Chính quyền Hà Nội với giấc mơ về dự án thành phố ven sông Hồng (Phần I)

0:00 / 0:00

Dự án thành phố sông Hồng được hình thành cách nay gần 30 năm. Dự án này được nghiên cứu, triển khai và bị cho dừng đột ngột. Quy hoạch sông Hồng được khởi động lại hồi đầu tháng 7 năm 2020. Mới đây nhất, Bí thư Hà Nội, ông Vương Đình Huệ tuyên bố “muốn có kỳ tích sông Hồng thì phải có quy hoạch phát triển sông Hồng”.

Phần I: Dự án thành phố sông Hồng vẫn lửng lơ sau 30 năm

Dự án thành phố ven sông Hồng

Sông Hồng là con con sông lớn nhất và được mô tả đã gắn liền với bề dày lịch sử, không gian văn hóa lẫn sự phồn thịnh của kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.

Dự án quy hoạch phát triển thành phố ven sông Hồng được chính quyền địa phương và truyền thông trong nước nói đến gần 3 thập niên qua.

Lần đầu tiên vào năm 1994, dự án Trấn sông Hồng được công bố do nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng trên một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương, với tổng kinh phí dự kiến vào thời điểm đó là 240 tỷ đồng. Theo đó, phía Singapore thỏa thuận với thành phố Hà Nội là sẽ thiết kế một khu dân cư hiện đại bao gồm quần thể cao ốc với nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng nhằm giúp Hà Nội có một tiểu khu như ở đảo quốc Sư Tử.

Mãi hơn 12 năm sau vào giữa năm 2006, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết đã ký thỏa thuận hợp tác với thị trưởng thành phố Seoul, của Hàn Quốc về “Đồ án quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng”. Qua thỏa thuận, đồ án này có tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD với tổng diện tích 1.500 héc-ta và được triển khai từ năm 2008 đến năm 2020.

<i>Dự án ven sông Hồng thì người ta đề cập cách đây đã 30 năm rồi. Thế nhưng qua truyền thông thì người dân cũng chỉ biết có các tập đoàn này, hay những nhà đầu tư kia sẽ cùng với Hà Nội làm quy hoạch ven sông. Thực tế thì từ trước đến nay vẫn không thấy có sự phát triển gì lớn ở hai bên ven sông Hồng. Điều này phản ánh tình trạng của dự án bị trì trệ và quyết tâm chính trị của Chính quyền Hà Nội cũng không được thực hiện, mặc dù cũng được nhắc nhở đã nhiều lần. Thỉnh thoảng có những lãnh đạo mới lên thì cũng có để cập và nhắc tới, thậm chí có những người hô hào quyết tâm cao để thực hiện dự án này; nhưng mà theo tôi sự đình trệ đó phản ánh bản chất của sự rối loạn cũng như sự khó khăn trong quản lý đô thị nói chung ở Việt Nam, chứ không chỉ riêng ở Hà Nội<br/>-Ông Nguyễn Lân Thắng</i>

Một thập niên sau đó vào năm 2016, Chính quyền thành phố Hà Nội, một lần nữa thông báo có ba doanh nghiệp tự góp kinh phí nghiên cứu quy hoạch hai bờ sông Hồng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của truyền thông Nhà nước Việt Nam thì dự án Trấn sông Hồng chưa được triển khai, do có một số vướng mắc, đặc biệt về vấn đề trị thủy. Bên cạnh đó, “Đồ án quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng”, sau nhiều lần hội thảo lấy ý kiến của giới chuyên gia thì đã bị dừng triển khai hồi năm 2008.

Lênh đênh giấc mộng “thành phố Seoul thứ nhì”

Vào đầu tháng 7/2020, Hà Nội khởi động lại quy hoạch sông Hồng. Chính quyền thủ đô cùng với Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn phối hợp quy hoạch phân lũ, làm cơ sở xây dựng quy hoạch hai bên sông Hồng.

Phát biểu tại buổi làm việc vào ngày 8/7, Bí thư thành phố Hà Nội, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh rằng muốn quy hoạch hai bên bờ sông Hồng thì phải làm quy hoạch thoát lũ, do đó đề nghị sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn để thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt, tạo điều kiện cho thành phố triển khai.

Giải đáp thắc mắc vì sao dự án thành phố sông Hồng vẫn dở dang suốt gần 30 năm qua, ông Nguyễn Đức Chung, trong vai trò Chủ tịch thành phố Hà Nội, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, diễn ra hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, xác nhận rằng quy hoạch sông Hồng chưa thực hiện được vì vướng nhiều luật.

Mới đây nhất, tại Tọa đàm cấp cao Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội-Thành phố sáng tạo, diễn ra vào sáng ngày 2/10, ông Vương Đình Huệ cho biết Hà Nội đang gặp khó khăn đối với hai đặc thù quan trọng nhất của dự án thành phố sông Hồng là quy hoạch và kiến trúc. Trong đó, quy hoạch phân khu sông Hồng đang gặp vướng mắc nhất về vấn đề trị thủy.

Một cư dân thành phố Hà Nội, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng, vào tối ngày 7/10 lên tiếng với RFA về dự án thành phố sông Hồng qua ghi nhận của ông:

“Dự án ven sông Hồng thì người ta đề cập cách đây đã 30 năm rồi. Thế nhưng qua truyền thông thì người dân cũng chỉ biết có các tập đoàn này, hay những nhà đầu tư kia sẽ cùng với Hà Nội làm quy hoạch ven sông. Thực tế thì từ trước đến nay vẫn không thấy có sự phát triển gì lớn ở hai bên ven sông Hồng. Điều này phản ánh tình trạng của dự án bị trì trệ và quyết tâm chính trị của Chính quyền Hà Nội cũng không được thực hiện, mặc dù cũng được nhắc nhở đã nhiều lần. Thỉnh thoảng có những lãnh đạo mới lên thì cũng có để cập và nhắc tới, thậm chí có những người hô hào quyết tâm cao để thực hiện dự án này; nhưng mà theo tôi sự đình trệ đó phản ánh bản chất của sự rối loạn cũng như sự khó khăn trong quản lý đô thị nói chung ở Việt Nam, chứ không chỉ riêng ở Hà Nội.”

Ảnh minh họa. Người lao động nhập cư, sinh sống trên bè nổi ở sông Hồng. Hình chụp ngày 8/9/19.
Ảnh minh họa. Người lao động nhập cư, sinh sống trên bè nổi ở sông Hồng. Hình chụp ngày 8/9/19. (AFP)

Quyết tâm thực hiện dự án trong mơ

Đài RFA ghi nhận mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Chính quyền thành phố Hà Nội tỏ rõ quyết tâm thực hiện và hoàn thành dự án quy hoạch sông Hồng, qua tuyên bố của ông Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ, hôm 2/10 rằng “muốn có kỳ tích sông Hồng thì phải có quy hoạch phát triển sông Hồng”. Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại buổi tọa đàm là nếu làm được dự án này thì có một nguồn lực hết sức to lớn, giải quyết sinh kế cho khoảng 1 triệu dân cư. Và, thành phố Hà Nội rất mong có sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết những bài toán quy hoạch cho dự án thành phố Sông Hồng.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, vào tối ngày 7/10, chia sẻ ý kiến của ông với RFA liên quan quyết tâm thực hiện dự án thành phố sông Hồng của Chính quyền Hà Nội.

" Tôi cho rằng đây là một dự án cần thiết, bởi vì hiện nay phần bãi sông Hồng bên ngoài đê ở phía Hà Nội là một nơi mà cuộc sống, nhà cửa rất yếu kém và cũng là nơi tụ tập của các xã hội đen. Những tệ nạn xã hội xuất hiện ở đây rất nhiều. Trong đó, cũng có nhiều khu chính thức được quy hoạch từ thời bao cấp. Nói chung, việc giải quyết để ổn định theo quy hoạch giữa hai con đê của sông Hồng, phần con sông là việc cần thiết phải làm."

Là người quan sát dự án thành phố sông Hồng suốt 3 thập niên qua, giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định dự án vẫn bị lửng lơ, dở dang là bởi do các đề xuất ngẫu hứng của những nhà đầu tư, mà đáng lý ra Chính quyền Hà Nội cần chú trọng vào mấu chốt vấn đề của dự án là phải giải quyết bài toán hóc búa trị thủy, thoát lũ trước khi đưa ra quy hoạch tổng thể trên bề mặt nổi an toàn.

Nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên-Môi trường Đặng Hùng Võ lý giải sông Hồng vốn là con sông mang lại cảnh quang cho Hà Nội, nhưng cũng là mối đe dọa lũ lụt cho người dân thủ đô.

<i>Tôi hy vọng và tôi mong muốn việc này cần được đặt thành một dự án lớn, có đầu tư của nhà nước từ chuyện quy hoạch đến các giải pháp. Đặc biệt, các giải pháp về thủy lợi, về thoát lũ sông Hồng. Hà Nội vẫn gọi đây là 'thành phố sông Hồng". Và, để một thành phố có hiệu quả thật sự, dẹp được những bất ổn hiện nay đồng thời có thể tạo dựng được thành một thành phố hiện đại thì tôi cho rằng đây là một dự án phải được bắt đầu từ nhiệm vụ của phía nhà nước đặt ra và được thực hiện một cách bài bản, gọi là theo đúng trình tự, thủ tục quy hoạch của một thành phố. Chứ đừng để doanh nghiệp này hay doanh nghiệp kia ngẫu hứng đề xuất thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì cả<br/>-Giáo sư Đặng Hùng Võ</i>

“Bởi vì đúng là nước sông nhiều năm rất thấp. Nhưng, cũng không biết chừng có năm nào đó nó lại lên cao như ngày xưa thì cũng phải có cách thức để thoát lũ. Vì ngày xưa, những năm lên cao nhất thì mấp mé bờ đê và toàn bộ phần bãi bị ngập hết, là phần hiện nay mà mọi người đang định cư và đang canh tác nông nghiệp. Thế thì trong trường hợp xấu nhất nếu nước sông lên cao thì cũng phải có cách, có dự tính, giải pháp thế nào. Bởi vì đó là sông Hồng nên đầu tiên là việc thoát lũ thế nào để cho con sông đó vẫn được chế ngự và vẫn phục vụ cho đời sống con người.”

Giáo sư Đặng Hùng Võ trình bày thêm thiển ý của ông:

“Tôi hy vọng và tôi mong muốn việc này cần được đặt thành một dự án lớn, có đầu tư của Nhà nước từ chuyện quy hoạch đến các giải pháp. Đặc biệt, các giải pháp về thủy lợi, về thoát lũ sông Hồng. Hà Nội vẫn gọi đây là ‘thành phố sông Hồng”. Và, để một thành phố có hiệu quả thật sự, dẹp được những bất ổn hiện nay đồng thời có thể tạo dựng được thành một thành phố hiện đại thì tôi cho rằng đây là một dự án phải được bắt đầu từ nhiệm vụ của phía nhà nước đặt ra và được thực hiện một cách bài bản, gọi là theo đúng trình tự, thủ tục quy hoạch của một thành phố. Chứ đừng để doanh nghiệp này hay doanh nghiệp kia ngẫu hứng đề xuất thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì cả.”

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long, được báo giới trong nước dẫn lời rằng nếu như dự án thành phố sông Hồng được thực hiện thì sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Hà Nội và ông chắc chắn rằng các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ không bỏ qua cơ hội để góp vốn đầu tư, thực hiện dự án thành phố sông Hồng.

Tiến sĩ Ngô Trí Long còn đưa ra đề nghị Chính quyền Hà Nội nên thực hiện dự án thành phố sông Hồng càng sớm càng tốt nhằm tránh tình trạng đội vốn và chi phí tăng cao.

Liên quan dự án thành phố sông Hồng, Bí thư thành phố Hà Nội từng tuyên bố rằng “nếu không hành động sẽ khó tiến triển”.

Đài RFA mời quý vị theo dõi phần II với ý kiến của giới chuyên gia về dự án thành phố sông Hồng được thực hiện và tiến triển như thế nào để đạt hiệu quả như kế hoạch đề ra trở thành một thành phố Seoul thứ nhì của Châu Á.

Tham khảo: Phần II: Dự án thành phố sông Hồng: Giấc mộng hão huyền?

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hanoi-authority-and-the-project-city-at-red-river-banks-2-10082020150908.htmlOpens in new window ]