Hà Nội quản “xe ôm” bằng biển hiệu & giấy phép con?

0:00 / 0:00

Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội vừa hoàn thành dự thảo đề xuất người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, mô tô trên địa bàn thành phố phải mang biển hiệu do cơ quan có thẩm quyền cấp. Dư luận bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất này.

Theo dự thảo thì kể từ ngày 1/1/2021, tài xế các phương tiện vừa nêu phải mang biển hiệu, hay còn gọi là thẻ hoạt động vận chuyển, do cơ quan có thẩm quyền ở thủ đô cấp. Ngoài ra, họ phải tuân thủ 4 điều kiện bắt buộc như: Giấy chứng nhận đăng ký xe; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có hộ khẩu thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú tại địa phương nơi đăng ký hành nghề; có bản đăng ký vận chuyển hành khách, hàng hóa, khi tham gia hoạt động.

Mũ, áo là biển hiệu rồi. Bây giờ lại còn phải làm biển hiệu nữa thì sao được, chỉ là thủ tục hành chính rách việc, xe ôm chứ có phải là gì đâu mà phải lắm thứ thế không biết! - Thái

Ý kiến trái chiều

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, anh Thái, hiện đang chạy Grab bike ở Hà Nội cho rằng quy định này thật ra không cần thiết, vì đối với những hãng xe lớn như Grab, Go Việt, tài xế đã có nhiều “ràng buộc” và gần như ai cũng có dấu hiệu nhận biết riêng:

“Xe ôm người ta đã có quần áo đồng phục, có mũ mão đầy đủ rồi thì cần gì biển hiệu nữa.”

Đồng quan điểm này, anh Nguyễn Văn Dũng hiện đang chạy xe ôm công nghệ ở Hà Nội cũng bày tỏ:

“Thêm một cái thẻ nhỏ nhỏ bên cạnh cũng chả giải quyết thêm vấn đề gì. Bây giờ khách hàng đặt xe, đặt được tài xế rồi người ta lên xe đi chứ cũng chả để ý ở bên ngực, trước ngực ông viết chữ gì hay đeo chữ gì đâu. Cái đấy chỉ làm thừa thêm.”

Xác nhận thực tế như ý kiến 2 tài xế vừa đưa ra, bạn Yến, một người thường xuyên sử dụng xe ôm công nghệ ở Sài Gòn trao đổi qua Facebook Messenger cho biết bạn đã sử dụng đủ các loại ứng dụng xe ôm công nghệ, từ Uber đến Grab và Go Việt, nhưng mỗi khi tài xế đến đón, bạn chỉ cần gọi lại số điện thoại xem có đúng số mà ứng dụng cung cấp, biển số xe có trùng khớp, và tài xế có mặc áo khoác, đội nón bảo hiểm của hãng đó hay không là đủ.

Với lý do trên, cả tài xế Thái và tài xế Dũng (đại diện cho tổ, nhóm xe ôm công nghệ tại Hà Nội) đều cho rằng đề xuất mà Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội đưa ra không thiết thực. Như lời tài xế Dũng trình bày sau đây:

“Cái này có thể dùng cho ô tô gắn biển, đeo mào… chẳng hạn như taxi hay xe 4 bánh cần có để người ta nhận diện khi ở ngoài đường chứ còn bên 2 bánh làm thế thì thấy không hợp lý.”

Hay như nhận định của anh Thái:

“Mũ, áo là biển hiệu rồi. Bây giờ lại còn phải làm biển hiệu nữa thì sao được, chỉ là thủ tục hành chính rách việc, xe ôm chứ có phải là gì đâu mà phải lắm thứ thế không biết!”

Còn theo một tài xế hãng xe ôm công nghệ Go Việt, biển hiệu có cũng được, không có cũng chẳng sao, vì nhiều tài xế hiện đang có mối lo ngại cần quan tâm hơn:

Lái xe Grab Bike tại Việt Nam.
Lái xe Grab Bike tại Việt Nam. (RFA PHOTO)

“Phải coi những biển hiệu đó là sao mới được, có ảnh hưởng gì không, hay tốn chi phí nào không, tại vì xe ôm công nghệ dạo này hơi bị nhiều, nếu hãng nào khuyến mãi nhiều thì khách hàng đi hãng đó, tranh giành với nhau một ngày kiếm không được bao nhiêu, nếu có chi phí vô nữa nhiều người chắc không chịu.”

Việc Sở GTVT Hà Nội đưa ra những quy định mới cho “xe ôm” công nghệ được lý giải do tình trạng mất an toàn giao thông, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải xảy ra nhiều trong thời gian qua, do đó dự thảo nhằm quản lý phương tiện xe ôm tốt hơn, tạo nếp sống đẹp phù hợp sự phát triển của thủ đô… Dưới góc nhìn của người hiểu biết về luật, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam cho rằng:

“Dự thảo này sẽ lập lại trật tự cho một thành phố du lịch, người hành khách, đặc biệt là những người nước ngoài thấy người lái xe ôm thì biết tên, địa chỉ, đơn vị quản lý. Thậm chí khi gặp rắc rối thì họ sẽ phát hiện ra ai là người vận chuyển người đó để có những xử lý theo quy định của pháp luật.”

Giúp ổn định trật tự giao thông?

Trong dự thảo được Sở Giao thông – Vận tải đề xuất có quy định các tài xế phải đảm bảo phương tiện của mình đáp ứng đủ tiêu chuẩn chất lượng và an toàn như hệ thống hãm lực, chuyển hướng lực, các loại đèn và kích cỡ bánh xe…

Theo Luật sư Hậu, những quy định nêu trên hoàn toàn cần thiết để giúp bảo vệ quyền lợi hành khách cũng như tạo điều kiện để tài xế hình thành thói quen cẩn thận. Vì thế ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất này:

“Do điều kiện ở Việt Nam có nhiều người đi xe ôm không đảm bảo chất lượng xe máy và theo Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội thì những quy đinh này giúp tạo ra một nếp sống, thói quen đi lại văn minh, hiện đại cho thủ đô nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ loại hình vận tải bằng xe thô sơ và mô tô để làm sao an toàn, giảm tai nạn và ô nhiễm môi trường.”

Tuy nhiên riêng đối với 4 điều kiện bắt buộc phải có trong hoạt động vận chuyển, hành nghề xe ôm tại Hà Nội thì Luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng quy định tài xế xe máy phải mang ‘giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh’ có thể sẽ gây khó khăn không ít đối với người dân. Ông lập luận:

Cái này có thể dùng cho ô tô gắn biển, đeo mào… chẳng hạn như taxi hay xe 4 bánh cần có để người ta nhận diện khi ở ngoài đường chứ còn bên 2 bánh làm thế thì thấy không hợp lý. - Nguyễn Văn Dũng

“Hiện nay mình chưa thấy nguồn luật nào quy định xe gắn máy 2 bánh phải đăng ký kinh doanh. Thường bà con vận tải, chở hàng theo vấn đề tự phát, theo nhu cầu người ta. Chứ nếu như Sở Giao thông – Vận tải ban hành văn bản này mà yêu cầu vận tải bằng xe hai bánh mà phải có biển và phải đăng ký thì thành phố Hà Nội phải ban hành văn bản phù hợp với hệ thống văn bản khác, từ Luật Giao thông đường bộ, luật về kinh doanh, doanh nghiệp, kể cả luật cơ bản và nguồn gốc là bộ luật dân sự.”

Về vấn đề giấp phép đăng ký kinh doanh (ĐKKD) trước đây Bộ GTVT đã từng 2 lần đưa vào trong dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về việc sử dụng xe máy, mô tô ba bánh và đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận. Nhiều người cho rằng Bộ “đẻ” thêm giấy phép con và làm rườm ra thêm thủ tục “hành là chính”…

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Trưởng Ban vĩ mô Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương trước đây đã từng tỏ rõ ý kiến của mình trên báo Người Lao động về vấn đề này. Theo ông, việc có thêm giấy phép ĐKKD không hiệu lực vì hoạt động xe ôm là loại hình không cố định và đó chính là việc áp đặt điều kiện cho dân…

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng dự thảo có thể sẽ khó thực hiện vì từ trước đến nay chưa bao giờ có tài xế xe ôm nào phải đăng ký kinh doanh mà nay lại phải làm. Nhưng nhìn ở góc độ tích cực, ông Hướng nhận định đây sẽ là một đột phá lớn trong việc quản lý của Hà Nội nếu triển khai thành công. Tuy nhiên, Luật sư Hướng vẫn nhấn mạnh Sở GTVT cần phải xem xét kỹ hơn để phù hợp với các luật khác.

Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành, Luật sư Nguyễn Văn Hậu khẳng định khi các Sở, ban ngành đưa ra một điều gì mới thì chắc chắn sẽ nhận rất nhiều ý kiến khác nhau, kể cả với những dự luật do Chính phủ ban hành.