Dù khó khăn vẫn phát triển
Báo chí do Nhà nước quản lý cho rằng năm 2012 lượng xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục giữ mức 7 triệu tấn. Song song với kết quả đó, xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản hy vọng đạt tới 26 tỷ đô la, tức tăng trên 4% so với năm 2011. Vẫn theo truyền thông Nhà nước, năm 2012 đang mở ra cánh cửa mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện bền vững cho tiến trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.
Trong khi đó, bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát vừa lên tiếng cảnh báo rằng sản xuất nông nghiệp cũng như thị trường tiêu thụ nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, do ảnh hưởng của kinh t
ế thế giới chưa có dấu hiệu cải thiện.
Thứ trưởng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần nhấn mạnh: trước những khó khăn đó, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ nỗ lực bằng mọi cách để phát triển sản xuất, liên kết nông dân với doanh nghiệp.
Qua câu chuyện với RFA, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long ngỏ ý tin rằng việc canh tác và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam trong năm nay sẽ được nhiều thuận lợi:
“Xác định sản lượng thu hoạch là bao nhiêu hay xuất khẩu bao nhiêu, trong nông nghiệp, còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Như về thời tiết, mình đâu đoán trước được. Được mùa, theo tôi thì không vấn đề gì lớn đâu. Dù gặp điều kiện khó khăn về thời tiết, nhưng năng suất và sản lượng có xu thế tăng. Điều đó chứng tỏ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật của bà con nông dân có khá lên. Duy trì mức xuất khẩu gạo, tôi nghĩ là không khó khăn lắm”
Còn những băn khoăn
Về phía nhà nông, sang năm mới, qua trao đổi với phóng viên báo chí, họ mong ước Trời cho “mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”, và Nhà nước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xóa khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giúp nông dân kiếm ăn sung túc và thoải mái trên đồng ruộng, đất đai của mình.
Một nhà nông ở Long Xuyên cho biết bà con được chuyên viên hướng dẫn về kỹ thuật gieo trồng, tuy nhiên họ vẫn lo ngại năm nay lúa sẽ không được trúng giá, so với chi phí đầu tư, sản xuất cao phải hao tốn, khiến cuộc sống nhất định gay go hơn:
“Nhà nước cho một số kỹ sư nông nghiệp về tới thôn quê động viên nhân dân cách thức làm ruộng. Mấy năm nay canh tác ruộng đồng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long rất tốt. Giá cả lúa gạo bán ra cao thì nông dân mình đỡ. Nếu lúa bán ra gía thấp thì nông dân năm nay sẽ gặp khó khăn. Phân bón giá năm ngoái so với năm nay rất cao, nếu không thu hoạch được như ý thì đời sống không sung túc gì cho lắm. Năm 2012 này nhà nông vùng đồng bằng sông Cửu Long hy vọng Nhà nước cho giá lúa tương đối khá, nhưng đó cũng chỉ là niềm hy vọng thôi”
Trong hội nghị “Tổng kết công tác năm 2011- Triển khai kế hoạch 2012” họp tại Hà Nội vào những ngày cuối năm vừa rồi, lãnh đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cam kết sẽ đẩy mạnh chương trình nông thôn mới đến các cơ sở hạ tầng cấp xã, thôn, bản, đặt ưu tiên đối với các công tác văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những mục tiêu đó, một số hạn chế, tồn tại cũng được nêu lên trước hội nghị như: công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp còn rời rạc, chưa đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng phá rừng còn tiếp diễn nhiều nơi, ô nhiễm môi trường còn phổ biến, công tác đổi mới quản lý sản xuất còn nhiều bất cập.