Tìm hiểu về nguyên nhân và thực trạng, Vũ Hoàng có bài tổng hợp sau đây.
Theo công bố mới đây của hãng tư vấn quốc tế danh tiếng A.T.Kearney Hoa Kỳ xếp hạng về chỉ số thường niên thịtrường bán lẻ toàn cầu (GRDI), Việt Nam đã không còn nằm trong số 30 thị trường sôi động nhất thế giới. Đây là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam bị tụt hạng trong danh sách này. Còn nhớ năm 2008, Việt Nam đứng đầu danh sách nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, chính sách đầu tư thu hút được nhiều đối tác nước ngoài, cũng như nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng trong nước về các hình thức bán lẻ hiện đại.
Chỉ số GRDI của hãng A.T.Kearney ra đời từ năm 2002, dựa trên 25 biến số bao gồm mức độ rủi ro kinh tế, chính trị của mỗi quốc gia, sức hấp dẫn thị trường bán lẻ, độ bão hòa của thị trường bán lẻ trong nước, cũng như tốc độ tăng trưởng doanh thu từ thị trường này.
Sự tụt hạng liên tục trong bảng xếp hạng cũng đồng nghĩa với sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam xuống dốc. Thực trạng này được các chuyên gia đánh giá là bắt nguồn từ cả yếu tố khách quan và chủ quan; trong đó, yếu tố khách quan là các hạn chế từ chính sách điều tiết vĩ mô như lãi suất, xuất nhập khẩu, hàng hóa sản xuất ứ đọng, sức mua của nền kinh tế suy giảm, đẩy các doanh nghiệp bán lẻ vào cảnh điêu đứng; trong khi yếu tố chủ quan được chỉ ra là do sự yếu kém của chính hệ thống siêu thị và của các doanh nghiệp phân phối bán lẻ Việt Nam.
Thiếu chiến lược dài hạn
Từ góc độ các nhà phân phối bán lẻ, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội trong lần trả lời báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp cho rằng phần lớn hệ thống siêu thị và các doanh nghiệp phân phối bán lẻ của Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ, vốn thấp, khả năng quản trị yếu kém. Tuy nhiên quan trọng nhất, ông Phú cho rằng chưa có quy hoạch tổng thể kết nối hệ thống phân phối với hệ thống sản xuất, và ông ví von doanh nghiệp phân phối bán lẻ Việt Nam cũng giống “người đeo kính râm đi trong bóng tối,” các doanh nghiệp làm ăn chộp giật, nhất thời, thiếu một chiến lược dài hạn.
Có lẽ chuyện làm ăn chộp giật, phá giá và thiếu đoàn kết vẫn được xem là “văn hóa” làm ăn của người Việt từ bấy lâu. Liên hệ với một chủ cửa hàng phân phối điện máy tại Hà Nội, chị Mai Anh cho chúng tôi biết tình hình kinh doanh thời điểm gần đây:
“Trong vài năm gần đây trong lĩnh vực điện máy, ngoài những cửa hàng nhỏ ra thì còn có rất nhiều siêu thị điện máy lớn mở ra, rất cạnh tranh về giá cả, nhiều khi phá giá, rồi những ngày vàng, phải nói thật là nhiều khi mọi người giành giật khách của nhau. Ngay cả những người bán hàng nhiều khi không chú ý đến lợi nhuận, mà nhiều khi họ chỉ cố làm sao kéo được khách về.
Nếu làm như vậy, chỉ có lợi ích ngắn hạn thôi vì khách hàng dần dần có sự lựa chọn, họ tìm đến nguồn gốc sản phẩm, bảo hành thật là tốt nữa. Cạnh tranh mà thiếu lành mạnh như thế thì sẽ dẫn đến thua lỗ và trong thời gian tới, tôi nghĩ sẽ có nhiều doanh nghiệp khó khăn và phá sản.”
Sức mua giảm, hàng hóa ứ đọng
Các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam, cứ lúc đầu thì vui vẻ nhưng sau đấy không có sự đoàn kết, người ta nói “buôn có phường, bán có bạn” nhưng mà thường thì rất là khó.
Thiếu đoàn kết, thiếu cạnh tranh lành mạnh cộng với không có phương pháp đổi mới mà nhiều nhà phân phối, bán lẻ Việt Nam đang dần mất vị thế của mình trong nền kinh tế. Trao đổi với chúng tôi, TS Ngô Trí Long, một chuyên viên cấp cao nhiều năm làm việc trong lĩnh vực thị trường giá cả nhận xét:
“Thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện nay trên thực tế sức mua giảm, điều quan trọng là các doanh nghiệp chưa có phương thức đổi mới để phát triển thị trường bán lẻ, cho nên hiện nay đang dần mất vị thế của mình trong hoạt động kinh tế. Một trong những vấn đề tồn tại lớn nhất hiện nay là tiêu thụ hàng hóa, hàng hóa rất ứ đọng.”
TS Ngô Trí Long
Vấn đề hàng hóa ứ đọng, không tiêu thụ đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm nay, trong số khoảng 70,000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động thì doanh nghiệp thuộc ngành bán lẻ, thương mại đã chiếm đến hơn 25%. Cộng với đà tiêu dùng chung của toàn xã hội giảm sút, người dân thắt chặt hầu bao, khiến việc mua sắm giảm mạnh và mức tăng trưởng của thị trường bán lẻ trong năm qua chỉ ở mức 5%, thấp hơn nhiều so với con số tăng trưởng trung bình trên 10% của 3 – 4 năm về trước.
Với sức mua kém như hiện tại, nhiều chuỗi siêu thị đã phải tung ra những chương trình khuyến mãi rầm rộ. Ông Lê Quang Thanh, phó giám đốc chuỗi siêu thị Coop Mart Đà Nẵng cho chúng tôi biết như sau:
“Thị trường năm nay nói chung cũng hơi khó khăn thế nên việc đi mua hàng siêu thị cũng không được mạnh như năm ngoái, người ta thắt chặt chi tiêu. Đối với siêu thị, trong một tuần có 3 ngày chương trình giá thật rẻ, giá thật hấp dẫn để đáp ứng cho người tiêu dùng, bán những giá mặt hàng cần, thí dụ: dầu ăn, nước mắm, đường, bột ngọt, gạo.”
Ông Thanh cũng cho biết thêm, đúng là thị trường khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, nhưng do là nhà phân phối lớn, nên chuỗi siêu thị Coop Mart được chủ động trong việc lựa chọn nhà cung ứng, xét theo xu thế của thị trường mà doanh nghiệp ông tùy từng mặt hàng có thể chọn lọc để nhập về bán, vì thế, doanh số có giảm nhưng cũng không quá bi quan.
Hạn chế từ chính sách
Cũng xin được nhắc lại, trong suốt một năm qua, với chính sách tín dụng thắt chặt để kiềm chế lạm phát, đã dẫn tới hệ lụy là nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, mà trong đó, những doanh nghiệp làm ăn trong lĩnh vực thương mại và phân phối sản phẩm cũng không nằm khỏi vòng xoáy này. Đã vậy, lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam còn non trẻ, nên gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ nước ngoài có vốn hùng hậu. Do đó, sự thua lỗ ngay trên sân nhà của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam là điều khó tránh khỏi.
Khi tổng kết về sự thất bại của các doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong thời gian qua, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, tác động từ chính sách vĩ mô chiếm 60%, từ phía chính các doanh nghiệp là 30% và 10% là từ các yếu tố khác. Ông cũng không ngần ngại chỉ ra trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ Công Thương.
Có thể thấy câu chuyện thị trường bán lẻ Việt Nam tụt hạng là một lẽ tất yếu khi cả một nền kinh tế đang thiếu sức mua, hàng hóa sản xuất ứ đọng, khâu phân phối chưa hiệu quả, trong khi các doanh nghiệp này lại gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà bán lẻ nước ngoài.
Hi vọng rằng với con số mới được công bố, số siêu thị tăng hơn 20% và trung tâm thương mại tăng hơn 70% kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, thị trường bán lẻ không chỉ dừng lại ở số lượng mà sẽ có những biến đổi về chất lượng, để thứ hạng trở lại top 30 của Việt Nam sẽ ở một tương lai không xa.