Sách giáo khoa lớp Một vẫn còn nhiều sai sót?

0:00 / 0:00

Liên tiếp mấy ngày gần đây, những trang sách tập đọc cho trẻ lớp Một được cư dân mạng post lên các trang mạng với những lời chỉ trích như sẽ làm hư trẻ em, dạy cho trẻ em thói hư tật xấu, hay ‘phải cấm ngay bộ sách giáo khoa như thế vì nó sẽ đào tạo ra một thế hệ trẻ con khốn kiếp’…

Một facebooker còn kêu gọi Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ nên đọc và tự suy ngẫm, vì từ cấp một mà trẻ em Việt Nam đã được hướng dẫn cách trả treo, hờn mát chứ không phải là sự giúp đỡ hay khuyên nhủ chân tình, thì mai này cái gì sẽ là thói quen của thế hệ mới Việt Nam?

Một số phụ huynh thì không đồng tình với cách dùng từ trong sách mà họ cho là quá mới lạ và tối nghĩa. Ví dụ dùng từ ‘nhá’ để nói về hành động ‘ăn’; hay ‘dưa đỏ’ thay cho ‘dưa hấu’…

Ông Minh Hải có con gái năm nay vào lớp Một nêu cảm nghĩ của ông trước những chỉ trích trên mạng xã hội:

“Tôi thấy người ta nói đúng chứ đâu có nói sai. Dù không phải là chuyên gia nhưng người dân bây giờ họ có trình độ, họ nghiên cứu kỹ rồi mới nói. Khi ngành giáo dục đưa ra một cuốn sách như vậy tôi thấy có gì đó không ổn bởi trước khi đưa ra đương nhiên đã được xét duyệt. Qua nhiều khâu kiểm duyệt mới xuất bản mà sao vẫn bị những lỗi như vậy. Tại sao lại đưa những nội dung, từ ngữ nhảm nhí như vậy vào sách để dạy trẻ?”

Qua nhiều khâu kiểm duyệt mới xuất bản mà sao vẫn bị những lỗi như vậy. Tại sao lại đưa những nội dung, từ ngữ nhảm nhí như vậy vào sách để dạy trẻ? - Ông Minh Hải

Anh Tâm, chủ nhà sách Khai Tâm ở Sài Gòn cho biết, anh không bao giờ bày bàn sách giáo khoa vì nội dung của những cuốn sách này không hay nếu không muốn nói là quá tệ. Nó không giáo dục cho trẻ con những gì gọi là nhân bản hay điều cơ bản nhất là sự lễ phép. Nếu so với những cuốn Quốc văn giáo khoa thư hoặc Luân lý giáo khoa thư trước 1975 thì nó thua xa. Anh Tâm nêu câu hỏi:

“Thật ra tình trạng này kéo dài khá lâu rồi. Thứ nhất là do sự độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục lâu nay soạn thảo và phát hành cho cả nước, mà tư nhân không được đụng tới. Qua những hình ảnh chụp lại trực tiếp từ những trang sách thì thấy nó được biên soạn rất tệ. Không hiểu tại sao lại được cấp phép xuất bản?”

Ngày 22 tháng 1 năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở tám môn học đã được Bộ trưởng phê duyệt.

Trong 32 cuốn sách, có năm cuốn Tiếng Việt, năm cuốn Toán, năm cuốn Đạo đức, ba Tự nhiên và Xã hội, một Giáo dục thể chất, năm Âm nhạc, năm Mỹ thuật và ba cuốn Hoạt động trải nghiệm. Trong đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 24 cuốn, hợp thành 4 bộ sách. Hai nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP HCM, mỗi cơ sở có bốn cuốn, hợp thành một bộ sách "Cánh diều".

Cô giáo Xuân Mai cho biết, sách giáo khoa lớp Một rất quan trọng cho bước phát triển non nớt đầu đời của trẻ. Cô nhận định về cuốn sách tập đọc cho trẻ lớp Một hiện nay:

“Tôi đọc mà giật mình không thể tưởng tượng được như vậy.

Trẻ em lớp Một là tuổi đang tập nói, tập viết. Nó đang học để hình thành ngôn ngữ, hình thành nhân cách. Trẻ lớp Một nó như trang giấy trắng. Nếu dạy những cái không đúng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cơ bản của trẻ.

Ngày xưa, trẻ học đến lớp 5 là đã không còn sai lỗi chính tả. Bây giờ, ngay cả giáo viên còn có lỗi chính tả trong giáo án. Đó là do nền tảng từ tiểu học.”

Theo cô Xuân Mai, cuốn sách có những trang chẳng những từ ngữ không khoa học, không đúng ngôn ngữ tiếng Việt mà nội dung lại dạy cái xấu, dạy trẻ thói ích kỷ, tính toán, không thật thà…

PGS.TS Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM lại có cái nhìn khác. Ông cho rằng những lập luận hiện nay để chê bai sách giáo khoa đa phần là không đúng. Nó không đến mức như thế và người ta đang thổi nó lên to quá. Điều đó không công bằng. Ông giải thích:

“Nếu tôi viết thì tôi sẽ không viết như vậy. Nhưng đó là câu chuyện khác. Còn công kích cuốn sách giáo khoa tới mức như vậy là quá đáng. Theo tôi, đó là quá đáng bởi cái quan trọng nhất là lỗi của họ không đến mức như thế. Thứ hai, sách giáo khoa chỉ là một phần rất nhỏ của biết bao nhiêu chuyện trong giáo dục. Tôi nói ví dụ, người ta đưa ra một vài từ ngữ và hỏi tại sao lại sao lại chỉ dùng tiếng Bắc?

Họ nói thế tôi cho rằng không đúng, bởi sách giáo khoa là một tập thể từ sách cho học sinh cho đến sách cho giáo viên. Với mục đích phát triển vốn từ thì người ta có quyền nói những từ ngữ của người miền Bắc. Nhưng trong sách giáo viên họ có hướng dẫn cách nói cho học sinh miền Trung, miền Nam…

Như vậy sách giáo khoa không chỉ nói những từ quen thuộc mà còn cung cấp vốn từ mới, nhất là hiểu biết về tiếng địa phương.”

Với mục đích phát triển vốn từ thì người ta có quyền nói những từ ngữ của người miền Bắc. Nhưng trong sách giáo viên họ có hướng dẫn cách nói cho học sinh miền Trung, miền Nam… - PGS-TS Hoàng Dũng

PGS-TS. Hoàng Dũng kết luận rằng, nếu sách học sinh viết như thế mà sách giáo viên tuyệt nhiên không bàn đến chuyện đó, lúc đó người ta chê thì còn có lý.

Cũng liên quan giáo dục, từ nhiều năm qua, một khẩu hiệu nhiều lần được đưa lên bàn cân xem nên giữ hay bỏ. Đó là khẩu hiệu “Tiên học lễ - hậu học văn”.

Những người muốn giữ lại khẩu hiệu này thì lập luận rằng, phải dạy cái Lễ trước vì nó là cái gốc. Khẩu hiệu này phải được treo trong trường học để kêu gọi người thầy nên chú trọng việc dạy cho trẻ con biết rằng cái học làm người là quan trọng hơn, là cái gốc của cái học làm nghề.

Những người muốn bỏ khẩu hiệu này thì lập luận rằng, khái niệm Lễ không được xác định một cách chính thống, mỗi người tự hiểu theo kiểu của mình. Đồng thời, đó là châm ngôn của một nền giáo dục lạc hậu, không còn thích hợp với giáo dục hiện đại.

Cô giáo Xuân Mai cho biết, hồi cô còn đứng lớp thì cô đã không thấy khẩu hiệu “Tiên học lễ - hậu học văn”. Thay vào đó là “5 điều bác Hồ dạy”; “Thi đua dạy tốt, thi đua học tốt”.

Trong một lần trao đổi với RFA về vấn đề này, một vị tiến sĩ hiện đang công tác trong lãnh vực giáo dục, không muốn nêu tên, nêu quan điểm của ông:

“Câu khẩu hiệu này không mới nhưng cũng không bao giờ cũ. Vì người ta nói “có tài mà không có đức thì không làm được gì” mang ý nghĩa như thế. Thật sự bây giờ người ta hay nói và nghĩ từ học “lễ” mang ý nghĩa “lễ nghĩa” kiểu như là tiền bạc này nọ… thì không đúng. Lễ nghĩa là chuyện giao tiếp, văn hóa của con người chứ không phải chuyện “lễ nghĩa” là đi học thì phải đưa tiền cho cô, quà cáp này nọ là sai. Phải dạy cho con hiểu “lễ” là văn hóa, là cách đối xử giữa con người chứ không phải là chuyện vật chất.”

Một phụ huynh chia sẻ với RFA suy nghĩ của ông rằng, mấy cái khẩu hiệu treo trong trường, trong lớp không quan trọng. Quan trọng là việc thực hiện khẩu hiệu đó như thế nào. Chưa bao giờ ông thấy đạo đức học đường xuống cấp như bây giờ. Và điều ông quan tâm nhất bây giờ là bộ sách giáo khoa lớp Một mà con ông đang phải học.