vuông, lương công chức nghèo làm sao mà đủ tiền để trang trải chi phí hàng ngày.”
Chị Xuân cũng đặt vấn đề trực tiếp với các đại biểu quốc hội:
“Các ông bà ấy có tiêu chuẩn riêng, được bao cấp, vào được nghị trường thì có chỗ ăn, chỗ nói, nên chỉ bàn những chuyện ‘trên mây, trên gió thôi’. Về đời sống người dân thì các ông bà nên xuống với thực tế cùng đi chợ với người dân để biết cuộc sống của người dân.”
Theo bà thì các đại biểu quốc hội cần phải mạnh mẽ nói lên nguyện vọng của người dân:
“Người dân Việt Nam không có quyền gì, không có được tiếng nói. Phản đối kẻ xâm lược nước mình, bắn giết dân mình lại còn bị công an Việt Nam ngăn chặn. Tôi không yêu cầu họ điều gì cao cả, họ chỉ sống đúng với thực tế của đất nước, mang trọng trách là đại biểu cho dân, hãy dũng cảm đứng lên bảo vệ Tổ quốc, bởi vì còn Đất nước thì còn tất cả, mất Tổ quốc không còn gì hết.”
Một nhà nông vùng đồng bằng sông Cửu Long, ông Tuấn Minh thì nói người dân đành phải ngậm miệng, chứ không muốn bày tỏ hay phản ứng gì:
“Thật sự thì họ chấp nhận chứ không tin tưởng gì, họ còn do dự lắm, cái đường lối khác với lời nói, bây giờ dân có nhiều khó khăn, nhưng cũng có một số phát triển được là nhờ dựa hơi chánh quyền, lấy thế nhờ chánh quyền, chứ không cậy thế thì làm ăn khó lắm.”
Về đời sống người dân thì các ông bà nên xuống với thực tế cùng đi chợ với người dân để biết cuộc sống của người dân.
Nhà báo tự do Dương Thị Xuân
Ông giải thích thêm vì sao người dân không tin tưởng vào nhà nước:
“Không có đâu, bên trong họ còn ngăn cách, hận thù, bên ngoài thì nói khác, người dân bé miệng thì làm thinh, nói khác còn thực hành là khác, hai chuyện đó không đi đôi. Dân nghèo thì chịu khổ, còn người dựa dù ô thì mới phát triển được. Quốc hội thì nói trên giấy tờ thôi, sự thật chưa thành luật lệ nào, luật lệ để bảo vệ nhà nước xã hội chủ nghĩa chứ không bảo vệ cho toàn dân.”
Dư luận hy vọng rằng lời phê bình các đại biểu quốc hội sẽ được tiếp thu, chấn chỉnh kịp thời để quốc hội làm tròn trọng trách là cơ quan quyền lực cao nhất nước để phục vụ người dân đúng với sự kỳ vọng và tạo được sự tin cậy của họ.