Báo Người Lao Động hôm 27/8/2019 có đăng bài với tựa đề: "Chủ tịch Hà Nội: Ông Lê Đình Kình có mục đích xấu, nhằm trục lợi trên đất Đồng Tâm".
Hứa cho qua chuyện?
Trong bài cho biết, chiều 27/8, UBND TP Hà Nội tổ chức buổi họp báo về việc quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Buổi họp báo có mặt đại diện UBND TP Hà Nội, Thanh tra TP Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, tuy nhiên không có người dân Đồng Tâm nào được tham dự.
Tờ báo trích dẫn nguyên văn lời Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nói tại buổi họp báo: "Trước buổi thông tin hôm nay, chúng tôi đã gặp trao đổi với nhiều đại biểu Quốc hội, chính quyền xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, một cách công khai, minh bạch. Tôi khẳng định rằng có một bộ phận đối tượng có mục tiêu lợi dụng, trục lợi để lấn chiếm đất hoặc để có thể hy vọng được bồi thường. Bản thân ông Lê Đình Kình (82 tuổi, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội; là 1 trong 4 người bị bắt giữ ngày 15-4-2017) cũng nhằm mục tiêu như vậy, ông Kình đã từng làm nhiều vị trí trong chính quyền ở xã Đồng Tâm nhiều năm trước, ông Kình nắm rõ chi tiết rất nhiều khu đất khác trên địa bàn."
Tại buổi họp báo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cũng cho hay ông Lê Đình Kình không có quyền khiếu nại kết luận thanh tra của Thanh tra và cũng không phải là người đại diện cho người dân xã Đồng Tâm.
Tuy nhiên chỉ sau vài giờ, tờ Người Lao Động đã gỡ bỏ bài viết này. Đây được cho là không lạ đối với báo chí do nhà nước kiểm soát như tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Chung nói như thế là hoàn toàn là sai, ổng nói tôi có ý đồ xấu thì đúng ra ông Nguyễn Đức Chung phải tự nhận người có ý đồ xấu là ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội mới đúng.<br/>-Cụ Lê Đình Kình
Trao đổi với RFA tối 27/8/2019 từ xã Đồng Tâm, cụ Lê Đình Kình, cho biết:
“Ông Nguyễn Đức Chung nói như thế là hoàn toàn là sai, ổng nói tôi có ý đồ xấu thì đúng ra ông Nguyễn Đức Chung phải tự nhận người có ý đồ xấu là ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội mới đúng. Bởi vì ông Lê Đình Kình là người trực tiếp sinh ra lớn lên trên địa giới hành chính xã Đồng Tâm từ xưa đến nay. Toàn bộ đất nông nghiệp và đất quốc phòng ở đâu tôi biết rõ và nói rõ đến đó. Trước đây, khi 14 hộ dân Đồng Tâm ký thỏa thuận bàn giao đất cho quốc phòng, thì ông Nguyễn Đức Chung có nói ‘Ông Lê Đình Kình hoàn toàn không có quyền lợi gì ở khu vực này’. Câu này thì Nguyễn Văn Thanh và Nguyễn Đức Chung từ khi phát sinh đơn khiếu kiện thì chỉ có mỗi câu này là đúng.”
Vào ngày 15/04/17, khi chính quyền xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội tiến hành cưỡng chế đất tại đồng Sênh, ở thôn Hoành, người dân xã Đồng Tâm khi đó đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước qua vụ việc bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ làm con tin, để yêu cầu được đối thoại với Chính quyền thành phố Hà Nội, sau khi Công an Hà Nội bắt 4 người dân xã Đồng Tâm để điều tra cáo buộc gây rối trật tự công cộng, trong số này có cụ Lê Đình Kình, nguyên Bí thư đảng ủy xã, 82 tuổi vào thời điểm đó.
Vụ việc xảy ra vì liên quan đến 59 héc-ta đất trong xã mà người dân nói là thuộc đất nông nghiệp của họ trong khi chính quyền địa phương lại nói đây là đất đã bàn giao cho Bộ Quốc phòng và đòi thu hồi để giao cho tập đoàn viễn thông quân đội Viettel.
Sau đó vào ngày 22/04/17, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về xã Đồng Tâm hứa giải quyết vụ việc. Người đứng đầu UBND TP Hà Nội đã có bản cam kết 3 điểm, trong đó có việc không truy cứu trách nhiệm hình sự với người dân trong sự việc hôm 15-4. Sau đó, 38 cảnh sát cơ động và cán bộ bị giữ tại nhà văn hoá thôn Hoành đã được thả ra và trở về nhà.
Lãnh đạo bất nhất - dân mất niềm tin
Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trao đổi với RFA qua tin nhắn hôm 27/8, đưa ra nhận định liên quan câu nói bôi nhọ của ông Nguyễn Đức Chung:
“Trước nay, cụ Lê Đình Kình không chỉ là người đại diện mà còn được người dân địa phương xem như một lãnh đạo tinh thần của họ trong quá trình tranh chấp đất đai xây dựng sân bay Miếu Môn giữa chính quyền và người dân.
Thế nhưng, trong cuộc họp báo mới đây, ông Nguyễn Đức Chung lại công khai điểm mặt người lãnh đạo tinh thần của dân để cho rằng cụ Kình là "đối tượng có mục tiêu lợi dụng, trục lợi để lấn chiếm đất ...", cho thấy rằng ông Chung đã chủ trương cắt mất con đường đối thoại với dân. Vì rõ ràng, bôi nhọ cá nhân người lãnh đạo của dân không phải là tín hiệu thiện chí.”
Theo Luật sư Mạnh, nếu như ông Chung buông những lời này cách đây 2 năm, trước khi xảy ra sự kiện dân bắt giữ nhân viên công lực, thì dẫu có chuộc núi vàng cũng đố ông dám bước chân vào Đồng Tâm để tiến hành cuộc thương lượng với dân. Trong cuộc thương lượng năm đó (2017), ông Chung đã lập văn bản bằng giấy trắng mực đen cam kết không truy cứu trách nhiệm đối với những người đã có hành vi bắt giữ cảnh sát cơ động và phá hủy một số công sản. Thế nhưng, sau đó ông đã phủ nhận lời cam kết của mình khi cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án nhắm vào những người dân Đồng Tâm. Ông Mạnh cho rằng, không trung tín và công khai bôi nhọ người đại diện của dân, ông Chung đang nêu một gương xấu trong giới lãnh đạo cao cấp tại Hà Nội.
Hôm 25 tháng 4 năm 2019, Thanh tra chính phủ đã công bố kết quả rà sát kết luận thanh tra đất đai Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội, và khẳng định toàn bộ khu đất ở sân bay Miếu Môn hơn 239 ha đều thuộc đất Quốc Phòng.
Thanh tra chính phủ cũng xác định khiếu nại của ông Lê Đình Kình và những người dân xã Đồng Tâm liên quan đến diện tích đất nông nghiệp 59 ha ở đồng Sênh thuộc xã Đồng Tâm là không đúng.
Kết luận này đồng thời cũng khẳng định kết luận hồi tháng 7 năm 2017 về đất đai ở Đồng Tâm do Thanh tra Hà Nội thực hiện là hoàn toàn chính xác.
Cụ thể, kết luận năm 2017 xác định toàn bộ hơn 239 héc-ta ở sân bay Miếu Môn, từ năm 1981 đến này do các đơn vị Quốc phòng quản lý và sử dụng nhưng đã buông lỏng quản lý, để người dân canh tác nông nghiệp vào khi hợp đồng hết hạn hồi năm 2012, đồng thời các đơn vị Quốc phòng chưa di dời các hộ dân sinh sống tại khu vực này trước năm 1980 để các hộ lấn chiếm, cho tặng, chuyển nhượng, xây dựng công trình trái phép…
Kết luận thanh tra cũng giao cho thành phố rồi và cái thông báo trả lời là về việc thanh tra chứ chưa phải là kết luận. Và đây là thông báo đơn phương từ phía họ thôi.<br/>-Luật sư Ngô Anh Tuấn
Luật sư Ngô Anh Tuấn, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, là luật sư đại diện cho người dân Đồng Tâm sau khi có kết luận thanh tra vào tháng tư năm 2019, đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:
“Hiện tại, với những việc trước đây thì tôi xin phép không nói vì đã có kết luận lần thứ nhất rồi. Nhưng mà mới đây giai đoạn mà chúng tôi có ký với nhân dân Đồng Tâm là chúng tôi bảo vệ cho những vấn đề có liên quan đến kết luận thanh tra. Kết luận thanh tra cũng giao cho thành phố rồi và cái thông báo trả lời là về việc thanh tra chứ chưa phải là kết luận. Và đây là thông báo đơn phương từ phía họ thôi.”
Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết, người dân Đồng Tâm bây giờ sẽ kiên trì yêu cầu đề nghị chính quyền đối thoại, trả lời rõ ràng các thông báo, công văn; Yêu cầu chính quyền trả lời chính thức bằng văn bản hoặc sẽ đối thoại với người dân. Chúng tôi yêu cầu đối thoại với người dân rất nhiều lần rồi nhưng thanh tra chính phủ vẫn im lặng và chưa có bất cứ thông tin nào.
Một người dân Đồng Tâm cho RFA biết ý kiến của mình hôm 27/8/2019:
“Người dân Đồng Tâm sẽ đấu tranh đến cùng để giữ mảnh đất do ông cha để lại. Người dân Đồng Tâm sẽ không bao giờ để cho Nguyễn Đức Chung vào để lấy đất, chúng tôi sẽ giữ mảnh đất 59 ha này đến cùng, cho dù người dân Đồng Tâm phải chết một nửa.”
Cũng tại buổi họp báo hôm 27/8/2019, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho hay hiện đang xem xét về việc sẽ đối thoại với người dân xã Đồng Tâm. Ông Thanh cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo việc này từ trước.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong thời gian tới, nếu xét thấy có vấn đề gì chưa thoả đáng và xét thấy cần thiết thì "chúng tôi mới tiếp tục về làm việc với người dân Đồng Tâm".
Cụ Lê Đình Kình nhận định:
“Ông Nguyễn Đức Chung nói thanh tra chính phủ đã về đây gặp chúng tôi, xin lỗi, chưa bao giờ gặp. Thậm chí thông qua dự thảo kết luận thanh tra và thông qua kết luận thanh tra 2346, không mời người khiếu nại tố cáo, không mời công dân xã Đồng Tâm, mà họ tự động làm việc này. Cho nên chúng tôi có nói Nguyễn Đức Chung vừa đá bóng vừa thổi còi, là vi phạm pháp luật, là vi phạm về luật khiếu nại tố cáo.”
Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, trên thực tế, kể từ khi làm việc với người dân Đồng Tâm cho đến lúc này, ông thấy người dân rất ôn hòa và làm theo pháp luật, chứ không có bất cứ động thái nào gây hấn với chính quyền, cho nên ông cho rằng, nếu chính quyền nói người dân không hợp tác là phiến diện.
Cho đến rạng sáng ngày 28/8/2019, tờ Người Lao Động đã đưa lại bài viết này lên trang chủ của mình.