Các cường quốc can dự vào lưu vực Mekong

0:00 / 0:00

Hoa Kỳ

Cường quốc đầu tiên ý thức được tầm quan trọng chiến lược của lưu vực sông Mekong là Hoa Kỳ. Ngay từ những năm 1950, nước Mỹ đã có những ý định xây dựng và phát triển vùng hạ lưu con sông này, nay gọi là Tiểu vùng Mekong, trở nên phồn thịnh để chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản từ Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam.

Vào năm 1967, Tổng thống Hoa Kỳ là Lyndon Johnson chọn ông David Lilienthal làm người điều phối các kế hoạch thủy lợi và thủy điện ở vùng hạ lưu Mekong nhằm lôi kéo nông dân các quốc gia Lào, Cam Pu Chia, và miền Nam Việt Nam khỏi ảnh hưởng của các đội quân cộng sản tại Đông Dương.

Năm 1975, cuộc chiến chống cộng sản của người Mỹ tại Đông Dương bị thất bại. Nước Mỹ rút ra khỏi khu vực này đến hàng chục năm sau mới quay lại với Sáng kiến tiểu vùng Mekong, do bà Ngoại trưởng lúc đó Hillary Clinton đưa ra vào năm 2009. Đây là một chương trình phát triển toàn diện bao gồm cả giáo dục và y tế nhằm giúp cư dân trong vùng.

Khi chính phủ Mỹ bỏ một số tiền khá lớn vào vùng sông Mekong là họ cũng tìm cách gây lại mối thân thiện với người dân trong vùng.<br/>-Kỹ sư Phạm Phan Long.

Vào năm 2013, kỹ sư Phạm Phan Long, một chuyên gia về môi trường sống tại Mỹ có nói về mục đích chính trị của sáng kiến mà bà Clinton đưa ra:

"Tôi nghĩ cái gì cũng có tính chính trị cả. Khi chính phủ Mỹ bỏ một số tiền khá lớn vào vùng sông Mekong là họ cũng tìm cách gây lại mối thân thiện với người dân trong vùng."

Đây cũng là giai đoạn người ta bắt đầu nói đến sự trở lại của người Mỹ tại khu vực Đông Nam Á, cân bằng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, có một tham vọng thống lĩnh khu vực. Vài tháng sau khi đưa ra Sáng kiến Tiểu vùng Mekong, bà Clinton đã làm cho Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc nổi giận, khi tuyên bố ở Hà Nội rằng nước Mỹ có quyền lợi tại Biển Đông.

Tuy nhiên Sáng kiến tiểu vùng Mekong của người Mỹ chưa được tiến hành bao nhiêu vì nhiều lý do khác nhau, và trong hai năm gần đây với chính sách khác hẳn những chính quyền trước của chính quyền Trump, người ta không nghe nói tới Sáng kiến Tiểu vùng Mekong nữa.

Nhưng có lẽ thấy rằng đây là một bước lùi vô cùng bất lợi ở địa bàn địa chính trị quan trọng này, vào cuối năm 2018, Quốc hội Mỹ đưa ra một đạo luật tên là Trấn an châu Á (ARIA) được Tổng thống Donald Trump thông qua.

ARIA lại đề cập đến Sáng kiến Tiểu vùng Mekong được đưa ra trước đây, và khẳng định lại những cam kết của nước Mỹ với cư dân vùng này.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt cho chúng tôi biết đánh giá của ông về sự trở lại này:

" Thứ nhất là an ninh trên Biển Đông, thứ hai là trên sông Mekong. Đặc biệt là trên sông Mekong, vì Biển Đông thì có nhiều cường quốc, nhưng vùng sông Mekong thì không có cường quốc nào cả ."

Nhật Bản

Là một cường quốc kinh tế của thế giới, nhưng bị bó buộc bởi bản hiến pháp chống chiến tranh, Nhật Bản rất e ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Và như thế, Tokyo tìm cách gây ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Nam Á nhằm đối trọng lại với Trung Quốc.

Ngay khi Sáng kiến tiểu vùng Mekong được đưa ra, Nhật Bản cùng một số quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Úc,… cam kết sẽ là đối tác của sáng kiến này qua những việc như giúp đỡ về phát triển, đầu tư vốn,…

Cố gắng của Nhật Bản tại vùng sông Mekong, được Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia về quan hệ quốc tế làm việc ở Singapore đánh giá là nằm trong một thế trận rộng lớn hơn mà Nhật Bản giương ra để đối trọng với Bắc Kinh. Ông nói với RFA:

Nhật Hoàng Akihito (trái) bắt tay Thủ tưowsng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, tại một thưởng đỉnh Nhật Mekong, tổ chức tại Nhật, 10/2018.
Nhật Hoàng Akihito (trái) bắt tay Thủ tưowsng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, tại một thưởng đỉnh Nhật Mekong, tổ chức tại Nhật, 10/2018. (AFP)

" Theo tôi thì người Nhật có một chiến lược gọi là hợp tung liên hoành như thời xưa vậy. Chiều dọc họ có quan hệ với Úc và Philippines, còn trục hoành thì Nhật rất coi trọng hợp tác với Ấn độ và các nước tiểu vùng Mekong trong đó có Việt nam. "

Đánh dấu 10 năm Sáng kiến Tiểu vùng Mekong được đưa ra, Bộ Ngoại giao Nhật quyết định chọn năm 2019 là năm sẽ tổ chức nhiều sự kiện trong một chương trình được gọi là Năm Mekong Nhật Bản. Nhiều cuộc gặp gỡ giữa Nhật Bản với các quốc gia sông Mekong, giữa các tổ chức phi chính phủ hai bên sẽ được tổ chức.

Trung Quốc

Cường quốc đang xâm nhập mạnh mẽ nhất, có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tại tiểu vùng Mekong hiện nay là Trung Quốc.

Vốn cũng là một quốc gia Mekong trên thượng nguồn, Bắc Kinh đã xây hàng loạt đập nước tại tỉnh Vân Nam của họ, làm ảnh hưởng rất lớn đến các nước hạ nguồn trong đó có Việt Nam.

Vào năm 2016 vùng Đồng bằng Cửu Long của Việt Nam chứng kiến một trận hạn hán lịch sử, mà nguyên nhân của nó có một phần là do các con đập thượng nguồn của Trung Quốc không cho nước chảy về hạ lưu.

Ngoài các con đập trong lãnh thổ của mình, người Trung Quốc cũng đầu tư rất nhiều tiền của vào các cơ sở hạ tầng như đường sá, hải cảng, các dự án thương mại,… nhằm gây ảnh hưởng lên các quốc gia Đông Nam Á lục địa trong lưu vực Mekong.

Từ thái độ cứng rắn không tham gia vào các định chế có sẵn tại khu vực này như Ủy ban Sông Mekong, Bắc Kinh tiến tới thiết lập định chế do họ nghĩ ra, đó là tổ chức Lan Thương Mekong với tên đoạn sông Mekong chảy qua lãnh thổ Trung Quốc.

Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, làm việc tại Trung tâm biến đổi khí hậu tại Cần Thơ, Trung Quốc bắt đầu tài trợ cho các dự án, tổ chức các cuộc hội thảo vè sông Mekong, nhằm gây ảnh hưởng lên khu vực này, khu vực được xem là trọng điểm trong đại dự án Vành đai con đường của họ từ Thái Bình Dương sang tận châu Phi và châu Âu.

Ngược lại với thái độ tích cực của các quốc gia tiểu vùng Mekong đối với sáng kiến của Mỹ và Nhật Bản, sự can dự của Trung Quốc vào khu vực này gây ra nhiều sự e dè.

Nhật báo Thái Lan Bangkok Post số ra ngày 11/3/2019 nêu ra nhiều ý kiến nghi ngại về sự không minh bạch trong quan hệ giữa chính phủ Thái vớiTrung Quốc trong việc cam kết hủy bỏ dự án phá thác trên sông Mekong.

Việt Nam đã có nhiều cố gắng cùng với Ủy hội sông Mekong, hoặc là hoan nghênh các sáng kiến về Tiểu vùng Sông Mekong, nhằm hạn chế những ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc.<br/>-Bà Phạm Chi Lan.

Dự án này nếu được thực hiện sẽ phá bỏ các ghềnh thác trên sông Mekong trong khu vực chảy qua Lào và Thái Lan, nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho giao thông đường thủy giữa Trung Quốc và các quốc gia hạ lưu Mekong. Nhưng dự án bị chỉ trích rất nhiều vì tiềm ẩn ảnh hưởng tai hại đến môi trường.

Các nhà quan sát, giới trí thức Việt Nam cũng rất lo ngại sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại vùng sông Mekong. Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế từ Hà Nội nói với RFA:

"Tôi nghĩ là cái ý thức biết lo giữ gìn sự tự chủ về kinh tế không lệ thuộc vào Trung Quốc thì người Việt Nam đã có nhiều. Vì vậy Việt Nam đã có nhiều cố gắng cùng với Ủy hội sông Mekong, hoặc là hoan nghênh các sáng kiến về Tiểu vùng Sông Mekong, nhằm hạn chế những ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc."

Bên cạnh đó cũng có những ý kiến khác nhau về mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực tiểu vùng Mekong. Theo ông Lê Hồng Hiệp thì nếu so sánh với Biển Đông thì vùng sông Mekong không có mức độ căng thẳng vì không có sự xung đột chủ quyền giữa các nước này với Trung Quốc ở đây.

Ngoài ra trong khung cảnh các định chế mà Bắc Kinh có tham gia như Lan Thương Mekong, Trung Quốc cũng có thể có hành xử có trách nhiệm hơn trong việc giảm tác động xấu của mình với tư cách một quốc gia thượng nguồn.

Nhưng cho đến hiện nay Trung Quốc vẫn không tham gia vào Ủy hội sông Mekong, nơi mà những quyết định phải được chuẩn thuận một cách đa phương.

Một nhà nghiên cứu khác là ông Jeremy Luedi, của cơ quan Ngiên cứu rủi ro toàn cầu, lại cho rằng sự xâm nhập của Trung Quốc dọc sông Mekong tiềm ẩn những xung đột lớn. Ông đưa ra một ví dụ là Trung Quốc đã bỏ ra một số tiền rất lớn thực hiện một bộ phim tuyên truyền về sức mạnh của họ, mang tên Chiến dịch Mekong (The Mekong Operation). Bộ phim này dựa trên một câu chuyện có thật là những người Trung Quốc đi buôn bán trên sông Mekong ở các nước Đông Nam Á bị sát hại và bắt bớ. Bộ phim kể lại là Trung Quốc phái những đội biệt kích đến để giải cứu những người này mà không cần đến quân đội của các nước sở tại.