Tăng thẩm quyền điều tra hình sự cho công an xã có làm tăng oan sai?

0:00 / 0:00

"Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 đề xuất tăng thẩm quyền cho công an xã trong hoạt động điều tra hình sự, nhưng nhiều ý kiến còn băn khoăn", là nguyên văn bản tin ngắn được truyền thông trong nước loan đi ngày 17/8.

Đề xuất mới nhất này chỉ được truyền thông trong nước loan đi mà không có thêm chi tiết, lại khiến dư luận một lần nữa băn khoăn như lúc có Thông Tư của Bộ Công An qui định cảnh sát giao thông được huy động phương tiện của dân ngày 19/6/2020 vừa qua.

Khi đó nhiều người đã nêu câu hỏi là cảnh sát giao thông được quyền huy động phương tiện của dân trong khuôn khổ nào mới gọi là đúng, và bây giờ công an xã được tăng thẩm quyền điều tra hình sự trong mức độ nào và tại sao lại còn băn khoăn…?

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội Việt Nam, cho rằng có 2 vấn đề cần giải thích. Thứ nhất là trang bị thêm cho công an xã quyền hạn và phương tiện điều tra cần thiết đối với các vụ án hình sự ở địa phương:

"Điều tra hình sự, thu thập chứng cứ, lập biên bản hiện trường, giữ lại hiện trường…Cách làm như thế sau này khi kết luận điều tra thì phải có sự thẩm định trở lại của công an huyện hoặc có sự giám sát của Viện Kiểm Sát hay Công Tố thì mới coi được. Chuyện này cho thấy những tội phạm như ăn cắp, đánh lộn, gây rối trận tự ở địa phương, theo cách gọi trước đây là tiểu hình, phải đưa lên huyện hết thì nó dồn ứ trên đó không cần thiết".

"Theo luật thì điều tra phải có biên bản, phải có thu hình. Để tránh ép cung , mớm cung thì phải làm như thế, nếu không làm thì có khi cuộc điều tra không chính xác, thẩm tra thẩn định lại khó"

Cái băn khoăn là đưa người được đào tạo về nhưng chưa lấp kín được, còn nếu bộ máy không hoàn chỉnh thì có khi chủ quan và không được kiểm tra sẽ dẫn đường cho những tiền đề oan sai sau này - LS. Trần Quốc Thuận

Thứ hai, vẫn lời luật sư Trần Quốc Thuận, điều nay thể hiện chủ trương mới là nâng cấp đơn vị chấp pháp thấp nhất tính từ dưới lên:

"Chủ trướng mới là công an xã được đào tạo chuyên môn. Trước kia người được đào tạo chính qui thì về Trung Ương, về Bộ, về các Tổng Cực, Cục, về công an cấp tỉnh trực thuộc hành phố. Bây giờ người ta muốn đưa số công an đó về dưới xã. Vừa qua nếu theo dõi thì thấy có giải thể khá nhiều Tổng Cực, như vậy số dư dôi được đào tạo chính qui đó sẽ được đưa về dưới xã".

"Cái băn khoăn là đưa người được đào tạo về nhưng chưa lấp kín được, còn nếu bộ máy không hoàn chỉnh thì có khi chủ quan và không được kiểm tra sẽ dẫn đường cho những tiền đề oan sai sau này".

Băn khoăn hay không thì sớm muộn đề xuất tăng thẩm quyền điều tra hình sự cho công an xã cũng sẽ được chấp thuận, cái chính là phải chờ xem đề xuất được thực hiện như thế nào trên những đối tượng nào, là ý kiến của blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải.

Vẫn theo cựu tù nhân lương tâm này, đã có những trường hợp công an xã chỉ có trình độ tiểu học, với trình độ đó thì sự hiểu biết của họ về pháp luật, về Hiến Pháp hoặc về quyền con người rất nông cạn. Những vụ việc đã qua như sự lộng hành, bắt người vô cớ, chặn đường bắt người rồi đưa về trụ sở công an xã, thậm chí có người đã chết trong quá trình tạm giam để điều tra, chứng tỏ trao thêm quyền hành cho công an xã khiến họ vi phạm quyền công dân nhiều hơn:

"Các cơ quan điều tra chính thức và có thẩm quyền hiện cũng không có được sự giám sát từ Viện Kiểm Sát hay những cơ quan giám sát độc lập như Quốc hội. Ngay cả camera trong các phòng điều tra cũng không được đặt thì nói gì đến những trụ sở của các công an xã. Ở đó những phương tiện những thiết bị nó kém, trình độ quản lý và trình độ xử lý công việc cũng kém thì làm sao mà bảo đảm được quyền công dân. Khi những người thiếu khả năng, thiếu trách nhiệm như công an xã mà được tăng quyền thì rất nguy hiểm".

Đây cũng là băn khoăn của bác sĩ quân ý Đinh Đức Long, được gọi là trung tá, tiến sĩ bỏ đảng, ít nhiều có phần khác hơn:

"Thứ nhất tăng thẩm quyền như thế nào, cụ thể tăng cái gì? Thứ hai là tại sao bây giờ tăng mà trước kia không tăng? Tôi cũng nghĩ bây giờ công an xã là công an chính qui được bổ sung. Tức là có đề án tái cơ cấu từ năm ngoái, là công an chính qui tốt nghiệp đại học xuống làm trưởng công an xã chứ không phải như ngày xưa công an xã nhiều khi là văn hóa thấp và nhiều khi không được đào tạo bài bản cho nên dễ xảy ra hiện tượng kém, nhầm lẫn, lộng hành trong công vụ. Thứ ba, công an xã thường là người địa phương, có thể có méo mó tình cảm chẳng hạn người nhà và họ hàng thì thì bênh vực, còn người ghét thì chụp cho cái tội gì đó. Những chuyện đấy thì công an xã là có".

Khi được tái cơ cấu thành chính qui, ông Đinh Đức Long nói ông hy vọng không chỉ công an xã mà cả ngành Công An sẽ được nhìn với con mắt nể nang hơn:

"Cụ thể sửa đổi cái gì thì đang trong quá trình thảo luận và chắc họ phải lấy ý kiến các ban, ngành, đoàn thể, rồi các nhà làm luật pháp nữa. Còn về mặt lý tôi thấy họ có cơ sở để tăng thẩm quyền, là trình độ phải nâng cao lên, và người không phải là người địa phương để tính khách quan nó tốt hơn. Còn tăng đến đâu cụ thể mình phải có văn bản mình mới đánh giá được".

Hình minh hoạ. Công an dẫn giải người nghiện từ xe xuống sau khi những người này trốn trại cai nghiện ở Đồng Nai hôm 24/10/2016
Hình minh hoạ. Công an dẫn giải người nghiện từ xe xuống sau khi những người này trốn trại cai nghiện ở Đồng Nai hôm 24/10/2016 (AFP)

Nhà báo Lê Phú Khải, cựu phóng viên VOV Đài Tiếng Nói Việt Nam, đưa ra nhận xét:

"Bản thân tôi là một ví dụ này, khi tôi đi thi đại học là công an xã có quyền phê lý lịch cho tôi. Họ không biết gì cả, chỉ thấy ông nội tôi nói tiếng Pháp liền phê ngay gia đình tôi là tư sản và tôi không được đỗ đại học. Mãi sau nhờ thế lực khác tôi mới được vào Đại Học".

“Công an xã có học hành gì đâu, chỉ là giữ trật tự an ninh thôi, mà tăng thẩm quyền cho những người ít học như thế chẳng qua là tăng cường sự đàn áp, tăng cường quyền hành cho nhân dân khiếp sợ. Cái đó chỉ nói lên là khi mà mất lòng dân thì phải làm như thế thôi”.

Kể từ năm ngoài Bộ Công An Việt Nam đã loan báo nhiều chương trình cải cách nghe thật hay nhưng không khéo có thể khiến người dân nghĩ chế độ ngày càng tiến dần đến công an trị, là nhận định của nhà báo độc lập, cưu tù nhân lương tâm Điếu Cày:

"Thời gian gần đây thẩm quyền của công an được tăng rất nhiều, ngành Công An gần như đề xuất mọi chính sách. Quốc Hội là nơi ban hành Luật nhưng Công An là nơi soạn thảo Luật . Ví dụ Luật Quản Lý Các Nhà Tù và Luật Thi Hành Án Hình Sự cũng do Công An soạn thảo. Gần đây nhất là Luật Biểu Tình cũng thế, Quốc Hội yêu cầu bên Công An soạn thảo. Đề xuất tăng quyền cho công an xã hay mới đây nhất là việc cảnh sát giao thông có thể trưng dụng tài sản của công dân, cũng là những Thông Tư, Nghị Định mà ngành Công An vận động trong mục đích tăng cường quyền lực của họ trên chính trường Việt Nam".

Tại buổi hội thảo nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập lực lượng Công An Nhân Dân, diễn ra hôm 30/7 vừa qua, Đại tướng Tô Lâm, trong cương vị Bộ trưởng Bộ Công An, đã ca ngợi và được báo chí trích dẫn lại rằng công an là thanh bảo kiếm sắc bén của Đảng, của chế độ, rằng các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Công An Nhân Dân luôn ghi nhớ, khắc sâu trong trái tim về hoài bão ý tưởng cao đẹp “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi”, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui của mình”.

Theo nhà báo Lê Phú Khải, nếu tăng thẩm quyền cho công an xã để lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui của mình thì công an không cần phải là “thanh bảo kiếm sắc bén của đảng”.