Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 34/2024 quy định về phương pháp xác định chỉ tiêu dân số với nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp và một số công trình có lưu trú khác trên địa bàn thành phố này. Theo đó, nếu diện tích căn hộ từ 45 mét vuông đến 75 mét vuông tính hai người ở; căn hộ từ 70 mét vuông đến 100 mét vuông tính ba người ở.
Quy định không phù hợp thực tế
Khi thông tin trên được truyền thông nhà nước đăng tải, dư luận cho rằng quy định này không thực tế, không xét đến thu nhập và nhu cầu người dân. Có độc giả đăng bình luận nêu rằng, tính như vậy là có lợi hơn cho chủ đầu tư khi xây dựng chung cư, giải được bài toán trước đây bị khống chế số lượng dân cư. Còn thực tế ở bao nhiêu dân đâu có khống chế, nên sẽ tăng mật độ dân số hơn chứ không tránh được quá tải về mặt dân số như Quyết định số 34/2024 ban hành.
Ông Nguyễn Quanh Vinh, một người dân Hà Nội nêu quan điểm của ông với RFA:
“Vừa rồi tôi cũng tìm và mua căn hộ chung cư nên cũng biết được mô hình tiêu chuẩn ở các chung cư “cao cấp” hiện nay ở Hà Nội là như vậy. Nhưng để tiếp cận được nhu cầu mô hình căn hộ như thế này chắc chắn chỉ một phần rất nhỏ cư dân, vì giá trung bình chung cư ở nội đô Hà Nội hiện nay khá cao dao động từ 60 triệu/m2 - 80 tr/m2, ở vị trí đẹp có thể còn cao hơn nữa. Với giá cao như vậy thì số đông cư dân không có khả năng tiếp cận. Nên việc ban hành quy định này rất không phù hợp với thực tế có nghĩa là rất khó khả thi”.
Theo nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tính chung năm 2023, nguồn cung căn hộ mới chỉ đạt xấp xỉ 11.000 sản phẩm, bằng 66% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng trong quý 1/2024, toàn thị trường Hà Nội chỉ ghi nhận khoảng 3.000 căn hộ mở bán mới. Như vậy, từ nay đến năm 2025, trung bình mỗi năm, theo VARS, Hà Nội thiếu hụt khoảng 50.000 căn hộ và thị trường cũng vắng bóng hoàn toàn các căn hộ giá bình dân; số lượng căn hộ đóng góp vào thị trường mỗi năm vẫn rất ít so với nhu cầu.
Định hướng cho tương lai?
Quyết định số 34/2024/QĐ-UBND nêu rõ, phương pháp xác định dân số đối với nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp, căn hộ lưu trú… trên địa bàn thành phố Hà Nội phải đảm bảo nguyên tắc kiểm soát dân số theo chỉ tiêu đã được xác định tại quy hoạch cấp trên được phê duyệt. Đồng thời phải phù hợp với dự báo và thực tiễn phát triển dân số trên địa bàn thành phố và bảo đảm hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước.
Cùng lúc, trang web của Đài Truyền hình Việt Nam hôm 28 tháng 5 đăng kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Theo Bộ Chính trị, quy hoạch Thủ đô cần có tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội, tạo ra cơ hội mới - giá trị mới trong phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại cả trước mắt và lâu dài; Nghiên cứu dự báo, tính toán kỹ lưỡng vấn đề dân số, phù hợp với tốc độ đô thị hoá và phát triển của Thủ đô trong từng giai đoạn.
Còn ông Vũ Minh Trí, một cư dân Hà Nội cho rằng, quy định một căn hộ từ 45 mét vuông đến 75 mét vuông tính hai người ở; căn hộ từ 70 mét vuông đến 100 mét vuông tính ba người ở chỉ là định hướng cho tương lai. Ông nói:
“Họ nêu ra quy định đấy để định hướng cho việc quy hoạch đô thị. Họ tính mức độ xây dựng một khu chung cư thì có bao nhiêu căn hộ, mỗi căn hộ bao nhiêu mét vuông để ước chừng số người ở trong đấy là bao nhiêu. Từ đó xây dựng hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, chợ cho phù hợp.
Tôi cho rằng Hà Nội ra quy định này chỉ có tính định hướng chứ họ không có quy định cụ thể. Nó chỉ là chính sách để quy hoạch đô thị. Thế nhưng tại thời điểm này thì định hướng của họ không thật sự phù hợp với thực tế do điều kiện nhà cửa đang khan hiếm, nên hầu hết các căn hộ có mật độ chung cao hơn mức định hướng của UBND thành phố Hà Nội.”
Cũng theo ông Trí, trong tương lai, khi đời sống kinh tế người dân khá hơn, tầm nhìn phát triển hơn thì những quy định như thế lại phù hợp.
Theo khảo sát, hiện mật độ dân số một số quận ở Hà Nội được cho là thuộc loại cao nhất thế giới, như quận Hai Bà Trưng là 29.000 người/km2, Đống Đa gần 38.000 người/km2. Tại Hội thảo quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức ở Hà Nội tháng 11 năm ngoái, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, việc gia tăng dân số và tình trạng nhập cư khá đông vào Hà Nội tạo ra sức ép rất lớn đến hạ tầng kỹ thuật, xã hội, môi trường và chất lượng sống của người dân. Hạ tầng đô thị luôn ở tình trạng quá tải kéo theo ô nhiễm không khí trầm trọng.
Theo dự báo, dân số Hà Nội đến năm 2030 đạt khoảng 11 triệu và đến năm 2050 khoảng 14 triệu. Dân số Thành phố Hà Nội trong năm 2024 là khoảng 8,5 triệu người.