Hội nghị Trung ương 5: Có phải tình trạng ‘phe phái’ đã được giải quyết?

0:00 / 0:00

Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 5, khoá XIII vừa khai mạc hôm 4 tháng 5 năm 2022 tại Hà Nội. Ngay trước ngày khai mạc, một số báo Nhà nước đăng bài dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng chính nhờ kiểm soát quyền lực tốt, đã khắc phục tình trạng 'cua cậy càng, cá cậy vây’...

Ông Trọng nói rõ tức không còn tình trạng phe cách trong nội bộ Đảng và kiểm soát quyền lực là một nét mới trong kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thực tế ra sao? Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 4/5, nhận định:

“Nhà cầm quyền CSVN đang lấy lượng thay phẩm, tức họ lấy số mới bị bắt gần đây để nói rằng đã kiểm soát được quyền lực. Điều này là một cách tiếp cận rất sai lầm, bởi vì để kiểm soát quyền lực thì phải làm ngay từ đầu, tức là khi trao quyền. Chứ không phải là đợi đến khi các cuộc tham nhũng lan tràn, phá nát kinh tế xã hội rồi mới bắt bớ bỏ tù... đây là phép ngụy biện gọi là đảo ngược nhân quả. Thứ hai, việc khởi tố bắt giam chỉ là bề nổi, khi nhà cầm quyền CSVN không thể phớt lờ được nữa, đặc biệt là trước Hội nghị Trung ương 5. Họ muốn dùng điều này để thuyết phục người dân về tính chính danh của họ, nhưng tôi nghĩ đã thất bại vì phát ngôn kiểm soát được quyền lực là từ nội bộ của họ với nhau chứ không phải từ dân, tức không có tính khách quan.”

Do đó cái gọi là kiểm soát được quyền lực, kiểm soát được tình trạng như ông Nguyễn Phú Trọng nói là đã hết tình trạng 'cua cậy càng, cá cậy vây'... Thì tôi cho rằng nó vẫn nguyên si, chuyện tham nhũng, thanh trừng phe phái, vẫn là một cái bình rất rẻ tiền với rượu rất là nhạt nhẽo.
-Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già

Theo nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, việc bắt bớ vừa rồi dù bắt rất nhiều và mạnh tay, nhưng việc bắt bớ đó càng bộc lộ cho dư luận thấy các phe phái đang thanh trừng chính trị dưới ‘vở kịch’ chống tham nhũng. Bởi vì theo ông Nguyễn Ngọc Già, những trọc phú tại Việt Nam đã khiến dư luận nghi ngờ khi bất ngờ xuất hiện, không rõ tài năng, vốn liếng... nhưng lại được báo chí Nhà nước tung hô... và rồi lại đột ngột bị bắt vì tội danh này hay tội danh khác... nhưng đều liên quan tham nhũng. Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nói tiếp:

“Thế thì thử hỏi, nếu không có sự bảo kê, sự chống lưng từ những thế lực siêu cao nào đó, thì làm sao họ được vậy. Có nghĩa là những vị trọc phú đó họ vẫn là ’ những con cua cậy càng... những con cá cậy vây’... Do đó cái gọi là kiểm soát được quyền lực, kiểm soát được tình trạng như ông Nguyễn Phú Trọng nói là đã hết tình trạng ‘cua cậy càng, cá cậy vây’... Thì tôi cho rằng nó vẫn nguyên si, chuyện tham nhũng, thanh trừng phe phái, vẫn là một cái bình rất rẻ tiền với rượu rất là nhạt nhẽo.”

bi-thu-bt.gif
Hai cựu bí thư Bình Thuận vừa bị kỷ luật Đảng (từ trái qua): Nguyễn Mạnh Hùng, Huỳnh Văn Tí. RFA Edited.

Thời gian qua, nhiều cán bộ chủ chốt của chính quyền Việt Nam vướng vòng lao lý do hàng loạt các sai phạm trong quản lý. Sự vụ mới nhất là Chủ tịch tỉnh Bình Thuận cùng nguyên Bí thư tỉnh bị kỷ luật Đảng vì những sai phạm trong quản lý đất đai. Hay trường hợp Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Gia Lai - Huỳnh Văn Tâm vừa bị Công an tỉnh Gia Lai hôm 27/4 tống đạt quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú... vì hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Mới nhất là tin tức về cựu Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cùng 13 người khác bao gồm các cựu quan chức Y tế và Hải quan sẽ phải ra hầu toà vào ngày 12 tháng 5 tới đây trong vụ buôn bán thuốc chữa ung thư giả của Công ty VN Pharma.

Trước đó hàng loạt tướng công an, quân đội cũng bị kỷ luật hoặc khởi tố vì những sai phạm liên quan tham nhũng.

Thực tế không phải vậy, vẫn còn những phe cánh đang đấu đá, Hội nghị Trung ương tới thì việc tranh giành quyền lực trong cấp chóp bu rất kinh khủng. Ngay cả việc những người vừa bị bắt cũng là phe cánh đánh nhau, triệt tay chân của nhau... trên cơ sở chống tham nhũng.
-Nhà báo Nguyễn Vũ Bình

Trả lời RFA hôm 4/5, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, nhận định:

“Cơ chế độc tài toàn trị của Đảng CS thì cái đấy không bao giờ hết được, các phe phái xuất phát từ cơ chế này mà ra, chỉ khi chế độ này chấm dứt thì mới hết ô dù, phe phái, bè cánh... Thực tế nó như vậy, bởi vì không có bầu cử, ứng cử tự do, và có sự đấu đá ngầm trong Đảng CS để phân chia quyền lực. Ông Trọng nói vậy thôi, ổng dựa vào việc bắt một số tướng tá công an quân đội, việc bắt một số nhân vật quyền lực... Nhưng thực tế không phải vậy, vẫn còn những phe cánh đang đấu đá, Hội nghị Trung ương tới thì việc tranh giành quyền lực trong cấp chóp bu rất kinh khủng. Ngay cả việc những người vừa bị bắt cũng là phe cánh đánh nhau, triệt tay chân của nhau... trên cơ sở chống tham nhũng.”

Vì vậy theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, với cơ chế hiện tại của nhà nước cộng sản Việt Nam, thì phe phái, bè cánh hay tranh giành quyền lực là không bao giờ hết.

Một nhà quan sát không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời RFA cho rằng:

"Tôi thì không nghĩ rằng việc phân thành phe bảo thủ hay phe cải cách, rồi phe thân Trung Quốc hoặc phe cải cách là một cái khuôn khổ hợp lý để phân tích tình hình chính trị Việt Nam. Bởi đôi khi nó không phản ảnh đúng thực chất. Tuy nhiên cái việc có các phe phái thì tôi đã nói là nó luôn luôn có, kể cả việc nó gầm ghè với nhau hay thỏa hiệp thì nó là việc thường xảy ra trong Đảng CSVN hay trong các tổ chức chính trị."

Giáo sư Nguyễn Đình Cống khi trả lời RFA trước đây cho rằng, muốn kiểm soát quyền lực thì phải có tam quyền phân lập, nhưng Đảng CSVN chủ trương chống tam quyền phân lập. Vì vậy theo ông Nguyễn Đình Cống, lãnh đạo Đảng nói kiểm soát quyền lực là họ buộc phải nói vậy, chứ thực chất cách tổ chức hoạt động của Đảng không có cách gì kiểm soát quyền lực. Vì quyền lực ấy tập trung vào lãnh đạo duy nhất của Đảng.