Hoạt động kinh doanh, sản xuất có khởi sắc sau lệnh mở cửa?

0:00 / 0:00

Anh Lộc, chủ một quán ăn tại một khu đô thị mới ở Quận 8 TP HCM vào ngày 1 tháng 5 cho biết khu vực này đã tấp nập, đông đúc trở lại từ khi có lệnh được mở cửa. Quán của anh hiện đã mở cửa hoạt động bình thường trở lại:

"Mở là có khách liền. Vì thứ nhất là lâu quá họ không được ra đường, nên khi mở là họ tới rất đông. Lúc mở, thì có quán mở, quán không; quán mở thì sẽ đông. Anh chưa bán đồ ăn, chỉ bán nước nhưng vẫn như bình thường. Nếu thấy mở được, bán thì họ đã bán lại rồi. Chỉ có một số ngành, nghề vẫn còn đang cấm như giải trí, như mấy club, rạp chiếu phim vẫn chưa được hoạt động."

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Du lịch Lửa Việt, cho biết trong ngành du lịch cũng bắt đầu có tín hiệu phục hồi khả quan, tuy không nhanh như trước khi dịch bệnh bùng phát:

“Khách họ chưa mua tour nhiều, mà tự đi rất nhiều. Các công ty chỉ mới tổ chức theo nhóm, vì cho đến thời điểm này có những tỉnh họ chưa có mở cửa, ví dụ như bà Rịa Vũng Tàu họ chưa mở. Còn ở Quảng Ninh, Hạ Long thì trưa mai họ mới mở cửa. Cho nên bước đầu như vậy là tín hiệu khả quan, khách người ta đi chơi rất đông, đường về miền Tây, cửa ngỏ miền Đông ở TP HCM đều bị kẹt cứng hết. Khách ngoài biển Sầm Sơn, Thanh Hóa rất đông.

Có lẽ là do lâu nay giãn cách xã hội ở nhà, người ta cũng cuồng chân, rồi chuẩn bị tuần sau học trò sẽ vào học rồi, cho nên người ta cũng tranh thủ dịp này để cho đi chơi, giảm stress và thư giản, tìm lại năng lượng sau mấy ngày căng thẳng vì chống dịch.”

Minh họa: Khách du lịch đến Việt Nam khi dịch Covid-19 bùng phát.
Minh họa: Khách du lịch đến Việt Nam khi dịch Covid-19 bùng phát. (Reuters)

Giải thích cho việc khách chưa mua tour nhiều, ông Mỹ cho rằng đó là do lệnh cho mở cửa du lịch được ban hành chậm và sát ngày lễ lớn. Vì vậy, người dân không có thời gian để lên kế hoạch đi chơi theo tour và đã quyết định tự đi:

“Nếu mạnh dạn hơn 1 chút, thông báo trước chừng 10 ngày, nửa tháng thì chắc chắn sẽ rất đông. Nhưng vì cho tới ngày 27 tháng 4, nhà nước và các tỉnh vẫn chưa có quyết định mở hay không, cho nên các doanh nghiệp họ đề nghị là mở cửa du lịch có điều kiện, thì mới bắt đầu mở, nhưng chưa cho xe khách liên tỉnh chạy thoải mái. Gần đây nhất mới có lệnh là 30/4 mới cho chạy thoải mái, nhưng mà vì cái lệnh đó nó sát quá, cho nên chỉ có người dân người ta tự lái xe đi, hoặc người ta về quê thôi.”

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, đến thời điểm này ban chỉ đạo phòng chống dịch Việt Nam vẫn chưa công bố đã hết dịch, vì vậy hiện tại chỉ mới nới lỏng việc giãn cách xã hội ở một số nơi trong nước, chứ chưa hoàn toàn khẳng định dịch bệnh đã chấm dứt:

“Ví dụ hiện nay trong một chừng mực, ở Vũng Tàu khách lấy hết phòng, nhưng họ không được tắm biển nên họ chỉ ở trên bờ chơi thôi, trong khi các nơi khác thì họ mở cửa thêm. Cho nên chắc chắn rằng du lịch nước ngoài vẫn còn gặp khó khăn bởi vì dịch vẫn còn đang hoành hành rất dữ ở các nước châu Âu, Mỹ, cũng như Đông Nam Á, nhưng riêng Việt Nam thì tình hình tương đối là khả quan, cho nên du lịch nội địa sẽ phục hồi nhanh hơn và có thể sẽ có tín hiệu khởi sắc hơn trong thời gian sắp tới, nếu mình duy trì được không có thêm ca nhiễm.”

Ông Mỹ cho biết các doanh nghiệp trong ngành du lịch vẫn đang chờ đợi đến một thời điểm khi chính phủ Việt Nam công bố hết dịch để có thể tung ra nhiều gói khuyến mãi về du lịch. Hiện tại, những doanh nghiệp này vẫn chưa đủ tự tin để thực hiện việc này vì lo sợ nguy cơ tái bùng phát dịch có thể khiến các doanh nghiệp phải tiến hành đền bù, hoàn trả tiền cho khách hàng.

Khác với thực tế sôi động cùa ngành ăn uống, du lịch, các doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, phải tạm ngừng hoặc dừng hẳn hoạt động sản xuất vì tỉ lệ cắt giảm đơn hàng tăng cao. Chị Linh, công nhân dệt may tại công ty Yesum Vina, cho biết hiện tại mặc dù đã có lệnh mở cửa, công ty vẫn tiếp tục tiến hành ngừng hoạt động và sa thải nhân viên vào ngày 30/5 tới:

“Họ vẫn (đi theo) thông báo trước 45 ngày, là 30/5 sẽ nghỉ. Nhưng 5/5 này sẽ xem xét, không biết có đóng cửa hay không hay có trả một tháng lương cho mình không. Đó là tin em nghe phong phanh. Hết đợt dịch này vẫn đuổi công nhân vô thời hạn như bình thường. Không có đơn hàng (mới), nhưng họ vẫn đem hàng đi chỗ khác gia công. Khi nào mà hết hàng, thì họ sẽ đem đi phụ hết chỗ này đến chỗ kia. Họ chỉ để lại một số lượng hàng để cho may đến hết ngày 30/5 thôi. Trước mắt có 300,000 hàng như họ đem gia công hết rồi.”

Chị Linh cho biết, chị có hợp đồng lao động vô thời hạn với công ty Yesum Vina, nên việc các công nhân bị sa thải đã trở thành cú shock lớn cho chị và gia đình, vì chồng chị cũng làm chung công ty dệt may này:

“Nếu mà vô làm có hợp đồng (theo thời hạn) thì không nói, nhưng khi người ta có hợp đồng vô thời hạn mà thất nghiệp thì khó khăn nhiều lắm, như trong mùa dịch này thì xin việc hơi khó. Em có con nhỏ, nếu thất nghiệp sẽ không chi trả được chi phí hàng ngày của mình.”

Minh họa: Công nhân làm việc tại một công ty may mặc.
Minh họa: Công nhân làm việc tại một công ty may mặc. (Reuters)

Ngoài ra, hiện tại chị Linh vẫn chưa nhận được bất kỳ hỗ trợ nào từ công ty hay chính quyền trước thông báo bị sa thải. Chị cho biết các tổ trưởng quản lý của công ty Yesum Vina thông báo rằng khi công ty vẫn chưa nộp đơn phá sản thì chị và các công nhân của công ty này vẫn sẽ không nhân được trợ cấp nào từ nhà nước.

Anh Lộc cho biết trong thời gian bị đóng cửa, những hộ kinh doanh nào có giấy phép sẽ được hỗ trợ 1.5 triệu/tháng trong vòng 3 tháng nếu không được hoạt động trở lại bình thường. Cho đến thời điểm hiện tại, anh vẫn chưa điền đơn xin trợ cấp cho việc bị đóng cửa hoạt động trong tháng qua.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, gói hỗ trợ 250.000 tỉ dành cho doanh nghiệp đã được tiến hành:

“Gói 250.000 tỉ dành cho các doanh nghiệp cả nước cũng đã xúc tiến. Riêng về ngành du lịch, Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia có đề nghị một gói riêng là 150,000 tỉ hỗ trợ bằng cách cho vay lãi xuất thấp và một loạt biện pháp khác để cố gắng giảm khó khăn và tiếp sức thêm cho doanh nghiệp.”

Tuy nhiên, ông Mỹ cho rằng với ngân sách hạn hẹp của nhà nước Việt Nam, việc có thể hỗ trợ cao hơn cho tất cả các doanh nghiệp như những quốc gia tiên tiến là rất khó. Theo ông Mỹ, doanh nghiệp phải tự nổ lực tìm cách thoát khỏi khủng hoảng vì khó khăn này không của riêng ai. Ông Mỹ cho rằng, sự khác nhau của mỗi công ty, doanh nghiệp là tầm nhìn và sức chịu đựng.